12-09-2019 - 07:44

Mũi Lố - Nơi chưa đi đã hóa tâm hồn

Tạp chí Hồng Lĩnh số 157 giới thiệu bút ký "Mũi Lố - Nơi chưa đi đã hóa tâm hồn" của tác giả Nguyễn Ngọc Vượng

 

Tôi có dịp trở lại mũi Lố khi nắng sớm bắt đầu loang trên sóng biển cửa Sót mênh mông. Con nước bên mép bậc đường lên ngọn hải đăng dưới cửa Hố Lói đã rút ra xa, tách hẳn khỏi dãy Nam Giới, biến mũi Lố thành một “ốc đảo” biệt lập. Đúng là mũi Lố có cái gì đó rất riêng. Cái riêng của ngọn núi này là khoác lên mình vẻ đẹp nguyên sơ của rừng đảo nguyên sinh, nhưng cũng chứa đựng những điều gì đó thật bí ẩn! Đặc biệt, trên đỉnh núi tọa lạc hai ngọn hải đăng như hai mái nhà thờ của đạo Hồi vừa cổ kính vừa hiện đại, càng tôn thêm vẻ đẹp đầy quyền uy của mũi Lố.

Lần đầu tiên tôi đến mũi Lố vào năm 2014. Thời điểm đó cũng vào dịp tháng bảy, biển trời hòa chung một màu xanh ngắt như bây giờ. Vậy là vừa tròn 5 năm không hơn, không kém, tôi chợt nhớ rằng ngày ấy mình cũng tham gia trại sáng tác VHNT tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Thạch Bằng, huyện Lộc Hà và đã đi thực tế tại mũi Lố nhưng chỉ theo dạng “cưỡi ngựa xem hoa”.

Hóa ra mình còn nợ ốc đảo này quá nhiều, ít nhất là nợ một vài câu thơ. Nhưng mình lại trở thành kẻ vô tình, luẩn quẩn với cơm áo đời thường và nhiều lí do khác chưa trả được. Hiện diện trước mắt tôi lúc này là mũi Lố chỉ sau hơn 30 phút đi xuồng ca nô theo đường biển của Trạm Biên phòng Cửa Sót, do thượng úy Hồ Văn Ánh, người có thâm niên trong nghề “bẻ lái” trên vùng biển quen thuộc này điều khiển, chở tôi từ bến cảng cá Thạch Kim sang. Theo Ánh thì luồng lạch cửa Sót càng ngày càng bị bồi lấp nhanh. Nếu không nắm rõ được quy luật của con nước và tường tận các luồng lạch thì các loại tàu, thuyền ra vào rất khó khăn. Những lúc thiên tai bão tố xảy ra, biển động, sóng dữ... ngoài nhiệm vụ kêu gọi tàu, thuyền vào bờ, nhiều lần Ánh còn mạo hiểm lái ca nô ra tận ngoài khơi, lệnh cho cho những ngư dân dám đánh cược số phận của họ với những canh bạc đỏ đen nghề cá trước khi bão đến, đưa tàu thuyền vào tập kết tại bến cảng an toàn.

Ánh là người thông thạo nghề sông nước. Nhưng trên hết là anh rất yêu nghiệp lính quân hàm xanh của mình. Anh luôn xung phong đi đầu khi được giao trọng trách lớn cùng với anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn; bám biển, tuần tra kiểm soát và hướng dẫn các phương tiện tàu, thuyền qua lại cửa sông, cửa lạch, nhưng cũng tất nghiêm khắc với các đối tượng hoạt động khai thác hải sản trái phép trên biển như sử dụng thuốc nổ, xung điện (giã cào)... đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia phòng chống buôn lậu và các hoạt động khác của bọn tội phạm trên biển, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo...Vì thế, mặc dù nơi đóng quân chỉ cách nhà chưa đầy chục km, vậy mà có những lúc cả nhiều tháng trời Ánh vẫn không dành được chút thời gian về thăm vợ con.

Không cần phải đợi lâu, khi chiếc xuồng vừa được Ánh cho tắt máy neo lại bên mép Hố Lói, tôi đã nhanh chóng hình dung ra hơn 300 bậc đá cheo leo cần phải vượt qua để lên đến ngọn hải đăng với mái dốc gần như thẳng đứng, như đường lên đỉnh chùa Hương trên dãy núi Hồng Lĩnh. Tôi cũng kịp xác lập được bài toán định vị, lên đến chặng nào thì cần phải ngồi lại dưới bậc đá nghỉ ngơi một lát để hít thở không khí trong lành, uống một ngụm nước lọc cho đã khát, rồi ung dung tự tại rút điện thoại di động ra mà tự sướng vài kiểu ảnh cất làm kỉ niệm.

Có lẽ mũi Lố là địa danh duy nhất trên thế giới không bị can thiệp của thời gian vật lí. Bởi tôi có cảm giác 5 năm qua, ốc đảo này vẫn chẳng có sự thay đổi gì, ngoài những con nước thủy triều đều đặn lên xuống bên mép sóng. Và thật kì lạ hơn, khi tôi vừa lội lên bờ thì vẫn con chó trắng ngày ấy như kẻ “chủ rừng” đầu tiên chạy ra hôn lên chân tôi, sủa oang oang như báo hiệu rằng, mũi Lố chính là chốn bình yên nhất trên trái đất đang dang rộng vòng tay đón một vị khách đặc biệt từ thế giới xa lạ trở về.

Mũi Lố với diện tích chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 01km, được phủ xanh bởi thảm thực vật đa dạng, là nơi cư trú hết sức lí tưởng của nhiều loài rắn độc nhiệt đới, đặc biệt là rắn lục xanh, nhưng xưa nay rất ít khi nghe đến rắn độc ở đây cắn người trừ khi nó bị tấn công trước.

Không những vậy, mũi Lố chính là một phần của hòn Nam Giới nằm trong vùng ảnh hưởng địa chất của mỏ sắt Thạch Khê, có tính chất địa lí, địa hình và tiểu khí hậu đặc thù nên mùa mưa bão thường hay bị sét đánh. Gần đây nhất là vào ngày 30, tháng Tư, năm 2019, trước khi xảy ra một trận tố lốc, lưỡi tầm sét đã đánh trúng vào giàn đèn chính của hải đăng khiến giàn đèn này bị hư hỏng toàn bộ. Cũng tại thời điểm đó sét đánh vào căn nhà điều hành, đồng thời là nơi ăn, ở, sinh hoạt của anh em cán bộ quản lí Trạm hải đăng làm hỏng chiếc ti vi và tủ lạnh duy nhất có được của đơn vị. Tuy nhiên, với tính chất công việc, ngay sau khi sự cố xảy ra anh em vị đã kịp thay thế giàn đèn dự phòng, đảm bảo nhiệm vụ hoa tiêu, trước khi thông báo cho Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải, Bộ giao thông vận tải vào sửa chữa, lắp ráp lại toàn bộ hệ thống tín hiệu.

Bình minh ở Mũi Lố

Đúng là mũi Lố có sự khác biệt về vẻ đẹp hấp dẫn như loài hoa lá ngón, hay còn được gọi là “vẻ đẹp chết người”, tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy, nên từ xưa tới nay không có ai dám đến đây lập nghiệp. Hiện trên mũi Lố chỉ có 5 cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý tại Trạm hải đăng, và người bạn thân thiết của họ chính là con chó trắng nay cũng đã quá già yếu, mà tôi tự đặt tên cho nó là vị “chúa đảo”.

Ở mũi Lố đến mùa mưa thì mưa như trút, nhưng vào mùa nắng thì khô hạn không có lấy một giọt nước. Mặc dù Trạm hải đăng đã xây dựng được bể chứa nước mưa với dung tích hàng chục khối nước, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của anh em, nên phải mua thêm từng can nước ngọt của người dân chở theo thuyền sang bán. Bởi vậy, theo quy định bất thành văn trong đơn vị là vào mùa nắng mỗi người chỉ được tắm nhiều nhất 1 lần/ ngày, mỗi lần tắm không được sử dụng quá 10 lít nước. Cứ 2 đến 3 lần tắm xong, quần áo được dồn lại một đống mới đem ra giặt. Nước giặt cũng hết sức tiết kiệm và phải tuyệt đối không bỏ phí, mà dùng nước thải của nó để tưới rau.

Tiếp tôi trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng không có đồ vật gì có giá trị ngoài dãy bàn gỗ mộc thô sơ, và một chiếc ti vi, một chiếc tủ lạnh bị sét đánh hỏng chưa được thay thế. Bên cạnh là một dãy phòng ngủ gồm 05 chiếc giường đơn như giường dã chiến trong lán trại bộ đội. Sau cùng là góc bếp sơ sài với vài chiếc song, nồi treo quanh tường. Anh Nguyễn Đình Dũng - Trạm phó Trạm hải đăng chia sẻ: Từ mũi Lố muốn vào đất liền phải đi qua Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên, thông qua một chiếc cầu nhỏ mới được xây dựng sau này. Các phương tiện đi lại như xe máy, xe đạp phải gửi lại ở bên đó nên hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của Ban quản lí Khu du lịch. Muốn đi chợ để mua sắm lương thực, thực phẩm, thuốc thang và các đồ dùng cần thiết khác, gần nhất là chợ Thạch Đỉnh cũng phải đi mất gần 10 km mới tới. Nhưng đó là những ngày bình thường, còn nếu khi trời có mưa to, gió lớn thì việc đi lại hết sức khó khăn.

Nhớ lại cơn tố lốc kinh hoàng xảy ra từ tháng 8 năm 2018, anh Dũng chỉ tay về phía mép sóng cửa Hố Lói dưới chân mũi Lố cho biết: Vào thời điểm đó, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn, do những ngày trước thời tiết xấu không thể đi chợ để mua sắm thực phẩm; bữa ăn của anh em chỉ có cơm chan với nước mắm và muối rang; đêm về gió cứ thốc lên tứ phía lạnh đến mức không tài nào ngủ được. Đang trong lúc như thế, bỗng nghe tiếng con chó sủa oang oang. Thấy có dấu hiệu bất thường, anh em vội chạy ra thì phát hiện thấy một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân đang mắc nạn bị sóng đánh đứt dây neo, trôi dạt tự do dưới cửa Hố Lói. Trước tình huống đó 05 anh em trong đơn vị đã quàng tay nhau, dắt theo phao lao xuống biển, cứu sống những người trên thuyền đưa lên trạm.

Những câu chuyện như vậy có vẻ như rất bình thường đối với anh em cán bộ nhân viên Trạm hải đăng Cửa Sót. Anh Dũng nay đã 50 tuổi, người từng gắn bó nhiều năm với công việc của mình trên ốc đảo mũi Lố này. Có khi cả nhiều tháng trời liên tục anh vẫn không tài nào có điều kiện được về nhà thăm vợ con và gia đình. Trong lúc đó theo tôi được biết thì gia đình anh ở xa tận xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) và có hoàn cảnh rất vất vả. Vợ anh làm nghề giáo viên trường làng. Ngoài giờ đứng lớp, một mình chị ở nhà còn phải chăm sóc 3 đứa con đang tuổi ăn học. Đặc biệt, chị còn phải chăm sóc bố chồng bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối và mẹ chồng bị bệnh tiểu đường nặng.

Tương tự anh Dũng, anh Hà Anh Tuấn - Trạm trưởng (46 tuổi) cũng có thâm niên nhiều năm trong nghề gắn bó với mũi Lố. Nhà anh ở tận thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có bố bị bệnh tai biến nằm liệt giường một chỗ. Trong lúc đó vợ anh đang làm cán bộ địa phương công việc bận rộn suốt ngày. Phải năm lần, bảy lượt... chờ mãi dịp này anh mới cắt được phép về thăm vợ con và chăm cha.

Dù thế nào đi chăng nữa thì mũi Lố vẫn được coi là “tai mắt” của cửa Sót và cả một vùng bãi ngang rộng lớn từ huyện Thạch Hà, Lộc Hà đến Nghi Xuân, với vị trí hết sức đắc địa. Bởi chỉ cần trèo lên ngọn tháp hải đăng vào những ngày nắng đẹp, bằng mắt thường chúng ta cũng có thể dễ dàng quan sát thấy những chiếc tàu đánh cá nhỏ li ti bằng hạt đậu cách xa đến chín, mười hải lí, và thấy rõ tất thảy mọi hoạt động giữa vùng biển trời mênh mông.

Chính nhờ những lợi thế đó nên từ xưa thực dân Pháp đã cho trồng cột hải đăng, treo đèn bão lên để làm hoa tiêu hàng hải, phục vụ cho chính sách cai trị của chúng. Sau khi quay lại đánh chiếm đất nước ta lần thứ 2 (giai đoạn 1945- 1954), vào ngày 7, tháng 4, năm 1952, một trung đội lính thủy đánh bộ của thực dân Pháp đã đổ bộ lên mũi Lố, nhưng bị dân quân xóm Bắc Tường, xã Liên Anh phát hiện kịp thời đánh kẻng báo động. Ngay lập tức lực lượng dân quân du kích xã Liên Anh hồi đó, gồm các xã: Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Khê và Thạch Hải ngày nay nhanh chóng triển khai lực lượng đánh bật ra khỏi biển.

Đến năm 1953, nhờ sự tiếp tay của bọn phản động nội gián, một lần nữa 01 đại đội lính thủy đánh bộ khác của thực dân Pháp lại neo tàu ngoài mũi Lố, thả xuồng đổ bộ vào đất liền đánh chiếm cửa Sót nhưng bị dân quân du kích xã Nam Bình, nay là các xã Thạch Kim và Thạch Bằng tiếp tục đánh bật ra biển, khiến chúng phải rút lui khỏi mũi Lố bỏ chạy.

Trong lịch sử, mũi Lố cũng chính là nơi tiền tiêu của các tập đoàn phong kiến. Nếu thế lực nào giành được mũi Lố coi như làm chủ được thế trận trên biển. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến năm 1974 sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Trạm hải đăng Cửa Sót bắt đầu được xây dựng trên đỉnh mũi Lố theo hình chóp tròn, với chiều cao 70 mét, đèn hiệu được thắp bằng dầu. Tuy nhiên, tàu thuyền từ ngoài khơi xa vẫn có thể nhận rõ được tín hiệu. Bởi vậy, ngoài việc hỗ trợ hàng hải, sự ra đời của ngọn hải đăng này đã tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ đối với nghề đánh bắt hải sản của bà con ngư dân trong vùng.

Chỉ tính riêng các làng nghề đánh bắt: Thạch Kim, Thạch Bằng và Cương Gián... từ chỗ mỗi xã chỉ có vài chục chiếc thuyền chèo tay, đánh bắt luẩn quẩn trong bờ, sau khi có trạm hải đăng trên mũi Lố, các làng nghề này đã nhanh chóng đóng thêm hàng trăm tàu thuyền gắn máy có công suất lớn, mạnh dạn đua nhau ra khơi xa hoạt động, đem lai hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đó, mà vẫn đảm bảo an toàn mỗi khi thời tiết thay đổi bất thường.

Anh Nguyễn Văn Vinh nay đã vào độ tuổi lục tuần từng làm nghề biển từ năm 16 mới tuổi, hiện sinh sống tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tâm sự: Ngày xưa phương tiện đi biển chỉ có một chiếc đài radio để nghe thông báo thời tiết, nên người đi biển nhất thiết phải theo dõi thường xuyên tín hiệu của hải đăng, để xác định ngư trường và phương hướng khi có thời tiết xấu xảy ra. 

Có lần thuyền của anh đang đánh bắt cá mu, cá nục cách bờ khoảng 20 hải lí bất ngờ nghe đài báo bão khẩn cấp. Anh em trên thuyền vội thu lưới nhắm theo tín hiệu của Trạm hải đăng Cửa Sót cho thuyền chạy vào bờ hết công suất. Tuy nhiên, bất ngờ thuyền bị chết máy, anh cùng các ngư dân khác trên thuyền thay nhau chèo tay. Nhưng sức người chẳng thấm vào đâu khi mưa lớn kèm theo gió to dồn dập bủa vây họ. Mọi người vừa mặc áo mưa chống lạnh, vừa phải nằm sấp xuống thuyền ngước đầu lên nhìn vào tín hiệu hải đăng, hai tay úp xuống khoát chèo bằng kinh nghiệm cho thuyền chạy theo từng lát sóng. Rất may là khi thuyền vừa kịp vào tới nơi trú ẩn thì bão tố bắt đầu ập đến. Theo anh Vinh thì đó không phải lần đầu, mà trong đời làm nghề đánh bắt cá, anh và những đồng nghiệp khác của anh đã nhiều lần bước ra từ cõi chết nếu không kịp thời nhận được những “tín hiệu sống” được phát từ ngọn hải đăng trên đỉnh mũi Lố kia. 

Đặc biệt, vào năm 2000, Tổng cục hàng hải đã cho xây mới lại ngọn tháp hải đăng Cửa Sót trên mũi Lố theo hình khối chữ nhật thẳng đứng với chiều cao 90,2 mét, được lắp đặt hệ thống tín hiệu tiên tiến bằng công nghệ của Tây Ban Nha với tầm phát xa hơn 19 hải lí. Đặc điểm tín hiệu phát ra của Trạm hải đăng Cửa Sót có chu kì chớp tắt trong vòng 6 giây. Trong đó, chớp trắng 2 chớp 1 lần, tắt 2 chớp xong bắt đầu chớp- tắt- chớp. Tắt dài 4,05 giây- chớp 0,05 giây- tắt 0,9 giây- chớp 0,05 giây, tắt 4,9 giây. Đó là quy ước của ngành hàng hải cho tàu thuyền nhận biết đang hoạt động tại vùng biển Hà Tĩnh và định hướng được khu vực cửa Sót.

Với quy trình vận hành của Trạm hải đăng được thiết lập theo trình tự trên tưởng chừng đơn giản, nhưng để đảm bảo được công tác, quản lí, vận hành và bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị máy móc đảm bảo độ chính xác tuyệt đối và thường xuyên liên tục lại không hề đơn giản một chút nào. Vậy nhưng, những “người hùng” trên ốc đảo mũi Lố vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc, đảm bảo an toàn hàng hải, đem lại niềm tin tuyệt đối cho người đi biển.

Trước khi chia tay tôi ra về, anh Dũng vui vẻ nói với tôi rằng, vì sự bình yên của người đi biển dù khó khăn mấy anh em trong đơn vị cũng sẵn sàng vượt qua. Chỉ mong sao đơn vị sắm được một bộ giàn Karaoke để động viên tinh thần cho anh em được hát cho đỡ buồn!

Rời mũi Lố khi mặt trời đã nằm trên đỉnh đầu, nhưng có lẽ chiếc bóng lẻ của tôi đang hắt về phía “ốc đảo”. Một lần nữa con chó trắng lại quấn lấy chân tôi sủa oang oang chạy theo ra tận mép nước tiễn tôi xuống xuồng. Ở đó thượng úy Hồ Văn Ánh đang đợi sẵn trên ca nô. Như hiểu được ý tôi, Ánh bẻ lái cho xuồng chạy một vòng quanh múi Lố, rồi bắt đầu chém từng lát sóng cửa Sót đưa tôi về bờ.

                                                                                                         N.N.V

 

. . . . .
Loading the player...