30-01-2020 - 14:26

MỘT GÓC NHÌN VĂN XUÔI HÀ TĨNH

 

            Sự đổi mới chung  trong lĩnh vực văn - học nghệ thuật, bắt đầu từ cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ về con người và hiện thực của từng tác giả. Ở Hà Tĩnh, loại hình tự sự dần đi vào quỹ đạo đổi mới, tuy vẫn ít ỏi và dụt dè , đa phần diễn ra ở các cây bút viết truyện ngắn. Trên những trang viết của mình, các nhà văn bước đầu bộc lộ những  cá tính sáng tạo  không trượt theo lối mòn cũ. Đằng sau những con chữ của họ, người đọc thấy một thế giới đa chiều đang vận động và biến đổi. Bạn đọc trân trọng những tìm tòi của các tác giả. Trên bước đường trưởng thành không ai có thể quên những  những lời nhắc nhủ của người đi trước: Để xây dựng được những tác phẩm thực sự xuất sắc, người nghệ sĩ phải tắm mình trong không khí của thời đại, học tập truyền thống văn học và văn hóa dân tộc.

Trong nhu cầu tìm tòi đổi mới lối viết để hội nhập văn chương cả nước, nhiều tác giả tìm gặp được những quan niệm nghệ thuật thích hợp không chỉ ở một lý thuyết nhất định mà ở nhiều lý thuyết thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Có thể là tự giác, các tác giả sáng tác có chủ đích, có nghiên cứu, khi xử dụng một số thủ pháp nghệ thuật nào đấy, nhưng cũng có thể là tự phát do ảnh hưởng gián tiếp qua khí quyển đời sống văn hoá cộng đồng trong thời kỳ hội nhập các thủ pháp nghệ thuật mới đã thẩm thấu tự nhiên vào tác phẩm dưới dạng một vài yếu tố.

Truyền thống văn xuôi Hà Tĩnh không được đầy đặn như Thơ. Trên văn đàn, công chúng hiển nhiên thấy rất nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm không còn viết như trước, tuy nhiên so với các chủ thuyết mà các tác giả Việt Nam tiếp cận trước đây như Chủ nghĩa hiện thực phê phán, Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì quả thật những vấn đề mới mẻ được đặt ra thâm nhập vào sáng tạo của các tác giả đương đại chỉ như một tâm thức văn hoá, nó chưa định hình thành những quy chuẩn nghệ thuật để có thể từ đó rút ra những định đề khu biệt với  lý thuyết sáng tác thời kỳ trước. Dẫu vậy các độc giả có kinh nghiệm vẫn nhận chân được những điều nổi bật về sự đổi mới ở các tác phẩm cụ thể. Tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại vẫn nằm trong quỹ đạo phản ánh hiện thực nhưng có đổi mới so với truyền thống. Đó là sự phản ánh từ hiện thực “cần có” sang hiện thực “đang có”, các tác giả văn xuôi tiêu biểu nắm bắt điều đó, bước đầu có những thành công  đáng kể.

 Điều nổi bật trước tiên trong các tác phẩm theo khuynh hướng mới là sự đổi thay đáng kể về cách nhìn hiện thực và con người. Hiện thực có nhiều thay đổi đa dạng và cũng phức tạp hơn, con mắt nhìn của nhà văn cũng không giữ nguyên nếp cũ, thay lối cảm nhận ấn tượng một chiều bằng lối cảm nhận biện chứng về sự đổi thay của những trật tự, sự đảo lộn các thang bảng giá trị đời sống, cả sự khủng hoảng niềm tin và tình trạng bất an của con người trước những biến chuyển thời cuộc cũng như sự lộng hành của cái ác. Trong thế giới đó con người không là một hiện hữu “lập trình sẵn” mà chứa nhiều nghịch lý, nhiều mâu thuẫn, xung đột.

                Có thể nói, đội ngũ các cây bút văn  xuôi  Hà Tĩnh đương đại đã có nhiều cố gắng tạo một hương sắc riêng. Với nhiệt tình hăm hở đi tìm một bản sắc của chính mình, ngay từ khi hiện diện trên văn đàn họ không ngừng trau dồi kiến thức, vốn sống và năng lực sáng tạo. Chính nhờ vậy có nhiều tác giả được giảỉ cao trong các cuộc thi quốc gia và không ít tác phẩm được bạn đọc khắp nước ưa thích. Tuy nhiên, không tránh khỏi ở một số  tác  phẩm, người đọc vẫn bắt gặp sự lặp lại, đôi khi dễ dãi, trong lối cảm, lối viết đã thành quen thuộc  một thời kỳ dài. Có nhiều tác phẩm , tính triết lý của chủ đề không cao, không sâu sắc, đôi khi sa vào việc ngợi ca một cách hời hợt; tâm trạng nhân vật không rõ nét hoặc giả tạo lắp ghép một cách khiên cưỡng; ngôn ngữ nếu không “lãng mạn” hoá thì cũng có vẻ “anh hùng ca” mà không sinh động như đời thực đang diễn ra. Nhìn chung văn xuôi  Hà Tĩnh không đi vão ngõ cụt của các luận thuyết “sám hối” hay “ tự vấn” , nhưng sự tiếp cận cái mới vẫn còn “khiêm tốn”. Phải chăng vì đội ngũ mỏng, thiếu một ngọn cờ tiên phong dẫn lối, hay vì một sự dàn trải chia đều trong sự đầu tư, hoặc vì thói quen “ăn xổi” ưa tìm những lối dễ mà đi trong từng chủ thể sáng tạo?...

                 Trong bức tranh chung  của văn học Hà Tĩnh từ những năm tám mươi lại nay, văn xuôi khá nổi trội với một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Đức Ban: Giọt nước mắt màu đất , Phan Trung Hiếu: Ngôi nhà không có cầu thang,  Đặng Thanh Quê: Nhà thờ tướng công, Trần Đắc Túc: Chơi dao , Phan Tấn Linh:  Chuyện hàng phố,  Phan Cao Toại: Người giúp việc, Tống Phù Sa: Vòng xoáy, Trần Quỳnh Nga: Bí đỏ, Hà Lê: Nước mắt tôm, Rừng goá , Vương Khả Sơn:  Ký ức chiến tranh ,Trần Hậu Thịnh: Cái sự đời, Nguyễn Trung Tuyến: Tiết bụt sinh, Trần Hải Vân: Chuyến tàu mùa thu, Trần Tú Ngọc: Ngụ ngôn tháng tư vv.

Hai nữ tác giả Trần Hải Vân, Trần Tú Ngọc nhận giải B, C  Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2019 cho hai tập truyện ngắn" Chuyến tàu mùa thu" và " Ngụ ngôn tháng Tư"

         Truyện ngắn Hà Tĩnh đã góp phần làm nên sự đa dạng của loại hình văn xuôi nghệ thuật bằng khả năng miêu tả và phân tích nhạy bén cuộc sống cũng như thế giới nội tâm nhân vật. Truyện của họ không có cốt truyện ly kỳ, không có những biến cố, sự kiện đáng kể, cũng không có những xung đột ghê gớm. Nhưng đằng sau những  bức tranh bình thường lẩy ra từ cuộc sống muôn màu vẻ lại ẩn chứa nhiều gợi ý có sức lay động sâu xa đến tâm can người đọc. Có tác giả xây dựng cốt truyện theo dòng tâm trạng nhân vật, có tác giả thử khai thác cả những mảng màu vô thức hư ả , có người lại học theo lối kể của văn học dân gian... Nhờ những mạnh dạn tìm tòi tác phẩm  khai thác, khám phá được nhiều mặt, nhiều lớp của hiện thực và chiều sâu nội tâm nhân vật. Bút pháp  tự sự - trữ tình trong cấu trúc truyện ngắn, chất dân dã được thể hiên qua những chi tiết hư ảo có tính liêu trai..., lối viết tự do, thô ráp, hiện đại mà không kém phần tinh tế, giàu  ấn tượng, ưa sử dụng  chất liệu ngôn ngữ  đời thường... Đó là những gì thường gặp trong văn xuôi Hà Tĩnh thời kỳ đổi mới.

               Có thể nhắc đến một số cây bút chủ lực địa phương, có nhiều thành công nhiều ảnh hưởng  trong văn xuôi Hà Tĩnh thời đổi mới.

               Đức Ban, cây bút đầu đàn của văn xuôi Hà Tĩnh, anh thử thách với nhiều thể tàì khác nhau, tỏ rõ sự vững vàng tay nghề, đa dạng phong phú trong xử lý chất liệu hiện thực.Viết về đề tài nào, ngòi bút Đức Ban cũng biết lẩy ra vấn đề từ những sự việc hàng ngày tưởng như bằng lặng mà hoá ra có sức nổi sóng, tạo được tình huống trong kết cấu tác phẩm. Đằng sau sự việc và hành động của nhân vật, Đức Ban thưòng đi sâu khơi gợi những khía cạnh khác nhau của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện tại, thường là những khía cạnh rất nhỏ, rất riêng, rất dễ bỏ qua nhưng lại rất quyết định đến tính cách của nhân vật (Sông nướ , Mồng mười tháng tám). Bẵng đi một thời gian vì đảm đương công việc hành chánh, sau 2008,  anh viết lại, ngòi bút vẫn sung sức, tiếp cận nhanh với hiện thực mới, cách nhìn thế giới đa dạng và sắc nét hơn (Bến Sông Duềnh, Giọt nước mắt màu đất). Điều đáng nói, nhà văn Đức Ban là người rất có ý thức đổi mới cách viết, tiến kịp vào quỹ đạo văn xuôi cả nước. Những tác phẩm về sau cuả anh kết hợp  được bút pháp tả thực truyền thống với những yếu tố kỳ ảo ước lệ của thi pháp tiểu thuyết hiện đại nên tác phẩm đa dạng, gợi nhiều cảm hứng cho độc giả.

                Với  Phan Trung Hiếu, truyện, ký của anh kết hợp được cái khoẻ khoắn cái bộn bề của làng nghề quê hương với những ấn tượng lịch sử cũng như tình cảm riêng tư. Giàu chi tiết nhưng khá trữ tình. Một số truyện ngắn kết hợp được chất huyền ảo với đời thực, những nghịch lý đời sống đương đại được khai thác  mạnh dạn. Các tác phẩm Ngày lễ thánh, Đêm mù sương, Nẻo về,  đã có sự chọn lọc chi tiết, khắc họa chiều sâu tính cách nhân vât, ngôn ngữ đời thường nhuần nhị, có dáng dấp hiện đại. Truyện thiếu nhi của anh khá hấp dẫn vì những đề tài gần với tuổi hoa, nghệ thuất dí dỏm sinh động, giàu hình ảnh biểu tượng.

                 Một cây bút khác xuất hiện ít nhưng những truyện ngắn của anh lại giàu kịch tính và đậm đà màu sắc dân gian, đó là Trần Đắc Túc (Hoa lác bẹ màu tím, Rượu đắng, Cửa ngoài không khoá). Đọc anh ta bắt gặp những thân phận không như ý , những nghịch lý xốn xang, những vấn đề nóng bỏng đang xẩy ra hàng ngày nhưng nhiều khi ta không thấy được cái ý nghĩa chìm sâu. Những con người ở đồng quê anh sống, ở cơ quan anh công tác , chỉ gạt bỏ thêm, bớt chút ít phút trở thành những nhân vật cực kỳ sinh động. Phải chăng đó là nhờ cái ngón nghề đạo diễn phim thường trực mà anh tích lũy, nay chuyển dịch sang sử dụng ở văn chương. “Chơi dao” là một truyện ngắn  được độc giả đánh giá cao , in đậm những nét riêng  của ngòi bút này. Nó vừa hóm hỉnh, vừa tinh tề,  gần gũi với mọi người .Truyện ẩn chứa một triết lý dân gian sâu sắc: Chơi dao thì có ngày đứt tay, cũng có thể nói một cách khac không kém phần dung dị: Gây ông lại đập lưng ông! Sức hấp dẫn của truyện còn ở ngôn ngữ giàu tính dân gian, ở chất “ huy -mua “ của các tình tiêt .

            Quỳnh Nga với tập truyện ngắn đầu tay “Bí đỏ” được giải thưởng Hội LHVHNT VN 2009, là một dấu hiệu tự khẳng định. Những mảng đời gần gũi bình thường được tác giả ghi lại một cách chân thật hồn nhiên. Tình cảm sâu lắng đầy nữ tính lồng vào một bút pháp pha lẫn giữa truyện và ký, được thể hiện bằng một lối văn mềm mại, Bí đỏ như một lời tâm sự cuả một người trong cuộc với những người bạn , mở ra một chân trời mới mẻ ngơ ngác mà tế nhị, thoáng  một chút phân vân rồi khẳng định, tin tưởng đi tiếp.

         Nguyễn Ngọc Vượng, cây bút viết ký nhanh nhậy và tài hoa. Anh gắn bó nhiều vùng đất, ngành nghề Hà Tĩnh, đã có nhiều bài ký thể hiện sâu sắc vẻ đẹp cuộc sống, cũng như tâm hồn con người Hà Tĩnh . Ký của anh trường liên tưởng khá rông về cả lịch sử cũng như không gian đất nước khơi gợi óc tưởng tượng, tạo được sự thích thú cho độc giả.

           Tác giả Vương Khả Sơn với tác phẩm đầu tay Ký ức chiến tranh cũng gây được sự chú ý của độc giả. Tập ký ghi lại những năm tháng chién tranh của một thế hệ thanh niên trí thức, đã hiến dâng tuổi trẻ cho lý tưởng cao cả. Tính chất chân thật các sự kiện và màu sắc dân dã của bút pháp  giúp cho tác phẩm tiếp cận cộng đồng nhanh chóng không chỉ ở Hà Tĩnh mà khắp cả nước.

      Cây  bút Nguyễn Trung Tuyến mới xuất hiện mươi năm nay nhưng khẳng định được một nét riềng, tác phẩm bộn bề sự kiện, chân thật mà sắc nét, gắn bó mảnh đất KAnh giàu truyền thống. Bằng một lối văn chân thật nhưng không kém phần sâu lắng với hai mươi truyện ngắn chắt lọc trong Tiết bụt sinh (Giải thưởng Hội LHVHNT2018), tác giả đã đưa đến cho độc giả một bức tranh sinh động về quê hương và những con người thân thương . Cách viết truyền thống kết hợp bút pháp hiện thực và những chi tiết hư ảo tâm linh ở nhiều truyện tạo thích thú cho người đọc.
         Kể trên là một sô cây bút chủ lực về văn xuôi Hà Tĩnh, sau các anh là một đội ngũ đông đảo khá hưá hẹn: Lê Văn Vỵ, Hà Lê, Phan Thế Dũng Toàn, Tống Phù Sa, Trần Hậu Thịnh, Nguyễn Xuân Diệu , Nguyễn Tất Thuỷ, Trần Hải Vân, Đặng Thanh Quê,  Trần Tú Ngọc... Một hiện thực rậm rạp sôi động được phản ánh trong tác phẩm các anh, chị, từ những  dư ba đời sống chiến tranh , đến những mâu thuẩn nhân sinh trong cơ chế thị trường, từ những nghịch lý nông thôn đến sự tha hoá thành thị..., các anh chị khai thác với góc nhìn mới, kỹ thuật mới, tạo được nhiều ấn tượng trong lòng độc giả. Một hưá hẹn của văn xuôi quê hương vẫn đang chờ các tác giả phia trước.

 

Hà Quảng

 

. . . . .
Loading the player...