06-05-2020 - 06:08

Mãi mãi mang ơn một vùng quê

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập và Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh khóa X nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tạp chí Hồng Lĩnh số 164 trân trọng giới thiệu bài viết “Mãi mãi mang ơn một vùng quê” của Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng.

 

Sau cái ngày tách tỉnh Nghệ - Tĩnh năm 1991 ấy, một bộ phận cán bộ, nhân viên Hội VHNT tỉnh nhận nhiệm vụ trở vào Thị xã Hà Tĩnh bấy giờ còn heo hút lắm, để gây dựng lại Hội cùng phong trào văn nghệ. Các anh Xuân Hoài (đã mất), Đức Ban là những trụ cột, phải đi tiên phong mặc dầu nhà cửa, vợ con, sách vở, quan hệ công việc đang yên hàn cả ở Thành phố Vinh. Khoảng hơn một năm sau, hai anh Xuân Hoài (Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Linh) và Đức Ban (Phó Chủ tịch Hội, sau khi anh Xuân Hoài sang làm Giám đốc Sở VH-TT Hà Tĩnh, anh là Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Hồng Lĩnh) chuyển hẳn gia đình vào Thị xã Hà Tĩnh. Cái bếp ăn do cháu Hà phụ trách phục vụ năm sáu anh em trong cơ quan thời gian đầu đành giải thể. Thế là, mấy người xa nhà như anh Nguyễn Lương Phán lái xe, tôi, anh Phan Trung Hiếu, anh Sỹ Châu (đã mất), sau bổ sung thêm anh Lê Duy Văn, anh Võ Minh Châu, anh Phạm Việt Thư đều phải tranh thủ lo thêm chợ búa, xì xụp nấu ăn ngoài công việc cơ quan Hội giao. Bộ phận tài vụ, kế toán có chị Chiến quê Quảng Bình, chị Tâm văn thư, đánh máy. Quân số không nhiều, bù lại tình cảm quan tâm, qua lại, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn, thiếu thốn, cách trở thì chẳng khác gì người cùng một nhà!

Mấy năm đầu, tôi nhớ, các anh - kể cả anh lái xe, vẫn cứ phải đi về mỗi tuần, cảnh cơm niêu nước lọ tạm bợ vất vả thật, nhưng trong cái vất vả phiêu bạt này tôi đọc được một điều gì rất lớn, rất hấp dẫn, và có ý nghĩa không nhỏ đối với một vùng quê nhiều tiềm năng văn hóa, văn học - nghệ thuật chưa được đánh thức bao nhiêu. Hấp dẫn đến nỗi đang giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Vinh đã hơn 13 năm, hai lần khăn gói ra Hà Nội tìm thầy hướng dẫn làm luận án Phó Tiến sỹ (tìm như thật, thực ra là nhà nghèo quá, có cố làm cũng lắm trầy trật). Vậy mà theo lời mời gọi của các anh ấy, nói đúng hơn là của những đam mê mình trót đeo đuổi, tôi lặng lẽ hoàn tất thủ tục chuyển hẳn khỏi nghề giáo, rồi mới báo kết quả cho gia đình biết. Như thế kể cũng là “gia trưởng”, song nếu đưa ra bàn thì mình thất bại là cái chắc! Với lại, để toàn tâm toàn ý cho những chuyến đi và những trang viết còn ấp ủ, không lẽ người cầm bút còn non nớt như tôi chỉ mơ gặp toàn những thuận buồm xuôi gió?!

Trụ sở Hội VHNT Hà Tĩnh vài năm đầu còm nhom lắm, chỉ là dãy nhà tập thể cấp bốn cũ mèm, cải tạo lại đôi chút, ở sau tòa nhà bốn tầng của Hội Liên hiệp VHNT và Báo Hà Tĩnh hiện giờ. Nơi đó, còn lưu giữ biết bao kỷ niệm gặp gỡ, trao đổi, đi thực tế của nhà văn 6 tạp chí văn nghệ khu vực Bắc miền Trung, trại sáng tác, thi thơ văn của tạp chí Hội, thi thơ văn tuổi học trò, rồi giải thưởng VHNT Nguyễn Du (đôi lúc cũng khó tránh khỏi mè nheo, ồn ào này nọ). Các nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ tên tuổi trong Nam ngoài Bắc thấy thương, thấy hiếu khách cũng ghé qua, trò chuyện thân mật, gũi gần, còn giúp đỡ nếu có thể, như anh em, chú cháu trong một nhà: Huy Cận và Trần Hoàn; Xuân Thiều, Từ Thành và Hữu Nhuận; Tô Hoài và Vũ Quần Phương; Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Nguyễn Quang Hà và Lê Thị Mây; Xuân Hoàng, Hoàng Vũ Thuật và Nguyễn Văn Dinh; Vương Trọng, Nam Hà, Lê Thành Nghị, Anh Ngọc và Trần Đăng Khoa; Vương Trí Nhàn, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Quang Vinh; Kiều Vượng, Mạnh Lê và Lâm Bằng... Còn Tạp chí Hồng Lĩnh nữa. Thời gian đầu, chừng hơn mươi số, tạp chí phải đưa in tận ngoài Hà Nội, nhờ nhà báo Hữu Nhuận và họa sĩ Từ Thành giúp đỡ tận tình. Khi Ban biên tập có thêm người, công việc đi vào ổn định, tạp chí in tại Vinh, rồi tiến tới in trong tỉnh nhà. Các bác các anh ở Hà Nội như Xuân Thiều, Hữu Nhuận, Từ Thành, Phạm Xuân Nguyên... chủ yếu chỉ góp bài vở và giúp phát hành. Anh Xuân Hoài, sau đó là anh Đức Ban làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tĩnh kiêm Tổng biên tập. Tôi được các anh giao cho cái chức “mõ” là Thư ký tòa soạn. Thôi rồi, cứ mỗi buổi sáng mở cửa ra một chốc, là các hội viên, cộng tác viên, bạn đọc ùa đến, tay bắt mặt mừng y như lâu ngày lắm mới gặp lại (thực ra, là mới gặp hôm qua, hôm kia đấy ạ). Họ gửi bài vở, góp vài ba ý kiến cho Hồng Lĩnh; lắm khi chuyện tếu táo cho khuây, chuyện thời sự ở Vinh, chuyện tận ngoài Hà Nội, trong Quảng Trị, trong Huế... Rồi cười nói, đọc thơ, hò hát râm ran cả dãy văn phòng Hội (mấy năm đầu còn là nhà cấp bốn, sau chuyển lên tòa nhà cao tầng sát đó trong Khu liên cơ cùng với Báo Hà Tĩnh).

Lễ kết nạp đảng viên mới cho Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng năm 1995 (Từ bên trái sang: Nhà nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian Thái Kim Đỉnh, Nhà văn Đức Ban, Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, anh Lê Duy Văn, Nhà văn Phan Trung Hiếu, chị Nguyễn Thị Tâm)

Nhớ mãi những năm, từ Chủ tịch Hội, Thư ký tòa soạn, biên tập viên, Chánh văn phòng, cho đến anh chị em làm hành chính, tạp vụ đều thật sự tìm thấy niềm vui, chút an ủi ngay trong những thiếu thốn cuộc sống, vất vả với nghề. Các bác các chú đã ít nhiều có tên tuổi như Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, Lê Trần Sửu, Phan Lương Hảo, Nguyễn Bân, Lê Duy Phương, Hà Quảng, Minh Nho, Duy Thảo, Huy Tuấn, Hoàng Văn Hóa, Văn Chi, Hồ Hữu Phước,... cùng rất nhiều anh chị em làm thơ viết văn, làm các bộ môn nghệ thuật khác mà tôi khó có thể kể hết tên tuổi ra đây, đã đến với Hội VHNT Hà Tĩnh, quây quần xung quanh Tạp chí Hồng Lĩnh của mình, góp phần làm nên gương mặt văn chương - nghệ thuật một vùng đất, vào một giai đoạn đáng nhớ trong sử sách địa phương này! Tôi nghiệm ra một điều, đối với những người quản lý và biên tập trong làng văn, làng báo chúng ta, rằng: Đối với những đồng nghiệp, cộng tác viên xa gần biết tự trọng và có tay nghề, chúng ta hãy đặt niềm tin vào họ, thành thật hợp tác với họ, sẵn sàng dành cho họ những “khoảnh đất” ngon lành nhất, còn bản thân mình rút bớt cái tôi cá nhân vị kỷ đi, vì một mục đích chung tốt đẹp, nhân văn; thì các đồng nghiệp, cộng tác viên sẽ không phụ lại chúng ta bao giờ?!

Tới cuối năm 1996, do điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn, sinh hoạt xa gia đình, tôi đành phải chia tay với anh chị em trong mái ấm Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, trở ra Vinh làm Tạp chí Văn hóa Nghệ An, theo lời mời của nhạc sỹ Hồ Hữu Thới, bấy giờ đang là Giám đốc Ngành Văn hóa thông tin... Tạp chí Hồng Lĩnh, ngoài nhà văn Đức Ban là tổng biên tập có thêm nhà văn Phan Trung Hiếu trực tiếp tham gia. Thú thực, nhờ vào những năm tháng vất vả, có chút lận đận nhưng giàu nghị lực, say mê đó, tôi may mắn rời khỏi cái “tháp ngà” một trường đại học, đi và tiếp xúc cuộc sống rất nhiều, va quệt nghề nghiệp cũng không ít. Trang văn của mình từ đó hình như cũng cựa quậy hơn, nhiều sắc màu hơn trước? Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (1991 - 1995) của tỉnh Hà Tĩnh trao giải C cho tập thơ “Quà mọn”. Năm 1997, tập thơ “Hai đầu bão” ra đời và cùng năm, tác giả nhận tặng thưởng loại B (thú thật, phong bì giải lúc đó là 5 triệu đồng), của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Hầu hết thơ trong cả hai tập kể trên, tôi đều viết ở Hà Tĩnh vào mấy năm này (1993 - 1997), về đất nước, con người, sử sách, văn hóa, tâm linh, vui buồn của cõi người nơi đây...

Trở ra đất Nghệ, là hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, tuy nhiên mối liên lạc giữa tôi với nhiều anh chị em trong đó, qua hội họp, thăm thú, điện thoại, mạng xã hội... xem ra còn nhiều duyên nợ lắm, nhất là với các anh Xuân Hoài, Đức Ban, Phan Trung Hiếu. Một số tuyển tập thơ văn in ấn đẹp, sang trọng về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Ngã Ba Đồng Lộc, về những người Hà Tĩnh xa quê, lãnh đạo Hội, Ban biên tập đều có giấy mời tôi tham gia, sách và nhuận bút gửi chu tất. Nhân đây, cho tôi gửi lời cảm ơn tất cả. Những gì mình làm được thì còn quá bé nhỏ, mong manh; nhưng mãi mãi tôi còn mang ơn vùng quê ấy!

N.V.H

. . . . .
Loading the player...