04-12-2020 - 13:48

LÊ VĂN VỴ, TỪ NHÀ GIÁO ĐẾN NHÀ THƠ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 170 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú về nhà giáo, nhà thơ Lê Văn Vỵ - một nhà giáo tài năng và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và là một nhà thơ có nhiều đóng góp cho VHNT Hà Tĩnh trong nhiều năm qua.

 

                               lê văn vỵ, từ nhà giáo đến nhà thơ

                 Tôi nhớ lần đầu gặp nhà thơ Lê Văn Vỵ khi tôi học xong Trường viết văn Nguyễn Du về Hội văn nghệ công tác. Hôm đó lên Hương Sơn gặp mặt các văn nghệ sĩ, tôi thấy có một người dáng cao, gương mặt sáng, mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ và  toát ra chất tài tử. Anh bước lại gần tôi nhìn tôi như dò hỏi một chút rồi thong thả nói: “Tôi đã đọc thơ biển của ông rồi, rất thú vị, nhất là tập “Giấc mơ lưới”. Lạ. Lạ với giọng điệu thơ Hà Tĩnh và tôi tin đây sẽ là tập hay nhất của thơ anh khó mà vượt”. Ngẫm lại, tôi thấy Lê Văn Vỵ có lý bởi “Giấc mơ lưới” là tập thơ tôi viết để làm tác phẩm tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, thi pháp và hồn cốt hút hết cái “nhụy” ban đầu bản năng cùng bộc lộ hết vào đây. Như vậy Lê Văn Vỵ là người khá nhạy cảm “đọc” được, linh cảm được phần nào cái tố chất và trữ lượng của người viết khác. Từ đó tôi chơi với anh không quá thân gần mà cũng không xa, hình như giữa hai người vẫn có một khoảng cách nào đó. Phải đến khi đọc tập thơ “Ngộ” của anh tôi mới giật mình. Hình như ngoài cái vẻ lãng tử rất nghệ sĩ còn có một nốt trầm sâu thẳm nhiều chiêm nghiệm trong con người anh. Và tôi gọi anh là người “nhặt” những mảnh vỡ thời gian. Anh sàng sảy tháng năm để nhặt về mình bao buồn vui đắng đót, bao ẩn ức chứa chan để nâng niu cái đẹp. Cái đẹp có khi bị khuất lấp và từ những vảy vàng ấy thi sĩ đã đúc chiếc nhẫn như một đính ước với cuộc đời rằng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông” như ước nguyện của tướng công lãng tử thi sĩ Nguyễn Công Trứ.

Quê anh cạnh con sông Ngàn Phố và tôi tin rằng mạch nguồn tuôn chảy trong anh cũng thao thiết quặn mình phù sa mùa lụt. Những ngấn thời gian khắc khoải ấy cứ chạm lên vách tường, cứ khắc lên thân cau ngấn đốt, cứ bên bồi bên lở. Nhưng ở con người trọng nghĩa này luôn bồi đắp cho mình cái nghĩa khí  tiết của một kẻ sỹ phu. Anh vốn là một nhà giáo dạy văn giỏi có thời gian dài làm giám đốc trung tâm GDTX huyện Hương Sơn và tiếng nói của anh luôn đứng về bảo vệ công lý. Nhà  Lê Văn Vỵ ở cạnh con đường 8, con đường có một thời được tôn vinh là con đường đẹp nhất Việt Nam chạy thẳng lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Vì thế, bạn bè văn chương hay tụ họp ở đây. Tôi có lần được anh chiêu đãi món cá Mát sông Ngàn Phố. Đây là một đặc sản mà anh rất thích và hay ca ngợi. Thì ra cá Mát là loài cá có tính cách riêng, hình thù riêng và tất nhiên là một phong vị riêng. Loại cá này luôn dùng đầu mình đâm vào các thác đá để ăn rong rêu, hút tinh chất của rừng của suối và tất nhiên đó là cái đầu bướng bỉnh dám đối chọi với những bức thành, lạ thay cá Mát ngon nhất lại là cái đầu. Hương Sơn quê anh cũng là nơi sinh ra loài hươu với cặp nhung lộc tinh túy chuyên ăn các loại lá cây rừng để chắt lọc vị thuốc quý cho đời cũng như thơ vậy - Tất cả đều là gạt lọc kết tinh. Anh là người biết mình, biết người như có  lần nhà thơ đã tự vấn: “Ta còn mắc nợ bông hoa - Nợ cây xanh, nợ mái nhà, người thân”.

 Tôi nhớ lần đi cùng Lê Văn Vỵ trong đoàn văn nghệ sĩ Hà Tĩnh vào tham quan Nha Trang theo đường Hồ Chí Minh. Lúc xe gần đến nghĩa trang Trường Sơn, tôi bỗng thấy anh lặng đi trầm ngâm, có gì hơi thảng thốt thấp thỏm, không còn cái hồ hởi dí dỏm như quảng đường đã qua với những câu chuyện  khôi hài làm cho không khí trong xe vui vẻ. Xe dừng bên nghĩa trang và anh bước vội xuống đi dọc những hàng mộ có danh và vô danh. Thì ra trong chuyến đi này mẹ anh có dặn: Có điều kiện thì tìm mộ liệt sĩ của  người anh trai đầu. Cơn dông của vòm trời Trường Sơn như nén lại oi bức và anh với chiếc áo đen quen thuộc cứ thấp thoáng giữa những hàng bia mộ trắng xóa, trên tay là một chùm hoa sim hái vội bên đồi - cái màu sim tím thủy chung lịm người. Anh hỏi ban quản lý nghĩa trang không tìm thấy tên anh mình trong danh sách lại tất tả đi tìm trong cái nắng hè gió Lào bỏng rát. Có một Lê Văn Vỵ lúc đó khác hẳn. Một sự chu đáo, chu tất,  hết mình như thường ngày anh đối xử với bạn bè, nhất là khi người thân của bạn có những hoàn cảnh khó khăn anh rộng lòng hào phóng giúp đỡ một cách vô tư chân thành. Gần đây, tôi nghe anh báo tin đã tìm được mộ của anh trai đầu tại Hương Điền (Huế) và  đã đưa về nghĩa trang gia đình. Sau này tôi nghe một người bạn thơ kể rằng, anh là người hay đến thăm và gửi mua những liều thuốc quý cho vợ người bạn thơ đang bị ung thư giai đoạn cuối tiêm cho đỡ đau. 

Ở thi sĩ Lê Văn Vỵ hội tụ ba con người: nhà giáo, nhà báo và nhà thơ. Nhà giáo - anh là người rất nhiệt huyết với việc truyền cảm vẻ đẹp văn chương đến cho các em, vì thế mà có nhiều trường mời anh về nói chuyện với đông đảo học sinh. Các em yêu mến người thầy có kiến thức sâu rộng lại rất uyển chuyển tinh tế của một thi sĩ. Bài giảng của thầy giáo Lê Văn Vỵ hấp dẫn, dễ hiểu vừa mở ra nhiều hướng tìm tòi tiếp cận cái mới không rập khuôn, khô khan. Anh cũng đã công phu biên soạn những cuốn sách bổ sung kiến thức tham khảo cho học sinh ôn thi thiết thực và bổ ích, được đông đảo học sinh lựa chọn. Là nhà báo, anh xông xáo phát hiện những biểu hiện tiêu cực, bảo vệ đến cùng cái đúng, cái tốt trong xã hội. Nhiều bài báo của Lê Văn Vỵ, đặc biệt về hiện trạng của ngành giáo dục, được sự đồng cảm và chia sẻ của đông đảo đội ngũ giáo viên. Anh có một cuốn sách, “Đá hai chân đều dẻo”, tập hợp nhiều bài báo hay trong những năm anh viết báo khá xông xáo. Điều này nói lên rằng, dù ở lĩnh vực nào, nhà giáo hay nhà báo, đều là một Lê Văn Vỵ tâm huyết và trách nhiệm.

Tôi muốn dừng lại phẩm chất đáng quý nhất, ở đó kết tinh tài hoa, năng khiếu trời cho và sức đọc sức viết để tạo ra một phong cách thơ thi sĩ lê Văn Vỹ. Đó là tình yêu, lòng cung kính, sự chăm sóc đặc biệt của anh dành cho mẹ. Tôi nhớ có lần nhà thơ Nguyên Việt Chiến đã chọn giới thiệu một chùm hơn 10 bài thơ của anh trên trang VANV.net của Hội nhà văn Việt Nam chùm thơ viết về mẹ khá xúc động mà tứ thơ không hề bị lặp. Nhà giáo Nguyễn Thanh Truyền thật có lý khi chọn câu thơ “Mẹ mỗi chiều phiên liếp chở che” để viết mạch thơ về mẹ của anh. Tôi đặc biệt chý ý bài thơ “Cắt móng chân cho mẹ”. Có lẽ trong thơ Việt Nam lần đầu tiên mới có một tứ thơ bình dị đời thường mà ám ảnh gan ruột: “Móng: Điếc thời còn bé/ Móng: nứt nẻ trên đồng/... Ôi móng chân số phận/ Xa xót những mất còn”. Và “Bàn chân mẹ”, đặc biệt đây là bàn chân người mẹ miền Trung:“Đôi bàn chân đi  qua cuộc chiến tranh ròng ròng máu chảy/ Đi xung quanh con đường chông gai  bầm dập/ Chéo chồng vết  xước/ Theo xe tang ra bãi tha ma/ Nặng trĩu bê bét bùn”. Anh như một họa sĩ tài hoa chạm khắc bàn chân mẹ, ở đó có cả gánh nặng cuộc đời và biết bao nhân ái, bao dung. Lê Văn Vỵ có nhiều tứ thơ hay và sâu sắc về mẹ như thế, tạo nên một mạch thơ mang dấu ấn sâu đậm.

Miền đất thiên nhiên khắc nghiệt đã vào thơ anh với những nét chạm khắc cứa lòng khi anh xót xa về phận người trong cơn bão lũ: “Chết chìm cả bãi tha ma - Đám tang ngày lũ xót xa trên thuyền”. Lê Văn Vỵ là người đi nhiều, qua nhiều vùng đất, trong nước và nước ngoài. Ăng- ten thơ của anh đã bắt sóng và lọc sóng để có những tứ thơ độc đáo viết về văn hóa và thiên nhiên của những vùng đất, những con người anh gặp từ hoa Xuyến Chi đến một chuyến tàu đêm lên Lào Cai. Thổn thức là phẩm chất đa tình, trực cảm của Lê Văn Vỵ. Vì thế mà có lần anh đã bộc lộ một thái độ và chỉ có Lê Văn Vỵ mới có cách nói “lạ” ấy: Xách giày cao gót cho em”. Anh tích lũy kiến thức tạo nên một phông văn hóa khá dày dặn, khiến thơ anh luôn chứa nhiều suy ngẫm cuộc đời và thế sự.  

Đọc Lê Văn Vỵ tôi thấy thơ anh nhiều chiêm cảm. Anh hay dùng lối nói nghịch lý gọi đúng tên sự vật, tâm trạng. Thơ Lê Văn Vỵ luôn nhập cuộc với cuộc đời, với bao thế sự. Hình thức thơ Lê Văn Vỵ khá đa dạng: thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ lục bát, thơ năm chữ... Anh là một trong những người cách tân của thơ Hà Tĩnh, trước hết là đổi mới về cảm xúc về chiêm nghiệm. Cách đi của thơ anh hào phóng và da diết, tung tẩy mà đằm thắm,  mở ra theo chiều phóng túng của câu chữ mà nén lại sâu sắc phía tâm hồn. Đó là sự biến ảo tài hoa giữa hiện thực trần trụi và chiều sâu của cảm xúc và suy tư. Anh viết lục bát hay. Chính cái điệu lục bát cân bằng đã tạo cho thơ Lê Văn Vỵ một sự đối trọng trong tâm thế dù có nhiều lần anh cũng đảo phách. Nhà thơ Na-zim Hit-mét (Thổ Nhĩ  Kỳ) có câu thơ rất hay: “Ôi những người cực tốt - Trái tim thường hay đau”. Tôi biết, với con người anh, thơ vẫn luôn đập nhịp với mạch đời, mạch sống đắm đuối ân tình.

            Nguyễn Ngọc Phú

. . . . .
Loading the player...