03-08-2012 - 10:22

LÀNG CỔ ĐAN NHAI- HỘI THỐNG

Đan Nhai – Hội Thống (nay là xã Xuân Hội) là mảnh đất cực bắc của huyện Nghi Xuân, cũng là cực bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Phía đông giáp biển Đông (xưa gọi là Quế Hải). Phía tây giáp sông Lam (xưa gọi là Thanh Long). Phía bắc là cửa biển. Phía nam giáp xã Đan Tràng (nay là xã Xuân Trường). Ngoài biển, phía bắc có hòn Ngư (đảo Song Ngư), phía đông có hòn Nồm (là một phần chân của giải Hồng Sơn, có hòn Mắt (rú Nậy, tên chữ là Nhãn Sơn, còn được gọi là Quỳnh Nhai – Quan hệ với Đan Nhai chăng!).

Đan Nhai là vùng cát bồi trên nền chân núi Hồng Lĩnh. Sách cũ còn ghi: Cửa Đan Nhai đá chìm lởm chởm, thuyền bè rất khó ra vào cửa sông. Thế mà, ngày nay lòng cửa sông cũ cát đã dập phẳng, người đi biển ra vào không hề thấy dấu tích đá dưới lòng cửa sông.
Thế đất của Đan Nhai – Hội Thống như chiếc lược chải đầu, vùng đất gần đường cái quan là sống lược và răng lược là những doi đất cát bồi Có thể kể từ phía nam ra: doi xóm Chùa, doi Đầu Cồn, doi Miệu, doi Đình, doi Cồn Na, doi Cồn Giữa, doi Cồn Thành, doi Luồng Biển, doi Cồn Tàu, ... Các doi đất này được hình thành khi cát bồi lấn biển. Phía tây là dòng sông Lam đem phù sa bồi trúc chỗ thấp tạo thành “bãi trang”. Bãi trang dần dần được đắp bờ làm “đồng tôm”, sau đó biến thành ruộng vì có nền đất sét mầu mỡ.
Vùng đất cao ở Đan Nhai – Hội Thống cũng có lùm lòi rậm rạp. Phần ven nước là những bãi cây lác, cây sú, cây vẹt, cây bần, ... hoang sơ. Có những luồng lạch bị lấp miệng dòng chảy tạo thành những vịnh, những vũng, những hồ, như: Vịnh Lác, vịnh Tràng, vịnh Tú, vũng Đồng Lành, vũng Mành, vũng Xà Binh, hồ Côn, ...
Ngày xưa, khi nước ta mới có từ dải Nam Giới, sau đó là Hoành Sơn trở ra, thì “Đan Nhai hải môn” là cửa biển lớn phía nam của đất nước. Nơi đón đánh những thế lực phong kiến từ phương nam theo đường thủy vượt biển ra gây rối và lấn chiếm, và cả thế lực phong kiến phương bắc sang xâm lược (muốn bọc hậu, đánh vu hồi). Đây cũng là cửa biển lớn phía nam của đất nước xuất thủy quân tiến đánh mở mang bờ cõi. Do đó, hai bờ sông Lam luôn là bãi chiến trường, trong đó có Đan Nhai – Hội Thống. Như:
Theo thần phả làng An Duyên (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết: Hai vị tướng của vua Hùng là Nguyễn Tuấn và Trần Khánh(người làng An Duyên) cầm quân, chặn đánh thủy quân nhà Thục (phương bắc) ở cửa biển Đan Nhai và bắt được hai tướng giặc là Hùng Nã và Đà Gia.
Sách Thủy binh chú, chép: Đời Trần (thế kỷ 14) lập trấn Đan Nhai để đề phòng quân Lâm Ấp vào đánh phá nước ta. Sách Nghệ An phong thổ ký, ghi: Đốc tướng kiêm chức kinh lược sứ Nghệ An Đoàn Như Hài (đời Trần) đem quân đi đánh Chiêm Thành về và chết ở cửa Đan Nhai (1335). Sách Thiên hạ quân quốc lợi binh thư, chép: Năm Vĩnh Lạc thứ sáu (1409 – đời Trần) đặt tuần kiểm ty trông coi cửa biển Đai Nhai.
Vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15) có làm bài thơ “Đan Nhai hải môn”, có câu “Thanh Long triều trướng thủy liên thiên”. Để báo ân, khi vua đem quân đi đánh quân Chiêm Thành thắng lợi về, vua cho dựng đền Chân Long (ở xã Đan Hải), trong đền có đôi câu đối: Hồng Đức vinh phong vương hữu miếu. Đan Nhai hiển tích sử ư nhân.
Năm 1655, tướng thủy binh Võ Văn Khiêm của chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn ở cửa sông Đan Nhai và cố gắng giữ đất Đan Nhai. Tiến sỹ Ninh Tốn (ở thế kỷ 18) làm bài thơ “Hội Thống môn” (cửa biển Hội Thống).
Trước đây, các tàu buôn của Tàu, Nhật qua lại cửa Đan Nhai. Tư liệu của Nhật còn ghi: Đầu thế kỷ 17 có một tàu buôn Nhật Bản gặp sóng to bị chìm ở cửa Đan Nhai. Vậy chăng, mà di chỉ khảo cổ Xuân Hội phát hiện ra gốm sành sử của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, có nhiều mẫu vật của Trung Hoa và Nhật Bản ...
Qua số liệu trên ta thấy con người đặt chân lên mảnh đất này cũng xưa lắm, nhưng không có sách nào ghi chép cụ thể. Căn cứ vào gia phả họ Võ trong xã ghi: “Thỉ tổ Võ Văn Trì sinh vào năm Canh Tuất (1490) ... Đời thứ tư ông Võ Văn Vệ khai thác xứ Vịnh Tú, Gia Cô (Xa Cô) năm Lê Quang Hưng thứ 11 (1583) ...” Ông Trì lại là hậu duệ của một trong 3 ông họ Võ được thờ trong đền Nội Ngoại tiên hiền (thờ những người khai lập danh  xã). Vậy 3 ông họ Võ này cũng phải đến đây từ thế kỷ 12, 13. Gia phả còn ghi 3 ông từ Chân Lộc – Phúc Sa đến.
Nơi định cư đầu tiên gọi là đội Cồn Nhậm thuộc thôn Vọng Nhi (ở Đầu Cồn). Sau được cắt một phần đất liền phía bắc huyện giáp xã Đan Tràng lập thành xã mới (nay là xóm Chùa, mộ thỉ tổ Võ Văn Trì hiện nằm trong vườn của một gia đình ở đây). Lúc đầu gọi là xã Đơn Hay hoặc Đan Thay (tùy cách đọc), sau gọi là xã Đan Nhai (nghĩa là bến son) thuộc tổng Đan Hải. Do dân xã có công phục vụ việc quân, cung cấp lính “nội kiệu”, túc trực nhà chúa (Phiên hiệu của đội thủy binh thị hậu, chuyên trách túc trực ở phủ chúa Trịnh), nên được vua phong danh hiệu “Kiên Nghĩa xã”. Chuyện kể, lúc này vua ban cho xã một đặc ân, dân xã thích điều gì thì tâu. Dân xin đổi tên xã là Hội Thống, vì Hội Thống mới mang đầy đủ tính đặc trưng của việc hình thành dân xã. Và, cửa biển Đan Nhai được gọi là cửa biển Hội Thống (hay cửa Hội). Như vậy tên xã Hội Thống có thể xuất hiện vào giữa thế kỷ 17.
Sau cơn bão lớn tàn phá khu dân cư đầu tiên của xã ở Đầu Cồn, dân xã ở đây dời hẳn vào vùng cồn cao, lúc này xã tạm chia làm ba vùng: Trên làng, Trong làng và Ngoài gành (gềnh). Trước thế kỷ 19 xã chia làm 4 giáp: Đông, Đoài, Thượng, Hạ. Sang thế kỷ 19 xã chia làm 4 thôn (còn gọi là phe) và 1 vạn: Đông Thượng, Đoài Thượng, Đông Hạ, Đoài Hạ và Vạn Chài. Đầu thế kỷ 20 được gọi là xóm, tên xóm dựa theo địa hình và nghề nghiệp: xóm Chùa, xóm Đình, xóm Bàu, xóm Cồn, xóm Rùng, xóm Biển, xóm Đáy (làng chài).
Đan Nhai – Hội Thống là xã cửa sông (cửa biển), giữa xứ Nghệ Tĩnh. Người Đan Nhai – Hội Thống là dân Kẻ Hội, dân tứ phương đến định cư. Lúc đầu là “Bảy họ tám người” (xem mục đền Nội Ngoại tiên hiền). Ta nhận ra nguồn gốc của một số dòng họ trong xã, là từ Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa vào, từ Nghệ An sang, và các vùng đất khác từ trong Hà Tĩnh ra, ... Phải chăng vì dân “hội” nhiều nơi, mà giọng nói qua một thời gian pha trộn, nghe “phổ thông” hơn, nhẹ hơn. Giọng nói Kẻ Hội mang âm sắc khác hắn với giọng nói xã Đan Tràng chỉ cách một con đường, khác hắn với giọng nói của các xã bên Trang chỉ cách một con sông. Thực ra, dân xóm Chùa pha giọng nói xã Đan Tràng, dân xóm Chài pha giọng nói bên Trang và cuối câu hạ giọng “nặng” hơn.
Hãy so sánh một số từ người kẻ Hội dùng với từ mà đa số người xứ Nghệ quen dùng. Người xứ Nghệ thường kéo dài nguyên âm giữa, khôông, coong, bêênh, ... Một số từ thường giữ nguyên phụ âm đầu nhưng biến đuôi của từ: ló, mói, nác, ... Một số từ lại thường biến phụ âm đầu nhưng giữ nguyên đuôi của từ: triều, trùa, trửa, ... Có một số từ dùng khác hắn: trôốc, đòn triêng, sương, ... Thì, người kẻ Hội dùng từ phổ thông: không, cong, bênh, ... Lúa, muối, nước, ... Chiều, chùa, giữa, ... Đầu, đòn gánh, gánh ... Và, người kẻ Hội cũng không theo ngoài bắc nói: nàm, cây che, dõ dàng, ... mà là: làm, cây tre, rõ ràng, ...
Cũng có từ người kẻ Hội nói hòa chung với người xứ Nghệ, như: mô (đâu), chi (gì, sao), răng (thế nào, sao) ...
Có những từ người kẻ Hội dùng như người Xứ Nghệ quen dùng, lại vừa nói như từ phổ thông: nốc và thuyền, cẳng và chân, mấn và váy, ...
Có những từ người kẻ Hội dùng: Qua, gộc, gươi, ... không giống từ người xứ Nghệ quen dùng: choa, côộc, cươi, ..., cũng không giống từ phổ thông: chúng tao, gốc, sân, ...
Có những từ “riêng” của người kẻ Hội: Triện (bịa, xuyên tạc), họa (bịa, châm biến), mổi (loại ra), phởi (phải), ...
Về thanh, người kẻ Hội phát âm rõ 5 trong 6 thanh: sắc, huyền, hỏi, nặng và không dấu, riêng “ngã” phát âm “ngạ”.
Đặc biệt, tiểng kẻ Hội thường biến nguyên âm hay cụm nguyên âm sau: ê thành i (ngốc nghếch -> ngốc nghích), ưu thành iu (bưu điện -> biu điện), ưi thành ươi (khung cửi -> khung cưởi), ươi thành iêu (bươu đầu -> biêu đầu), ân thành ưn (nhân dân -> nhưn dưn), âng thành ưng (vâng lời -> vưng lời), ...Có điều, nói là vậy, nhưng khi viết lại đúng chính tả. Có những “ngữ khí” từ khác biệt như “”, “oa” đứng ở đầu câu: “Vơ cha!” (thế hay sao!), “Oa trời”  (Ơi trời ơi!). Như “hề”, “trây”, “ta”, ... đứng ở cuối câu: “Đi hề!” (Đi nhé!), “Khó trây!” (Khó nhỉ!), “Ăn ta!” (Ăn đi!), ... Có những từ đệm (vô nghĩa): “Rứa nợ đó” (Thế đấy), “Còn rứa nợ” (còn thế nữa) ...
Người Kẻ Hội có những cách diễn đạt độc đáo. Khi lâu ngày gặp lại, ngạc nhiên, câu mở đầu thường là “Òa, Cha là cha!” (Ối!). Mạt sát người dễ dàng bị thất bại  “Que cạu sớm!” (Que là gậy, cạu là cái rổ con, ý nói: đi ăn xin sớm). Hoặc, “Đừng có bấu ó” (Đừng có ăn vạ). Cách chào của người kẻ Hội cũng độc đáo, người lạ có thể cho là vô lễ. Như, “Ông!”  (Cháu chào ông ạ), “” (Cháu chào bà ạ !) ... Câu chào nghe cụt lủn. Thực ra, đây là thói quen của người vùng đầu sóng ngọn gió, nói to để át tiếng sóng, tiếng gió, nhưng nói to thì khó nói dài được.
Vì nhà ở sát biển, nên gặp nhiều bão tố mạnh, do vậy, nhà của người Kẻ Hội thường thấp, nhà gỗ thường làm kiểu “chữ đinh”  hoặc “tứ trụ”  bởi chúng kết cấu vững chắc. Nước ăn thường dùng giếng của làng, bởi đào trong vườn sợ động long mạch, chỉ những người có vườn rộng mới đào giếng. Người Kẻ Hội mặc "quần nâu áo vải", nữ mặc váy, yếm, áo gài 1 cục phía dưới, vấn khăn ; nam mặc quần lá tọa, áo cổ lá sen. Ăn đạm bạc, mỗi nhà một vại cà dùng ăn quanh năm, nhưng ăn rau lại chê là "kiểu cách", vụ gặt chiêm thường có món canh mướp nấu với đậu trắng (vừa thu hoạch) giã dập ...
Có thể nói, những người đầu tiên sống trên đất Đan Nhai – Hội Thống là những người lao động chân tay, họ làm nghề đánh cá, chở đò, làm ruộng, đánh chim, ... Trong đó, nghề nông được phát triển sớm và khá vững chắc. Lúc đầu, chỉ là quanh đồng Sác, Vịnh Lác, Vịnh Tràng. Sau đó lấn dần ra xung quanh như đồng Sú, đồng Lành, đồng Hồ Côn, đồng Mới, đồng Ngoài, đồng Lác, đồng Kỳ Lão, đồng Kỳ Lời, đồng Nhà Ngồ, đồng Chằm, đồng Mành, đồng Trộp, đồng Phần Phe, đồng Sọ, đồng Vỡ, đồng Voi, ... Đắp đê lấn bãi phù sa lại có Làn Bơi, đồng Sú Rào, đồng Chín, đồng Mười, đồng Hói Nậy, đồng Đê, đồng Quan Phòng, đồng Đe, đồng Khai Phá, ...
So với các xã lân cận, thì Hội Thống là xã có diện tích cấy lúa rộng nhất, do không có nguồn thủy lợi chủ động, nên cơ cấu tạo nước ngọt gồm có hai cống lớn. Cống Trên cạn nhưng rộng để lấy nước mặt phù sa vào nhanh (mỗi năm chỉ được mấy ngày có lũ thượng ngàn). Cống Dưới hẹp nhưng sâu để thoát lũ và tháo nước ra khi cần thiết. Hai cống tạo thành dòng chảy một chiều, góp phần cải tạo đất phèn.
Người nông dân cấy xong là ngửa mặt lên trời cầu mong "mưa thuận" để cung cấp nước ngọt cho cấy lúa, "gió hòa" khi lúa trỗ. Họ cũng khôn ngoan chọn thời điểm gieo mạ và cấy sao cho thích hợp, để tránh tháng Năm 5 tật, tháng Mười 10 tật. Ngày trước, đất ruộng trong xã được chia làm hai vùng. Đồng hoang là đồng làm một vụ chiêm, nếu như có nước sa vào nhiều thì không cần bón phân vẫn thu hoạch cao. Còn đồng thuộc gần làng hơn, ruộng đã được cải tạo chất đất bằng phân bón, nên mỗi năm làm được hai vụ lúa, vụ chiêm thường cấy lúa chiêm, vụ mùa (mười) cấy lúa chăm, hẻo, lốc, nếp. Lúa đồng thuộc thường tốt hơn lúa đồng hoang, nhưng làm vất vả hơn. Mùa tháng mười thường gieo (theo hàng) vãi (không theo hàng) trực tiếp, ít năm được cấy. Vì thế mới có câu "Lúa đồng Làn đứt quang gãy gánh", hoặc "Lúa đồng Ngoài, khoai đồng Tràng". Các nương dùng để gieo mạ chiêm, sau đó trồng khoai, với các loại khoai đỏ, khoai đò, khoai trắng, khoai vôi, khoai nữ, ... Hai bên mép vồng khoai thường dắt đậu, bới khoai hái đậu xong thì vãi vừng, có nơi còn làm lúa tháng Mười.
Việc nặng như cày bừa do đàn ông làm, vào những ngày mùa cấy, gặt thường thuê mướn nhân công cho kịp thời vụ.
Trong vườn, rất ít nhà trồng cây ăn quả, có chăng là trồng ít cây cau, cây mít, cây chuối, ... ở rìa vườn. Còn nữa, vẫn là trồng cây lương thực như ngô, kê, khoai sọ, khoai từ, khoai dong, khoai chuối, khoai tinh, ... và cà, để hỗ trợ thêm cái ăn trong mùa giáp hạt.
Người nông dân ở đây nuôi trâu nhiều hơn nuôi bò, vì đất cày nặng, rắn, việc chăn thả trâu dễ hơn bò. Nuôi gà, vịt hoặc lợn mang tính tiết kiệm. Con lợn nuôi bằng nước vo gạo, trộn với cám nhà xay giã, lá khoai bòn góp ... Con gà con vịt ăn hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm, thừa rơi vãi. Ngay con chó cũng chỉ ăn những lương thực "thấp" như khoai, cám, cơm trên nồi, ...
Nghề đánh cá cũng lắm loại. Nghề khơi dùng thuyền to đánh cá (nốc biển), do đàn ông làm nghề, thuyền thường ra khơi thả rạo để đánh te (rạo là bộ phận tạo nơi cá ẩn ngoài biển). Có khi, ta chỉ xúc một lần ở rạo đã được trên trăm rổ cá. Ở rạo còn thả bóng (bóng là dụng cụ cho cá sống vùng nước sâu vào mà không ra được, bóng có thể tích một vài mét khối) để thu hoạch những cá to và ngon như cá nhở, cá vì, cá hồng, cá thu, ... Ở rạo cũng có thể câu được cá to và mực.
Nghề lộng dùng thuyền đánh cá nhỏ hơn, như nốc lưới rùng, nốc lưới bén, ... loại này đánh cá ven bờ. Nghề này ăn trưa ngay trên bãi biển, chủ thuyền nấu bung cơm và một bung cá (cá mới đánh được). Người ăn chỉ xới già nửa bát cơm và xúc cá tiếp cho đầy bát.
Dọc bờ sông có nghề đáy, dùng nốc đáy để đóng, đáy chặn bắt cá vào ra theo thủy triều. Sát bờ sông có nghề vó trục, nghề này dùng bè thay thuyền và chỗ đóng vó cố định. Các loại lưới làm các nghề trên do đan bằng sợi bông hoặc tơ nên phải nhuộm nâu hay tiết lợn theo định kỷ.
Sát bờ biển còn có nghề nạo ngao, xép xép, đầy trủ moi (tép biển). Trên bãi trang khi nước cạn có nghề móc cá bống, đào phi, đào don, đi dậm, ...
Nghề nuôi thủy sản cũng có từ xưa. Nghề nuôi thủy sản nước ngọt, nguồn giống tôm cua cá con lấy tự nhiên trong mùa nước sa. Người ta cho nước sa vào đồng, giữ nước ngọt cho bùn lắng xuống để cấy lúa. Trong khi đó tôm cua cá lớn dần và cũng là nguồn thu hoạch lớn. Có những thủy sản nước ngọt như tôm đất, tôm lướt, cua gạch, cá trô, cá mè kẻ, cá leo, ... Tép đồng cũng là nguồn thủy sản đáng kể, người canh đồng dùng đó tép để thu hoạch, người kiếm ăn lại dùng rớ để cất.
Cũng có nghề nuôi thủy sản nước mặn, gọi đó là đồng tôm. Người ta hùn nhau lại khoanh một vùng trên bãi trang (như đồng Hàn, đồng Ruồng) để nuôi tôm cua cá. Con giống lấy tự nhiên trong nước sông. Đồng nuôi thủy sản này thường có con đẻ nhỏ, có một cống gỗ (trẹm xăm) cho nước vào ồ ạt kéo theo con giống tôm, cua, cá tự nhiên, và dùng để đóng xăm khi đánh bắt. Đồng có một trẹm đó (gần trẹm xăm) cạn hơn để thay đổi nước theo thủy triều, tôm cua cá vào được qua khe đăng đóng xuôi, nhưng những con lớn hơn khi ra lại chui vào đó. Thu hoạch khi tháo nước thì dùng xăm, còn khi đánh bắt toàn bộ lại dùng: lưới đồng (vây), lưới mò, chài, lưới bén, cào cua, ...
Nguồn cá đồng thường nuôi tự nhiên. Hồ Vịnh Tú có đủ loại cá đồng như : chép, tràu, rô, diếc, ... chúng tự sinh sản nhiều vô kể, đến mùa mưa lũ, nước tràn ra những cánh đồng xung quanh, đem theo nguồn cá giống cho các cánh đồng (Trên mặt hồ còn có bèo, tạo thành những tổ chim quốc, gà đồng, gà nước, ...). Nguồn cá đồng này được đánh bắt tự do trong và sau mùa gặt, đó cũng là nguồn thực phẩm trong ngày mùa.
Một số người trong xã làm nghề đánh bắt chim di cư, trẻ em thì đơm (dùng nhựa dính) chanh chanh, sả sả, vàng anh, chèo bẻo, chắt phi, thặp én, thặp chắt, ... Người lớn thì đơm cói, đơm quạc, đơm cưởi, ... Có hai cách: đơm lùm, đơm đồng. Đơm lùm là dùng bụi cây lớn rậm rạp để gói mô. Đơm đồng làm đắp đất hoặc làm mô nổi trên mặt nước cạn. Có những nghề thú vị như chọi diệc, chọi cò canh đồng. Có những bụi tre gói thành lùm đơm cu ngói. Nghề rập cu xanh. Ngoài ra còn dùng ống chuyền thặp, xỉa chim đậu trên cây cao. Các loại chim choi choi (chim chạy trên mặt đất kiếm ăn) thì đơm nhạ, đơm do, thả hóc, rập. Nhưng các loại chim định cư lại sống chung với người và cũng được bảo vệ một cách tự nhiên, không ai đánh bắt để ăn thịt, vì cho rằng : tanh. Mờ sáng, loài chim làm tổ ở những bụi rậm và thấp như bìm bịp, chao chao, ... kêu ồn ã. Loài chim làm tổ trên những cây cao như: gáy, sẻ, sáo đen, sáo nghệ, cà cưởng, ắc xắc (sơn ca), quạ, chìa vôi, ... gáy hót, kêu líu lo suốt ngày tạo thành một miền quê thanh bình, êm ả, ấm cúng,...
Rất xưa, Hội Thống đã có chợ làng, lúc đầu chợ họp dưới cây đa trước đình, vì đấy là bến đò ngang, thuận lợi cho việc đi lại. Sau khi xã "lấn" sông, từ bến đò đến đình đi lại khó khăn, chợ dời đến dưới cây đa nền xóm giữa làng. Vì mỗi ngày chỉ họp một lúc gần chiều hôm nên gọi là chợ Hôm, lúc này nghề khơi lộng đã cập bến, các nghề khác cũng mang các sản phẩm về, mua bán thật thuận tiện. Ở đó, có những người buôn bán vặt, vốn liếng chẳng là bao. Nhưng xã lại có nghề buôn mành vượt biển và cũng là nghề vận tải biển vào nam ra bắc. Mành là những chiếc thuyền lớn, chạy hai ba buồm lớn, mỗi chiếc trọng tải 2, 3, 4 xe (đơn vị trọng tải đường biển thời đó khoảng 10 tấn). Nghề này vốn lớn nên có thu nhập cao nhất trong xã.
Có thể do những ngành nghề làm ăn đa dạng như vậy từ "thượng Ông Cả, hạ bến đò" mà người Kẻ Hội được xếp là lắm tiền trong huyện. "Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống...". Hay:  "Xuân Viên đa túc, Hội Thống đa tiền, Phúc Châu đa bản, Tiên Điền đa quan".
Những người dân đến lập xã, là những người lao động chân tay, nhưng họ vẫn quan tâm đến việc học. Theo gia phả họ Võ, thì ở thế kỷ 16 có ông sinh đồ (ngang tú tài) Võ Văn Đức lập trường dạy học đầu tiên của xã. Thế kỷ 17 có ông Hoàng Việt dạy học. Thế kỷ 18 có "can"Chiếng dạy học (thầy dạy ông Nghè Mẫn). Thế kỷ 19 có ông nghè Mẫn đã từng dạy ở quốc tử giám (nghe kể: có lúc dạy vua Tự Đức khi còn nhỏ). Đầu thể kỷ 20 có những thầy đồ chuyên dạy chữ nho ở xã, như : Cố Cài, cố Bổng, cố Bổng Đảm, cố Bang, cố Ngạch Học, cố Chiếng. Có những thầy vừa dạy chữ nho vừa dạy chữ quốc ngữ, như: cố Hoe Phồn (cố Ký), cố Giáo. Cố Giáo lập "hương đình giáo dục" là thầy đầu tiên trong xã dạy chữ quốc ngữ thời Đông Kinh nghĩa thục. Những thầy dạy chữ quốc ngữ kiểu "gia đình học hiệu", như:  Thầy Nại (người xã Đan Phổ), thầy Thịnh (người xã Đan Hải), thầy Trường (người huyện Hương Sơn), thầy Học Võ, thầy Mựu (người xã Hội Thống). Có lúc xã mở đến 6 lớp.
Xã có những người thành đạt qua thi cử. Ông Võ Thời Mẫn đậu cử nhân năm Ất Dậu (1825). Năm Bính Tuất (1826) thi hội đậu thứ ba, thi đình đậu tiến sỹ (Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân). Ông được bổ làm tri phủ Quãng Ngãi, rồi triệu vào cung làm lang trung bộ hình, ra làm đốc học Định Tường, thăng án sát Phú Yên, giúp tuần vụ trông coi việc quan phòng, lại đổi ra làm giáo thụ Quảng Yên, làm đốc học Ninh Bình. Khi cha của ông qua đời, ông về nhà cư tang. Thời kỳ này ông đã chán việc làm quan, định ở nhà luôn. Tiếp đó ông làm đốc học Nam Định, lại về nhận chức lang trung bộ hình, rồi ra làm án sát Ninh Binh, ... Cuộc đời làm quan của ông có lúc bị vu cáo, rồi cách chức, lại phục chức. Ông là một vị quan thanh liêm, thẳng thắn. Ông được phong "phụng chính đại phu, hàn lâm thị giảng". Ông mất năm Bính Dần (1866), hưởng thọ 72 tuổi.
Ông Võ Duy Huề đậu cử nhân năm Canh Tuất (1850) khi ông vào tập bài (làm bài) ở quốc tử giám, ông bị bệnh và mất ở Huế.
Ông Võ Văn Hiên đậu tú tài khoa Tân Tỵ (1821)
Ông Phạm Vĩnh Trai đậu tú tài khoa Ất Dậu (1825)
Ông Thái Lãm Trai đậu tú tài khoa Bính Ngọ (1846)
Ông Nguyễn Chu Phù (qua Giám) đậu tú tài khoa Bính Thìn (1856)
Ông Nguyễn Thiên Phụ đậu tú tài khoa Mậu Thìn (1868)
Hội Thống có nhiều cảnh đẹp. Ngày xưa, khi trời chiều buông xuống, ráng đỏ phủ lên cảnh vật, nhiều cánh buồm no gió lướt như đan về bến cửa, những lá buồm óng ánh đỏ, mặt nước như tím lại, trên nền trời in những cánh hải âu tạo thành cảnh đẹp "Đan Nhai quy phàm" (một trong Nghi Xuân bát cảnh).
Buồm về khoan nhặt cửa Lam giang
Ráng đỏ chiều hôm nhuốm nắng vàng
Mỏi chiếc thuyền xa trời biển biếc
Gửi hồn cho gió cánh chim mang
                                                              (Vịnh Đan Nhai quy phàm – Văn Thuận)
Nhìn xa chút nữa là "Song Ngư hý thủy" (một trong Nghi Xuân bát cảnh). Song Ngư giống như hai con cá dỡn trên biển, chỉ có đứng trên đất Hội Thống để nhìn mới thấy hai con cá có đầy đủ thân và đuôi.
Vịnh Tú là một hồ đẹp nằm giữa làng, có hình bầu dục như con mắt ngọc. Xa xưa là vịnh thuyền đậu, do cát lấp miệng vịnh tạo thành hồ tự nhiên. Ngày xưa, hồ sâu, nước rất trong, ngọt và hầu như không bao giờ cạn. Chuyện kể: đã nhiều lần tiên xuống tắm. Trong hồ, sen mọc tự nhiên. Hè đến, sen nở như đám rước đèn tỏa hương thơm ngát một vùng. Ngày xưa, mỗi lần vua Lê Thánh Tông đi kinh lý vùng cửa biển này thường ghé thăm hồ Vịnh Tú và đến đền Tam Tòa. Trong bài thơ “Đan Nhai hải môn” có câu: Hy kỳ Tam Tọa thanh u cảnh (cảnh thanh bình tĩnh mịch ở đền Tam Tòa đẹp hiếm thấy).
Cuối xã có giải đất cao gọi là Cồn Thành, phía trong là vũng Mành nơi thuyền chiến đậu, cạnh đó là đồng Voi, phải chăng là nơi cột voi chiến. Thời xưa, Cồn Thành là một chiến tuyến phòng ngự chống ngoại xâm.
Ngày xưa, khi những người nào có công lớn với làng xã, hoặc có một vị hiền quan, hoặc danh tướng đi qua, mà ở đó, vị này đã để lại trong lòng dân sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu sắc, hoặc giọt máu do thương tích trong chiến đấu; ở đó, dân làng xây đền để thờ. Hội Thống cũng có một hệ thống thờ cúng hoàn chỉnh, với 21 nơi thờ cúng công cộng đã được phong 46 đạo sắc. Chia làm 4 nhóm.
Nhóm 1 – Thờ những người dân đầu tiên và có công lập thành danh xã.
Đền “Nội Ngoại tiên hiền”.Đây là đền thờ được dân lập sớm nhất trong xã: “Nhớ xưa bảy họ tám người. Lập thành danh xã công nơi hải tần”. Họ là những người đầu tiên đến khai cơ lập nghiệp, là những người khai lập danh xã, là những ông bà sau này trở thành thông gia với nhau. Đền lập ở Đầu Cồn, nơi định cư đầu tiên của dân xã, đền dựng trên 4 cột gỗ lợp tranh, xung quanh thưng gỗ. Rồi một năm, bão lớn, nước dâng to, đền và hầu hết các nhà ở bị tàn phá, cuốn trôi. Dân dời vào cồn cao, thời gian sau dân xây lại đền bằng gạch ngói trên doi đất Cồn Na, đền ngoảnh về hướng nam, phía trước là cánh đồng Xa Cô. Đền xây như cái am lớn, tường bao, cửa đóng, bên trong có hai cấp hương án, cấp cao để bài vị lớn ghi tên các ông bà được thờ và bát hương, cấp thấp hơn để lễ vật. Cạnh đền có cây đa lớn, tất cả nằm trong lùm cây um tùm cổ kính. Bài vị là tấm gỗ lớn, ghi “Nội Ngoại tiên hiền chư tiên linh”. Tám ông được ghi phía trên.
Tiên hiền tính Nguyễn, tự Viết Bội, thụy Chính Trực chi linh
Tiên hiền tính Phạm, tự Đình Trú, thụy Trung Hậu chi linh
Tiên hiền tính Nguyễn, tự Đình Giáo, thụy Cương Đoán chi linh
Tiên hiền tính Nguyễn, tự Tử Liễu, thụy Trung Chính chi linh
Tiên hiền tính Võ, tự Văn Hợp, thụy Trực Tín chi linh
Tiên hiền tính Võ, tự Văn Bồng, thụy Thông Tuệ chi linh
Tiên hiền tính Võ, tự Văn Khắc, thụy Chất Hậu chi linh
Tiên hiền tính Trần, tự Đình Yên, thụy Nghĩa Chính chi linh
Tám bà được ghi ở nửa dưới: Đào Thị Huệ, Cao Thị Phương, Võ Thị Soa, Trịnh Thị Tâm, Phạm Thị Phương, Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Lạc và Phạm Thị Hương (Không rõ ai lấy ai).
Ngày trước đền được tổ chức cúng vào những ngày lễ tết, ngày giỗ tổ các dòng họ, ông tộc trưởng đều vào đền dâng hương. Ngày 24 tháng chạp hàng năm đền được phân mã.
Ngày nay xã có gần bốn chục họ, ngoài các họ Nguyễn, Phạm, Võ, Trần, Đào, Cao, Trịnh; còn có Bùi, Chu, Cần, Dương, Đậu, Đinh, Đặng, Đỗ, Hà, Hồ, Hoàng, Khuông, Lê, Lương, Lưu, Lại, Lý, Mai, Ngô, Phan, Phùng, Thái, Trương, Thiều, Tô, Tôn, Thạch, Uông, Văn, Vương, Bành, Kiều, Tống... Đền được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh.
Đền Tiên hiền(hoặc Thánh hiền). Đền xây trên cồn đất (nay dựng Đài liệt sỹ của xã) kiểu lộ thiên gồm ba cấp thờ, xung quanh có tường thấp. Đây là nơi thờ những người dân xã ngày trước có công với làng xã và được xem như các vị thánh hiền, nhưng không ghi tên ai cả. Tất cả các đám rước thường được “cáo” và xuất phát từ đây. Đền được cúng tế trong những ngày có lễ hội trong xã, những ngày sóc vọng người đứng đầu trong xã đến thắp hương.
Nhóm 2 – Thờ phổ thông như các địa phương khác.
Đình. Đình xã thờ thành hoàng Tô Hiến Thành, hiệu Lý thái úy tô đại liêu, được sắc phong “thưởng đẳng thần”. Ông là một hiền tướng đời nhà Lý (1010 - 1225). Đời Lý Anh Tông, ông làm thái sư và phò vua nhỏ tuổi Lý Cao Tông. Ông có công diệt giặc ngoài, trị an trong, mở mang kinh tế văn hóa. Ông là người trọng nghĩa và cương trực. Trong đình có những câu đối tỏ rõ niềm tự hào của dân xã, xin trích một câu:
Vạn vật giai nghi, xuân vũ trụ
Cửu chân thử hội, thống châu xa
Nghĩa là:  Muôn vật sắp bày, xuân trời đất
Chín châu cùng họp, nhóm thuyền xe
Trong đó lại ẩn: Nghi Xuân đối Hội Thống. Trong đình còn khắc ba chữ mạ vàng vua ban “Kiên Nghĩa xã” (Còn“Mỹ Nhân xã” là do người trong huyện đặt). Nội tẩm có bức hoành phi “Xuân đài thọ vực”, ở bái đường có bức hoành phi “Kiến đại tân”.
Đình Hội Thống thuộc loại cổ. Đầu tiên đình có 5 gian, cột gỗ nhỏ, lợp tranh.
Sau đó, đình được làm lại như hiện nay, thuộc hàng lớn nhất trong cả nước. Cấu trúc đình kiểu chữ nhị (=), hậu đình 3 gian cột vuông, đình 7 gian cột tròn (Ba vuông sánh với bảy tròn chăng!). Đình ngoảnh mặt về hướng tây, lúc ấy trước cổng đình là bến đò cửa sông, có bóng đa tỏa mát, có chợ đông vui, nơi tổ chức đua thuyền, thi bơi hàng năm (bến Làn Bơi). Sau đình là những cây thân lớn hơn vòng tay như: gác, chùm mòi, thị, ... Đình gồm 7 gian 2 vận, với 8 dãy cột, mỗi dãy 4 cột to, vòng tay người lớn ôm không xuể như nhắc đời sau “Bảy họ tám người khai lập danh xã”.
Gỗ làm đình đều bằng lim, xà hạ chạm trổ công phu, rồng chầu phượng múa, ấy vậy cũng chỉ làm trong 2 năm, khởi công năm Kỷ Hợi (1659) và khánh thành năm Canh Tý (1660). Kinh phí chia mỗi chủ mành một vì đầy đủ và xà nối, phần còn lại do các hộ dân khác đóng góp. Mái đình lúc đầu lợp tranh, 30 năm sau mới lợp ngói. Bên cạnh có ao chùa và hai nhà bia ghi công đức của hai người trùng tu lớn. Đình xưa cao hơn bây giờ. Chuyện kể: một lần loạn lạc, thành hoàng ngự lên dạy “phải cưa bớt cột đình xuống nửa thước (thước ta), nếu không, giặc sẽ dỡ đình”. Dân xã làm theo (nay còn dấu tích); quả thật sau đó giặc vào, định dỡ đình về làm kho, cuối cùng chê cột quá thấp.
Đình làng còn là nơi họp dân, nơi tổ chức các lễ trọng, như: lễ rước đồ mà, lễ kỳ yên ... Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, để lại dấu ấn quê hương trong những người đến dự. Năm 1995, đình Hội Thống đã được bộ Văn hóa thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Yên Phúc. Chùa nằm nơi địa đầu của xã, xưa có cồn mối đùn lên rất to giống tượng phật, dân bèn dựng chùa ở đó. Chùa làm bằng gỗ lợp tranh, mãi sau này mới lợp ngói. Chùa thờ phật tổ. Văn thúc ước có câu: “..Mối đùn nổi tiếng danh lam, cửa từ bi chẳng đóng ...”.Dựng chùa xong, có sự tranh chấp ngôi chùa giữa hai xã, cuối cùng ngôi chùa nằm trên đất Hội Thống, lại có 6 chữ khắc trên xà: Yên Phúc tự. Hội Thống xã, nên chùa thuộc xã Hội Thống. Theo gia phả của họ Phan (Xuân Hội) ghi lại, thì họ Phan có quan hệ mật thiết với nhà chùa. Có thời, chùa dời về cạnh đình làng, phía trước có ao chùa, sau đó lại dời về chỗ cũ (Năm 1975 huyện chia lại địa giới xã, chùa nay thuộc xã Xuân Trường). Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Miệu(Còn có tên là đền Cả, hoặc đền Đại Càn). Miệu thờ tứ vị thánh nương. Tứ vị thánh nương có 4 dị bản thần tích. Xin nêu một thần tích được ghi lại theo Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Đại Nam nhất thống chí và Thượng kinh ký sự. Thì, năm Tân Hợi (1311) vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, thuyền qua cửa Càn Hải (Cửa Cờn – Quỳnh Lưu), đêm nằm mộng thấy nữ thần khóc “Thiếp là cung phi nhà Tống, cùng với 3 người con gái họ Hồng, bị giặc Nguyên Mông bức bách, gặp sóng gió trôi dạt đến đây, được trời phong làm thần biển đã lâu, nay gặp bệ hạ đem quên đi diệt giặc, thiếp xin giúp một tay lập công. Sáng ra vua hỏi, dân cũng tâu như vậy. Vua cho lập đền thờ, phong là “Tứ vị Hồng nương” hoặc “Tứ vị thánh nương”. Trong miệu có đôi câu đối nói lên điều đó.
    Nam bắc thử quan hà, thành bại hưng vong thiên cổ sự.
  Âm dương đồng thác thược, túc ung trắc giáng nhất thiên linh
Nghĩa là:  Nambắc cũng giang sơn, còn mất xưa nay câu chuyện thế
                 Âm dương cùng then khóa, nghiêm trang ẩn hiện một phương trời.
Miệu là nơi thờ cúng linh thiêng, nên được nhiều người dâng hương để xin một lời khuyên. Miệu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Bản Thổ. Đền ở phía bắc, cạnh đình. Đền thờ thổ công long thần của xã. Đền được cúng cùng ngày với những ngày lễ trong đình.
Đền Thượng Thống. Đền nằm phía cuối cánh đồng Thống (chứng tỏ đền có khá xưa). Đền xây kiểu một ngôi miếu nhỏ thờ tướng Lệ Phụng Hiểu. Một tướng phò vua nhà Lý để đánh quân Chiêm Thành (1044). Ông được phong là Đô thống vương và các mỹ tự “Khương quốc công”, “Tá thánh”. Ông thọ 77 tuổi và được nhiều nơi thờ làm phúc thần, hoặc còn gọi là Thánh Bưng.
Đền Đô Thống. Đền ở phía đầu Cồn Thành. Đền xây kiểu miếu, thờ đô thống tiết chế, tên hiệu “Quốc công sát hải Chàng Lại đại tướng quân, đô thống”. Ông là Hoàng Tá Thốn, một tướng đời Trần, có lần đánh nhau với giặc Minh ở cửa biển Đan Nhai. Ông có tài lặn xuống nước đục thuyền địch, góp phần đánh tan quân Nguyên ở sông Bạch Đằng (1288). Khi ông mất, được phong là “Sát hải đại tướng quân, Thiên Hồng nguyên soái chi thần”.
Đền Tam Tòa.(Còn gọi là đền Tam Tọa, hoặc đền Lý đại vương). Đền gần đền Cá. Đền thờ Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Lý Thái Tông (căn cứ vào sử liệu). Thời Lý Nhật Quang trấn thủ ở Nghệ An, ông đã đem quân giúp vua Chiêm dẹp loạn. Dân Chiêm nhớ ơn ông và lập đền thờ ông dưới chân núi Tam Tòa (cạnh cửa biển Thị Nại – Bình Định), và dân Nghệ Tĩnh lập đền thờ ông nơi nào cũng gọi là đền Tam Tòa. Đây là một đền linh thiêng, cổ và đẹp. Vua Lê Thánh Tông qua đây đã làm bài thơ “Đan Nhai hải môn” có câu “Hy kỳ Tam Tọa ...” để ca ngợi. Trong đền, cũng có 3 bàn thờ 3 vị, đời sau cứ tưởng Tam Tòa là thờ 3 vị. Hiệu của thần là “Minh uy dũng liệt đại vương, hiển linh hộ quốc hồng luân đại vương, Tam Tòa quốc chủ Lý Nhật Quang”.
Nhóm 3 – Đền thờ các vị thần gắn với ngành nghề chính
Đền Thần Nông.Đền nằm giữa đoạn doi đất Miệu. Đền xây lộ thiên, có 3 cấp thờ, xung quanh có tường thấp. Đền thờ vị thần chủ nghề nông, được nông dân hương khói vào đầu các mùa vụ. Đền gắn liền với lễ hội lớn: lễ hạ điền.
Đền Ông. Đền Cô. Đền Cậu.Đây là 3 đền gần nhau, sát biển. Đền thờ thần cá, tượng trưng cho nghề ngư của biển. Đền Ông thờ cá Voi to, đền Cô đền Cậu thờ cặp cá voi nhỏ. Trong đền có trên chục tiểu sành đựng hài cốt cá. Hiệu là “NamHải ngư thần”. Đền được người đi biển hương khói khi đi nghề, đi biển xa. Đền gắn với một lễ hội lớn: Lễ hội cầu ngư.
Đền Thánh.Đền dựng phía cuối cao của giải Cồn Na. Đền lập 3 gian rộng rãi, xung quanh xây tường. Đền thờ đức Khổng Tử và các vị nho học. Tên hiệu: “Đại thành chí thánh tiên sư Khổng Tử”, “Thuật thánh Tử Tư Tử”, “Á thánh Mạnh Tử”. Có thể coi đền Thánh như là Văn Miếu xã, ghi lại những người thành đạt trong các khoa thi. Những người đi học, đi thi và khi thành đạt đều đến đây hương khói. Ngày trước, đền Thánh được cúng vào đầu năm để khai bút. Bài văn cúng đầu năm Duy Tân thứ 7 (1913) có đoạn:
Bản xã lịch khoa tiến đạt chư tiên sinh ...” Đền Thánh có đôi câu đối:
Đạo tố nhất trung, Nghiêu Thuấn Võ Thang Văn Vũ
Giáo thùy vạn thế, Thi Thư Lễ Nhạc Xuân Thu
Nghĩa là:  Dốc một đạo thánh vương, Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ
                  Dạy nghìn đời sỹ tử, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu
Nhóm 4. Nền xóm. Nền xóm là một bàn thờ, thường hai cấp, xây lộ thiên. Mỗi nền xóm thường đặt dưới một gốc cây lớn, như; đa, bàng, sy, giới, ... Hàng năm, mỗi nền xóm được cúng tế vào các ngày 23, 24 tháng chạp, là ngày được phân mã. Ngày tết Nguyên đán và ngày rằm tháng bảy được các gia đình trong xóm đến hương khói, nhưng không cầu xin gia sự ở đây. Trước năm 1945, cả xã có 8 nền xóm. Mỗi nền xóm, cử một người tuổi cao trông nom việc thờ cúng.
Các nơi thờ cúng công cộng, lễ thường được gắn với hội.
Lễ hội rước đồ mã.Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 23, 24 tháng chạp. Đám rước từ nơi đặt mã tại đền Tiên hiền và long trọng rước vào đình. Đám rước thường có hai kiệu lớn: Đi trước là kiệu đặt Long ngai của thành hoàng có tán che, tiếp theo là kiệu đặt toàn bộ đồ mã: mũ, áo, đai, bia (bằng giấy) có lọng che: Mão, đai, hia, áo long bào của thành hoàng để riêng. Đi đầu đám rước là cờ thần, chiêng, trống. Theo sau kiệu là phường bát âm. Mọi người tham gia rước mặc trang phục lộng lẫy. Ngoài ra còn có lễ vật đặt trên các mâm đồng đội đi theo. Ngày 23 rước vào đình để thờ, tế. Ngày 24, số đồ mã trên được phân chia cho mọi nơi thờ cúng công cộng và một số nhà thờ của các vị khoa cử. Lúc phân mã, đồ mã được đặt trên hương án nhỏ, có trống con đánh, rước theo sau.
Trong đám rước, khi kiệu thành hoàng đi qua các nơi quan trọng đều “ngự” (xoay, đảo, lùi, tiến như có “thần lực” nào đó điều khiển) được mọi người đi xem đánh giá là linh thiêng và hấp dẫn nhất. Trong hai ngày đó, tại sân đình còn tổ chức trò chơi như kéo co, đánh đu, đấu vật, thi nhấc đá tảng đình, đấu cờ tướng,  ... Có năm, về đêm còn có tấu nhạc, mời phường tuồng về diễn.
Lễ Kỳ Yên(hay Cầu Yên). Lễ hội kỳ yên được tổ chức đầu năm và nằm trong tháng giêng. Lễ được cúng tế tại đình. Trong lễ vật có chiếc tàu ô bằng giấy (loại tàu cướp biển), trên thuyền có đủ hình nhận để vận hành. Sau tế lễ, tàu được rước đi trên các trục đường chính của xã. Đám rước chỉ vẻn vẹn có mấy người khiêng tàu, 1 trống to đánh “ngũ liên”, vài trống con, vài cái mõ và vài người cầm loa vừa đi vừa rao xướng “Mời ôn hoàng dịch lệ, thần khí ma vương xuống tàu. Ai có tai ương chướng ách thì gửi vào tàu, tống tiễn ra biển”. Người gửi cũng chỉ bằng lời. Mọi người rước cùng nhau xua đuổi tà khí trong xã, nhằm thu gom những điều “nhân bất an, vật bất thịnh”, những điều không may mắn trong dân xã gặp phải, cho vào tàu và cuối cùng được làm lễ tống tiễn tại đền Tam Tòa, rồi khiêng tàu thả ra biển để buông trôi. Trẻ con cũng không bám theo đám rước. Mục đích là làm giảm đi sự lo lắng, không hay xẩy ra trong năm để yên bề làm ăn sinh sống. Có câu ca:                   
                                                Đầu năm làm lễ kỳ yên

                                  Cho vơi nhẹ bớt nỗi phiền trong năm
Lễ Hạ điền. Lễ hạ điền là ngày hội của người làm ruộng. Lễ chọn vào ngày tốt đầu tháng mười một, là ngày mở đầu cho vụ cấy lúa chiêm (mùa chính). Ngày lễ được đông đảo nông dân dự, họ ăn mặc sạch sẽ, mỗi người đến dự đều có hương vàng dâng lễ. Những phẩm vật (mâm xôi lớn, nồi cơm lớn, lợn, gà ...) do dân góp và biện chung. Ngoài ra, còn có chiếc đòn xóc rất lớn với hai bó lạt to tượng trưng cho vụ mùa bội thu. “Tiền” xin keo có năm làm bằng hai đòn xóc thẳng, hai người dồi lên để xin âm dương. Cúng xong, các vị chức sắc trong làng, những người năm ngoái thu hoạch tốt, xuống cánh đồng Nậy (trước đền) cấy tượng trưng mỗi người một bó mạ. Kể từ ngày đó trở đi, dân làng mới được cấy ruộng của mình, có thể xem là việc chỉ đạo cấy đúng thời vụ. Cuối buổi lễ, một người khỏe mạnh đặt đòn xóc hai đầu có hai bó lạt lên vai, với nét mặt phấn khởi, dáng đi ra vẻ nặng nhọc, trở vai liên tục như một gánh lúa quá nặng, chạy nhịp nhàng vào làng.
Lễ hội cầu ngư. Lễ hội do người làm nghề sông nước đóng góp và tổ chức. Lễ được cúng vào ngày tốt đầu năm trước rằm tháng hai. Phẩm vật do một nhóm đứng ra “biện”.
Trong đó, năm nào cũng phải có một chiếc thuyền rồng và một số hình nhân bằng giấy để điều hành. Thuyền rồng và lễ vật được đặt cáo trước ở đền Tiên hiền, sau đó mới rước đến nơi hành lễ. Sau khi cúng xong, với một ít phẩm vật đặt trong thuyền rồng được thả xuống nước và được xem là lễ vật dâng thần sông biển.
Lễ cầu ngư có thể tổ chức theo hai cách: Lễ cầu ngư trên cạn và lễ cầu ngư trên nước. Lễ cầu ngư trên cạn phải dựng rạp, mặt hướng ra biển, 3 mặt được che bằng buồm, giữa rạp đặt bàn thờ, bát hương rước từ đền cá ra. Lễ cầu ngư trên nước thường được kết 4 thuyền lớn lại với nhau làm sàn cúng, trên đặt bàn thờ. Văn cúng cầu ngư thường đề “Cồng ngư vạn cạnh trạo cầu ngư kỳ yên văn”.
Sau lễ là hội chèo bơi, thi bơi, có năm thuê phường tuồng về diễn. Đây là cuộc thi giữa các vạn: Vạn Rùng, vạn Biển (vạn te), vạn Đáy, vạn Mành và bao giờ cũng có một đội của người làm ruộng tham gia, trống thúc liên hồi, người xem chật bãi.
Lễ Trung nguyên. Lễ được cúng vào ngày rằm tháng bảy tại chùa Yên Phúc. Điều hành buổi lễ phải mời được sư có lễ phục về trụ trì. Thường, nhà chùa dựng đàn với tích “Mục Liên cứu mẹ” và tụng kinh giải thoát oan hồn. Trong lễ có đọc văn tế thập loại chúng sinh, có mục “thí thực”, ban vàng, áo, cháo, nổ, gạo muối cho các cô hồn.
Ngày xưa, người Hội Thống cũng thích hát đối, hát ví giao duyên như những vùng quê khác. Những khi lưới đánh cá rách nhiều, chủ nghề mướn phụ nữ nơi khác đến vá lưới. Ban ngày làm việc, tối nghỉ, lúc này đàn ông trong xã lập nhóm kéo đến hát ví đối với nhóm nữ vá lưới. Họ ăn trầu, uống nước và hát đối đáp mãi đến khuya mới ra về. Hoặc, trong mùa cấy, người Hội Thống thường mướn phụ nữ các xã khác đến cấy. Để quên đi nỗi mệt nhọc, cúi đau lưng; hai phường cấy gần nhau cũng hay hát ví đối, tiếng ngân vang trên mặt nước mênh mông ... Đôi khi, những giọng hát mê say đã kết họ nên vợ nên chồng.
Hội Thống có điệu “hò nghẹt” khi chèo thuyền (nghẹt, là chỉ khi không có gió trời). Người ta dùng tiếng hò vừa để động viên, vừa để điều khiển cách chèo cho đều, nhằm đạt hiệu quả cao. “Nghẹt” còn có thể hiểu, cứ 2 tù dừng lại một lần, như bị tắc lại, để lúc này chân dẫm lên sạp, tay đẩy chèo, miệng đồng thanh “Nì, chèo nì!” (Này, chèo này). Đứng xa, tiếng nhịp chân đồng loạt dẫm lên sạp thuyền nghe sầm sập, sầm sập.
Ơ hò! (Nì, chèo nì). Thuyền ni (Nì, chèo nì), lái thấp (Nì, chèo nì), mũi cao (Nì, chèo nì). Đi ra (Nì, chèo nì), lắm cá (Nì, chèo nì), đi vào (Nì, chèo nì), bình yên (Nì, chèo nì).
Hội Thống có đội bát âm hoàn chỉnh, phục vụ cho những lễ hội (hoặc lễ tang) trong xã và xã bạn. Có khi là nhóm nhạc nền cho đội tuồng của xã.
Hội Thống có những người làm thơ làm câu đối điêu luyện như cụ Nghè Mẫn, cụ Song Ngư – Nguyễn Tất Minh, nhưng cũng có nhiều người sáng tác mang tính “tự phục vụ” đáng nể. Một số bài thơ truyền khẩu lại khá lâu, được nhiều người thuộc. Ngoài những bài thơ, câu đối, văn tế; người xưa còn truyền lại cho đời sau một áng văn vừa tự hào mang tính giáo dục trong sáng, đó là bài “Văn thúc ước” do cụ Nguyễn Hành làm (cụ người xã Tiên Điền, 1771 - 1824), sau này cụ Nghè Mẫn có sửa lại chút ít và thêm hai câu cuối.
Như vậy, cuộc sống tinh thần và vật chất của người dân Đan Nhai – Hội Thống thật phong phú. Đông Hồ - Lê Văn Diễn năm 1842 viết cuốn “Nghi Xuân địa chí” cũng dè dặt hạ bút: “...Người Hội Thống có tập quán trau chuốt, còn xa hoa và phong thái Bắc thành. Phụ nữ phần nhiều là đoan trang, nghiêm nghị, nhưng cũng phàm phu, nên ít ai dám xâm phạm đến ...”. Cùng với những đoạn viết đậm nét về mảnh đất này.
 

                                                                 Võ Giáp
                                       ( Xuân Hội – Nghi Xuân – Hà Tĩnh)

. . . . .
Loading the player...