08-02-2020 - 20:43

HÓA THÂN HAY KHÁT VỌNG KHÁM PHÁ NHỮNG “KHUÔN MẶT” KHÁC CỦA MÌNH

Đọc tập thơ của Trâm Anh, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là sự hồn nhiên đến mực tự nhiên của người viết. Từng biết, từng đọc thơ chị từ hơn hơn hai mươi năm trước, nay đọc một mạch tập bản thảo này, tôi có cảm giác như gặp lại một người lạ… vốn quen.

Làm thơ, rất cần sự hồn nhiên. Hồn nhiên để nói lên những cảm xúc tươi mới, ngỡ ngàng trước trước những gì diễn ra xung quanh bằng đôi mắt trẻ thơ. Hồn nhiên để không rào trước, đón sau, không sợ rằng những gì mình viết ra đã thực sự là “thơ” hay chưa. Hồn nhiên để không bị câu thúc bởi tư tưởng, bởi yêu cầu của bao nhiêu yếu tố hình thức hết sức phức tạp, “nhiêu khê” của thơ ca… Đọc tập thơ của Trâm Anh, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là sự hồn nhiên đến mực tự nhiên của người viết. Từng biết, từng đọc thơ chị từ hơn hơn hai mươi năm trước, nay đọc một mạch tập bản thảo này, tôi có cảm giác như gặp lại một người lạ… vốn quen.

Lạ vì thấy thơ Trâm Anh đã khác xa so với thời tham gia Viết vẽ tuổi học trò. Đương nhiên thôi. Quen vì vẫn được nghe cái giọng sôi nổi, có khi ồn ào bỗ bã mà rất đỗi chân thành. Có tố chất đó, Trâm Anh mới có thể viết về bất cứ điều gì khiến chị thấy cần nói lên bằng vần điệu. Thì đây, nào có gì xa lạ khi đề tài thơ vẫn xoay quanh ký ức tuổi thơ, những khoảnh khắc thời gian lưu dấu trong tâm hồn, một cảm giác chát đắng qua trải nghiệm tình yêu, tình đời, một sự cố nhức nhối của thực tại, một sản vật của quê hương, một sự thay đổi của cuộc sống xung quanh, một nỗi đớn đau trước nghịch cảnh oái oăm của mình, của người, một sự khát khao dai dẳng không thể hóa giải…

Những chiếc lá vàng cong như con thuyền lấm lem

Mắc cạn trên những phố dài

Mắc cạn những con thuyền mùa hè

Đựng ước mơ của ta nằm im trên phố vắng.

(Hóa thân)

Ta vội vàng giấu hết những bài ca

Sợ chúng bị cuốn theo cuộc hành trình của Gió…

(Cuộc hành trình của Gió)

Lạnh lùng như phơi áo cũ

Anh đi từ sớm mai hồng

Chập chờn trong cơn mê tỉnh

Em hờn với gió Thu đông

(Khúc hát sang sông)

Đã quá xa mơ mộng tuổi trăng rằm

Đã không còn xốn xang mỗi khi hè chạm ngõ

Tháng 5 về, vi vu diều no gió

Tu hú kêu khắc khoải đến khôn cùng.

Thả ước mơ vào trưa nắng hạ mông lung

Lũy tre làng xác xơ chờ đàn ve sầu trở về, sau hành trình lột xác…

(Viết cho sinh nhật tháng Năm)

Độc giả có thể băn khoăn: thì làm thơ, ai mà chẳng khai thác những mạch vỉa đó. Đúng vậy! Nhưng làm nên cái riêng của  mỗi người viết, chung quy là cách viết. Tôi không nghĩ rằng Trâm Anh ý thức sâu sắc về giọng điệu thơ, nhưng cái tố chất tự nhiên đã giúp chị cất lên những thanh âm khiến người đọc không khó nhận ra cái âm sắc của chị. Có khi là sự bộc bạch chân thành đến mức “thật như đếm”, có khi là sự ân cần, vồn vã, có khi là sự bạo liệt bất ngờ, có lúc lại “quê kiểng” như bản chất vốn thế… Chính những âm sắc đó đã giúp Trâm Anh được đúng là mình, không trau chuốt, màu mè, vay mượn.

Đã viết, dù muốn hay không, cái “chân dung” của tác giả vẫn cứ thấp thoáng đằng sau câu chữ. Đọc Hóa thân, tôi cảm nhận được hình ảnh một con người muốn vô tư mà không vô tư được, muốn cất mình lên khỏi sự gò bó nhưng vẫn bị trì níu bởi bao nhiêu buộc ràng, muốn thả hồn theo cái miên viễn, vô cùng nhưng lại bị cái đời thường câu thúc, muốn sống với đam mê, khao khát nhưng lòng vướng bận bao nhiêu sự vụ hàng ngày, muốn hồn nhiên, tự nhiên mà cái ưu tư vẫn len lỏi vào mọi ngóc ngách… Con người đó dường như cũng từng chịu không ít va đập của ngoại cảnh, để lại những dư âm trong sâu thẳm cõi lòng. Cảm giác “lực bất tòng tâm” (về rất nhiều chuyện chứ không chỉ ở làm thơ) cũng không thể giấu nổi. Sự đa cảm, đa đoan vẫn vương vấn trong mỗi dòng, mỗi đoạn, mỗi bài, hiện ra với những nét vẽ khác nhau… Đó chính là khát vọng “hóa thân” – cái khát vọng khám phá để nhận ra trong cái khuôn mặt vốn đã quá quen của mình có sự chập chờn những khuôn mặt khác, nhờ đó, mới hiểu thêm, cuộc đời dù tẻ nhạt thế nào, vẫn tiềm chứa nhiều điều bí ẩn. Sống nghĩa là tìm mình, ít nhất, bằng thơ.

Từ góc nhìn của một người đọc có ý thức phê bình, tôi muốn tác giả cẩn trọng hơn ở nhiều công đoạn của sáng tạo thơ. Hãy làm sao để giải phóng thơ khỏi sự dàn bày của mạch tuyến tính kể tả thuần túy, cấp cho bài thơ một cấu trúc tinh vi, nghệ thuật hơn; cẩn trọng hơn nữa về ngôn từ; cô đúc, kín đáo hơn nữa về ý tứ, kiệm lời hơn nữa khi giãi bày… Tôi cũng muốn tác giả bớt ngẫu hứng hơn trong việc phối xen các thể thơ khác nhau trong cùng một bài. Nói ra điều này nghĩa là tôi kỳ vọng tác giả sẽ tự vượt lên bản thân nếu tiếp tục nối dài mạch cảm hứng thơ ca của mình.

Đặng Lưu

. . . . .
Loading the player...