12-02-2021 - 13:28

HÌNH TƯỢNG CON TRÂU TRONG TRANH DÂN GIAN

Tạp chí Hồng Lĩnh Số Tết Tân Sửu trân trọng giới thiệu bài viết "Hình tượng con trâu trong tranh dân gian" của họa sĩ Lê Anh Tuấn

HÌNH TƯỢNG CON TRÂU TRONG TRANH DÂN GIAN

             Tranh dân gian Việt Nam có từ thời nhà Lý (thế kỷ XII). Định Đô ở Thăng Long, nhà Lý cho mở trường Quốc Tử Giám (Trường đại học đầu tiên của nhà nước Đại Việt). Kinh thành xuất hiện nghề khắc ván, in sách, in tranh. Nghệ nhân dân gian có điều kiện làm tranh dân gian trên cơ sở của giấy dó tự làm, nền giấy quét màu hay quét điệp tùy thuộc loại tranh vẽ.

Thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) tranh dân gian phát triển mạnh, bởi trước đó nhà Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã cho in tiền giấy, một đỉnh cao về công nghệ in ấn, bởi vậy nghệ nhân dân gian có cơ hội kế thừa kỹ thuật cho việc làm tranh. Kinh thành Thăng Long đã có chỗ cho tranh dân gian tham gia vào nhu cầu làm đẹp trong mỗi gia đình. Nhà thơ đương thời Hoàng Sơ Khải đã viết:

Chung Quỳ khéo vẽ nên tranh/ Bùa đào yểm cửa phòng linh ngăn tà/ Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm/ Dưới thềm lầu hoa điểm thọ dương

Vương Triều Mạc (1527-1593) kéo dài trên sáu mươi năm, đây là thời kỳ cực thịnh của văn hóa dân gian Việt. Không chỉ tranh dân gian phát triển mà những lĩnh vực văn nghệ dân gian khác cũng mặc sức tung hoành, nhà nước non trẻ và ngắn ngủi này chưa thể chế định được nguồn chảy dân gian vốn tự do và cực kỳ biến hóa. Thời này người Kinh Kỳ đã chơi tranh và một khi đã chơi là phải sành, phải có luật, có lệ. Cứ xem cách treo tranh trong thơ Hoàng Sơ Khải thì biết.

Nước Việt ta là một nước nông nghiệp, vị thế của con trâu trong đời sống người nông dân là rất quan trọng, nó được coi như thành viên trong mỗi gia đình sớm tối không rời nhau, người nông dân nuôi trâu để làm sức kéo cho đồng ruộng đủ cả chiêm mùa, lụt, hạn của mình, con trâu quả là đầu cơ nghiệp. Vùng ngoại thành Hà Nội, làng Triều Khúc nhiều nhà giàu có họ thuê thợ đắp tượng trâu trong vườn, thôi thì đủ cả, con đứng, con nằm, trâu mẹ, nghé con… tất cả trong một không gian mở, nhà cao cửa rộng, tòa ngang dãy dọc, cổng ngoài cửa trong tất cả đâu vào đấy thật không chê vào đâu được.

Khi con trâu đã là bạn của nhà nông, người ta yêu quý nó, nó cũng rất yêu mến và gần gũi người nông dân. Trẻ chăn trâu có thể lên lưng trâu từ đầu, đôi sừng rất oai dũng của nó chỉ để hăm dọa kẻ khác chứ không làm gì ác. Trong hệ thống tranh dân gian Việt Nam con trâu được thể hiện như biểu tượng của sự cường dũng mà rất nhân hậu. Trong rất nhiều tranh thờ (kể cả tranh thập điện) chỉ có mặt ngựa chứ không có đầu trâu trong những lũ ác quỹ tay chân của Diêm Vương. Hình như nghệ nhân dân gian không nỡ đưa người bạn của mình vào những hoàn cảnh độc ác như ai đó đã ví von.

Hai dòng tranh: Đông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội) đại diện cho tranh dân gian Việt Nam, có lẽ trữ tình thì Đông Hồ, còn những gì tinh vi tài khéo thì Hàng Trống hơn, còn giá trị nghệ thuật thì mỗi dòng tranh có cái duyên sắc riêng, không thể nói là ai hơn ai. Tranh dân gian trải dài trên cả nước, chúng ta chỉ có thể dựa theo phong cách nghệ thuật và kỹ thuật in, vẽ, cùng với nguyên vật liệu làm tranh mà quy về một số dòng gọi theo tên địa danh sản xuất, ví như tranh Đông Hồ (đồng bằng Bắc bộ), còn gọi là tranh Hàng Trống (ở phố Hàng Trống Hà Nội), tranh Làng Sình (ở Huế )…

Hai dòng tranh tiêu biểu và hiện còn tồn tại là tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Xét về mặt lưu truyền đến nay thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) mới thực sự tồn tại và phát triển.

Tranh Đông Hồ hầu hết là chú trọng và phản ánh những quan hệ xã hội ở nơi thôn dã, xưa nó phục vụ vào dịp tết Nguyên đán, ngày đó dù nghèo mấy người ta cũng mua vài bức vẽ treo trong nhà cho có hương vị xuân, nó cùng với cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh tạo thành hương vị tết. Nghệ nhân Đông Hồ yêu và hiểu những con vật trong nhà mình cho nên những tranh gà trống, lợn độc, gà đàn, cá chép, vinh hoa (bé cỡi gà), phú quý (bé cỡi vịt)…luôn luôn là những sản phẩm mà nhà nông khắp trên đất Việt yêu thích. Một bức tranh rất đặc sắc vẽ về trâu, đó là tác phẩm: Trâu sen, ở mảng đề tài này ta còn gặp nhiều tranh của các dòng khác như: Tranh Vua Đinh; Tòa án âm phủ nói ban thưởng cho những người tốt, Ngưu lang chức nữ, Nghỉ ngơi giữa buổi bừa…nhưng tất cả chỉ là tranh khắc nét, và hiệu quả thẩm mỹ không có gì độc đáo.

Trâu sen là một tác phẩm hoàn chỉnh được vẽ theo bố cục đứng, in nhiều màu (dùng nhiều bản khắc) in trên nền ghi phớt tím trong suốt như bùn non, xung quanh viền nét nâu nhẹ, không vẽ tay một chi tiết nào. Đây là một tổ hợp màu chuyển động được phân bổ hợp lý. Cấu trúc hình độc lập (cả ở tổng thể lẫn chi tiết). Đường nét viền hình, gợi hình, tả hình rất tinh tế, co thắt, mở nhịp nhàng, nhiều mà không rối, đanh chắc mà không thô cứng, mềm mại mà không tùy tiện. Nhờ sự va đập về màu mà âm vang trong thể tĩnh. Nghệ nhân dùng nét khắc đa chiều của mình để đẩy cao nhịp điệu, âm thanh dìu dặt cũng từ đấy mà ra (một bí quyết thâm hậu của nghệ nhân dân gian Đông Hồ). Toàn cục hình con Trâu được in màu đậm, ấm, dựa vào thư pháp chồng màu, chút sáng đỏ nhẹ chạy trên cổ trâu, ức trâu, bụng trâu rồi rơi xuống bốn chân làm bật khối cơ bắp tự cơ của con trâu. Mảng đỏ nhẹ dưới cằm trâu, rồi tai trâu đặt động thái tinh thần cảm nhận tiếng sáo du dương của em bé ngồi trên lưng trâu đang thổi sáo!!! Có lẽ ai đó cho rằng “Đàn cầm mà gẩy tai trâu” liệu có oan cho Trâu không?.

Nghệ nhân Đông Hồ trong bức họa Trâu sen quả là nghệ sĩ thực thụ rồi, cái gọi là hồn nhiên, tự nhiên chủ nghĩa, vụng, thiếu triết lý, ở đâu chứ trong bức tranh Trâu sen thì hoàn toàn không phù hợp, cách nhìn “kỳ thị” về dòng dân gian Đông Hồ quả là hẹp và nghèo ở nhiều phương diện. Ba yếu tố đưa vào tác phẩm = Trâu + Sen + người với tài năng đồ họa, chọn cách nhìn trang trí mà hòa tấu và màu cứ chín như gạch nung, tổ hợp vẽ hình cứ quyện chặt vào nhau như một thể thống nhất. Nghệ nhân hiểu và yêu con trâu như những gì thân thuộc nhất cuộc đời mình vì vậy tác phẩm đạt tới độ hoàn chỉnh cao, đạt đến đỉnh của hình và màu, nếu cho đây là một tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực đồ họa Việt Nam thì cũng hoàn toàn xứng đáng. Tính nhân văn của tác phẩm đó là tiếng sáo mà em bé ngồi trên lung trâu đang thổi, sẽ biết được ý tứ sâu xa của nghệ nhân, nhưng đoán chắc rằng nó rất hay, có vậy trâu và người, và sen mới quyện vào nhau như một khối nghệ thuật vĩnh hằng./.

                                      Lê Anh Tuấn         

                                                                                   

 

. . . . .
Loading the player...