27-01-2023 - 09:53

Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh

Cách đây đúng 50 năm, vào ngày 27/01/1973, Hiệp định Parí về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, buộc chính quyền Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thắng lợi này là thành quả của cuộc chiến đấu chiến lược kéo dài, cam go trong suốt hơn 4 năm liền của quân và dân Việt Nam, là đỉnh cao của nghệ thuật ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Tính đến cuối năm 1967, sau hai năm trực tiếp chiến đấu chống quân viễn chinh Mỹ, quân và dân miền Nam đã đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965 - 1966, mùa khô năm 1966 - 1967. Tại miền Bắc, tính đến cuối năm 1966, quân và dân ta đã bắn rơi 1.620 máy bay Mỹ. Chiến lược tìm và diệt ở miền Nam cũng như chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc của Mỹ đều thất bại nghiêm trọng. Trên thế giới, phong trào phản chiến, đoàn kết với nhân dân Việt Nam ngày càng mở rộng, trong khi đó chính quyền Mỹ lâm vào thế sa lầy, tiến thoái lưỡng nan.

Trên đà thắng lợi ở chiến trường, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 khóa III (ngày 26/01/1967) đã có Nghị quyết nêu rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định giành thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) đã giáng một đòn mạnh mẽ lên Chính phủ và cả nước Mỹ, khiến Tướng Westmoreland - Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara phải từ chức, ngày 31/3, Tổng thống Johson phải tuyên bố đình chỉ các hoạt động của không quân, hải quân Mỹ chống miền Bắc Việt Nam, khước từ việc Đảng Dân chủ cử ông ra ứng cử cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ hai và xuống thang chiến tranh, từng bước ngồi vào bàn đàm phán, nói chuyện với ta.

Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris về Việt Nam chính thức được bắt đầu. Lúc này gồm hai bên. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 38 thành viên, do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu, Hà Văn Lâu và Nguyễn Minh Vĩ làm Phụ tá Trưởng phái đoàn. Phái đoàn Chính phủ Mỹ gồm 6 người, do Đại sứ Averell Hariman dẫn đầu. Trước đó, ngày 10/5/1968, hai bên đã có một cuộc họp về thủ tục cho cuộc đàm phán, đó là: xét quốc tịch của các nhân viên trong hai phái đoàn; ngôn ngữ sử dụng trong đàm phán (tiếng Việt và tiếng Anh, tiếng Pháp được dùng làm chuyển ngữ); thống nhất ấn định thành phần và thời gian cho phiên họp kế tiếp. Với đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước lúc sang Paris dự Hội nghị, Bác Hồ đã ân cần dặn dò Bộ trưởng Xuân Thủy: “Phải nhớ Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả… Chiến tranh sẽ còn lâu dài, đàm phán phải kiên trì, không được nóng ruột”. Hội nghị hai bên kéo dài đến hết năm 1968 thì chuyển tiếp thành hội nghị bốn bên. Hội nghị bốn bên mở phiên họp đầu tiên vào ngày 25/01/1969. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn vẫn là ông Xuân Thủy và có thêm cố vấn Lê Đức Thọ. Đoàn Chính phủ Mỹ do Henry Cabot Lodge thay thế Averell Hariman làm trưởng đoàn, về sau có thêm Tiến sĩ Kissinger. Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu. Phái đoàn Chính quyền Sài Gòn do ông Phạm Đăng Lâm dẫn đầu.

Hội nghị Paris chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1968, gồm những cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Mỹ. Phương sách giai đoạn đầu này của ta là vừa đánh vừa đàm nhằm tranh thủ dư luận, kéo Mỹ xuống thang, phục vụ đấu tranh quân sự ở chiến trường, tập trung đánh thắng hơn nữa ở miền Nam. Giai đoạn hai bắt đầu từ đầu năm 1969 đến giữa năm 1972. Đây là thời kỳ giằng co quyết liệt trên bàn đàm phán, trên chiến trường và cả trên mặt trận đấu tranh quốc tế. Nixon sau khi thắng cử Tổng thống Mỹ đã đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tăng cường lực lượng ngụy quân để rút dần quân số Mỹ và giảm ngân quỹ chiến tranh. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã gây ra cho ta nhiều tổn thất, khó khăn, cùng với thái độ trì hoãn của Hoa Kỳ nên đàm phán có lúc rơi vào bế tắc, không đạt được kết quả tích cực nào. Giai đoạn thứ ba bắt đầu tư tháng 6 đến cuối năm 1972. Mùa Xuân năm 1972, ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Mỹ phản ứng điên cuồng, Nixon phát động lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng và các cửa biến, cửa sông của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm cầm cự, tạo ưu thế trong đàm phán. Ở Pari, đoàn Mỹ và Chính quyền Sài Gòn tuyên bố hoãn không thời hạn các phiên họp của Hội nghị. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn đề nghị có cuộc gặp riêng giữa hai bên (Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Phía ta chủ động chấp nhận nhờ có ưu thế trên chiến trường và sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Từ ngày 8 đến ngày 12/10/1972, ta đã đưa cho phía Mỹ toàn văn “Dự thảo Hiệp nghị về chấm dứt chiến tranh” và “Dự thảo về thỏa thuận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”; ngày 26/10/1972, ta công bố 4 văn kiện Hiệp định mà Việt Nam và Mỹ đã thảo thuận. Giai đoạn thứ tư, từ cuối năm 1972 đến tháng 01/1973. Sau nhiều thất bại trên chiến trường và chịu nhiều sức ép trên bàn đàm phán, ngày 18/12/1972, Nixon ra lệnh cho máy bay B.52 hủy diệt miền Bắc Việt Nam, mở đầu chiến dịch mang mật danh “Lineblaker II”. Trong 12 ngày đêm, Hoa Kỳ đã huy động 193 máy bay B.52, 999 máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội, Hải Phòng cùng một số thành phố, thị xã khác ở miền Bắc Việt Nam. Về phía ta, ngay từ năm 1967, Bác Hồ đã nhận định “Mỹ có thể ném bom Hà Nội trước khi chịu thua”. Vì vậy, quân và dân miền Bắc đã có sự chuẩn bị kỹ, chiến đấu oanh liệt, trong 12 ngày đêm đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại, trong đó có 34 máy bay B.52, 47 máy bay chiến thuật, riêng trên bầu trời Hà Nội, ta đã bắn rơi 25 chiếc B.52, làm nên một chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”.

Thất bại trên chiến trường đã buộc Mỹ không thể lật lọng, tráo trở thêm nữa, ngày 23/01/1973, tại cuộc mật đàm thứ 24 - cuộc mật đàm cuối cùng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, hai bên đã cùng ký tắt vào bản văn Hiệp định.

11 giờ (giờ Pari), ngày 27/01/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Đại lộ Kleber, Hiệp định Paris được ký kết giữa bốn ngoại trưởng, chính thức kết thúc cuộc đàm phán lịch sử kéo dài 4 năm 8 tháng với tổng cộng 202 phiên họp công khai, 24 cuộc tiếp xúc bí mật, qua hai lần thay đổi Tổng thống nước Mỹ, bốn lần phía Mỹ phải thay đổi trưởng đoàn đàm phán (Averell Harrimian, Henry Cabol Lodge, David Bruce, William J.Porter). Trong quá trình thương lượng, thái độ của phía Mỹ luôn ngoan cố nhưng trước những thắng lợi của quân và dân Việt Nam, đặc biệt là những thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân - Hè năm 1972 ở miền Nam và đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B.52 vào Hà Nội và Hải Phòng (tháng 12/1972), và với sức ép của dư luận tiến bộ trên thế giới, buộc phía Mỹ phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.

Nội dung của Hiệp định Paris gồm 9 Chương, 23 Điều, với 4 loại điều khoản chính. Trong số các điều khoản của Hiệp định, có những nội dung vô cùng quan trọng, được nhất quán xuyên suốt quá trình đàm phán mà phía ta luôn tuân thủ để rồi đạt được, cụ thể như tại Điều 1, Chương I ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm một nghìn chín trăm năm mươi tư đã công nhận”. Điều 2, Chương II: “Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ, ngày hai mươi bảy tháng Giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba. Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới, và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn…”. Điều 4, Chương II: “Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”. Đặc biệt, Điều 15, Chương V đã ghi rất rõ về việc thống nhất đất nước như sau: “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam thỏa thuận. Trong khi chờ đợi thống nhất: a) Giới tuyến quân sự tại vĩ tuyến thứ mười bảy chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ, như quy định trong đoạn 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève năm một nghìn chín trăm năm mươi tư…”. Ngoài ra Hiệp định còn có các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam. 

Thắng lợi của Hiệp định Paris đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo sáng suốt đúng đắn của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Hiệp định Paris cũng là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chính Kissinger đã có lần phải thừa nhận với cố vấn Lê Đức Thọ: “Các ông là kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi phải kính phục các ông vì các ông là một dân tộc chiến đấu rất anh dũng. Nhưng các ông anh dũng mà không khôn ngoan mưu trí thì chúng tôi dễ giải quyết. Đằng này, các ông không những anh dũng mà còn rất khôn ngoan nên chúng tôi khó giải quyết lắm”.

Với thế giới, thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của Nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á - giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN. Hiệp định Paris còn là sự củng cố niềm tin của Nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình, kích lệ các dân tộc bị áp bức, đấu tranh để giành độc lập, tự do, vì hòa bình, công lý.

Ngày nay nhìn lại, Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị bởi đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Góp công trong thắng lợi chung này, quân và dân Hà Tĩnh cũng đã để lại rất nhiều dấu ấn và sự kiện đặc biệt. Ngày 23/8/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Hà Tĩnh, trong đó có đoạn: “Ngày 26 tháng 3 năm 1965, quân và dân Hà Tĩnh đã lập chiến công vẻ vang bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ… Tính đến ngày 18 tháng 8 năm 1966, tỉnh nhà đã bắn rơi cộng tất cả 100 máy bay giặc Mỹ. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta đã chiến đấu dũng cảm và đã thắng lợi vẻ vang”. Tiếp đó, ngày 5/8/1968, Bác Hồ lại có thư khen quân và dân tỉnh ta: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, gửi lời khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Hà Tĩnh đã đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay Mỹ chiếc thứ 200, ra sức đảm bảo giao thông vận tải và phục vụ tiền tuyến, cùng với quân và dân cả nước đập tan mọi thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của giặc Mỹ…”.

Ngày ký Hiệp định Paris đã trở thành sự kiện lịch sử đặc biệt bởi thời điểm lúc đó cũng chỉ còn 6 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Sửu (ngày mồng Một tết Nguyên đán năm Quý Sửu 1973 đúng vào ngày thành lập Đảng mồng 3/02), điều này đã làm cho dân tộc Việt Nam đón thêm một cái Tết trong không khí vô cùng phấn khởi, hân hoan chiến thắng. Với việc buộc Mỹ chấp nhận giải pháp rút quân khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt mọi dính líu về quân sự ở Việt Nam (và cả Đông Dương), đã làm cho thế lực ngụy quân, ngụy quyền suy yếu, mất hết chỗ dựa, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, để rồi giành chiến thắng cuối cùng tại Sài Gòn, thống nhất non sông đất nước vào năm 1975.

Hiệp định Paris mãi mãi là mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

 N.T.L

_____________

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Đình Bin (2002), Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb Chính trị Quốc gia; Hồ Chí Minh toàn tập (1996), Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia; Hiệp định Paris về Việt Nam - Cuộc đấu chiến lược (2005), Nxb Lao động; Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ (1996), Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissingger tại Paris, Nxb Công an nhân dân; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của Chính quyền Sài Gòn, Tập 1, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia; Viện Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam, Tập 13, Nxb Khoa học xã hội.

. . . . .
Loading the player...