27-11-2022 - 07:24

GỪNG XỨ NGHỆ TÍNH CÁCH NGHỆ

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2022 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê về tập sách "Gừng xứ Nghệ" của Nhà LLPB Đỗ Lai Thúy

 

GỪNG XỨ NGHỆ TÍNH CÁCH NGHỆ

(Nhân đọc “Gừng xứ Nghệ”, Tập nghiên cứu

                                          của Đỗ Lai Thúy, Nxb Văn học, 2022)                                                                                                  

      GS.TS Đỗ Lai Thúy, một nhà phê bình có “thương hiệu” được nhiều bạn đọc tìm đến vừa cho ra mắt “Gừng xứ Nghệ”. Trong lời mở đầu cuốn sách, ông tâm sự rằng, tuy không phải người xứ Nghệ và “không có ý định viết về các danh sĩ đất Nghệ. Trên hành trình viết của tôi, tôi chỉ tìm đến những người có vấn đề học thuật, có nhân cách thú vị, có sáng tạo thi/văn cách, chứ không hề xem ông/anh ta quê quán ở đâu. Rồi một lúc nào đó ngoảnh lại, bỗng giật mình hóa ra viết hơi bị nhiều về người xứ Nghệ…”

“Xứ Nghệ”, theo tác giả, là bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong cuốn sách, tác giả tập trung nghiên cứu 20 nhân vật tên tuổi, có lẽ nhiều bạn đọc đã nghe tên: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Hoài Thanh, Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Hoàng Ngọc Hiến, Thái Bá Vân, Trương Đăng Dung, Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Từ Chi. Hầu hết các nhân vật đã ở “cõi khác” và đã được nhiều tác giả nghiên cứu, nhưng Đỗ Lai Thúy, với cách vận dụng các lý thuyết linh hoạt, với phong cách đi sâu tìm đến bản chất và nét riêng của từng nhân vật, bài viết nào của ông cũng có phát hiện thú vị. Điều đó thể hiện ngay ở nhan đề mỗi tiểu luận; ví như “Hồ Xuân Hương - cọ tình vào đá”, “Phan Ngọc – tấm huy chương nhìn từ mặt trái”, “Cao Xuân Huy - lời thinh lặng”…

Với đại thi hào Nguyễn Du, không thể kể hết những sách báo, phim, kịch sáng tác, nghiên cứu về “Kiều” và cuộc đời nhà thơ, nhưng tiểu luận dài đến 27 trang có tiêu đề “Nguyễn Du từ – một ai đó đến không ai cả”, vừa khó hiểu, vừa gợi trí tò mò, Đỗ Lai Thúy đã đặt vấn đề và đi tới chiều sâu bể khổ, bị tổn thương nhiều bề mà ông quan họ Nguyễn gánh chịu, đã khiến nhà Nho Nguyễn Du “ngộ thiền” ra sao…Nhan đề bài viết được “gợi ý” từ một quan điểm khá nổi tiếng của nhà tâm lý học Engler Jack: “Bạn phải là một ai đó trước khi có thể là không ai cả”. Với Nguyễn Du, theo Đỗ Lai Thúy, “những mất người thân, mất điều kiện sống ổn định, mất tính chính đáng và tính vĩnh cửu của vương quyền […] đã tạo ra  một trống rỗng lớn trong tâm hồn ông. Để lấp đầy khoảng trống nỗi sợ/nỗi sợ khoảng trống ấy, Nguyễn Du nhất định phải nhanh chóng trở thành một ai đó…” Nhưng ý chí khẳng định mình là “một ai đó” không thành, khi ông đi làm quan võ chống Tây Sơn. “Nguyễn Du chẳng những không lấp đầy được trống rỗng mà còn lún sâu vào tình trạng phân rã, hoặc phân liệt hay khủng hoảng tinh thần […] Đây hẳn là thời điểm Nguyễn Du tìm đến với dạo Phật…[…] Trở thành một thiền sư - cư sĩ, Nguyễn Du đã dẹp trừ được bản ngã, luôn muốn trở thành một ai đó, để trở về với vô ngã, một thứ bản nguyên đích thực như OSHO nói, tức không ai cả…”

Tác giả đã rất công phu tìm hiểu, đối chiếu hầu như tất cả những nhận định của các học giả uy tín nhất như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Lê Mạnh Thát, Thích Nhất Hạnh, Cao Huy Đỉnh… về mức độ, sắc thái nhà Nho Nguyễn Du đã đến với Phật giáo như thế nào – vấn đề quan trọng liên quan đến tư tưởng, nghệ thuật xây dựng các nhân vật trong “Kiều”. Tác giả viết: “Thực ra, việc Nguyễn Du đã là một thiền sư hay vẫn chỉ là một nhà Nho, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau […] Nhưng tôi nghĩ, với sự đồng tồn, cộng sinh của văn hoá Việt Nam thì khó sản sinh ra những con người thuần nhất ngay từ đầu, hoặc này hoặc kia, mà thường là vừa này vừa kia. Vấn đề là xem ai vượt lên được sự hỗn dung ấy để phát triển một phần trở thành căn cốt, chủ đạo…[…] vấn đề không phải là đúng sai, mà là diễn giải nào nhiều tương thích, mở ra được không gian văn hoá nhiều chiều…”

Vấn đề chưa kết thúc mà gợi mở suy nghĩ – một phong cách nghiên cứu học thuật đáng nể trọng. Trong tiểu luận về nhà thơ Hồ Xuân Hương dài đến 48 trang, tác giả cũng chỉ rõ hạn chế lối “tư duy nhị nguyên” của một số nhà nghiên cứu trước đây, nhìn sự vật lúc nào cũng phải trắng - đen rõ ràng; “bởi vậy mới có cuộc tranh luận thơ Hồ Xuân Hương có dâm tục hay không”. Dựa hai câu thơ của bà: “…Khối tình cọ mãi với non sông/ Đá kia còn biết xuân già dặn…” làm nhan đề tiểu luận, Đỗ Lai Thúy đã phân tích tỉ mỉ những biểu tượng phồn thực của thơ Hồ Xuân Hương “là có hai mặt, lấp lửng, thiêng và tục, thanh và tục. Nhưng hai mặt này không chết cứng như hai mặt của một tờ giấy, mà luôn có sự chuyển hóa vào nhau để tạo thành một trạng thái hòa quyện, hai mà một, tồn tại mà không tồn tại, không tồn tại mà tồn tại, vừa tránh được lối tư duy nhị nguyên, vừa đảm bảo hứng thú cho người đọc khi họ luôn được chuyển dịch từ thanh sang tục, rồi lại từ tực sang thanh trong một biến dịch không ngừng”. Có thể là do ít đọc, nhưng tôi chưa thấy ai bình luận về thơ Hồ Xuân Hương thấu đáo và thú vị như thế!

Trong số các danh sĩ hiện đại, thoạt mới đọc tiêu đề “Hoàng Ngọc Hiến – triết lý hai bàn chân”, thật khó hình dung tác giả sẽ luận giải như thế nào về nhà phê bình từng gây sóng gió trên văn đàn và giới trí thức với luận thuyết “văn học phải đạo”, “bước qua lời nguyền” (khi bàn về tác phẩm của nhà văn Tạ Duy Anh) với những ấn tượng ông để lại trong quá trình xây dựng Trường Viết Văn Nguyễn Du, rồi nồng nhiệt dịch, giới thiệu triết gia Pháp Francois Julien, hăng hái tham gia Trung tâm Nghiên cứu cứu Minh triết Việt…Như vậy, có thể nói vui rằng, đọc tác phẩm của Đỗ Lai Thúy như được ăn một cái bánh mà thành hai - vừa biết thêm nhân vật hoạt động ra sao, vừa dõi theo các “thao tác” nghiên cứu của tác giả. Có phải nhờ thế mà các cuốn sách của ông thường có nhiều bạn đọc. Với nhân vật Hoàng Ngọc Hiến, tác giả hé lộ cho bạn đọc biết “thao tác” của mình bằng cách mượn một câu chưa mấy ai biết của nhà viết kịch Đức lừng danh B. Brecht (1898-1956) làm đề từ cho tiểu luận của mình: “Con người không có rễ. Nó có hai bàn chân.” Thoạt đầu, tác giả kể chuyện một cách giản dị, dẫn người đọc “theo chân” chàng trai quê làng Đông Thái - Tùng Ảnh (Đức Thọ), vào Huế theo học trường Thiên Hựu nổi tiếng, sớm tiếp xúc văn hoá Pháp, nhưng sau 1945, thành “cậu tú” vùng kháng chiến, rồi đi dạy cấp 2, cấp 3, tiến lên đại học, sang Liên Xô nghiên cứu nhà văn Xô Viết Maia…; nhưng đó chỉ là tư liệu để Đỗ Lai Thúy từng bước chỉ rõ “tố chất quan trọng, chất Hoàng Ngọc Hiến. Cần cù và có tính mục đích cao thì đó là sản phẩm chung của thổ ngơi xứ Nghệ. Liệu có phải đặc trưng riêng của Hoàng Ngọc Hiến là độc đáo? Hay lì lợm?...” Tác giả dùng một từ khá “nặng ký”, tuy gần với cách nói “Đồ gàn” thông dụng; nhưng từ đó mới “xứng” với tình cảnh “sau vụ “văn học phải đạo”, Hoàng Ngọc Hiến rơi vào một vùng khí áp thấp. Hàng ngày anh phải trốn đến Thư viện Quốc gia […] Ngày nào cũng vậy, suốt mười năm trời, anh Hiến đi thư viện từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối…” trong khi vợ anh phải kiếm thêm việc vặt để nuôi hai con! Nếu không phải Đỗ Lai Thúy viết, thật khó tin một con người năng động, từng say mê nhà thơ Xô Viết nổi tiếng Maia với những buổi đọc thơ ngợi ca cách mạng tại quảng trường trước hàng ngàn công chúng, với cái chết trong phòng riêng mãi vẫn là ẩn số, lại có thể chịu bó mình cả chục năm trời, đôi chân hẳn đã “mọc rễ” dưới những chiếc bàn gỗ lim trăm tuổi tại thư viện!  Nói vậy để thấy bản lĩnh có thể gọi là phi thường của một người con Xứ Nghệ, chứ chính vào thời đoạn nhìn bề ngoài, đôi chân ông tưởng như “mọc rễ” trong tòa cổ thự vắng lặng, nhưng với những trang sách cổ kim quý hiếm ở đây, ông như đã đi khắp thế giới, hiểu sâu hơn nhiều nền văn hoá.

“Nhìn lại hành trình học thuật của Hoàng Ngọc Hiến, ta thấy anh có sự vận động, đổi thay, thậm chí đổi ngược […] anh Hiến đã mượn lời  B.Brecht nói rằng con người không nên bén rễ, mọc rễ ở một chỗ mà phải luôn di chuyển vì nó có hai chân…” Theo Đỗ Lai Thúy, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến nhờ không “mọc rễ”, luôn thay đổi, chống lại lối tư duy kinh viện, những luận điểm ông đưa ra “xây nên hình ảnh một người phát ngôn thông thái, độc đáo và khả tín…”

Trong 20 danh sĩ xứ Nghệ được Đỗ Lai Thúy tìm đến, có lẽ PGS Từ Chi là người ít được công chúng biết đến nhất, mặc dù cuộc đời và cống hiến của ông rất đặc sắc. Trước hết, so với các danh sĩ trong cuốn sách này, ông là người có bản “lí lịch trích ngang” đẹp nhất, dễ thăng tiến nhất. Đỗ Lai Thúy viết: “Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng, bản thân lại là bộ đội Nam tiến, có chức vụ, lại thông minh, nếu muốn, hẳn Từ Chi đã có thể “vào bộ máy”, rồi cứ theo guồng quay của nó mà đi lên…Nhưng ông đã chọn cho mình một cuộc sống “ngoài lề” để được làm khoa học.”

Chúng ta cùng theo dòng tiểu sử của nhà khoa học đặc biệt này. Nguyễn Đức Từ Chi sinh tại Huế ngày 17/12/1925, khi thân phụ ông làm việc tại Bệnh viện Huế, nhưng quê ở xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc. Tiếp nối truyền thống yêu nước của ông nội là cụ Nguyễn Hiệt Chi từng sáng lập trường Dục Thanh ở Phan Thiết, thân phụ ông - bác sĩ Nguyễn Kinh Chi là người có công lớn xây dựng ngành y tế Việt Nam sau Cách mạng Tháng 8, từng là Giám đốc Nha Y tế Trung bộ, sau đó làm Thứ trưởng Bộ y tế và Đại biểu Quốc hội từ khóa 1 đến khóa 4, Từ Chi sau khi đỗ Tú tài 2 tại trường Khải Định (nay là Quốc học Huế) đã tham gia cách mạng, vào Đảng, sung vào đoàn quân Nam tiến chiến đấu tại mặt trận Khánh Hòa với cương vị chính trị viên đại đội trinh sát… Năm 1951, ông bị ốm nặng, ra Khu Bốn chữa bệnh và bắt đầu giai đoạn công tác tại Việt Nam Thông tấn xã, học đại học Tổng hợp Sử, rồi lần lượt trải nghiệm ở nhiều cơ quan văn hoá: Viện Mỹ thuật, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật… 

Nét đặc sắc nữa của Từ Chi là ông nghiên cứu về dân tộc học – một lĩnh vực có thể nói là thầm lặng, ít được công chúng và truyền thông chú ý; hơn thế, “kinh nghiệm nghiên cứu” của ông thoạt nghe tưởng như vô lý: “nếu anh làm dân tộc học thì tốt nhất đừng ở Viện Dân tộc học…!”  Trong một lúc ngà ngà rượu, ông thổ lộ với Đỗ Lai Thúy như thế. Đó là lý do ông “nhảy” qua nhiều cơ quan có liên quan ít nhiều đến dân tộc học, để chỉ làm dân tộc học như một nghề tay trái. Chỉ khi đó, ông mới có tự do nghiên cứu theo cách của ông; chứ bạn ông, một người rất giỏi, tuân theo “guồng máy” bao cấp rồi phân đấu lên chức, mất luôn một nhà khoa học!

Đỗ Lai Thúy miêu tả PGS Từ Chi “để tóc dài, quần áo lôi thôi lếch thếch, đi đâu cũng kè kè chiếc điếu cày và cặp lồng cơm” và có “những cuộc chơi suốt sáng trận cười thâu đêm…[…] Từ Chi là một trong số ít những người kết hợp được trong bản thân mình những chiều kích tương phản: người nghệ sĩ và nhà khoa học, kẻ lãng du và người lao động, sách vở và thực tế, bác học và dân dã…” . Đỗ Lai Thúy viết như thế vì từng nghe chuyện Từ Chi từ thời sinh viên đã lo trau dồi lý thuyết và phương pháp dân tộc học, “cặm cụi đọc bộ sách kinh điển “Cảnh vàng” bằng tiếng Pháp dày ngót ba ngàn trang của Frazer ở Thư viện Quốc gia Hà Nội…” Và để hiểu sâu về dân tộc Mường, trong suốt mười năm trời, mỗi năm ông bỏ ra sau tháng để lên Mường. Ông chọn Mường Động, một địa bàn khuất nẻo, nên ít bị những xáo trộn văn hoá… Nhờ thế mà những công trình về dân tộc học của ông trong nghiên cứu Mường và không chỉ Mường đã đem đến cho người đọc, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ “những quan sát tinh tế, những băn khoăn học thuật, những day dứt về mất còn của từng nét hoa văn, từng bản tang ca… những phấp phỏng về số phận của một nền văn hoá tộc người…”

  Còn rất nhiều điều lý thú, đặc sắc trong tác phẩm “Gừng xứ Nghệ” của PGS. T.S. Đỗ Lai Thúy giúp bạn đọc có thêm những cách nhìn về những tên tuổi xứ Nghệ, về tính cách Nghệ; từ đó vừa biết làm giàu kiến thức của mình, “luôn mở cửa để đón nhận các văn hoá khác”, vừa nhận chân đúng “nguồn nuôi dưỡng văn hoá là khả năng thúc đẩy phát triển”, như Francois Julien - triết gia Pháp mà PGS. Hoàng Ngọc Hiến từng quảng bá - đã viết…

          Nguyễn Khắc Phê

. . . . .
Loading the player...