14-10-2019 - 21:06

Gốc vững cành xanh - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 158 hân hạnh giới thiệu ghi chép "Gốc vững cành xanh" của Nhà văn Phan Trung Hiếu.

 

        Năm 1993, tôi theo chân bố là Nhà viết kịch Phan Lương Hảo tìm về gốc Tổ họ Phan ở xã Bắc Thành, Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đợt ấy, đúng dịp ngày lễ trọng nên con cháu khắp nơi về tụ hội. Bác Tộc trưởng Phan Bá Đồng dẫn cha con tôi ra nhà thờ họ Phan, mở hòm tráp gỗ đưa ra cuốn gia phả viết bằng chữ Hán nhiều đạo sắc phong đã ố màu cũ kỹ. Đêm đó, bác Đồng còn kể cho tôi nghe thêm bao nhiêu chuyện về Thủy tổ Phan Vân và những vị tiên tổ họ Phan danh tiếng của một vùng đất được mệnh danh là “Phan Công thần tộc”.

        Theo gia phả để lại, Thủy Tổ Chánh sứ Phan Vân người gốc tỉnh Thanh Hóa, sinh năm Giáp Thìn(1364) thời vua Trần Dụ Tông. Ngài đậu Hương cống và làm Giám sinh trường Quốc tử giám, sau đó được triều đình nhà Trần phong chức Chánh sứ. Năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ, nhiều trung thần nhà Trần bất hợp tác đã bỏ kinh thành đến các phương xa lập nghiệp, trong đó có quan Chánh sứ Phan Vân về xã Tiền Thành, Đông Thành, Nghệ An. Ông là người có công đắp đập Bàu Trang để tưới cho hơn 600 mẫu ruộng, lập nên các thôn và nay là ba xã cùng Chợ Rộc. Hiện nay, tại Miếu mộ Phan Vân vẫn còn lưu được đôi câu đối nhắc lại công tích: Tượng sơn chung tú khí/ Trang thủy vượng linh đài (Lèn Voi chung đúc khí thiêng /Bàu Trang làm vượng linh đài).

        Ngoài việc tổ chức khai khẩn ruộng đất, mở mang sản xuất, xây dựng xóm làng ngày càng trù phú, thịnh vượng, Phan Vân còn có những đóng góp lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ở huyện Đông Thành bấy giờ có nhiều người tham gia hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này, trong đó có quan Chánh sứ Phan Vân lúc bây giờ đã trở thành một nhân vật có thanh thế trong vùng. Lê Lợi và Bộ chỉ huy nghĩa quân đã tin dùng rồi thăng chức ngài làm Chánh sứ Sơn phòng. Sau này, nhà Lê đã gia phong cho Phan Vân tước Bái Dương hầu, tước hiệu cao nhất của triều đình lúc bấy giờ. Sau khi ngài mất vào năm 1439, nhân dân Tiền Thành đã mai táng ngài trên ngọn đồi thuộc thôn Chánh Sứ và lập đền tại đó theo kiểu “thượng miếu hạ mộ”, đồng thời tôn ngài làm Bản cảnh Phúc thần để ngàn năm hương khói phụng thờ. Các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong cho Phan Vân là “Thượng đẳng thần” và giao cho xã Tiền Thành “tòng tiền phụng sự”.

Miếu mộ Thủy tổ Phan Vân ở thôn Chánh Sứ (xóm 2 xã Trung Thành Yên Thành)

        Kế tiếp truyền thống, con cháu của ngài Phan Vân ở các thế hệ về sau đã có nhiều người đậu đạt thành danh, cống hiến lớn cho đất nước. Thời phong kiến, hậu duệ của Phan Vân đã có đến 19 Quận công, 52 tước hầu. Hiện nay, tại nhà thờ Phan Vân còn phối thờ Sùng Quận công Phan Cảnh Quang, Lai Quốc công Phan Công Tích, Yên Quận công Phan Cảnh Các và nhiều vị tiên tổ khác. Hiện tại, anh em, hậu duệ của Thủy tổ Phan Vân tỏa muôn cành nhánh, thuộc hai dòng chính Phan Cảnh Quang, Phan Công Tích có mặt sinh sống, làm ăn khắp nơi trong cả nước. Nhiều nơi, con cháu đã hình thành những chi phái, có nhà thờ Tổ riêng như ở Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Hóa,…Chỉ riêng ở Hà Tĩnh, ngoài các nhà thờ chi nhánh là con cháu của Phan Vân, Phan Cảnh Quang như Phan Cảnh Long chi 8 ở Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh), Xuân Lam (Nghi Xuân) và chi họ Phan Bá Định ở Bùi Xá ( Đức Thọ), dòng Phan Cao chi 9 ở Trung Lộc (Can Lộc), dòng Phan Tào Vân ở Xuân Hội (Nghi Xuân), còn có nhà thờ của chi phái em trai ông Phan Vân là Phan Do ở Cương Gián (Nghi Xuân). Con cháu của Ngài nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, sĩ quan cao cấp trong LLLVT, giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, các nhà khoa học, Văn nghệ sĩ các Hội chuyên ngành TW, được Giải thưởng Nhà nước về VHNT, các doanh nhân thành đạt, được tặng Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước.

Con cháu về dự lễ tế Tổ tại nhà thờ họ Phan vào dịp mồng 10/3 âm lịch hàng năm

 

        Đêm trước lễ, tôi còn được bác Đồng kể cho nghe những câu chuyện lí thú về một số vị công hầu nổi tiếng trong dòng tộc. Ví như chuyện Lai Quốc Công Phan Công Tích là con của Thái phó Thụy Quận Công Thượng tướng quân Phan Hoằng Thanh, là hậu duệ đời thứ 8 của Chánh sứ Phan Vân. Sinh ra và lớn trong cuộc nội chiến Lê – Mạc, chịu ơn lộc sâu dày của nhà Lê nên ông đã sớm ứng nghĩa cần vương và trở thành một đại thần của nhà Lê. Năm 1575, khi quân Mạc tiến đánh Nghệ An, Lai Quốc công Phan Công Tích được lệnh đem quân giải cứu. Tướng nhà Mạc Nguyễn Quyện dẫn một cánh quân đến vùng Đông Thành và đánh nhau một trận ác liệt với quân của Lai quốc công. Đêm ấy, Nguyễn Quyện bí mật cho quân tập kích vây núi Lưỡng Kiên. Lai Quốc công vội lên voi, thúc quân tả xung hữu đột giữa vòng vây. Khi Nguyễn Quyện kêu hàng, Lai Quốc công không hề nao núng, mắng vào mặt Nguyễn Quyện rồi rút dao rạch bụng, moi ruột gan và nói “Ruột gan ta đây, ngươi hãy xem cho biết”. Tương truyền, khi Lai Quốc công tử tiết để tỏ rõ khí phách trung thành với nhà Lê, trời quang mây tạnh bỗng dưng ở góc trời Tây Nam nổ một tiếng sấm sét vang trời. Vì thế nhân dân trong vùng sau này gọi ông là “Đức Thánh Độc Lôi”. Để ghi nhớ công lao của vị anh hùng Thái phó Lai Quốc công, các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn đã ban tặng nhiều sắc phong thần cho ông và giao cho nhân dân địa phương lập đền thờ phụng ở làng Hào Kiệt (nay là xã Vĩnh Thành, Yên Thành).

        Hậu duệ đời thứ 8 của Thủy tổ Phan Vân là Sùng Quận công Phan Cảnh Quang sinh năm 1535 cũng là người có nhiều công trạng với dân, với nước. Với tư chất thông minh, có chí lớn phò Lê giúp nước, ông vũ dũng hơn người, có tài thu phục được con voi hung dữ của vua Lê sổ tàu chạy ra quấy phá nhân dân trong vùng, nên được phong chức Cai đội. Qua các trận đánh quân Mạc, ông luôn tỏ ra là một viên chỉ huy gan dạ, có tài, võ nghệ siêu quần. Được giao chức  chỉ huy đội Cẩm y vệ và sau đó nhờ liên tiếp lập được nhiều công lớn nên năm 1597, ông được vua ban sắc phong “Minh nghĩa Kiệt tiết Tuyên lực Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Sùng Quận công. Không chỉ là vị khai quốc công thần, Trung hưng danh tướng của nhà Lê, ông còn có nhiều cống hiến cho quê hương như mở rộng địa giới xã Hạ Thành, thành lập làng Dinh, đào kênh dẫn nước, chống hạn. Năm 1599, Phan Cảnh Quang lâm trọng bệnh và tạ thế, hưởng thọ 65 tuổi. Mộ táng ông ở xứ Cồn Ây (nay thuộc xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) và được nhân dân lập đền thờ phụng. Đến năm 1629, ông được triều đình truy tặng Thái Bảo Sùng Quận công, các triều đại từ Lê đến Nguyễn đều sắc phong thần cho ông, cao nhất là Uy Dũng Đại Vương thượng đẳng thần, giao cho xã Tràng Thành phải “tòng tiền phụng sự”. Đền thờ Phan Cảnh Quang đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2012.

Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia Đền thờ Phan Cảnh Quang năm 2012

        Còn bao nhiêu chuyện thú vị khác về các vị công hầu thuộc hậu duệ của Thủy Tổ Phan Vân có tài năng xuất chúng, nổi tiếng về đức cần lao, được xếp vào hàng tướng nanh vuốt, bề tôi trung lương của triều đình, lập nhiều công trạng ở các thời. Ví như Yên Quận công Phan Cảnh Các do có nhiều công lao xuất sắc nên đã được triều đình ban một đạo chế trên lụa vàng, thăng chức “Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ Thự vệ sự, Yên Quận công Thượng trụ quốc”, một đặc ân hiếm có của triều đình dành cho một vị tướng tài ba.

        Hàng trăm năm qua, tại Miếu mộ Phan Vân diễn ra nhiều kỳ lễ lớn, nhưng long trọng hơn cả là đại lễ tế vào 10/3 âm lịch của nhân dân cả vùng Bắc, Trung, Nam Thành. Trong thời phong kiến, lễ tế do xã Kim Thành tổ chức. Sau khi xong lễ yết cáo, các phường buôn ở chợ Rộc góp tiền mua sắm lễ vật vào cúng tế ở Miếu mộ theo đúng nghi thức cổ truyền. Tại nhà thờ, hàng năm, con cháu dòng họ Phan tổ chức lễ tế tổ vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy. Trước đây, theo khoán ước của họ, hoa lợi từ ruộng hương hỏa được dùng phục vụ việc cúng tế tại nhà thờ. Ngoài phần lễ chung của cả họ, mỗi gia đình còn làm một mâm xôi gà hoặc xôi thịt đội từ nhà mình đem đến nhà thờ tế Tổ. Xôi cúng được làm rất cẩn thận, gạo được giã thật trắng, ngâm vò kỹ càng, xôi hông làm sao vừa đủ đội rền, thơm và được đơm lên mâm chè vuông hoặc mâm cỗ bồng, trên mặt mâm lót một lớp lá chuối xanh. Sau khi tế, mâm xôi của mỗi gia đình sẽ cắt để lại một phần nhỏ để họ tiếp khách. Còn phần lễ chung của họ thì để đãi khách và chia biếu các thành phần quan viên của họ như tộc trưởng, trưởng chi, chức sắc, tộc biểu, kỳ lão, câu đương, seo, nhà làm ruộng hương hỏa, người phục vụ bếp núc, người coi giữ từ đường và đồ tế khí, viết văn tế, đọc chúc …

        Miếu mộ Phan Vân tọa Bắc, hướng Nam rộng gần 1 ngàn mét vuông trên một ngọn đồi thuộc thôn Chánh Sứ xưa, nay là xóm 2 xã Trung Thành. Xa xa phía trước là núi Vũ Kỳ làm tiền án. Phía sau tựa lưng vào Tượng Sơn (Lèn Voi). Phía Tây là đập Bàu Trang quanh năm nước đầy ắp. Phía Đông là núi Giăng án ngự. Miếu mộ Phan Vân  đã từng có mấy trăm năm với kiến trúc “thượng miếu hạ hộ”. Trên hai đầu trụ đắp hai con nghê chầu vào giữa, mặt trước nhấn đôi câu đối chữ Hán: Trần triều trọng nhậm Phan Chánh sứ/ Lê đại phong công Bái Dương hầu. Trên ban thờ bài trí một bộ long ngai có ghi vị hiệu: “Bản cảnh Chánh sứ Cương nghị Chính trực, Sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần”.

        Nhà thờ Phan Vân tọa lạc dưới chân núi Động Chùa thuộc xóm 7 xã Bắc Thành. Gian giữa bài trí thờ Thủy tổ Chánh sứ Phan Vân với hương án, bát hương, cọc nến, đỉnh trầm, đôi hạc bằng đồng. Hai bên hương án là hai bộ binh khí, giường thờ, mâm chè, cọc nến cổ bằng gỗ. Trên cùng là bộ long ngai bài vị của Chánh sứ Phan Vân: Thủy tổ tiền Trần triều sắc phong Chánh sứ quan Phan tướng công thần vị. Gian bên phải nhìn ngoài vào bài trí thờ Lai Quốc công Phan Công Tích và Dũng Nghị hầu Phan Bá Chiêu. Gian bên trái bài trí long ngai bài vị thờ Sùng Quận công Phan Cảnh Quang và Yên quận công Phan Cảnh Các.

        Ngày 30/8 năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã kí quyết định Bằng công nhận Miếu mộ Phan Vân và Nhà thờ họ Phan là di tích lịch sử cấp quốc gia. Lãnh đạo huyện, xã cùng con cháu trong cả nước đang nóng lòng chờ đợi ngày đại lễ vinh danh, đón bằng công nhận di tích vào đầu tháng 10 năm Kỷ Hợi. Tri ân Tiên tổ là đạo hiếu truyền thống của dân tộc nên chắc chắn đến ngày ấy con cháu thuộc dòng tộc Phan Vân sẽ tụ hội về đây mang theo bao trái ngọt hoa thơm phô khoe cùng gốc Tổ.

                                                                                      Hà Tĩnh, thu 2019

                                                                                                P.T.H

. . . . .
Loading the player...