12-04-2022 - 07:33

GIÁO VIÊN NGỮ VĂN VỚI CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA MỚI

Chuyên mục Dành cho nhà trường Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 3/2022 trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Đặng Lưu "Giáo viên ngữ văn với chương trình Sách giáo khoa mới"

 

GIÁO VIÊN NGỮ VĂN

VỚI CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA MỚI

                                                                                 

                                                                                     

 

Theo lộ trình đã vạch ra, năm học 2022 - 2023, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiến hành ở cả ba cấp học. Việc tiếp cận chương trình và sử dụng sách giáo khoa Ngữ văn mới chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng cần giải quyết, trong đó, có vấn đề thuộc các cấp quản lí, có vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của GV. “Năng lực” - đó là từ khóa quan trọng nhất của việc đổi mới lần này. Nói một cách vắn tắt, chúng ta đang chuyển từ một nền giáo dục chủ yếu truyền thụ tri thức sang một nền giáo dục phát triển năng lực của học sinh. Từ phía GV, làm cách nào để có thể đáp ứng đòi hỏi của việc chuyển đổi rất căn bản như thế trong dạy học? Điểm then chốt quyết định thành công của việc dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS là ở đâu? Trong nhiều phương án đưa ra cho những câu hỏi trên, theo tôi, một yếu tố cốt lõi khiến người làm công tác giáo dục phải băn khoăn, đó là trình độ, năng lực của đội ngũ GV. Trên nhiều diễn đàn, các nhà khoa học, các nhà sư phạm đã lên tiếng khẳng định điều này.

Không phải ngay một lúc, GV có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Với những thay đổi có tính chất căn bản, nhiều lúc kinh nghiệm không phát huy được bao nhiêu tác dụng. Vì thế, để vượt qua thách thức, yếu tố quan trọng nhất chính là trình độ và năng lực của người GV. Theo tôi, có mấy điểm cốt lõi sau đây:

1. Khả năng nắm vững các kiểu bài học bám sát đặc trưng thể loại để giúp HS có tri thức nền vững chắc

Cấu trúc SGK Ngữ văn mới khác biệt căn bản so với sách trước đây. Điều này thể hiện trước hết ở đơn vị bài học. Nếu ở sách Ngữ văn cũ, mỗi văn bản dù dài hay ngắn đều được xem là một bài học, thì trong sách mới, bài học là đơn vị khá lớn, bao gồm cả yêu cầu đọc, viết, nói và nghe, trong đó, riêng phần đọc, không phải một mà có ba VB đọc ở lớp và một VB HS tự đọc ở nhà. Bài học có quy mô như thế được dạy trong khoảng 12 – 14 tiết. Mỗi bộ sách Ngữ văn của một lớp (cả THCS lẫn THPT) chỉ có 9 hoặc 10 bài. Điểm giống nhau nhất của các bộ SGK do các nhóm khác nhau biên soạn là ở chỗ: mỗi bài học gắn với một thể loại một loại văn bản. Như vậy, mã thể loại trở thành yếu tố hết sức quan trọng đối với việc dạy và học. Ví dụ, học truyện, nhất thiết phải biết cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện (ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba), điểm nhìn… Với thơ không thể không nói đến nhân vật trữ tình, cảm xúc, thể thơ, hình ảnh, các yếu tố hình thức như vần, nhịp, cách tổ chức ngôn ngữ… Những tri thức này trước đây không hề vắng bóng trong SGK, nhưng chúng chưa được tổ chức thành hệ thống, chưa có quan hệ hữu cơ với các nội dung của bài. Quan sát SGK mới, chúng ta sẽ thấy, ở các bài học, việc phân bố tri thức về thể loại được cân nhắc rất kĩ lưỡng. Ở từng lớp, một thể loại nào đó có thể được học ở nhiều bài. Vì thế, những tri thức cụ thể nào về thể loại được cài đặt ở từng bài là điều mà GV dạy học Ngữ văn cần thấu suốt triệt để. Cần lưu ý rằng, vấn đề thể loại cũng như một số nội dung của lí thuyết văn học luôn có những thành tựu nghiên cứu mới. Nếu chúng ta bằng lòng với những gì đã được trang bị ở trường đại học hoặc qua các giáo trình, thiếu những thông tin cập nhật, việc tụt hậu là khó tránh khỏi.

2. Những năng lực người giáo viên Văn cần có để đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những năng lực chung, theo tôi, người giáo viên Ngữ văn dạy chuyên cần đặc biệt chú ý bồi đắp một số năng lực chuyên môn sau đây:

2.1. Năng lực cảm thụ thẩm mĩ

Có lẽ không ai nghi ngờ về đòi hỏi năng lực này ở người giáo viên Ngữ văn. Từ trước đến nay, mọi người đều dễ thống nhất ở quan niệm: dạy văn học là dạy một bộ môn có tính nghệ thuật nhằm đánh thức những rung cảm thẩm mĩ tinh tế, bồi đắp khả năng cảm thụ cái đẹp trong văn học cho học sinh. Những giáo viên dạy Văn ghi được những dấu ấn rất sâu trong tâm hồn học sinh qua những giờ dạy văn chính nhờ khả năng chiếm lĩnh các giá trị thẩm mĩ trong tác phẩm văn học.

Muốn bồi đắp niềm say mê cái đẹp cho học sinh, dĩ nhiên người giáo viên cần có năng lực cảm thụ thẩm mĩ dồi dào. Năng lực ấy biểu hiện ở trực giác nghệ thuật bén nhạy, ở những rung cảm sâu sắc, ở khả năng phân tích cái đẹp của hình tượng nghệ thuật và các hình thức biểu hiện của nó. Trước một áng thơ hay, một cuốn truyện hấp dẫn, một vở kịch đặc sắc… nếu người giáo viên hoàn toàn thờ ơ, lãnh đạm, thì làm sao có khả năng đánh thức ở học sinh niềm say mê, hứng thú về cái đẹp của văn chương.

Hơn thế, năng lực thẩm mĩ còn phải được biểu hiện rộng hơn, vượt ra ngoài lãnh địa của văn học. Ở thời hiện đại, khi các thông tin về văn học nghệ thuật trở nên phổ cập, thì khó mà chấp nhận được một giáo viên Ngữ văn hoàn toàn mù về hội họa, điện ảnh, kiến trúc, điếc về âm nhạc… Rất nhiều trường hợp, những tri thức thuộc các ngành nghệ thuật khác có mối liên hệ mật thiết, hỗ trợ rất tích cực cho việc cảm thụ văn học. Không thể đòi hỏi giáo viên phải là người nghệ sĩ, nhưng tâm hồn một giáo viên Ngữ văn thì nhất thiết phải có chất nghệ sĩ.

2.2. Năng lực ngôn ngữ

Ngôn ngữ là công cụ chung của người giáo viên. Tuy nhiên, đối với giáo viên Ngữ văn, tiếng Việt không chỉ là phương tiện dạy học, mà còn là tri thức cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Điều này không chỉ biểu hiện “lộ thiên” qua những thách thức ở các nội dung Thực hành tiếng Việt trong từng bài học, mà còn ở tổ chức Đọc hiểu, tổ chức Nói và nghe. Nó cho thấy, năng lực ngôn ngữ phải là năng lực đặc thù của người giáo viên Ngữ văn. Năng lực này thể niện ở khả năng đọc hiểu văn bản; khả năng nói và viết; khả năng đối thoại và tổ chức đối thoại.

a) Năng lực đọc hiểu văn bản

Đây cũng là một năng lực chuyên biệt của môn Ngữ văn. Nói cho cùng, năng lực đọc hiểu chứa đựng trong nó hàng loạt “năng lực bộ phận” như năng lực nắm bắt cái mã riêng của văn bản, năng lực phát hiện thông tin chính yếu của văn bản, năng lực tư duy hệ thống (biết nhìn văn bản như một cấu trúc toàn vẹn mà các yếu tố của nó luôn ngầm báo một điều gì đó về cái toàn thể), năng lực cắt nghĩa – lý giải các tầng bậc ý nghĩa của văn bản, năng lực đối thoại (với tác giả văn bản, với các vấn đề đặt ra trong văn bản, với sự diễn giải của bao nhiêu người khác về chính văn bản đó)Để có khả năng đọc hiểu văn bản, giáo viên phải có được một năng lực ngôn ngữ nhất định, và ngược lại, chính năng lực đọc hiểu được phát triển đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho năng lực ngôn ngữ ngày càng hoàn thiện, nhờ đó, giáo viên có thể hoàn thiện thêm khả năng nói và viết của mình.

Muốn phát triển năng lực đọc hiểu, giáo viên phải tự bồi dưỡng bằng nhiều cách: hướng dẫn học sinh giải quyết những đề đọc hiểu trong các tài liệu khác nhau, tự kiểm tra khả năng giải mã các văn bản nghệ thuật mới mẻ ngoài chương trình (chẳng hạn những bài thơ, những truyện ngắn, tiểu thuyết mới xuất bản...). Nếu tiến hành thường xuyên những “bài tập” kiểu ấy, chắc chắn trình độ cảm thụ thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ của giáo viên sẽ được nâng lên rõ rệt.

b) Năng lực nói, viết

Một trong những “công cụ” chủ yếu của giáo viên là lời nói. Công cụ này có sắc bén thì dạy học mới có hiệu quả, đặc biệt là đối với môn Ngữ văn. Dù lấy học sinh làm chủ thể, dù coi trọng tính tích cực, chủ động của học sinh đến đâu cũng không thể hình dung một giờ dạy học lại có thể thiếu sự điều hành của giáo viên thông qua phương tiện ngôn ngữ.

Hoạt ngôn không phải là thuộc tính chung của mọi giáo viên. Có người nói hay, có người nói thiếu hấp dẫn. Giáo viên Ngữ văn cần ý thức được khả năng nói của mình để có hướng tự học tập, bồi dưỡng. Làm một diễn giả trước công chúng là chuyện khó, song để trở thành một giáo viên ăn nói thuần thục trước học sinh là điều có thể tập luyện được. Âm lượng, nhịp điệu lời nói phải thế nào để phù hợp với từng kiểu bài học, làm sao để lời nói có sức thu hút, giàu tính biểu cảm mà không “sến”, làm sao khắc phục tình trạng dùng đặc thổ âm (mà không ít giáo viên ở một số vùng miền rất “nặng nợ”) để đáp ứng những chuẩn mực của ngôn ngữ văn hóa trong dạy học... Tất cả đều đòi hỏi một quá trình luyện rèn không mệt mỏi.

Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ dạng nói, giáo viên cần có ý thức thường xuyên tự nâng cao năng lực viết của mình.

Trong môn Ngữ văn hiện nay, viết là một trong bốn kỹ năng cơ bản cần tập trung rèn luyện cho học sinh theo hướng tạo lập văn bản thuộc những phong cách chức năng khác nhau. Muốn phát triển năng lực viết cho học sinh thì dĩ nhiên người giáo viên phải mạnh ở mặt này.

Đối với giáo viên Ngữ văn, luyện viết có nhiều cách. Luyện qua mỗi lần soạn giáo án, thể hiện sự suy nghĩ, tìm tòi độc lập, không quá lệ thuộc vào tài liệu. Luyện cách làm bài trước các đề thi, đề kiểm tra dành cho học sinh. Luyện bằng các bài bình, bài phân tích những tác phẩm tâm đắc. Công việc này dĩ nhiên là khó khăn, phiền toái, đòi hỏi ở người giáo viên sự kiên nhẫn, niềm đam mê và ý thức cầu tiến. Nhưng nếu vượt qua những rào cản tâm lý, bỏ thói quen trì trệ, dễ dãi, thì hiệu quả thu được qua luyện viết là rất đáng kể. Mỗi bài dạy sẽ là một dịp giáo viên được cùng học sinh khám phá bao điều thú vị ẩn chứa trong từng văn bản tưởng quen mà lạ. Tác dụng tích cực của thói quen viết lách là điều không thể phủ nhận. Những sáng kiến hay, những tìm tòi thú vị về cách thức dạy học có thể bắt nguồn từ các bài viết.

c) Năng lực đối thoại và tổ chức đối thoại

Dạy học tích cực đang là một xu hướng có nhiều ưu việt, bởi sự năng động, linh hoạt trong tư duy của học sinh được kích thích và phát huy cao độ. Về vấn đề này, trong tương quan với các môn học khác, môn Ngữ văn có rất nhiều ưu thế, bởi trước những vấn đề xã hội cũng như những vấn đề hàm chứa trong các tác phẩm văn học, không có cái gọi là chân lý hiển nhiên. Đối thoại và tổ chức đối thoại, vì thế, cũng là một năng lực cơ bản của người giáo viên Ngữ văn.

Muốn có thái độ đối thoại và cách thức tổ chức đối thoại tích cực, cần tạo không khí dân chủ thật sự trong hoạt động dạy học. Dù hơn hẳn học sinh về vốn tri thức và khả năng nhận thức, nhưng giáo viên cần đóng vai trò “là người tham dự - chia sẻ” trong lớp học, tạo quan hệ bình đẳng với học sinh trên con đường đi tìm chân lý khoa học cũng như chân lý đời sống.

Đối thoại và tổ chức đối thoại là biểu hiện rõ rệt năng lực ngôn ngữ của giáo viên. Ở đây, những quan hệ liên nhân, thái độ, tình cảm trong nói năng, cách thức sử dụng các yếu tố ngôn ngữ... là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Những năng lực này không định hình ngay một lúc, mà phải được phát triển, hoàn thiện dần dần qua quá trình dạy học.

Những điều đã trình bày ở bài viết này không hẳn là chuyện hoàn toàn mới. Trong đội ngũ GV Văn của các trường, không hiếm người đạt tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghề nghiệp. Mấy đòi hỏi nêu trên có thể đã ở trong tầm tay của họ. Tuy nhiên, khi chuyển sang thực hiện Chương trình và SGK mới, những phẩm chất trí tuệ và tiềm năng của GV phải được phát huy theo một định hướng khác, phù hợp với yêu cầu mới. Với nội dung dạy học có nhiều thay đổi như vậy, chắc chắn GV Ngữ văn sẽ có những trải nghiệm khác biệt, những tìm tòi không ngừng về phương pháp dạy học, về cách thức đánh giá HS, về các kết quả đạt được, đồng thời đó cũng là thước đo tin cậy để tự đánh giá năng lực của chính mình. Xét từ góc độ đó, các ý kiến được trình bày ở bài viết này có lẽ ít nhiều có tính gợi mở.

            Đặng Lưu

. . . . .
Loading the player...