01-01-1970 - 08:00

Ghi chép NGUYỄN CÔNG HOẠCH - CÂY CỔ THỤ GIỮA ĐẤT UY VIỄN  của Đặng Thanh Quê

ĐẶNG THANH QUÊ

 

                        NGUYỄN CÔNG HOẠCH - CÂY CỔ THỤ GIỮA ĐẤT UY VIỄN                                                                                                            Ghi chép

Nguyễn Công Hoạch là cháu đời thứ 5 của cụ Nguyễn Công Trứ, là cháu đích tôn của Thủ lĩnh Văn Thân, Cần Vương Nguyễn Công Trường. Ông là con trai trưởng của cụ Nguyễn Công Trí (1871 - 1953), người từng làm công vụ giúp việc tại Đại bản doanh Cần Vương ở Sơn phòng Hương Khê lúc mới 15 tuổi.

  Nhân dân Nghi Xuân nhớ tên tuổi ông Nguyễn Công Hoạch vì biết ông là “cừu gia tử đệ” (con em trong nhà có thù riêng với giặc). Họ nhớ ông vì biết ông hoạt động chống thực dân không mệt mỏi, một lòng một dạ vì nước vì dân như truyền thống ông cha và dòng họ.

Nhà tôi với nhà ông Hoạch cách nhau khu Đền thờ Đặng Đại Vương và cái giếng làng, gọi là Giếng Hàu. Tuy hai gia đình không phải họ hàng nhưng thân thiện, quý nể nhau. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, còn tuổi thiếu niên, tôi chỉ biết có bà Hoạch với 4 người con của ông bà. Mãi đến năm 1952, thấy người ngoài cơ quan của ông Hoạch về đưa chị Ngọc Bích (con gái đầu của ông bà) mới 14 tuổi lên đường ra ATK để đi học nước ngoài, thì tôi mới biết ông Nguyễn Công Hoạch đang làm cán bộ to ở Trung ương trên Chiến khu Việt Bắc. Bà Hoạch ở nhà một tay nuôi bố chồng chín mươi tuổi và 4 người con đang tuổi ăn học. Ông Hoạch đi kháng chiến chẳng có lương bổng gửi về cho mẹ con. Nhà nghèo, ông bà chỉ có hai sào đất cát pha, một mùa trồng lúa gieo hạt, một mùa trồng khoai lang, thu nhập chỉ vừa đủ tiền trả công thuê mướn. Hàng ngày bà lam lũ quảy gánh ra chợ mua bán lặt vặt kiếm đồng ra đồng vào, may lắm thì đong được vài lon gạo với ít mắm muối cho cả nhà. Hai cô con gái lớn cũng mới 10 đến 12 tuổi hàng ngày đi học về là đội nón, xách rổ rá ra đồng mót nhặt từng hạt lúa, củ khoai mụn, mang về phụ giúp mẹ nuôi sống gia đình. Bà Hoạch là người đàn bà đẹp, vóc người thanh cao, da trắng. Dân xóm tôi khen bà hiền hậu, đoan trang. Họ bảo bà là con nhà nòi.

Những năm sau này, khi có điều kiện, tôi mới tìm hiểu tương đối đầy đủ về cuộc đời hoạt động sôi nổi cống hiến của ông Nguyễn Công Hoạch. Nhờ có 3 năm được đi sưu tầm, đọc và ghi chép tài liệu lịch sử phong trào công nhân Nghệ Tĩnh, nên mỗi khi thấy các sự kiện và nhân vật người Nghi Xuân là tôi ghi chép vào sổ tay. Tôi thấy trong lời khai của ông Nguyễn Công Hoạch trước Sở mật thám Nghệ An khi ông bị bắt giam lần thứ nhất (tháng 5 năm 1930) có bút phê bằng chữ Pháp: “Vợ xếp Hoạch là Lê Thị Đào quê ở Thông Lạng(1), là người nhà của Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái…”

Quả thật bà Hoạch là em họ đồng chí Lê Hồng Phong (chồng Nguyễn Thị Minh Khai), quê ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Và mẹ của bà là em ruột mẹ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái (người xung phong ném tạc đạn mưu giết toàn quyền Pháp tại Sa Điện, Quảng Châu, Trung Quốc, năm 1924). Điều này giải thích vì sao ông Hoạch sớm giác ngộ cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên tại thành phố Vinh. Ông Nguyễn Công Hoạch từ nhỏ học chữ Hán với thân phụ, là ông Nguyễn Công Trí (từng là chiến sĩ Cần Vương trẻ nhất Việt Nam). Xuất thân trong gia đình có truyền thống văn hay võ giỏi, thông minh,  nên ông tiếp thu Hán học khá thuận lợi. Sau này, khi đã gần 90 tuổi ông vẫn đọc các sách Hàn tự và vẫn tinh thông ngữ nghĩa.

12 tuổi, Nguyễn Công Hoạch anh con trai hậu duệ Uy Viễn tướng công sang thành phố Vinh học Trường Quốc học (college de Vinh). Anh học xong chương trình tiểu học, được cấp bằng Primaire, trong đó môn tiếng Pháp được xếp loại ưu, được đích thân thầy Hiệu trưởng Le Breton gặp mặt, khen ngợi. Thầy hiệu trưởng còn hướng cho anh sẽ làm thông ngôn nay mai… Nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh phải nghỉ giữa bậc trung học để xin vào làm việc tại Sở Lục Lộ Nghệ An. Tại đây anh được chọn làm trợ lý và phiên dịch cho Kỹ sư trưởng (người Pháp). Ba năm sau Nguyễn Công Hoạch được đề bạt làm Đốc công chỉ huy phu làm đường lên miền Tây Nghệ An. Phu lục lộ bắt đầu gọi anh là “Xếp Hoạch”. Bà con cư trú chung quanh phố Yên Tượng, thành phố Vinh cũng gọi anh là Xếp Hoạch.  

Tết âm lịch năm 1930, mấy anh phu đoàn bên các nhà máy SIFA Đepot, Trường Thi… quê Hưng Nguyên là bạn học hồi Quốc học Vinh rủ anh ra Cửa Lò xem nhà Bà Đầm. Trong một ngày đi chơi vội vàng này, anh được làm quen một công nhân áo xanh(2) tên là Thịnh, nói giọng Bắc… (Một năm sau, người thợ áo xanh, chuyển ra Bắc, Xếp Hoạch mới biết người này là Nguyễn Phong Sắc được Trung ương cử vào Nghệ An xây dựng phong trào). Để chuẩn bị cho một sự kiện sắp tới, anh Thịnh bàn với mấy anh em (đều là những người biết tự trọng và là dân có học thức) thành lập Chi bộ Đảng, và anh đề cử Xếp Hoạch làm Bí thư Chi bộ phố Yên Tượng, lúc đó có 9 đảng viên(3).

Phòng trọ của anh Nguyễn Công Hoạch là nơi bí mật lui tới của bạn bè và đồng chí. Bọn mật thám và cò chỉ điểm giăng lưới khắp thành phố. Tuy thế nhiều túi truyền đơn khẩu hiệu từ đây vẫn phát tán ra mấy dãy phố và các vùng ngoại ô chuẩn bị cho ngày Quốc tế lao động mồng 1 tháng 5. Anh bị tình nghi và bị bắt vì có người khai nhận truyền đơn từ nhà Xếp Hoạch.

Anh bị đưa về Nhà lao Vinh cùng với vài chục đảng viên và quần chúng yêu nước. Hàng ngày chúng thẩm vấn, tra hỏi bằng nhiều thủ đoạn. Xếp Hoạch trước sau như một khẳng định mình bị bắt oan, đấu khẩu bằng tiếng Pháp lưu loát và uyển chuyển, làm cho tên sỹ quan coi ngục người Pháp phải đuối lý. Nhà lao Vinh thời bấy giờ, canh gác chính trị phạm đều do lính Pháp đảm nhiệm. Hàng ngày mỗi khi có tên lính gác thập thò bên song sắt là xếp Hoạch lại tranh thủ  trò chuyện với họ bằng tiếng Pháp. Dần dần từ chỗ thiện cảm, đến không coi thường, và sau nữa là gây được cảm tình của phạm nhân đối với lính coi ngục. Đặc biệt có 3 người lính Pháp quốc tịch Đức được Nguyễn Công Hoạch cảm hóa, đã kín đáo cho ta biết một số thủ đoạn sắp tới của Pháp mà đối phó. Ba người này hứa sẽ xin giải ngũ trở về chính quốc và họ đã vận động tên Quan ba trả tự do cho một chục người, trong đó có xếp Lục Lộ(4). Anh Hoạch trở lại Sở Lục Lộ nhưng bị giảm một bậc lương và bị phạt tiền vì bỏ nhiệm sở ba mươi ngày.

Tháng 8 năm 1931, Nguyễn Công Hoạch được bầu làm Bí thư Khu ủy Vinh giữa lúc Xô viết Công Nông ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang cao trào nhưng bọn thực dân và Nam triều đàn áp đẫm máu. Mùa thu 1933, anh lại bị bắt vì “can tội xúi dục công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi đình công”. Đây không phải là nguyên nhân để chúng bắt anh. Thực chất mật thám đã từ lâu ghi tên Nguyễn Công Hoạch vào “sổ đen”, chúng coi anh là “phần tử nguy hiểm” nên thường xuyên theo dõi rình rập. Lúc này bọn chúng chưa biết anh là Bí thư Khu ủy Vinh, chỉ biết anh tham gia Công hội đỏ mà đã phải “cách ly” anh với Vinh - Bến Thủy. Tòa án đệ nhị cấp ở Vinh xử anh 6 năm tù giam, đày vào Nhà lao Buôn Ma Thuột. Ba năm sau, 1936, anh bất ngờ được chúng đưa về quản thúc tại gia đình để chữa bệnh. Trong lao tù “đồ gàn xứ Nghệ” thường xuyên bị đánh đập tra khảo dã man. Lại ăn uống quá kham khổ và lao động khổ sai nên anh nhuốm bệnh, cơ thể tiều tụy xanh xao vàng vọt, một chân bị chúng đánh rạn xương thành tật đến hết đời.

Ốm yếu về làng nhưng anh đứng ngồi không yên. Anh bí mật sang Vinh tìm gặp Hà Huy Giáp ở Hiệu sách phổ thông, rồi sang Yên Lưu gặp Chu Huy Mân khi đang giữ chức Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên…để trao đổi(5). Đến năm 1937, ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp, tại các thuộc địa chúng có vẻ “nới tay và dân chủ” hơn. Thời gian này các tổ chức Đảng từ cơ sở đến Tỉnh ủy, Xứ ủy… từ sau khủng bố trắng, chịu nhiều tổn thất. Trước tình hình đó Trung ương cử đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh) từ Sài Gòn ra Trung Kỳ, ra Vinh củng cố lại Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Tổ chức biết Nguyễn Công Hoạch đã bại lộ, không thể tiếp tục hoạt động tại Nghệ Tĩnh, đã gợi ý cho anh “Nam tiến”. Năm 1943 sau khi bình phục sức khỏe, theo lời giới thiệu của Chu Huy Mân (đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), Nguyễn Công Hoạch đưa gia đình vợ con vào Quảng Ngãi sinh sống và để hoạt động.

Được hơn một năm, tình hình thế giới và trong nước có chuyển biến theo hướng có lợi cho cách mạng. “Cả Đông Dương như cánh đồng cỏ khô”. Trung ương nhận định “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Các đồng chí Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh là những đồng chí vừa ra tù, gọi ông về Hà Tĩnh khẩn trương để chuẩn bị hành động…

Nguyễn Công Hoạch lập tức bàn giao công việc, thu xếp đưa cả nhà về quê. Nhà ở trả lại cho chủ, tài sản chẳng có gì đáng giá, nhưng lúc này vợ chồng ông đã có 2 cô con gái nhỏ. Cô gái đầu tên là Nguyễn Ngọc Bích(6) 7 tuổi, cô em tên là Nguyễn Thị Nhung mới sinh chưa đầy tháng.

Bà Hoạch nhớ lại lúc đó bà đang ốm yếu. Đứa con nhỏ thì thiếu sữa, đứa lớn thì luôn kêu đói bụng… Cả nhà lên xe lửa từ ga Sa Huỳnh đi chuyến tàu chợ về Vinh mất hai ngày ba đêm. Bà nói: “đây là chuyến tàu hỏa cuối cùng trước khi ta tiêu thổ kháng chiến. Xuống ga Vinh, không còn tiền ăn, cả 4 cha con mẹ con đói lả. Anh nhà tôi suy nghĩ, nếu về Nghi Xuân lúc này thì chết đói. Hai vợ chồng bàn nhau rồi tay xách nách mang cuốc bộ 10 cây số về Thông Lạng sống nhờ bên ngoại…”.

Ông Hoạch kể: Để vợ và 2 đứa con ăn ở nhờ cậy ông bà ngoại và bà con họ hàng ở Hưng Nguyên, một mình ông bí mật sang Nghi Xuân, về đến nhà đúng 3 giờ sáng. Không củi lửa, không dầu đèn, nghe tiếng động, bố anh biết anh đã vào nhà nhưng không gọi chào con trai. Ông ôm bố, khóc… Bố anh chỉ mặc chiếc quần đùi, nằm trên chiếc chõng tre, tay cầm chiếc quạt mo phe phẩy…

Nghỉ ngơi chỉ mới một ngày, Nguyễn Công Hoạch được đồng chí Lê Tính triệu tập tham dự Hội nghị của Việt Minh Nghi Xuân bàn khẩn cấp giành chính quyền tại huyện lỵ. Cũng tại cuộc họp này, Nguyễn Công Hoạch chính thức được bổ sung vào Ủy ban khởi nghĩa. Đồng thời Ủy ban khởi nghĩa lại giao cho Nguyễn Công Hoạch và Hà Văn Viện khẩn trường tổ chức thành lập đội tự vệ bao vây, thuyết phục Đồn lính Khổ Xanh ở Khải Mông ra đầu hàng. Lấy xong Đồn Khải Mông Nguyễn Công Hoạch đưa đội tự vệ cấp tốc về huyện lỵ để gây thanh thế và thị uy lực lượng trong giờ phút giành chính quyền từ tay viên Tri huyện giao lại cho tổ chức Việt Minh(7).

Tối hôm đó (19/8/1945), ông Hoạch dự hội nghị của Ủy ban khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Lê Tính làm chủ tịch. Nguyễn Công Hoạch được phân công là Ủy viên ủy ban này, phụ trách quân sự để giữ đồn Khải Mông. Tháng 01/1946, Ban Huyện ủy lâm thời được thành lập gồm 5 đồng chí cốt cán có uy tín, trong đó có Nguyễn Công Hoạch. Thời gian này cấp trên có chủ trương thành lập Ủy ban phòng thủ huyện (bên cạnh Ủy ban hành chính huyện). Lúc đầu Ủy ban này do đồng chí Hồ Văn Biển làm trưởng ban (Ông Biển đã từng học Trường sĩ quan Hoàng Phố (Trung Quốc) và hoạt động nhiều năm ở hải ngoại). Đến giữa năm 1947, Nguyễn Công Hoạch làm Chủ tịch Ủy ban phòng thủ huyện Nghi Xuân. Đầu 1948, Nguyễn Công Hoạch dự Đại hội đại biểu Huyện Đảng bộ và được bầu vào Ban chấp hành với số phiếu tuyệt đối. Tháng 4/1949, Đại hội đại biểu huyện Đảng bộ đột xuất, ông trúng vào Ban chấp hành, dự kiến Phó bí thư, nhưng có Quyết định của Khu ủy (Liên khu 4) điều động nên sau đại hội ông lên Khu ủy nhận công tác.

Thời kỳ này một loạt cán bộ nòng cốt ở Nghi Xuân cũng được điều động lên Khu Ủy và ra Trung ương (ở Việt Bắc) để tăng cường cho bộ máy kháng chiến của cả nước. Đó là các ông Lê Duy Khang, Phó Bí thư; Trần Đình Luận, Phó chủ tịch; Đậu Ngọc Xuân, Huyện đội phó; Quỳnh Thông, Huyện ủy viên; Nguyễn Trung Hoài, Huyện ủy viên… Có hai đồng chí được Quân khu 4 điều động là Bùi Thúc Thao, Huyện đội trưởng; Đặng Phái, Chính trị viên Huyện đội…Đồng chí Ngụy Khắc Cáo, Bí thư Huyện ủy cũng được tăng cường cho Tỉnh ủy và sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh… Tháng 5/1949, ông Nguyễn Công Hoạch lại được điều động ra Trung ương ở Việt Bắc, để tháng 12 năm đó thành lập Ban Thanh tra Chính phủ (Ban này trong điều kiện kháng chiến kiêm luôn Ban kiểm tra Trung ương Đảng) do cụ Hồ Tùng Mậu làm Tổng thanh tra. Từ tháng 12/1949, Nguyễn Công Hoạch là phái viên của Ban Thanh tra Chính phủ(8).

Năm 1991, ông Nguyễn Công Hoạch có dịp về về quê đón nhận Bằng Di tích lịch sử và văn hóa cấp Quốc gia do Bộ Văn hóa cấp cho Nhà thờ và mộ cụ Nguyễn Công Trứ. Dịp đó ông đến nhà thăm mẹ tôi và giành gần một buổi trò chuyện với tôi. Và tôi đã ghi chép.

Đầu 1949 ở vùng tự do xẩy ra vụ Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu sa đọa, tham ô, lãng phí, biển thủ công quỹ, gây phẫn nộ và bất bình trong dư luận kháng chiến. Cụ Hồ đã chỉ thị cao ông Hồ Tùng Mậu đưa Thanh tra Chính phủ vào cuộc, phối hợp với bên Thanh tra quân đội khẩn trương điều tra và kết luận chính xác để trừng trị, làm gương cho cán bộ nhất là ngành hậu cần…

Phái viên Thanh tra Chính phủ Nguyễn Công Hoạch ba lô cuốc bộ lên đường làm nhiệm vụ. Dọc đường ông nghĩ mà cười với câu nói đùa của ông Hồ Tùng Mậu: “Anh Hoạch này, cụ Hồ người xứ Nghệ, tôi và anh cùng Trần Dụ Châu cũng người Nghệ. Nhớ kiểm tra kỹ càng, đừng bỏ sót tội, kẻo lại mang tiếng mấy ông đồng hương bênh vực nhau…”

Và sau đó như chúng ta đã biết, đến tháng 9/1950, Tòa án binh (Bộ Quốc phòng) đưa vụ Đại tá Trần Dụ Châu và đồng bọn ra xét xử. Trần Dụ Châu đã bị tuyên án tử hình. Cụ Hồ đã ký y án.

Tháng 7/1953, ông Nguyễn Công Hoạch được đề bạt làm Trưởng ban Dân công Trung ương. Công việc của ông lúc này là cùng cả nước tập trung nhân - tài - vật - lực cho kháng chiến, mà trước mắt tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông lại có mặt tại các địa phương Khu 4, Khu 3… với Thanh - Nghệ Tĩnh là vùng tự do và cả các tỉnh, các vùng tạm chiến để tổ chức lấy người đi dân công phục vụ tiền tuyến. Để rồi hàng ngàn xe đạp thồ của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…thồ hàng lên “dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, Đèo Lũng Lô anh hò chị hát…”. Những người dân công khó nhọc vất vả nhưng người tổ chức từ Binh trạm đến Kho bãi, từ đường sá đến thực phẩm, y tế cho dân công…thì Ban dân công phải lo. Nói như thế để biết công lao của ông trong cuộc kháng chiến giành độc lập là không thể đo đếm được…

Đầu năm 1955, ông Nguyễn Công Hoạch mới giải quyết xong công việc trên Tây Bắc để trở vể Hà Nội. Ông đoàn tụ với Ban Thanh tra Chính phủ, nhưng chưa kịp về phép thăm nhà thì lại được cụ Nguyễn Lương Bằng cử về Khu 4 kiểm tra oan sai trong cải cách ruộng đất. Và chính Nguyễn Công Hoạch được Trung ương chỉ định là Phó Đoàn sửa sai tại Thái Nguyên năm 1956… Dù hăng hái hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó, nhưng nhiều lúc Nguyễn Công Hoạch nhớ nhà thương vợ thương con da diết. Ông lại nghĩ đến cụ Cố Nguyễn Công Trứ của mình. Cụ cố của ông cũng xông pha có mặt tại các điểm nóng khắp các vùng miền đất nước. Khi thì Cố ở Kinh, khi thì đi đánh dẹp giặc ở Lạng Sơn, khi thì Tuần Vũ An Giang mãi trong cực nam, khi thì Tổng đốc Hải Dương Hưng Yên, khi thì dẹp giặc Phan Bá Vành, làm kinh tế khai hoang, giao thông thủy lợi ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… rồi lại về làm Phủ doãn Thừa Thiên bên cạnh nhà vua…Và rồi dến 70 tuổi cụ cố của ông Hoạch về hưu mà vẫn hai bàn tay trắng, không được phong tước, về quê mà không có một tấc đất cắm dùi, không nhà, không cửa.

Năm 1957, ông là Chánh văn phòng Ban Thanh tra Chính phủ. Năm 1960, sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 ông được điều sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng phòng bậc 3, chuyên viên bậc 4. Sau năm 1965 ông Nguyễn Công Hoạch già yếu bệnh tật rất khó đi lại, Trung ương đặc cách cho ông nghỉ tại nhà hưởng nguyên lương chuyên viên bậc 5, hàm Vụ trưởng.

Ông qua đời năm 1996 tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.

Con cháu của ông đều là giòng giõi Cố Lớn, yêu nước, thật thà, thẳng ngay, nhân đức và thông minh, tiếp nối truyền thống gia đình, gia tộc, có công đối với sự nghiệp của dân tộc và có trách nhiệm với các biến cố của đất nước.

Trong 4 người con của ông thì cô con gái đầu lòng là chị Nguyễn Ngọc Bích, từng đi học ở nước ngoài lúc 14 tuổi từ trong kháng chiến chống Pháp, đã là Nữ đại tá, Cục trưởng Cục kỹ thuật, Bộ Công an. Người con trai của ông là Nguyễn Công Bắc cũng học Đại học tại Liên Xô, trước lúc nghỉ hưu là Giám đốc Trung tâm phụ gia dầu mỏ, thuộc Viện Hóa học công nghiệp. Và hai “bà” con gái của ông bà Nguyễn Công Hoạch và Lê Thị Đào là Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Ngọc Hồng, là những đóa hoa nở vào mùa xuân ở làng Uy Viễn…

                           Đ.T.Q

                          Nhà thờ Nguyễn Công Trứ ở Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh 

. . . . .
Loading the player...