21-11-2020 - 07:44

Ghi chép GIẢI PHÁP NÀO CHO VÙNG RỐN LŨ của Lê Văn Vỵ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 171 trân trọng giới thiệu bài viết "Giải pháp nào cho vùng rốn lũ?" của Nhà thơ Lê Văn Vỵ

lê văn vỴ

                       GiẢi pháp nào cho vùng rỐn lũ?                                            

Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lịch sử mới, được đặt mức báo động IV thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng gây tổn thất nặng nề. Không thể thống kê hết được những mất mát tang thương về người và của. Trong đau thương, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt đùm bọc, chia sẻ làm vơi bớt những khó khăn trước mắt. Nhưng về lâu dài, giải pháp nào bền vững cho vùng “rốn lũ”?

Từ bao đời nay, dải đất hẹp miền trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng  luôn đối mặt với bão lũ. Hiếm có năm nào ngớt bão và cũng hiếm năm nào mảnh đất dọc ven sông Ngàn Sâu (Hương Khê), Ngàn Trươi (Vũ Quang) Ngàn Phố (Hương Sơn) Sông La (Đức Thọ) không dầm trong mưa lũ? Nhân dân vùng lũ Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh từ vật liệu tre nứa hay những cây chuối kết lại thành bè nổi để bảo toàn tài sản, để cho gia cầm và gia súc có nơi tránh lũ.

Từ  nhà bè đến nhà nổi có chung nguyên lý nhưng khác nhau về chất liệu. Nếu nhà bè làm bằng tre nứa, thì nhà nổi vật liệu là thùng phuy, cấu kiện sắt thép, sàn gỗ, vách gỗ, cót hay tôn, mái lợp tôn. Với nhà nổi, ngày lũ không chỉ chứa tài sản mà còn là nơi sinh hoạt an toàn cho người. Tùy theo vật liệu và diện tích mà nhà nổi có giá khác nhau, nhưng trung bình mỗi nhà nổi cho một hộ dân năm nhân khẩu khoảng 35 triệu đồng. Nhờ nhà nổi mà trong đợt lũ vừa qua, Phương Mỹ (Hương Khê), Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình an toàn về người và tài sản. Lãnh đạo huyện ủy huyện Hương Khê cho biết: “Hiện nay xã Phương Mỹ có 13 nhà nổi, 154 nhà chòi và 100% hộ dân đều có nhà bè. Mô hình nhà bè dựa trên vật liệu tự có. Tre, nứa không khó đối với nhân dân vùng núi. Rường và dây kết bè sẵn trong vườn nhà. Vấn đề còn lại là tinh thần chủ động sống chung với lũ của  người dân. Ở vùng lũ, chờ “nước đến chân mới nhảy” thì không kịp, cho nên, nhân dân vùng lũ phải sẵn sàng ứng phó với lũ bất cứ lúc nào…Sau khi đánh giá mô hình Phương Mỹ, chúng tôi thấy tính khả thi và hiệu quả cao đã cho nhân rộng mô hình. Mặt khác, đối với vùng rốn lũ trong đó có Phương Mỹ chúng tôi không tiếp tục quy hoạch phát triển nhà dân cư mà chuẩn bị cả phương án di dời, trong đó tính đến cả vùng sạt lở ven sông, ven núi. Nhưng để giải bài toán cần đến đất. Hiện tại, Hương Khê không còn quỹ đất để thực hiện phương án di dời. Sắp tới chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh, có thể thu hồi lại những diện tích đất của Công ty cao su sử dụng không có hiệu quả để thực hiện phương án di dời này!”

Trước đây, những vùng hạ Hương Sơn như Tân Mỵ Hà, Phúc Mai Thủy, Sơn Trung, Sơn Giang nhân dân đắp ụ nổi cho trâu bò. Gần đây, nhân dân đã làm nhà tránh lũ cho gia súc. Ông Nguyễn Kiên (Sơn Tân) tâm đắc: “Đối với nhà nông chúng tôi, lũ cốt giữ được hai thứ: Một là sách vở của con. Hai là trâu bò”. Để giữ trâu bò, không bị lũ cuốn trôi, người dân Sơn Tân đã làm nhà tránh lũ. Nhà tránh lũ đổ sàn bằng bê tông, có thể nối với phía sau của nhà ở. Cầu thang được thiết kế ngoài nhà có chiều rộng mét rưỡi đến hai mét. Các bậc lên xuống thiết kế thuận lợi để trâu bò có thể bước lên dễ dàng. Ngày thường nhà tránh lũ có thể chứa thức ăn cho gia súc (cỏ khô, rơm, rạ, đóng vào bao bì hay thùng) dự trữ cho gia súc. Những ngày mưa lũ là nơi tránh lũ an toàn của gia súc.

Hương Sơn là địa phương có truyền thống chăn nuôi hươu. Thời điểm hiện tại, huyện Hương Sơn phát triển đàn hươu gần 40.000 con. Nhân dân Hương Sơn không chỉ tận dụng đất trống, đồi trọc để trồng cỏ phát triển chăn nuôi mà còn sáng tạo ra mô hình nhà chòi tránh lũ cho hươu. Nhà chòi, hay một kiểu nhà gác lửng (vật liệu có thể  bằng gỗ, sắt, thép). Từ chuồng hươu cố định, nhân dân thiết kế cầu thanh gỗ lên gác lửng. Khi lũ ngập chuồng, người chăn nuôi gia súc chỉ cần mở cửa chuồng là hươu theo lối đi lên gác. Nhờ cách đó, mà trong lũ lụt, hàng chục ngàn con hươu của bà con nông dân đất lũ Hương Sơn vẫn sinh sôi và phát triển. Có lẽ mô hình nhà gác cho hươu tránh lũ tiện lợi, hiệu quả, chi phí hợp lí cần phải được đánh giá và nhân rộng cho bà con vùng rốn lũ. Nếu trận lũ vừa qua gây ngập úng ở Cẩm Xuyên mà có kinh nghiệm như Hương Sơn, chắc một số hộ dân ở đây không phải xót xa khi đàn hươu bị chết sạch

Sau cuộc đi thị sát vùng lũ Cẩm Xuyên, tận mắt chứng kiến những thiệt hại về người và của, thương xót với bà con“trắng tay” sau lũ, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã thao thức, trăn trở tìm lời giải cho bài toán “sống chung với lũ” bền vững. Theo đồng chí Bí thư trước mắt sẽ cứu trợ kịp thời để không ai bị đói, rét trong lũ. Sau khi lũ rút nhanh chóng vệ sinh, đề phòng dịch bệnh bùng phát và đặc biệt vừa ổn định cuộc sống cho nhân dân vừa đẩy mạnh sản xuất trồng rau màu, nhất là rau vụ đông. Cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các cấp các ngành khuyến khích tập thể, cá nhân hỗ trợ cây giống cho bà con để phục hồi sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Về lâu dài, cần khảo sát đánh giá để có thể nhân rộng mô hình nhà bè, nhà nổi, nhà chòi, nhà tránh lũ cho gia cầm, gia súc. “Sau khi từ vùng lũ Cẩm Xuyên trở về, tôi có ý tưởng về nhà cao tầng cộng đồng tránh lũ cho cụm dân cư. Trước mắt, cần khảo sát, đánh giá các nhà văn hóa thôn, xã, sau đó, xây dựng đề án làm nhà cao tầng cộng đồng tránh lũ cho cụm dân cư. Chúng tôi đã trao đổi ý tưởng với anh em chuyên môn để thăm dò, tranh thủ ý kiến, và cũng đã “tung” ý kiến để tranh thủ góp ý của nhân dân. Nếu có sự đồng thuận, sẽ cho các nhà chuyên môn vào cuộc, thiết kế, tính toán dự trù kinh phí. Nguồn kinh phí xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ dựa vào phương thức xã hội hóa. Chúng tôi đã thăm dò một số doanh nhân, doanh nghiệp, một số con em Hà Tĩnh thành đạt và họ tán thành với chủ trương của tỉnh. Sắp tới, Tỉnh ủy sẽ ra Nghị quyết về giải pháp bền vững cho vùng rốn lũ. Nếu được doanh nhân, Doanh nghiệp đồng lòng chung sức, Tỉnh sẽ huy động vốn đối ứng 50%. Nhưng kế sách lâu dài bền vững nhất vẫn là trồng cây gây rừng…”. Đồng chí Bí thư trao đổi.

Kế sách lâu dài: Trồng cây gây rừng

Rừng là lá phổi xanh, đê xanh chắn bảo, ngăn lũ. Rừng phòng hộ ven biển ngăn triều cường, chống sạt lở… Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật bảo vệ môi trường đã có hiệu lực hàng chục năm nay. Nhưng để các bộ luật đi vào đời sống nhân dân để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, dân hành động còn là một khoảng cách. Công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân chưa thường xuyên, liên tục, chưa thật sự hiệu quả.

Dọc các cửa rừng, biển quảng cáo in đậm: “Phòng chống cháy rừng”, nhưng rừng vẫn cháy. Nguồn nước, nguồn khí bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp. Gần đây, vấn đề môi trường “nóng” lên trong diễn đàn Quốc hội. PGS-TS; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) đề xuất: “Bảo vệ môi trường phải từ tư duy, tư duy phải từ giáo dục mà có” và ông thẳng thắn: “Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới…Nếu vậy, sẽ lại còn những trận lũ lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận”.  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần phải đánh giá nghiêm túc vấn đề phát triển rừng, xem xét cơ cấu rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, tăng độ che phủ và chú ý đến chất lượng rừng“Không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ”. Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thảm họa lũ lụt là bài học đắt giá cho việc sử dụng khai thác đất rừng, tài nguyên rừng một cách bừa bãi. Điều đó, ai cũng thấy. Nhưng tại Hà Tĩnh có những mô hình  bảo vệ, phát triển rừng đặc biệt là rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn rất tốt. Trong bài viết này tôi muốn nói đến “Mô hình bảo tồn tính đa dạng sinh học và quản lí bền vững tài nguyên rừng tại lưu vực đầu nguồn sông Ngàn Phố” với chủ đầu tư: Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Nhân văn vùng cao (CHESH) mà cơ quan chủ quản là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Gần hai mươi năm triển khai Dự án,  CHESH đã“bảo tồn và phát triển bền vững 285,7 ha rừng tự nhiên đa dạng sinh học, cải thiện được cảnh quan và chất lượng của môi trường của lưu vực đầu nguồn sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn”. Mặt khác Dự án đã xây dựng cơ sở thiết thực cho nghiên cứu và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống dựa trên quan điểm biện chứng của Sinh thái Nhân văn; tạo môi trường cho người dân đang sinh sống tại các vùng đầu nguồn; tạo điều kiện để học sinh, sinh viên, chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách trao đổi, chia sẻ giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường.

Mô hình thứ hai là mô hình khoanh nuôi rừng tái sinh và trồng dắm cây bản địa: Lim, táu, dổi, cồng, bộp, sến vv.. ở xã Sơn Kim 1. Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, hàng trăm hộ dân ở xã miền núi biên giới Sơn Kim 1 được giao hàng chục ngàn héc ta rừng. Cóvài chục hộ được nhận từ 20 ha trở lên. Sau gần ba mươi năm  nhận rừng, các hộ ông Trần Trọng Bình (thôn Hà Trai), Trần Ngọc Lâm (thôn Khe 5) Đặng Xuân Thành (thôn Hà Trai), Lê Đoan (thôn Hà Trai) Nguyễn Minh Lợi (thôn Khe 5) vv…không chỉ  khoanh nuôi rừng tái sinh mà còn trồng được hàng chục héc ta cây bản địa. Sau gần ba mươi năm những cây lim, dổi, táu vv… đã thành rừng cây, um tùm, xanh tốt góp phần phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, bảo tồn được tính đa dạng sinh học tự nhiên, nâng cao năng lực nhận thức của nhân dân, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng lâu dài và bền vững.

Rừng tái sinh. Dọc đường vào Hà Trai, khe Sú, khe Năm, điệp trùng cây xanh tít tắp. Chim chóc lại về Trên đường vào khe Đá Liễn, tôi bắt gặp cơ man nào là chim. Nào là khướu, họa mi, sáo sậu, chào mào, hét đen, hét nâu. Đã lâu lắm rồi, tôi lại được nghe tiếng khướu lảnh lót trong chiều sương xóm núi.

Cho nên, mô hình khoanh nuôi rừng tái sinh và trồng cây bản địa ở Sơn Kim 1 cần được đánh gía và nhân rộng không chỉ trong tỉnh mà cả nước.

Hương Sơn 3/11/2020

                                                                                              L.V.V

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra lũ lụt tại huyện Can Lộc - Ảnh: Nguồn Báo Hà Tĩnh 

. . . . .
Loading the player...