30-04-2020 - 14:30

Ghi chép 45 NĂM- KỶ NIỆM VỀ MỘT TRẬN ĐÁNH của Vương Khả Sơn

VƯƠNG KHẢ SƠN

Tác giả Vương Khả Sơn

45 NĂM- KỶ NIỆM VỀ MỘT TRẬN ĐÁNH

(13/3/1975 -13/3/2020)

Ngày 13-3-1975, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 nhận nhiệm vụ chặn đánh bọn địch nống ra giải toả hành lang sông Vàm Cỏ Đông. Con sông này, trước đây cũng như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh có vai trò chiến lược cực kỳ quan trọng. Đó là con đường thuỷ huyết mạch để bộ đội ta tập kết vũ khí (kể cả vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo) cùng lực lượng các quân, binh chủng nhằm tiến đánh Sài Gòn từ hướng Tây Nam (Đoàn 232, tương đương quân đoàn). Trước đó, một đơn vị bạn đã đánh chiếm căn cứ Lương Hoà nằm án ngữ bên bờ sông. Mất Lương Hoà đồng nghĩa với việc địch bỏ ngỏ hành lang này để cho ta mặc sức đưa người và khí tài xuống tập kết chuẩn bị cho chiến dịch. Bởi vậy, chúng tìm cách "tái chiếm". Địch huy động 2 tiểu đoàn "Thuỷ quân lục chiến" cùng 4 tiểu đoàn "Bảo an" càn ra, thăm dò để ngăn chặn ta. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng cách Sài Gòn chừng 30 dặm bay từ hướng Tây nam nên dù mọi giá chúng cũng quyết giữ bằng được.

Ảnh tư liệu

Lực lực lượng chúng tôi lúc này duy nhất chỉ có một tiểu đoàn bộ binh. Tiếng là một tiểu đoàn nhưng thực tế mỗi đại đội chúng tôi chỉ có 25 đến dưới 30 tay súng. Cấp trên tăng cường thêm 1 khẩu 12,7 ly; 2 khẩu ĐKZ 82; 2 khẩu cối 82 ly, còn lại là hoả lực B40, B41, trung liên. Trong khi đó, bọn địch có 6 tiểu đoàn tăng cường. Địch sẽ đông gấp mười mấy lần chúng tôi về mặt quân số (mỗi đại đội địch khoảng 100 tên), được yểm trợ bởi pháo binh từ Hậu Nghĩa, Bến Lức, Hiệp Hoà, trực thăng và máy bay ném bom.

Tám giờ, địch đổ quân bằng tàu “mặt dựng” (tàu há mồm). Hai tiểu đoàn “Thuỷ quân lục chiến” đi đầu, tiếp theo là bốn tiểu đoàn “Bảo an”. Chúng cắt bưng hướng về phía chúng tôi. Mũ sắt loang loáng dưới nắng sớm.

Tiểu đoàn 7 bố trí đội hình giật cấp. Phía trước bên phải là đại đội 2 tiếp theo là đại đội 3 chúng tôi, lùi xuống bên trái là đại đội 1. Hoả lực cối 82, ĐKZ 82 nằm ra phía sau. Khẩu 12,7 ly đặt trên bờ kinh (kênh) phía bên phải đại đội tôi nhằm phát huy tối đa hoả lực khi lâm trận.

Chín giờ. Những tốp địch đầu tiên đã vượt qua trước mặt đại đội 2, đi vào đội hình phục kích của đại đội 3 chúng tôi... Bùng...Oành! B40 phát hoả, tiếp theo là khẩu 12,7 ly nhả đạn như mưa cắt ngang đội hình hành quân của hai tiểu đoàn “Thuỷ quân lục” chiến. AK, trung liên, cối và ĐKZ 82 cùng các loại hoả lực ở các đại đội đồng loạt trút đạn vào đầu địch. Sức căng của đạn 12,7 ly với tầm bắn 6 km, cắt phạt cỏ bưng, xé nát đội hình địch. Tôi và Đào Xuân Nhuận (Đức Tùng, Đức Thọ) nhảy ngay ra khỏi công sự. Tôi bắn liền 2 trái B40 vào đội hình địch ở phía trước chừng 30 mét, rồi băng lên xoay tay lắp quả đạn thứ 3 vào nòng. Liếc mắt, thấy Nhuận ôm trung liên chạy sát ngay sau lưng, tôi hét: "Nhuận, tránh!". Cậu ta nhoài người né sang một bên. Tôi nhằm vào chỗ có tiếng la nhiều nhất, siết cò. Một quầng lửa màu da cam trùm lên chỗ đó. Tiếng la hét im bặt. Tôi tiếp tục lao lên, đẩy nhanh quả đạn thứ tư vào nòng. Trước mặt lúc này là một con kinh nhỏ rộng chừng 2 mét, nhưng bờ phía chúng tôi thấp hơn lại vướng vũ khí nên khi nhảy không bám bờ được, tôi rơi xuống kinh. Nhuận nhảy theo cũng vậy (trung liên cồng kềnh và nặng). Đánh mắt sang trái, cách chừng 15 hay 20 mét, thấy lố nhố dưới lòng kinh rất đông những chiếc mũ sắt và áo rằn ri. Những họng AR15 đen ngòm chĩa thẳng về phía chúng tôi nhưng tuyệt nhiên không có tiếng nổ hay tiếng rít của đạn. “Chúng không dám bắn!? Không phải!”- Tôi chợt hiểu: AR15 vốn là loại súng bộ binh có tính năng ưu việt, gọn nhẹ, cơ động, phát huy hoả lực tốt, nhưng chỉ thích hợp với địa hình khô ráo. Do nhúng nước bùn nên bị kẹt đạn. Nếu không tôi và Nhuận đã bị hàng chục viên găm vào người, nhận chìm xuống kinh rồi. Tôi nép nhanh vào bờ, quay đầu đạn B40 chĩa vào bọn lính lố nhố dưới lòng kinh. "Bùng...Oàng"! Một cột nước vọt cao trùm lên bọn lính. Tôi không kịp nhìn nữa, vội nắm cành bình bát kéo mình lên khỏi lòng kinh. Nhuận leo lên theo. Tôi lao lên phía trước, dưới chân có khá nhiều xác “rằn ri” gục chết do trúng đạn AK và B40. Nhụân ôm trung liên lao theo, quạt vào bọn lính đang nháo nhác chạy dạt ra hướng bờ sông Vàm Cỏ. Vượt lên khoảng 20 mét nữa, bất chợt  tôi thấy một tên nằm sấp, cựa quậy. Hai tay hắn nắm chặt lấy hai búi cỏ bàng, máu chảy đỏ cả một vùng nước bưng xăm xắp xung quanh chỗ nằm. Nhuận tiếp tục quạt trung liên vào bọn lính phía trước. Còn tôi, dừng lại cảnh giác, rồi cúi xuống nắm một cánh tay tên bị thương, kéo lật ngửa. Hắn dính một viên AK hay trung liên gì đó. Viên đạn xuyên từ sau bả vai phải rồi trổ ra trước ngực chếch lên gần chỗ xương đòn. Bọt máu sủi ra. Chắc hắn bị thủng phổi. Mất nhiều máu. Mặt tái mét.

Thấy tôi, hắn luôn mồm xin tha chết.

- Tên gì? - Tôi hỏi.

- Dạ... em tên... Hoành... Nguyễn ... Văn… Hoành...

- Đơn vị nào?

- Dạ... Thuỷ …quân... lục chiến.

- Cấp bâc, chức vụ?

- Chuẩn uý... Đại đội phó...đại đội 3... tiểu đoàn 3... - Hắn thều thào.

Tôi liếc nhìn trên ve áo hắn - Thằng này khai thật, tôi nghĩ.

- Súng đâu?

- Em... bị thương... chạy... rơi đâu mất...!

Quả thật, lúc này, ngoài chiếc ba lô nằm bên cạnh, trên người hắn chẳng còn gì. Tôi chợt thấy ái ngại cho hắn. Nếu bị thương nhẹ, tôi đã trói để giải về. Đằng này, hắn đã bị thương quá nặng. Bắn thì không nỡ, vì dù sao hắn cũng là "kẻ ngã ngựa", hoàn toàn mất khả năng tự vệ. Chúng tôi đang hoàn toàn làm chủ trận đánh. Vả lại, tại thời điểm đó, đơn vị chưa hề có ai bị thương vong. Nếu bắt, làm sao có thể cõng hắn được trong khi đồng bưng ngập nước. Tôi nghĩ nhanh: "Mình sẽ khai thác một số thông tin cần thiết rồi phóng thích cho hắn để “tương kế, tựu kế” làm binh vận. Bọn "Thuỷ quân lục chiến" vốn rất cuồng tín và liều lĩnh. Biết đâu, khi thằng này được tha, chúng sẽ bớt hung hãn hơn. Điều ấy, sẽ có lợi cho trận đánh".

Tôi hỏi:

- Băng của mày đâu?

- Em... không... biết nữa! - Hắn đáp ngắt quãng.

Tôi hiểu, khi bị thương, hắn tháo bỏ dây lưng cho nhẹ để cố chạy. Đến đây, mất nhiều máu quá, gục xuống. Tôi giật vội 2 cuộn băng cá nhân bên dây lưng của mình xé ra, nối lại rồi thò tay cởi cúc áo cho hắn để băng, nhưng áo chật quá, không cởi được. Vậy là tôi cứ để nguyên cả áo, luồn qua nách, băng đại cho hắn. Vừa băng, tôi vừa hỏi:

- Quê mày ở đâu?

- Dạ... Gần ngã ... ba ... Kiến Hoà... - Bây giờ, Hoành bình tĩnh hơn và biết tôi không giết hắn, ngược lại, hắn đang được cứu.

- Tỉnh nào? - Tôi hỏi.

- Dạ... tỉnh... Kiến Hoà - Hoành ngoan ngoãn trả lời.

Lúc ấy, tôi không biết Kiến Hoà là tỉnh nào. Sau này hỏi mọi người mới biết đó là Bến Tre.

Băng xong, tôi tháo vội ba lô của hắn, kéo toàn bộ tư trang ra, để đầu hắn gối lên ba lô rồi đắp lên mặt và ngực một cái áo rằn ri. Lúc này, trời nắng gắt, nước bưng nóng như nước sôi. Tôi bảo Hoành:

- Nằm yên đó! - Hoành nằm im lặng.

Tôi lấy toàn bộ giấy tờ, phù hiệu, số hiệu sỹ quan cùng một cuốn nhật ký và ảnh (có rất nhiều ảnh “tươi mát” của cô gái đựng trong một cái túi. Đáng tiếc là toàn bộ kỷ vật chiến trường, trong đó có hai cuốn nhật ký “Dọc đường Chiến tranh” của tôi được bắt đầu viết từ ngày 11-11-1971 cùng hồ sơ của Hoành bị mất sạch do một trái pháo 105 li rơi trúng bồng (một kiểu ba lô), vào ngày 26-4-1975.

Trong khi tôi băng bó cho Hoành, Nhuận tiếp tục ôm trung liên quạt mạnh vào bọn địch phía trước mặt. Lát sau, Nhuận quay lại:

-Rút thôi Sơn ơi! Địch đang tổ chức phản kích!

 Tôi nhìn Hoành lần cuối rồi quay lại, cúi xách vội khẩu “cực nhanh”AR15 ngayxác một tên lính chết cạnh đó. Bất chợt thấy một cái túi vải dù, tôi tò mò xách lên. Thấy nặng, nghĩ là lựu đạn nên thả xuống. Nghe lộp cộp, tôi nghi ngờ, vội mở ra. Ôi, thịt hộp! Có khoảng trên hai chục hộp dò 3 khoanh (loại này rất ngon nhưng mặn). Xách vội lên, tôi chạy một mạch về công sự tránh pháo. Lúc này, pháo từ Hậu Nghĩa, Đức Hoà, Bến Lức đã bắt đầu dội xuống trận địa chúng tôi để bọn "Thuỷ quân lục chiến" liều lĩnh mò vào lấy xác đồng bọn. Bị thua đau, tên Tư lệnh "Thuỷ quân lục chiến" đáp trực thăng trực tiếp chỉ huy, đốc thúc bọn lính. Trái đạn B41 của một đồng đội vút đến nổ gần chỗ chiếc trực thăng đang đứng yên trên không (B41 có tầm bắn 500 mét, khi hết tầm, nếu không gặp vật cản, sẽ tự động phát nổ), nó vội vã bốc lên cao rồi chuồn thẳng. Từ đó đến chiều, chúng tôi vừa ngồi hứng pháo vừa ăn thịt hộp và uống nước bưng. Đất đồng bưng nhão nhoét nên có vài công sự công sự bị sập, một số đồng chí bị thương vì pháo.

Hôm sau, chúng tôi được cơ sở báo tin, bọn lính truyền tai nhau:"Ông Hoành thật lớn phước (phúc), bị thương nặng nhưng đã được một ông "Việt Cộng" tốt bụng băng bó cho rồi tha mạng...". Tôi cười thầm... Té ra, Hoành, sau đó được đồng bọn đưa ra trực thăng chở ngay về bệnh viện Cộng Hoà, cứu sống (bệnh viện dành riêng cho quân đội VNCH).

Bị thất bại nặng, chiều hôm đó số tàn quân tức tốitràn vào nhà máy đường Hiệp Hoà, đập phá nhà máy rồi lấy mỗi đứa một ba lô đường kính. Viên Giám đốc người Pháp bỏ chạy lên Sài Gòn.

Trận ấy, ta tiêu diệt trên 100 tên, 8 tên bị bắt làm tù binh (chưa kể Hoành), thu nhiều vũ khí. Đơn vị duy nhấtcó một đồng chí không may hy sinh do cối 82 của ta "đấm lưng" (đất mềm, bàn đế lún nên bị rút tầm) và mấy đồng chí bị thương do pháo địch. Riêng Lưu Xuân Tiết, trung đội trưởng, quê Hoàng Quế, Đông Triều, Quảng Ninhbị một viên đạn găm vào làm gãy chân (Tiết người đã kéo tôi từ dưới giếng lên hồi tháng 7 năm 1974 khi tôi bị rơi xuống giếng sâu 13 mét do đi nhổ sắn (mì) ở cứ ở Lộc Giang về chống đói. Nay Tiết là thương binh nặng đang sinh sống tại quê nhà.

... Trận đánh lùi vào quá khứ đã 45 năm, nhưng kỷ niệm về nó thì vẫn vẹn nguyên trong tâm trí chúng tôi như mới ngày hôm qua. Không rõ số phận viên sỹ quan VNCH có tên là Hoành, sau ngày ấy đến giờ ra sao?... Cầu mong cho anh ta được bình yên, hạnh phúc trong mái ấm gia đình, và có thời gian suy ngẫm về những tháng ngày cầm súng cho Mỹ - nguỵ, chống lại đồng bào...

                                                                                          V.K.S

. . . . .
Loading the player...