16-07-2020 - 21:30

“Duyên bút mực” giữa văn nghệ Hà Tĩnh và ngành giáo dục

Hội LHVHNT có số đông hội viên công tác ở ngành Giáo dục. Trong nhiều năm qua, một số hoạt động chuyên môn của Hội cũng gắn với hoạt động sáng tác và giảng dạy của thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường. "Duyên bút mực" giữa văn nghệ Hà Tĩnh và Ngành giáo dục đã được hình thành khá lâu, gần như suốt chặng đường phát triển của VHNT tỉnh nhà. Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Đặng Lưu về vấn đề này

“Duyên bút mực” giữa văn nghệ Hà Tĩnh và ngành giáo dục  

Nếu bây giờ có ai hỏi tôi: Hoạt động của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh gần gũi, gắn bó với tầng lớp nào nhất trong xã hội, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: đó là ngành giáo dục.

Có nhiều lí do để khẳng định như vậy.

Ngay từ khi tách tỉnh (1991), sự gắn bó đặc biệt thể hiện ở nhiều khía cạnh. Tôi nhận ra cái “duyên” nảy nở ngay từ những ngày đầu tạp chí Hồng Lĩnh ra đời. Ngoài việc công bố các sáng tác mới và thông tin về hoạt động văn nghệ, tạp chí còn có thêm các mục Dành cho nhà trường, Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò.

Ai chẳng biết, nhà trường, với công việc chuyên môn gắn với sách vở, bút mực, là nơi tiềm tàng một lượng độc giả rất đáng ao ước với bất kỳ loại ấn phẩm nào. Việc mở các mục như nói trên thể hiện sự nhạy bén của những người làm tạp chí. Nhưng ngoài lí do “thực dụng” ấy, tôi nhận thấy các nhà hoạt động văn nghệ muốn bắc một nhịp cầu kết nối sáng tác với giảng dạy văn học, để văn học nhà trường không quá cách bức với không khí nóng hổi của đời sống văn nghệ đương đại. Trong thực tế, chương trình Ngữ văn phổ thông thời đó có sự đứt mạch rất vô lí: các tác phẩm có mặt trong sách giáo khoa chỉ dừng lại ở cái mốc thời gian 1975. Nghĩa là, toàn bộ những gì sôi động của văn học nước nhà sau 1975, đặc biệt thời kì Đổi mới không hề được nhắc đến. Trong bối cảnh ấy, việc làm của Văn nghệ Hà Tĩnh rất đáng ghi nhận.

Lực lượng viết bài cho mục Dành cho nhà trường trên Hồng Lĩnh phần lớn là những nhà giáo tâm huyết, ít nhiều có tham gia nghiên cứu, phê bình, đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh nhà hoặc ở các trường đại học. Điều đáng nói, trong Ban biên tập tạp chí, có những người đã một thời cầm phấn, cho nên việc tìm bài, đặt bài cho các số đều nhằm mục đích đưa đến cho tầng lớp độc giả giáo viên, học sinh những thông tin thực sự bổ ích, góp phần giải quyết vướng mắc trong tiếp cận những tác phẩm mới và khó ở chương trình. Một số cây bút thủy chung với mục này trong suốt thời gian dài, chính họ đã mang vào tạp chí cái không khí tranh luận sôi nổi ở mảng văn học nhà trường, tình hình cải cách, thay đổi về chương trình và sách giáo khoa, những đổi mới về phương pháp dạy học, tính khả dụng các lí thuyết mới được du nhập vào Việt Nam… Tôi nghĩ, giá tập hợp các bài viết trong mục Dành cho nhà trường của tạp chí Hồng Lĩnh, phân loại một cách bài bản, khoa học, chắc chắn sẽ có một bộ tư liệu cho thấy sự phong phú của văn học nhà trường. Từ văn học dân gian đến văn học viết, văn học trung đại đến văn học hiện đại, văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài, văn bản nghệ thuật đến văn bản nghị luận, lí thuyết văn học đến ngôn ngữ văn chương,… tất cả đều được đề cập, tuy mức độ đậm nhạt có khác nhau. Phải nói rằng, không nhiều tạp chí văn nghệ địa phương làm được điều này. Tôi hy vọng, thời gian tới, trong bối cảnh chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn thay đổi theo hướng phát triển năng lực người học, mục Dành cho  nhà trường tiếp tục là một diễn đàn sôi nổi, góp phần đem đến cho giáo viên và học sinh những thông tin cập nhật, cần thiết, bổ ích.

Nếu mục Dành cho nhà trường thu hút sự quan tâm của các thầy cô giáo, thì mục Thi viết vẽ tuổi học trò thực sự là sân chơi văn nghệ rất hiếm hoi ành cho các thế hệ học sinh. Hồi mới thành lập trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước), ngoài báo Văn nghệ, tạp chí Văn học & Tuổi trẻ, thì tạp chí Hồng Lĩnh được học sinh chuyên Văn rất yêu thích. Chính các cuộc thi viết, vẽ hằng năm   có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các em. Là học sinh chuyên Văn, em nào mà chẳng có chút “máu” văn nghệ trong người. Cuộc thi đã kích thích các em sáng tác, với đủ thể loại. Tham gia cuộc thi, chưa nói đến chuyện đạt giải hay không, nhưng cứ mỗi số Hồng Lĩnh xuất hiện, nhìn thấy bài thơ, truyện ngắn, bức vẽ của mình được đăng lên, nhiều em không giấu nổi cảm xúc nôn nao, vui sướng. Không chỉ ở trường chuyên, không khí này còn lan rộng đến một số trường phổ thông có các hạt nhân sáng tác. Để có được kết quả chung khảo, các giáo viên chuyên Văn lớp đầu như Trương Biên Thùy, Nguyễn Tiến Bính, Lương Bích Liên, Đặng Lưu… đều góp sức đọc, chấm các vòng cùng các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Một số cây bút đoạt giải cao hồi đó, giờ đã là tác giả chững chạc, công bố tác phẩm đều đặn, được dư luận trong nước chú ý. Để có được như hôm nay, các tác giả Hạnh Loan, Hồ Minh Thông, Nguyễn Thị Duyên, Trần Đức Cường… chắc chắn không quên những bước chập chững đầu tiên, từ Viết vẽ tuổi học trò trên Hồng Lĩnh.

Nói đến “duyên bút mực” giữa văn nghệ và giáo dục, không thể không đề cập đến một bộ phận của lực lượng viết khá đông đảo ở Hà Tĩnh. Ấy là các tác giả từng hoặc đang đứng trên bục giảng.

Tôi chưa thống kê được đầy đủ, nhưng chỉ qua theo dõi, quan sát, cũng đã thấy trong sáng tác, hầu như ở thể loại nào, đội ngũ viết văn, làm thơ vốn/đang là nhà giáo quả là hùng hậu. Dám chắc, so với người các ngành khác tham gia hoạt động văn nghệ ở Hà Tĩnh, số lượng nhà giáo chuyên tâm viết lách chiếm tỉ lệ áp đảo. Có thể kể: Phan Trọng Tảo, Lê Văn Vỵ, Thái Vĩnh Linh, Trịnh Minh Hoài, Nguyễn Tiến Chưởng, Dương Thế Vinh, Đồng Văn Bình, Phan Viết Đan, Nguyễn Duy Kiên, Bùi Minh Huệ, Hồ Minh Thông, Đinh Lan Hương, Phạm Minh Huyền, Nguyễn Xuân Hường, Trần Nam Phong, Nguyễn Văn Hoan, Trần Thị Ngọc Mai, Nguyễn Văn Thanh, Võ Văn Chinh, Hoàng Vinh Hương, Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Anh Khoách, Trần Thị Phương Lài, Lê Công Thuận, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Thị Ngọc Liên, …. (Thơ), Võ Minh Châu, Nguyễn Thị Phước, Phan Thế Dũng Toàn, Tống Phú Sa, Vương Khả Sơn, Nguyễn Thị Hồng Liên, Trần Thị Tú Ngọc…. (Văn xuôi), Hà Quảng, Ngô Thế Lý, Phạm Quang Ái, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thanh Truyền, Nguyễn Văn Tịnh, Phan Thị Thanh Thủy…. (Lí luận phê bình), Lê Nghi, Hồ Hữu Phước, Võ Giáp… (Văn học dân gian). Có người hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, tuy không phải là nhà giáo, nhưng từng tốt nghiệp đại học Sư phạm như nhà văn Phan Trung Hiếu, đương kim Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.

Góp thêm vào đội ngũ hùng hậu này còn có một số giảng viên đại học như Lê Quốc Hán, Phan Huy Dũng, Nguyễn Xuân Đức, Phạm Tuấn Vũ, Đinh Trí Dũng, Lê Hồ Quang, Đặng Lưu… - những cộng tác viên đắc lực của tạp chí Hồng Lĩnh.

Tuy nhiên, sự đông đảo của bộ phận người viết công tác trong ngành giáo dục có phải là ưu thế, là dấu hiệu chất lượng đội ngũ của Hội văn nghệ hay không, điều đó vẫn chưa thể kết luận. Thực tế, phần lớn giáo viên - hội viên Hội văn nghệ đều đã tốt nghiệp đại học, kiến thức về văn học mà họ thụ đắc từ chương trình đào tạo là rất cơ bản. Hơn nữa, một khi đã chọn con đường giảng dạy văn học, ít nhiều họ có năng khiếu, có trình độ thẩm mĩ. Việc thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm trong nhà trường có tác dụng nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê văn chương trong tâm hồn họ.

Thế nhưng, bên cạnh một số thuận lợi về nghề nghiệp, các tác giả vốn/đang là nhà giáo hình như khó thoát khỏi giới hạn của một lằn ranh vô hình trong sáng tác. Một trong những đòi hỏi hàng đầu của công việc viết văn làm thơ là phải luôn đột phá, tự làm mới về tất cả mọi phương diện. Để đột phá, không chỉ trông chờ vào học vấn, vốn văn hóa, mà còn cần nhiều yếu tố khác. Nhìn sâu vào văn học nước nhà, dễ thấy, ngay các nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp từng có một thời đứng trên bục giảng cũng bộc lộ những “điểm nghẽn định mệnh”. Sáng tác của họ, nói chung, rất bàì bản, truyền thống. Phải chăng, chính nề nếp mô phạm, sự mực thước, khuôn phép trong sinh hoạt, quan hệ, giao tiếp cũng như dấu ấn nghề giáo đã tạo nên những bó buộc khó giải tỏa, khiến người viết không thể tung phá một cách táo bạo, quyết liệt, mạnh mẽ, không thể phá vỡ những quy chuẩn, điển phạm vốn có. Một sáng tạo mang màu sắc hậu hiện đại chẳng hạn, là điều hiếm thấy ở bộ phận tác giả này. Biết vậy, nhưng vượt thoát giới hạn là điều không dễ. Cứ mỗi khi ngồi trước “pháp trường trắng”, làm sao để ngăn cản cái “ông giáo” trong mình nhìn lom lom vào từng con chữ mới hiện hình khiến ngòi bút bị ức chế? Làm sao ngăn cản sự can dự của “ông giáo” vào việc viết lách của “người nghệ sĩ” tại thời điểm cảm xúc hồn nhiên, tươi mới vừa bật lên? Làm sao để tự giải phóng năng lượng sáng tạo, tự trang bị những quan niệm hiện đại, sẵn sàng thử nghiệm sáng tác theo hệ hình nghệ thuật mới mẻ, tân kì, tìm tòi những phương thức biểu đạt lạ lùng để có những tác phẩm thực sự khác biệt?

Có lẽ các nhà giáo – nhà văn mới đủ tư cách trả lời những câu hỏi đó.

                                                                    Phương Mỹ, 25/5/2020

                                                                                    Đặng Lưu

. . . . .
Loading the player...