29-06-2021 - 11:35

​​​​​​​ĐỒNG LÒNG VƯỢT QUA BÃO DỊCH bình luận của Nguyễn Thị Hạnh Loan

Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài bình luận ĐỒNG LÒNG VƯỢT QUA BÃO DỊCH của nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan

NGUYỄN THỊ HẠNH LOAN

đồng lòng vượt qua bão dịch

                            Bình luận       

Dịch bệnh Covid-19 như một cơn bão đang càn quét tại biển Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh và một số địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh, nơi phát hiện những ca dương tính. Biển vắng tanh không một bóng người. Thành phố Hà Tĩnh đông vui nhộn nhịp giờ đây nội bất xuất, ngoại bất nhập... Biện pháp cách ly y tế toàn bộ Thành phố Hà Tĩnh cũng đang phải áp dụng cho một vài địa điểm khác. Vào sáng 12/6, Chủ tịch UBND Tỉnh cũng đã ký văn bản cách ly y tế xã Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà từ 12 h trưa ngày 12/6 sau khi phát hiện 3 ca nhiễm trong 1 gia đình người bán hàng trước một điểm tắm công cộng. Hậu quả Covid-19 đang hiển hiện thật sự rất nặng nề và dự báo số bệnh nhân còn có thể tăng lên nay mai.

Ai có thể nhiễm dịch Covid-19? Thực tế đã cho thấy có thể bất kể là ai, nếu tiếp xúc với người nhiễm và vùng nhiễm dịch, nếu không tuân thủ các nguyên tắc 5K. Rất có thể mọi người sớm mai sẽ hoảng loạn khi thấy khu vực mình ở bỗng bị phong toả, người thân bạn bè bỗng dưng bị nhiễm bệnh...Trong thời điểm này trước hết, người bệnh rất cần mọi người cảm thông, chia sẻ và động viên. Bởi thật sự không ai muốn điều này. Một số người bệnh đã cảm thấy bị áp lực và sang chấn tâm lý nặng nề sau khi bị nhiễm bệnh trước cơn bão dư luận. Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, thì việc bình luận thái quá công khai trên mạng xã hội về người bệnh về một số phương diện nào đó là vi phạm luật khám chữa bệnh và bí mật đời tư. Chính vì vậy, dư luận cũng cho rằng: Lên án những người thiếu ý thức trong đi lại, không khai báo y tế, gây hoạ cho chính bản thân mình và cộng đồng, song bên cạnh đó, cần có thêm những bài học kinh nghiệm cho ngành chức năng trong khai báo, truy vết, cho dư luận xã hội trong đánh giá, nhìn nhận sự việc một cách khách quan, để vừa nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch, nhưng không mất đi tính nhân văn tốt đẹp của việc chăm sóc bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm.

Điểm chốt huyện Thạch Hà (ảnh Hoài Việt)

Hiện nay, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đang quyết liệt tập trung công tác phòng chống dịch bệnh. Các cuộc họp BCĐ được liên tục thực hiện, cập nhật các phương án phòng chống. Theo đó, các cơ quan y tế đang căng mình thực hiện truy vết hàng ngàn người, xét nghiệm hàng chục ngàn mẫu...Hàng trăm nhân viên y tế được điều động từ các huyện và cả tỉnh bạn. Các lực lượng công an, quân đội, biên phòng làm công tác tại các điểm chốt không quản mưa nắng, ngày đêm, dầm mình trong mưa gió để chốt chặn, phong tỏa, truy vết nóng, cách ly người 24/24h... Những bữa cơm ăn vội trong lán trại giữa rừng sâu, giữa chốt kiểm dịch... làm rưng rưng xúc động tất cả chúng ta. Vất vả, mệt mỏi, kiệt sức, khó khăn trăm bề nhưng họ không rời vị trí... Trong khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ bằng tinh thần và vật chất đối với các chốt phòng dịch. Qua cơn hoạn nạn, mới hiểu thấu lòng nhau. Từ cụ già 97 tuổi, cựu chiến binh tại Kỳ Phú, Kỳ Anh nhường số tiền cuối đời tới bà con trong khu phong tỏa hay những suất cơm, gói bánh, rau, củ quả, quạt hơi nước…. hỗ trợ các chốt dịch và khu cách ly... Giáo phận Hà Tĩnh có linh mục Nguyễn Xuân Hồng quản xứ An Nhiên, Thạch Hạ l, TP Hà Tĩnh cho trưng dụng nhà học giáo lý để làm khu cách ly, tặng quà cho anh em chiến sĩ, phối hợp động viên giáo dân chấp hành 5K và lấy mẫu xét nghiệm. Ban Bác ái xã hội, Caritas Giáo phận Hà Tĩnh cùng Linh mục Nguyễn Huy Tuấn, Quản xứ Kim Lâm, Can Lộc đã trao hỗ trợ hàng ngàn suất cơm do bà con giáo dân đóng góp cho Cán bộ, nhân viên và bệnh nhân tại BV đa khoa Hà Tĩnh và Bệnh viện Y học cổ truyền. Từ Hương Khê, linh mục Nguyễn Huy Hiền quản xứ Tân Phương, Hoàng Đại Tĩnh cũng góp sức, tiền bạc chung tay chống dịch, bà con các xã gửi lương thực, rau quả xuống tận TP Hà Tĩnh. Tại nhiều địa bàn, giáo viên, cán bộ phường xóm, cụ già, chị bán hàng rong cũng góp những suất cơm nghĩa tình, chị em Hội phụ nữ Công an tỉnh góp tiền, vận động mua cơm, kính chắn giọt bắn, khẩu trang cho các tuyến đầu chống dịch… Sở Y tế Nghệ An cũng cử hơn 50 cán bộ tâm huyết đi vào tâm dịch Hà Tĩnh để giúp đỡ công tác lấy mẫu, dập dịch với quyết tâm cao độ…

Đã thấy sức mạnh to lớn từ trách nhiệm, ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, gắn bó, niềm tin vào sự nỗ lực của chính quyền, bởi chống dịch như chống giặc... đang được tiếp sức bởi sự đồng lòng, ủng hộ của toàn thể nhân dân để cuộc chiến với kẻ thù vô hình nhanh chóng thắng lợi. Những sự hy sinh thầm lặng đó làm thức tỉnh tất cả những ai đã coi thường việc phòng dịch, thậm chí ngang nhiên tập trung hành lễ đông người, trái với các quy định phòng dịch của quốc gia, của tỉnh đã ban hành vừa qua tại một số giáo xứ trên địa bàn.

Quan trọng nhất đối với người dân lúc này là khai báo trung thực, nghiêm túc cách ly và tự theo dõi sức khoẻ, báo cho y tế nơi gần nhất khi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Cùng với đó, cộng đồng cần kiểm tra giám sát nghiêm túc những trường hợp tự cách ly tại nhà. Ngành chức năng cần xử lý nghiêm những người đã vi phạm các quy định phòng dịch. Những trường hợp có dấu hiệu hình sự thì phải tiến hành khởi tố. Hơn ai hết, mỗi người dân cần chung tay góp sức với chính quyền trong phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các quy định phòng dịch, đóng góp tích cực vào Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19. Đồng thời, nâng cao ý thức trong khai báo y tế, giúp chính quyền đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Chống dịch như chống giặc. Tin rằng, truyền thống kiên cường, đoàn kết vượt qua khó khăn, thiên tai, chiến tranh của người Hà Tĩnh sẽ tiếp tục toả sáng, giúp nhân dân Hà Tĩnh vượt qua bão dịch Covid-19!

       N.T.H.L

Bữa ăn trưa vội vàng và đơn sơ của các chiến sĩ áo trắng đi chống dịch Covid-19. ( ảnh Hoài Việt)

. . . . .
Loading the player...