18-04-2020 - 06:15

ĐÔI DÒNG VỀ VIẾT CHỜ SEN LÊN

Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Văn Thanh về tập thơ "Viết chờ sen lên" của Trần Nam Phong

 

   Với đa phần các tập thơ, người đọc thường dễ đồng cảm và trân trọng nhất với những ký ức đậm nét về cha mẹ, về quê hương, về những người thân yêu mà người viết thể hiện. Tập thơ Viết chờ sen lên của Trần Nam Phong cũng vậy, gần như anh đã dành tất cả bút lực của mình cho những ký ức, kỷ niệm sâu đậm và cảm động về gia đình, quê hương để có những câu thơ, tứ thơ ghim lại được trong tâm trí người đọc. Thơ anh đan xen giữa truyền thống và cách tân, mang nặng triết lí nhân sinh, nhuốm chút thiền vị buộc người đọc phải suy ngẫm từng câu từng chữ.

     Cánh cửa tâm hồn hé mở một “Tháng Tư” với bao nhiêu ký ức vui buồn lắng đọng . Ở nơi “Nắng lưng đồi vời vợi/ Gió lưng đồi nhẹ bay” anh gặp lại hình ảnh thân thương của người bạn gái thuở nào:“Gốc đại xưa/ Ngồi đan áo”, nghe qua ta những tưởng là một tháng tư yên bình no ấm. Nhưng không, mạch thơ tiếp theo lại ẩn chứa biết bao điều sâu kín từ tận cõi lòng: “Mưa tháng Tư/ Mưa gạo /Mẹ nấu cơm/ Khói trắng đòng đòng”. Đòng đòng là bông lúa sắp trổ bông. Theo tôi khổ thơ này trong mỗi câu, mỗi chữ nhà thơ Trần Nam Phong đã gửi gắm vào đó tâm trạng và những gì tinh túy nhất của ngôn ngữ thơ. Hai câu trong khổ thơ trên: “Mẹ nấu cơm / Khói trắng đòng đòng” mở ra tùy sự lựa chọn và cảm nhận của người đọc, buộc người đọc phải suy ngẫm thật kỹ những gì nhà thơ muốn chia sẻ. Phải chăng bao nhiêu cái đòng đòng kia đã về nhà người khác để đánh đổi lấy hạt gạo giữa mùa giáp hạt và khói cơm bay lên mang theo cả nỗi đắng chát của lòng người. Hay hạt gạo kia đã tích tụ bao nhiêu mưa nắng, trải qua bao nhiều giai đoạn thăng trầm từ làm đòng đến trổ bông để cho hôm nay khói cơm bay lên ngọt ngào và trắng như sữa đòng đòng. Thứ sữa ngọt mà bất kì trẻ em ở làng quê nào cũng đều được biết và nếm thử hương vị của nó.  Hay bát cơm ăn chỉ “trần lưng sống khế”, con tép mòi “nghi ngút mắt đen” như muốn hỏi tại sao lại thế? tại sao phải thế?, buộc người đọc phải “thẩm”lại từng câu từng chữ để hiễu rõ cái hồn cốt của nó mà người viết muốn gửi gắm vào đó.Trong nỗi buồn nhân thế có:“phảng phất nỗi buồn tháng tư/ gốc rạ/ đồng chiêm/ tái nhợt lưỡi cày/ mẹ đón tôi/ vạt áo mồ hôi/ thẩm thâm bóng tối.”(Tháng Tư). Nối tiếp theo mạch đó là “Thơ gửi mẹ ngày giáp hạt” hay gửi miền quê Kỳ Anh một thời nghèo đói, xúc động, đầy thương cảm: “Lối nào mẹ tôi chạy chợ/ Nôn nao đòn gánh bán mua”. Nỗi cơ cực của người mẹ hay những  người đàn bà miền quê Kỳ Anh nghèo khó buôn bán tảo tần tất  bật chạy hết chợ trên xuống chợ dưới không một phút nghỉ ngơi, đến nỗi cả chiếc đòn gánh của bà, được nhân hóa thành một vật có hồn, cũng mang một nỗi bất an…  “Nôn nao” là từ đầy sức nặng

trong câu thơ hay của Trần Nam Phong. Và rồi “thế sự một năm một tháng” quê hương anh đã đổi thay. Ấm no đến với mọi người bởi ngoài sự tác động của con người lên cây lúa thì mưa thuận gió hòa cũng đóng góp một phần không nhỏ . Anh xúc động thốt lên thành lời:“Bánh chưng bóc rồi ta khóc/ Đất trời vuông tạc như mơ”. Vâng, những gì anh ước ao và mong đợi đã đến. Niềm vui tỏa ra từ câu thơ giản dị, quen mà lại mới mẻ đến bất ngờ. Niềm vui, hạnh phúc chân thực tạo ra những câu thơ bất ngờ như một ban tặng. 

     Ký ức sâu đậm, trăn trở và day dứt nhất trong cuộc đời Trần Nam Phong thể hiện rõ khi anh đưa tiễn người cha ra đi mãi mãi. Với một người đàn ông luống tuổi chín chắn trong cuộc đời, nhưng trước sự ra đi của cha mình anh bàng hoàng đau đớn thốt lên: “Đưa cha qua cánh đồng chiều/ Khổ đau níu lai bao nhiêu tháng ngày”. Bao nhiêu tháng ngày qua những gì làm được và chưa làm được cho cha “níu” kéo anh trở về với quá khứ. Nó trăn trở,  dày vò, cắn rứt lương tâm đứa con hiếu thảo. Trong nỗi xót thương vô hạn anh cầu mong đất trời cho cha anh sớm được hòa nhập vào cõi vĩnh hằng: “Xin trời một trận mưa mau/ Hương hoa thấm đất xanh màu cỏ lên” (Tiễn cha).  Đó là nguyện vọng chính đáng và cuối cùng của người con biết cha mình phải ra đi mãi mãi mà không thể làm gì để níu kéo lại được. Anh cầu mong đất trời dành cho cha mình và cũng là một cách báo hiếu trong nỗi bất lực của bản thân biết sự chia cắt tình phụ tử, biệt li giữa người sống và người chết đang diễn ra mà không thể làm gì khác được.

     Còn khi viết về vợ, người đầu gối tay ấp, người đồng hành với mình suốt cả cuôc đời, Trần Nam Phong đã chuyển hóa ngôn ngữ thơ từ những khái niệm trừu tượng thường gặp trong tập Viết chờ sen lên để trở về với khẩu ngữ đời thường tạo nên sự gần gủi, gắn kết đầy thi ảnh lắng đọng tận đáy lòng người đọc: “Lặng lẽ mười năm đường thơm hoa đại/ Em đã là dâu là mẹ, và em…/Màu áo tím từ ngày xa Huế/ Đến bây giờ vẫn tím rưng rưng.”(Với Huế và em)  Mộc mạc kết tinh nên những phương ngôn khi nói về tình yêu vợ chồng: “Anh đến em cũng đến/ Con đường trống trơn chỉ hai chúng mình… Ngọn cỏ nhớ bóng mây/ Anh nhớ em đường kim mũi chỉ”.(Bạn đời). Thủy chung với nửa còn lại của  đời mình Trần Nam Phong viết: “Ước chi sau ngàn năm thức dậy/ Lại thấy em trên mặt địa cầu/ Em vấn vít tơ hồng trước ngõ/ Em mơ màng đôi mắt bồ câu”. Hay với những vần thơ bay bỗng, ngập tràn cảm xúc, ý tứ sâu xa làm tăng sức lan tỏa: “Em thanh thản đi qua rồi dừng lại/ Em bâng quơ làm biển ngập sa bồi/ Dịu dàng thế mà làm hoa làm nụ/ Em hay là trái đất đã nhân đôi.” (Gửi em ngàn năm sau).

     Thơ Trần Nam Phong chứa đầy những khoảng khắc tâm trạng khi viết về quê hương. Một “Hoàng Diệu thôn”với những nét đẹp thơ cổ phong của  Thôi Hiệu đời Đường ẩn chứa trong“Hoàng Hạc Lâu”. Sự hòa quyện giữa thực và ảo, vẻ đẹp thơ mộng đượm buồn “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mạc Tử. Bài thơ “Hoàng Diệu thôn” không những không cũ đi mà lại lắng đọng trong tâm thức người đọc mặc dầu mới đọc lướt qua ai cũng tưởng là bài thơ ra đời từ thời “thơ tiền chiến”thời của Huy Cận, Lưu Trọng Lư với “Tràng giang,”và “Tiếng Thu”: “Ai về tôi gửi thôn Hoàng Diệu/ Mấy cành lan mộc lúc trăng lên/ Những hòn đá trắng mờ rêu xám/ Những hạ đi qua nắng bẽ bàng.”( Hoàng Diệu thôn)

    Khoảng cách hiện thực và cái tôi trữ tình dược mở ra trong những trích đoạn lục bát nhuần nhuyễn khi Trần Nam Phong viết về quê hương:“Vườn quê vẫn ngát hương cau/ Lối về phố thị bắc cầu qua sông/ Nhớ xưa dáng mẹ trên đồng/ Áo tơi, nón lá, nâu sồng nắng mưa.” Khúc hạ 3). Hay: “Ta về núi bỗng hai vai/ Con sông thì chảy dặm dài nhớ mong/ Bàn chân bước giữa cõi lòng/ Em ơi sông rộng nhưng không có đò.”(Bên sông). Những ước vọng,  những khó khăn trăn trở của người đi xa muốn trở về nơi quê cũ luôn đan xen hằn sâu trên từng câu từng chữ vò xé trái tim người đọc. Một người nặng lòng với nơi chôn rau cắt rốn của mình trong tâm hồn bao giờ cũng in đậm bóng dáng của quê hương. Những chất chứa về nhân thế nhân sinh luôn xuất hiện mờ tỏ trong từng khổ thơ nhưng tất cả đều hướng đến cái đích cuối cùng:“Dòng sông thức với phù sa/ Nên chi điệu ví đậm đà hồn quê/ Tháng năm vẹn một câu thề/ Cánh buồm xưa lại trở về bên sông.”(Khúc hạ 4). Và muốn rằng những ai đó thân quen đừng làm điều ngược lại: “Em đừng trải gió ra phơi/ Lỡ mai con nước đầy vơi lại buồn” (Bên sông)…

      Theo cảm nhận của tôi tập thơ Viết chờ sen lên của nhà thơ Trần Nam Phong có sự thành công ngoài mong đợi nhưng đâu đó vẫn còn đôi chỗ người đọc còn cảm thấy lấn cấn. Chẳng hạn ở bài thơ “Những khoảnh khắc biên giới”, khúc II của bài thơ: “Mộc miên dậy đỏ đất trời/ Hoa rơi như níu hồn người bay lên/ Chiều ơi, chiều có bình yên/ Nơi bao xương máu nặng nguyền núi sông”. Ở câu “bát” thứ hai “hoa rơi như níu hồn người bay lên” tôi nghĩ câu thơ sẽ hay và ý nghĩa hơn nhiều nếu viết: “Hoa rơi xuống gọi hồn người bay lên”. Hay câu “bát” thứ tư có vẻ hơi tối nghĩa:“Nơi bao xương máu nặng nguyền núi sông”.Tại sao không phải là“đáp đền” mà lại là“nặng nguyền”? Vẫn biết làm thơ lục bát khó nhưng chính sự sáng tạo ngôn ngữ ở đây luôn đóng một vai trò quyết định cho sự thành công của bài thơ. Còn ở bài thơ “Viết ở chùa Long Sơn” theo tôi là một bài thơ hay nhưng thừa khổ 4: “Anh và em yêu nhau/ Như đất trời muôn thuở/ Anh và em yêu nhau/ Dẫu nồng nàn như lửa”. Anh và em nếu nói về tình yêu của con người thực ngoài đời thì lạc nhịp, nếu nói về cá nhân tác giả với ngôi chùa thì càng không thể. Không cần thiết phải đưa khổ thơ nàyvào, nó hơi lạc điệu và phá hỏng luôn mạch thơ viết về nơi linh thiêng.

    Một tập thơ chưa chuyển tải hết những ý nghĩ, những tâm trạng, những triết lý… mà tác giả muốn gửi gắm với người đọc, nhưng đã phần nào cho  thấy những phẩm chất thơ quý giá của một ngòi bút luôn trân trọng và chỉn chu với cảm xúc của mình và người đọc. Thơ ca là tiếng nói đồng điệu giữa những tâm hồn. Tôi đọc 72 bài (tính cả bài ở trang bìa 4) của tập Viết chờ sen lên của Trần Nam Phong với những xáo trộn trong sâu thẳm tâm hồn mình, khi những ký ức, những kỷ niệm, những quan sát, những ký thác… tưởng là của riêng anh, đã không còn của riêng anh nữa, mà tất cả đã ở lại trong tâm hồn tôi. 

 

       (Tập thơ đạt giải C của Liên hiệp các Hội LHVHNT Việt Nam năm 2019)

      8-3-2020

Nguyễn Văn Thanh

 

 

. . . . .
Loading the player...