17-02-2022 - 07:30

Đền Cả và những câu đối

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Đền Cả và những câu đối" của tác giả Võ Giáp

Đền Cả còn gọi là đền Đại Càn, nhưng người dân xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) lại quen gọi là Miệu. Đền Cả thờ Tứ vị Thánh Nương.

Đền Cả nằm trên một cồn đất nhỏ với thế đất đầu rồng. Thân rồng là doi đất phía Đông sau đền nối với xóm Bàu (nay là thôn Minh Phú Quý). Râu rồng là ba nhánh đường nhỏ tỏa ra từ đầu theo hướng Bắc, Tây, Nam. Mắt rồng là hai ao nhỏ nằm cân đối trước đền, tuy cạn nhưng chẳng mấy khi hết nước. Nếu đứng từ dưới cánh Đồng Sú, Đồng Sau nhìn lên khu vực đền, chẳng khác gì đầu một con rồng. Đúng là một thế đất đẹp. Còn bởi, quanh đền là lùm cây rậm rạp. Cao hơn là hai cây đa, hai cây mưng cổ thụ, cây giới, cây bầy lời ... tạo nên một không gian tĩnh mịch cổ kính. Làm chỗ đậu, chỗ ẩn nấp cho chim di cư khi mỏi cánh. Làm chỗ nghỉ chân hóng mát cho những người đi làm đồng về. Có thời, tổ chức Nông hội đỏ của xã họp kín trong lùm cây sau đền.

Đền Cả - Ảnh: Đậu Hà

Ngày xưa, sát trước đền là bờ nam Sông Cả (sông Lam), sát Cửa Hội. Những thuyền bè ra khơi vào lộng đều cập bến lên hương khói. Chèo ra phía Bắc ít mái là chợ Hôm Hội cạnh đình làng, ở đó trên bến dưới thuyền tấp nập. Ra Bắc một chút nữa là vũng Xã Binh, nơi neo đậu thuyền chiến, trên là Cồn Voi. Đền có từ khi xã còn mang tên Đan Nhai, rồi đổi tên xã Hội Thống (nay là xã Xuân Hội). Còn nay, đền cách bờ Sông Lam theo đường chim nay đến hơn vài cây số.

Thuở đầu, đền dựng sơ sài, ở cấp Miếu (như tên gọi tiếng địa phương truyền đến nay: Miệu). Đền ngoảnh mặt về cung Đoài (hướng Tây), ngoảnh lưng cho sóng biển là hợp với phong thổ. Mãi đến đời Tự Đức, đền mới được xây lại bề thế như ngày nay. Trên đường nóc còn rõ dòng chữ khắc: “Tự Đức thập nhất niên, tuế thứ Mậu Ngọ. Ngũ nguyệt. Cát Nhật. Cung tiến”. Đền có 3 gian, 2 vận hẹp, hai mái sau kéo dài xuống làm hậu cung. Đền xây gạch, lợp ngói âm dương. Dãy cột trước cũng là mặt trước của đền, mỗi gian có 4 bức cửa gỗ trên song dưới đóng.

Gian giữa ở hậu cung thờ “Tứ vị Thánh nương”, hai gian bên của hậu cung thờ Tả đông chinh dực thánh và Hữu đông chinh dực thánh. Nửa ngoài, gian giữa có hương án lớn để người đến làm lễ, xin xăm. Sát hai tường hồi có hai bàn thờ nhỏ, trên mặt có một số các bát hương của đền khác hợp tự (sau năm 1945 xã phá các đền khác trong xã, dùng gạch ngói gỗ này để xây trường học, xây các công trình khác). Ngoài hiên, sát hai bên tường hồi có tượng tướng đứng giữ đền. Trước đền là sân nhỏ với những cây cảnh dân dã.

Mặt trước khu vực Đền là hai cột hoa biểu lớn, sát phía ngoài cột hoa biểu là 2 am nhỏ che hai tượng tướng đứng canh cổng. Kéo dài hai phía là bức tường đắp nổi voi, ngựa. Phía trong hai cột hoa biểu là tắc môn đắp nổi đầu hổ, phía sau là con đường nhỏ đi giữa hai ai dẫn vào Đền.

Tứ vị Thánh nương có 4 dị bản thần tích. Xin nêu một thần tích mà người dân Hội Thống hay kể. Thần tích này được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Đại Nam nhất thống chíThượng Kinh ký sự. Theo đó, năm Tân Hợi (1311) vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành thường ra quấy phá. Thuyền qua cửa Càn Hải (Cửa Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Nhà vua đêm nằm mộng thấy nữ thần quỳ khóc “Thiếp là Cung phi nhà Triệu Tống, cùng với 3 người con gái họ Hồng, bị giặc Nguyên Mông bức bách nên lên thuyền trốn chạy về phương nam, gặp sóng gió đánh đắm thuyền, xác trôi dạt đến đây và được trời phong làm thần biển đã lâu, nhưng chưa có nơi thờ phụng. Nay gặp bệ hạ đem quân đi dẹp giặc, thần thiếp xin giúp một tay lập công”. Sáng mai, vua hỏi dân ở đây, ai cũng tâu như vậy. Lần xuất quân ấy đã thuận buồm xuôi gió. Khi chiến thắng trở về, vua cho lập đền thờ 4 bà và phong là tứ vị Thánh nương, có lúc còn gọi là Tứ vị Hồng nương.

Người dân xã Đan Nhai (tên cổ của xã Hội Thống, rồi Xuân Hội) cũng là xã cửa biển, nghiệm thấy linh ứng, bèn lập đền thờ ở vùng cửa sông, rồi rước chân hương ở Đền Cờn về thờ. Đền có bức đại tự “Tối linh từ”. Hiệu của thần là “đại Càn quốc gia Nam Hải lịch triều bao phong phụng kim gia tặng Tứ vị thánh nương, thượng thượng thượng đẳng tối linh đại vương tôn thần thánh tiền”.

Trong đều có một số đôi câu đối với ẩn ý nói về vị thần đang thờ.

Câu: Nam bắc thử quan hà thành bại hưng vong thiên cổ sự

Âm dương đông thác thược túc ung trắc giáng nhất thiên linh.

Nghĩa là: Nam bắc cũng giang sơn, còn mất xưa nay câu chuyện thế

Âm dương cùng then khóa, nghiêm trang ẩn hiện một phương trời

Câu: Tam tứ liên huy chính khí lăng lăng phù bắc đẩu

Âm dương hợp đức thần công hảo hảo tỵ nam thiên

Ý là: Ba bốn miền chính khí chói ngời đã từng phò đất bắc

Nơi âm dương tạo thành đức của thần sáng rạng tại trời nam

Câu: Bá xá uy quang dương dương tại thượng tại tả hữu

Vô lường công đức hựu hựu phối tiền phối cao minh

Ý là: Uy danh chẳng mất, rõ ràng ở trên hay ở đâu đó

Công đức lớn lao, biểu hiện phía trước hoặc phía trên cao

Cơn bão lớn năm 1982 và 1987 đã phá đổ một phần cột hoa biểu, hai góc đền. Sau đó được sửa lại và có vài câu đối nữa được khắc lại (nhưng có lẽ thiếu chính xác)

Đền có một số đạo sắc do vua phong: Một đạo thời Cảnh Hưng năm thứ 44, một đạo thời Minh Mệnh năm thứ 5, một thời Thiệu Trị năm thứ 3, hai đạo thời Tự Đức năm thứ 3 và 33, một đạo thời Đồng Khánh năm thứ 2, một đạo thời Duy Tân năm thứ 3 và một đạo thời Khải Định năm thứ 9.

Đền Cả là nơi thờ cúng tôn nghiêm, linh thiêng. Nên không chỉ có dân xã, mà dân vùng lân cận, kể cả các tỉnh khác, cứ đền ngày mồng một, ngày rằm thường đến đây hương khói để “xin một lời khuyên”, “một dự báo” đáng tin cậy.

V.G

. . . . .
Loading the player...