26-07-2019 - 07:23

Cửa Nhượng - Tiếng vọng từ quá khứ

Kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019). Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu ghi chép "Cửa Nhượng - Tiếng vọng từ quá khứ" của Nhà văn Phan Trung Hiếu.

 

         Cẩm Nhượng thuộc huyện Cẩm Xuyên còn có tên xưa là Nhượng Bạn, thuộc Kỳ La (Hà Hoa), miền đất cuối của Ðại Việt. Làng có lịch sử hơn 600 năm, nay còn để lại nhiều di tích, công trình lịch sử, văn hóa, tôn giáo như Chùa Yên Lạc, Đền Cả, Giáo xứ Nhượng Bạn… Cẩm Xuyên nổi tiếng bởi nhiều làng nghề truyền thống trong đó có nghề đánh bắt, chế biến hải sản ở xã Cẩm Nhượng. Đời sống của các ngư dân dẫu lắm lúc thăng trầm nhưng được bù lại bởi sự ưu đãi của biển cả đã ban tặng cho nguồn hải sản dồi dào như mực ống, cua, ghẹ, tôm, cá, ốc các loại. Nước mắm Cẩm Nhượng là một đặc sản có tiếng, nổi tiếng thương hiệu một thời. Bến cá Cửa Nhượng vào lúc bình minh không chỉ là một địa điểm để các nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đến tìm cảm hứng mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều người con xa quê mỗi lúc có dịp hồi hương, hay là sự tò mò muốn được trải nghiệm của du khách khi về nghỉ mát ở Thiên Cầm.

         Những năm đầu mới tách tỉnh, tôi đã từng về Cẩm Nhượng, ngủ lại qua đêm tại nhà thầy giáo Lê Xuân Dụ thường lấy bút danh Sơn Hải Du để một lần được ngắm bến cá Cồn Gò vào buổi sớm mai. Mặt trời ối đỏ từ từ trồi lên mặt biển, soi rõ bóng dáng những con thuyền vào ra đông vui tấp nập, tiếng người í ới gọi nhau trong vị tanh nồng của biển. Làng biển Cẩm Nhượng không chỉ thu hút bởi nghề đánh bắt và chế biến hải sản mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đầy tiềm năng gắn với quy hoạch khu du lịch biển Thiên Cầm, cách bãi tắm dưới chân núi chỉ khoảng 1km. Vùng đất này vẫn giữ được cho mình nhiều di sản lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể thú vị, đặc biệt là những điệu hò chèo cạn gắn với lễ cầu ngư của người dân tổ chức cầu thần biển giúp cho thuận buồm xuôi gió và đánh bắt được thật nhiều tôm cá.

         Khi còn là Nghệ Tĩnh, tôi công tác ở Ban Sử, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã cùng đồng nghiệp hoàn thành xong cuốn sách “Nghệ Tĩnh kháng chiến chống thực dân Pháp” trước khi chuyển ra công tác ở Hội Văn nghệ. Trong những trang sử đỏ của 9 năm trường kì gian khổ ấy, vẫn còn nhớ tới sự kiện trận chống càn khi Pháp bất ngờ cho quân đổ bộ tấn công vào Cửa Nhượng vào năm 1953. Lịch sử còn ghi: Thực hiện kế hoạch Na va, nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường,  thực dân Pháp vừa tập trung mở những cuộc hành quân càn quét vùng tạm chiếm vừa tăng cường đánh phá ác liệt ra vùng hậu phương chiến lược Thanh - Nghệ - Tĩnh. Ở Hà Tĩnh, chúng cho quân tập kích vào biên giới phía tây thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê và các xã ven biển như Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên. Trong năm 1953, chúng đã bắt 327 người, giết hại 317 người, làm bị thương 1565 người, đốt phá 186 ngôi nhà, 218 tàu thuyền… 

         Khoảng 4h sáng ngày 4/9/1953 (nhằm ngày 27/7 âm lịch), lợi dụng sương mù, 2 đại đội lính Âu Phi và ngụy quân được trang bị súng bộ binh, tăng cường hỏa lực súng đại liên, cối 60 ly và 80 ly, có máy bay, tàu chiến hỗ trợ đã chia làm 3 hướng, đổ bộ bao vây xã Cẩm Nhượng. Mũi thứ nhất gồm 1 trung đội tăng cường đổ bộ lên phía Bắc núi Thiên Cầm. Mũi thứ 2 khoảng 1 trung đội đổ bộ lên phía Nam núi Thiên Cầm. Mũi thứ 3 tiến đánh dọc bãi ngang từ phía Bắc xuống phía Nam xã. Ngoài ra, địch còn dùng ca nô bí mật chở 1 trung đội luồn lách theo cửa lạch đánh vào xóm Cồn Bè, Thiên Trị, kết hợp với các cánh quân đánh chiếm thôn Võ Sỹ rồi vòng xuống phía Nam. Sau khi phát hiện địch đổ bộ vào xã, mặc dầu trong tình thế bị động nhưng Ban Chỉ huy xã đội đã kịp thời chỉ đạo cho trung đội dân quân cơ động nhanh chóng phối hợp với lực lượng dân quân tại chỗ các thôn, xóm đánh chặn địch. Lợi dụng địa hình quen thuộc, phát huy thế mạnh cách đánh du kích, từng tổ dân quân lúc giáp mặt quần lộn với địch, lúc vòng tránh đánh sau lưng, hai bên sườn, làm chúng hoang mang, lúng túng. Bị đánh bất ngờ từ nhiều hướng, địch phải dùng hỏa lực bắn phá vào các thôn, xóm, huy động thêm lực lượng bao vây trung đội dân quân cơ động của xã. Một tổ dân quân cơ động gồm 6 đồng chí: Chân, Thông, Hóa, Qưới, Xuân, Hòa đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên, cầm chân địch không cho đánh sâu vào xã và sau đó tất cả đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lê một mình đảm đương 1 mũi, dùng mìn, lựu đạn đánh bật các đợt tấn công của địch, tiêu diệt được 3 tên và làm nhiều tên bị thương, sau đó đã hy sinh. Ở phía Đông và phía Nam, dân quân du kích thôn Phúc Hải, Lâm Hải, Hoàng Quý, Võ Sỹ, Cồn Bè, Thiên Trị đã phối hợp chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Bị thương vong nhiều, địch buộc phải dừng lại ở trạm muối, dùng hỏa lực bắn vào làng. Đến hơn 13h cùng ngày, chúng rút chạy ra biển.

Khoảnh đất thuộc Cồn Mom sát cạnh khu vực chợ xã Cẩm Nhượng và Nhà văn hóa thôn Xuân Nam, nơi trước đây là trạm điện của xã được nhiều người khẳng định là trong khu vực tập trung các thường dân bị bọn Pháp tàn sát

         Ông Hoàng Ngọc Thị, sinh năm 1943, quê Cẩm Nhượng nay trú tại phường Nguyễn Du thành phố Hà Tĩnh kể cho tôi nghe kí ức kinh hoàng còn đọng  mãi trong trí nhớ của cậu bé lúc ấy mới chỉ hơn 10 tuổi. Chiều tối hôm trước, do có việc sang giúp cậu sửa nhà nên ông ngủ lại mà không về. Gần sáng thì giấc ngủ bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo ùng oàng ngoài bờ biển. Trong làng, mọi người chạy tán loạn. Ở nhà, mẹ ông đã bế đứa cháu chạy ra trốn dưới bãi sú rậm rạp um tùm. Còn ông theo chân một bác lớn tuổi trong làng chạy dọc Cồn Gò, tạt vào một khu vườn và nhảy xuống ẩn nấp trong cái hầm vại tròn. Tầm khoảng hơn 9 giờ sáng, bọn Pháp đã đổ bộ vào làng, sục sạo khắp nơi. Phát hiện ra nơi ẩn nấp của hai bác cháu, chúng vẫy tay bảo cậu bé Thị trèo lên và nổ súng bắn chết tại chỗ người đàn ông đang ngồi dưới hầm. Chúng tập trung các ông già, bà lão và mấy đứa trẻ con xuống chỗ Cồn Gò và một lúc sau thì thả cho về trước lúc lên tàu ra biển. Trên đường trở về, qua chỗ Cồn Mom, nơi hàng ngày ông vẫn cùng lũ bạn trong làng đá bóng đã thấy hàng chục xác chết nằm la liệt. Té ra tại đây, bọn Pháp đã tập trung những người trai tráng, khỏe mạnh và xả đạn tàn sát. Theo ông Thị, vị trí bãi đất Cồn Mom đẫm máu ấy nằm gần đối diện với nhà thờ họ Trần Hữu, trên bãi chợ hiện nay sát với Nhà văn hóa thôn Xuân Nam đang xây dựng.

Mặc dầu hoàn toàn bị động và bất ngờ nhưng kết thúc trận chống càn, dân quân du kích xã Cẩm Nhượng đã tiêu diệt được 30 tên và làm bị thương nhiều tên, thu nhiều vũ khí. Về phía ta, ngoài 23 dân quân du kích đã anh dũng hi sinh, 80 người dân đã bị địch bắn chết, 150 ngôi nhà, 150 thuyền và ngư cụ đánh cá bị đốt phá. Trận chống càn ở Cửa Nhượng dẫu có nhiều mất mát hy sinh nhưng là một chiến tích về tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí trong việc bảo vệ quê hương, tạo tiếng vang lớn và đưa lại bài học kinh nghiệm sâu sắc có ảnh hưởng sâu rộng trong tỉnh và cả địa bàn quân khu IV.

         Gần đây, tôi mới có dịp về thăm lại làng biển Cẩm Nhượng. Anh Nguyễn Hữu Diệp, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh nay về nghỉ hưu ở quê đã cùng ông Trần Hữu Tiến dẫn tôi đi một vòng quanh xóm, chỉ cho tôi dấu tích còn sót lại của sự kiện này. Điểm đầu tiên mà chúng tôi dừng xe nằm sát cạnh chợ đầu mối của xã và gần Nhà văn hóa thôn Xuân Nam đang xây dựng dở dang. Một khoảnh đất rộng hơn 200 mét vuông ngoảnh mặt về phía chợ. Theo anh Diệp, đây là bãi đất hoang thuộc Cồn Mom là di tích tội ác trong trận càn của quân Pháp liên quan đến cái chết của những người dân thường trong xã, trong đó có ông nội của anh. Nghe nói, trước đây, chỗ này có dựng cái bia căm thù nhưng nay không còn dấu vết. Chúng tôi phát hiện ở một góc vườn, ai đó đã xây lên một cái miếu nhỏ. Không biết cái miếu thờ tạm bợ này để thờ phụng vong linh những người đã mất trong trận càn ngày ấy hay chỉ liên quan đến câu chuyện trước đây là trạm điện hạ thế của xã đã mấy lần chập cháy mà không rõ vì sao nên buộc lòng người ta đã phải dời đi chỗ khác.

         Anh Diệp chở tôi ra ngoài bãi sú, nơi người ta đa đang cho xe lu cán lại con đường đất mới nằm trong dự án cụm công nghiệp làng nghề Cẩm Nhượng do huyện làm chủ đầu tư. Anh cho hay, bãi sú này ngày ấy là nơi trú ẩn của hàng trăm người dân trong xã. Tại đây, cũng có người bị chết, bị thương khi địch xả súng bắn vu vơ. Lại nghe rằng, hình như có ai đó đang có ý định sẽ dựng một tượng đài tưởng niệm về trận càn chống Pháp ngay tại khúc cua nơi ngã tư bên cạnh đường lớn mới mở này. Tôi điện thoại gọi về Sở VHTT&DL nhưng anh Nguyễn Tùng Lĩnh- Trưởng phòng di sản cho biết Sở chưa hề nhận được hồ sơ nào của xã, huyện đề xuất về việc này.

Tác giả cùng ông Nguyễn Hữu Diệp trước khu vực bãi sú, cũng là nơi đang có ý định xây dựng công trình tưởng niệm những người đã hi sinh 
trong trận càn của Pháp

         Đi lòng vòng một lúc nhưng rốt cuộc chả có chỗ nào để tôi dừng lại thắp một nén nhang cho những người đã khuất. Đã gần 66 năm đã trôi qua, hồ sơ di tích và ý tưởng về việc xây dựng lên trên mảnh đất này một nơi thờ phụng, một tượng đài bi tráng về chứng tích về một cuộc chiến tàn khốc lẽ nào đã bị lãng quên? Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Hoàn cho biết lãnh đạo xã từng có chủ trương và rất nhiều người thân của những người đã khuất, con em của xã Cẩm Nhượng sẵn lòng đóng góp cho một công trình tri ân lịch sử, tưởng nhớ vong linh những người đã khuất. Người dân biển tuy ăn sóng nói gió nhưng đâu phải là những người bạc bẽo vô ơn. Chính lãnh đạo xã và con em quê nhà bằng chủ trương xã hội hóa đã từng xây dựng, bảo vệ, tôn tạo những công trình lịch sử văn hóa tâm linh và duy trì những hội lễ lớn để cầu trời, cầu biển, cầu người như lễ hội cầu ngư, hay lễ“ Đại nghĩa” của thôn Liên Thành chăm sóc mồ mả, tế độ cho những vong hồn không có người thân thờ phụng đã duy trì trên cả trăm năm. Đó là những mỹ tục trong ứng xử văn hóa, biểu hiện thái độ tôn trọng truyền thống lịch sử của ông cha. Vậy mà chả hiểu sao cho đến lúc này, xã Cẩm Nhượng vẫn chưa có được một công trình nào dành để tưởng nhớ về một sự kiện bi hùng nhất trong lịch sử của xã nhà?!

         Ngày 27/7 tri ân các thương binh liệt sĩ và ngày 04/9 lần thứ 66 cũng đã sắp tới gần. Vong linh của 23 dân quân du kích đã anh dũng chiến đấu hi sinh và 80 người dân vô tội của làng biển Cẩm Nhượng bị thực dân Pháp thảm sát dã man chắc đang đỏ mắt chờ mong có thêm chỗ đi về để đón nhận tấm lòng tri ân của hậu thế. Men theo con đường chắn sóng ngược lên bãi biển Thiên Cầm mà lòng tôi cứ khắc khoải không yên vì cảm thấy như đang nghe ở đâu đó lẫn trong âm thanh ầm ào của sóng, của gió tiếng vọng về từ quá khứ. Bên kia núi Cẩm Lĩnh, ngọn Hải Đăng đã bắt đầu nhấp nháy như con mắt của biển khơi đang mở to chờ đợi sự hồi âm của cõi dương!

                                                                               Cửa Nhượng, hạ 2019

                                                                                              P.T.H

. . . . .
Loading the player...