17-06-2021 - 08:39

Con chim họa mi vẫn còn hót mãi

"Con chim họa mi vẫn còn hót mãi", một bài viết ngắn gọn của tác giả Phan Thế Cải về sức hấp dẫn của thơ Hoàng Nhuận Cầm với độc giả thuộc nhiều thế hệ.Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5/2021 trân trọng giới thiệu bài viết.

Con chim họa mi vẫn còn hót mãi

 

         “Thơ Hoàng Nhuận Cầm có nét duyên đặc biệt, không lẫn vào ai được. Mỗi bài thơ như tiếng chim họa mi hót giữa cánh rừng Trường Sơn. Đọc thơ anh toát lên sự trẻ trung hồn nhiên đến lạ lùng. Cái tài hoa nữa là khám phá được tứ thơ mới, lấy hình tượng để biểu đạt cảm xúc mà tươi rói màu sắc và âm thanh”. Đấy là lời nhận xét nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi điểm danh những “nhà thơ mặc áo lính” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

       Tôi vốn là người đam mê đọc thơ từ nhỏ, nên hồi học cấp ba phổ thông, tôi đã có đều đặn trên tay mình tờ báo Văn nghệ từ bưu điện chuyển về. Có lẽ nhờ thích đọc báo Văn nghệ, tôi mới biết được tên tuổi các nhà thơ “sáng giá” đã trao giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm (1972- 1973), đó là Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm. Điều dễ nhận thấy, ba nhà thơ này đều có ba phong cách làm thơ khác nhau, Nguyễn Duy tinh tế đằm thắm bằng chất liệu ca dao, lục bát với “Tre xanh”, Nguyễn Đức Mậu ngồn ngộn chất chiến binh với “Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc”. Còn Hoàng Nhuận Cầm, thủ thỉ sâu lắng qua “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”:

       Mẹ ơi đất nước cắt chia

       Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim

       Vì đất nước cắt chia, tiếng chim trên điểm chốt như đang trở thành “mệnh lệnh” với người lính gác, phải chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Người lính trên điểm chốt như truyền thêm sức mạnh, bởi dàn hợp xướng của loài chim:

       Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

       Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm

       Tiếng chim ấy là tiếng gọi “Vì độc lập tự do núi sông hùng vĩ / Vì thiêng liêng giá trị con người/ Vì muôn đời hoa lá xanh tươi..” (Tố Hữu) để nhà thơ vừa cầm súng, vừa cầm bút viết tiếp bài thơ hồn hậu như thế.

       Tại sao thời trai trẻ tôi càng đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm càng thích, vì anh có năng khiếu bẩm sinh trời cho cộng với trải nghiệm vốn sống thực tế của đời lính, và sự đam mê thơ đến tột cùng. Chính ba yếu tố này, tạo nên một nhà thơ tài hoa, khiến người đọc hâm mộ anh.

       Con đương thơ thơ Hoàng Nhuận Cầm, là cuộc hành trình của “trái tim người lính” “không nghỉ, không ngừng, không dừng điểm cuối” anh dám vượt qua những gian nan khốn khó cuộc mưu sinh dâu bể, để trọn đời chung thủy với thơ ca. Bản lĩnh này không phải ai cũng có được, tôi đã từng chứng kiến nhiều người đã được giải cao trong các cuộc thi thơ rồi bỗng nhiên vụt tắt như ánh sao băng, người đọc không ai nhớ tên tuổi họ nữa. Nhưng riêng Hoàng Nhuận Cầm và những bài thơ hay của anh, thì vẫn đi cùng năm tháng. Từ tập thơ “Tuổi hai mươi”(in chung với Vũ Đình Văn) đến “Xúc xắc mùa thu” vẫn ánh lên như nắng ban mai, lay thức những thế hệ tiếp nối.

       Tập thơ đầu tay của Hoàng Nhuận Cầm “Tuổi hai mươi” do nhà xuất bản quân đội ấn hành thời chống Mỹ, đó là tập thơ khá hoàn hảo về chất lượng của hai nhà thơ trẻ. Phần thơ Vũ Đình Văn, ấn tượng nhất đối với tôi bài thơ “Nửa sau khoảng đời” nhưng ở phần thơ Hoàng Nhuận Cầm, bài nào của anh viết cũng mang sức hút “từ trường” đối với tôi. Và không chỉ có tôi nhiều bạn đọc yêu thơ đều tương thích với tôi điều đó. Trong tập thơ “Tuổi hai mươi”  bài thơ “ Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” đã có nhìn khác lạ. Rừng Trường Sơn khi ve sầu kêu đó lúc mùa khô tối. Người lính xao xuyến khi những con ve sầu kêu ra rả ấy, lại đưa các anh bộ đội về với trò chơi hồn nhiên của thế giới tuổi thơ:

       Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

       Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

       Trong những chiếc ba lô kia ai dám bảo là không có

       Một hai ba giọng hát chú ve kim ?

       Đọc những câu thơ này không ai không thích thú trước sự ngộ nghĩnh, giống như sau mỗi lần đọc chuyện cổ tích AĐECXEN. Chưa hết, anh lại dẫn dắt người đọc xem một bức ký họa của mình với những gam màu khác lạ, qua bài thơ Anh bộ đội và tiếng nhạc la:

       Anh bộ đội xắn quần đi trong mưa

       Bầy la theo rừng già rừng thưa

       Rừng đâu chỉ có tiếng chim lạ

       Còn có tiếng nhạc trên cổ la

       Hình ảnh con la và anh bộ đội xuất hiện trong màn mưa bủa vây, con la ấy thồ hàng gì, anh bộ đôi ấy điều khiển con la như thế nào, qua chặng đường  đầy gian nan ấy, tác giả mô phỏng mà xoáy sâu vào hình ảnh “Tiếng nhạc trên cổ la rung rung”. Tiếng nhạc la ấy đã trở thành giai điệu của quen thuộc của cánh rừng Trường Sơn. Từ âm thanh ấy hiện lên sửng sốt:

       Những cây nấm nâu màu nâu già

       Tự dưng  thức dậy bên vòm lá

       Những bông hoa chưa đặt tên hoa

       Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng.

       Nếu thoạt đọc, ta thấy nhà thơ có cặp mắt nhìn rất trẻ thơ, nhưng nếu nghiền ngầm từng câu thơ mới phát lộ ra tài năng của anh. Cái tài năng từ sự quan sát tinh tế, tìm ra tiếng nói mới trong thơ. Người làm thơ hay, ngoài cung bậc cảm xúc còn có sự khám phá. Làm mới trong thơ, thế hệ nào, giai đoạn lịch sử văn học nào cũng có nhiều nhà thơ trăn trở, khám phá, thể hiện. Nhưng mới thơ, để làm rung động trái tim người đọc và xuyên qua thời gian, phải nói là rất hiếm. Riêng thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đạt được đỉnh cao ấy.

       Trong những lần hội ngộ thơ với bạn bè, có người hỏi tôi rằng: “Vì sao anh lại mê thơ Hoàng Nhuận Cầm ?”. Tôi trả lời rằng: “Vì Hoàng Nhuận Cầm có tâm hồn rất thi sĩ”. Hoàng Nhuận Cầm đã được trời “định vị” cho làm thi sĩ từ khi anh còn là sinh viên khoa văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khi ở môi trường lính chất thi sĩ ấy lại càng thăng hoa. Thế mạnh của chàng thi sĩ này, có sự kế thừa về văn hóa gia đình, văn hóa thủ đô và vốn sống người chiến sĩ đứng trong chiến hào. Một lực hút hấp dẫn nữa là Hoàng Nhuận Cầm, đam mê đọc, đam mê viết, thích giao lưu.

       Tôi còn nhớ một kỷ niệm thời sinh viên, hôm ấy vào một đêm trăng đẹp trung tuần tháng 5 năm 1981, tôi đã theo Trương Nhân Huyền, Lê Lâm đến nghe Câu lạc bộ thơ Thanh Xuân, do một sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sáng lập. Một đêm thơ bổ ích và vui không kể xiết, hội trường sinh viên vây kín vòng trong, vòng ngoài. Vui không chỉ có những cây bút trẻ trong trường này đọc thơ cho nhau nghe, mà rạo rực hơn đêm thơ có Hoàng Nhuận Cầm tham gia. Khi thi sĩ đứng lên đọc thơ, khán giả tưởng như anh đang “lên đồng”. Giọng anh đọc, điệu bộ anh diễn giải như ngọn gió lúc thổi dạt lòng người, như ngọn lửa bùng phát từ tim chia lửa đến cho muôn con tim khác.

       Với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hạnh phúc không phải là giải thưởng này, giải thưởng nọ để mình vỗ ngực tự mãn, mà hạnh phúc lớn của anh là thơ anh đã ăn sâu trong lòng khán giả. Dòng sông thời gian không ngừng chảy, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người lính năm xưa vẫn còn cất giữ kỷ vật mình chiếc ba lô, đôi dép cao su và sổ tay chép bài thơ “Người cắt dây thép gai” và nhiều lúc gặp lại đồng đội cũ lại thảng thốt đọc:

       Dây thép gai con cò không đậu được

       Nghe tiếng ru hời sao cò cứ bay xa

       Anh cắt chúng đi cho con cò bay lại

       Trong đêm khuya tiếng cánh vỗ trên đầu.

      Dầu nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hôm nay đã bước vào “Cõi thiêng” nhưng“Giọt mực em thong thả bước trong đời/ Không dấu được trên bàn tay nhỏ bé/ Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé/ Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh” vẫn là tia nắng ban mai rọi vào tâm hồn người. Tôi vẫn  tin rằng thế kỷ này và thế kỷ sau, những thế hệ mới yêu thơ vẫn tìm đến thơ anh. Tìm đến những bài thơ chan chứa tình thương như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi thế nào em cũng đến, Xúc xắc mùa thu. Những bài thơ ấy như giọng hót của chim họa mi vọng mãi với thời gian.

26/4/2021

Phan Thế Cải

. . . . .
Loading the player...