27-10-2022 - 00:58

Có thêm những trang hồi ký viết về anh hùng Lý Tự Trọng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Có thêm những trang hồi ký viết về anh hùng Lý Tự Trọng” của Lê Trần Sửu

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 21/11/1931)  mãi mãi là tấm gương tuyệt vời về lòng dũng cảm, đức kiên trung và tinh thần bất khuất trước quân thù.

Tên tuổi của anh đến với mọi người dân Sài Gòn và cả nước sau tiếng súng của anh bắn chết tên mật thám LeGriend chiều ngày 8-2-1931 để bảo vệ cuộc diễn thuyết của chiến sĩ Phan Bôi, cán bộ Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn.

Địch liên tục hỏi cung, cử một bầy mật thám Tây, Nam trổ hết ngón nghề hung ác, dã man, tàn bạo trên thân thể bé nhỏ của anh làm anh chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, vẫn mảy may không moi được chút gì ở anh về bí mật của tổ chức cách mạng ngoài cái tên Nguyễn Huy và chỉ thấy “đôi mắt anh ánh lên một hào quang rực lửa căm hờn” (lời thú nhận của xếp Bót Bờ Lô khét tiếng ở Chợ Lớn).

Thực dân Pháp mở phiên toà đại hình để khép anh vào tội án tử hình. Trước vành móng ngựa “Ông Nhỏ” vạch mặt bọn thống trị, kêu gọi nhân dân vùng lên đấu tranh. Khi luật sư bào chữa riêng “anh còn tuổi vị thành niên nên đã có những hành động không suy nghĩ”, Lý Tự Trọng đã dõng dạc bác lại: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần giải phóng dân tộc tôi, giải phóng những người cần lao như tôi”.

Tên chánh án tuyên án anh tử hình. Nó hỏi anh: “Có ăn năn gì không?”. Anh Trọng vẫn bình thản, tay chắp sau lưng, mắt nhìn thẳng phía trước, nói “Không ăn năn gì cả. Tôi đã thực hiện nhiệm vụ của tôi”.

Thái độ kiên cường của anh được các báo ở Sài Gòn thời ấy ghi lại khá chi tiết. Tờ báo tiếng Anh Pác - xi - an đăng ký hoạ chân dung Lý Tự Trọng lên đầu trang nhất, tường thuật vụ án mà tư thế hiên ngang, đĩnh đạc của người cộng sản trẻ tuổi gây chấn động dư luận.

Trong xà lim án chém, anh vẫn sống những ngày lạc quan, vẫn tập thể dục hàng ngày, vẫn đọc truyện Kiều, ngâm những câu thơ long lanh tài hoa của Nguyễn Du.

Những tên gác ngục, chủ khám khâm phục anh, gọi anh là “Ông Nhỏ”. Còn đối với những đồng chí anh được gọi là “Trọng con” đầy tin yêu, kính mến. Thực dân Pháp, đích thân “Rây - nô”, bộ trưởng bộ thuộc địa, sang Đông Dương, vào khám lớn dụ dỗ anh chỉ cần anh thành thật hối lỗi anh sẽ được thả, đưa sang Pháp học thành tài sẽ có cuộc sống êm ấm, giàu sang nhưng Lý Tự Trọng kiên quyết từ chối.

Tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trong cao trào 30-31 trong đó có Lý Tự Trọng gây tiếng vang trên trường quốc tế chiếm được cảm tình của bè bạn và nhân dân lao động Pháp. Bà Andre Violis, một ký giả tiến bộ Pháp đã sang Đông Dương điều tra sự thật. Bà đã đến Sài Gòn, vào khám thăm Lý Tự Trọng.

Khi về Pháp đã viết một loạt bài và cuốn sách Indochine S.O.S (Đông Dương cấp cứu) trong đó vạch trần chính sách tàn bạo của đế quốc Pháp ở Đông Dương và phản đối án tử hình đối với Lý Tự Trọng. Bà đã xúc động kể lại cảm tưởng của mình. Khi vào khám lớn Sài Gòn thăm Lý Tự Trọng có sự giám sát của Na - Đô, chánh mật thám Nam Kỳ. Bà viết “Hành lang tối om, chìa khoá to sù nghiến trong ổ khoá. Rồi một chiếc hầm đen ngòm. Dưới nhầy nhụa bốc lên một mùi tanh tưởi. Huy (tức Lý Tự Trọng) ngước mắt lên nhìn chúng tôi, môi anh còn sưng. Anh ngước cặp mắt giận dữ nhìn chúng tôi rồi lại cúp xuống. Anh không thèm nhúc nhích. Tên coi ngục ngu xuẩn cứ lắc lư chùm chìa khoá một cách ngớ ngẩn. Người chánh mật thám hỏi dăm ba câu như thường lệ. Không một tiếng trả lời. Tim tôi đập mạnh. Tôi xấu hổ. Tôi đau lòng. Mắt tôi bị cử chỉ của Huy hấp dẫn. Bàn tay anh buông thõng, ngón tay khép lại dần dần rồi nắm chặt. Người chánh mật thám nhếch mép cười, đặt bàn tay lên xoa chiếc đầu xanh bị kết tội chết để lấy lòng.

Suốt đời tôi không bao giờ quên được phản ứng đột ngột của Huy. Anh chồm lên, cặp mắt nảy lửa căm thù và thét lên một tiếng ...”

Bà Andre Violis còn ghi lại khái quát những phút cuối cùng của Lý Tự Trọng. “Ngày 21-11-1931, Huy (tức Lý Tự Trọng) bị đem xử tử. Cả Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố tiếng la thét phản đối của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra pháp trường. Phải điều quân đội và lính cứu hoả để phun nước đàn áp họ. Trong những buồng giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế.

Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xổ đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh hô “Việt Nam ... Việt Nam...”

Trên đây là những nét chính về người cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng mà hậu thế chúng ta đã biết được nhờ sự dấn thân của các ký giả báo chí Sài Gòn và bà Andre Violis đã ghi lại cái bản lĩnh tuyệt vời của anh trước kẻ thù.

Mẫu tượng anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng thể hiện phong thái hiên ngang, ý chí kiên cường của người ĐVTN cộng sản. Ảnh: Nguồn Báo Hà Tĩnh

Nhưng những điều chúng ta biết được về người cộng sản trẻ tuổi đẹp hơn huyền thoại đó quả là quá ít ỏi... Mãi gần đây chúng ta may mắn được biết thêm về những ngày anh ở Quảng Châu qua những hồi ức của Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt.

Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt là thế hệ tiền phong của Hội phụ nữ được Kỳ bộ Đảng thanh niên Nam Bộ giới thiệu đã cải nam trang xuống tàu sang Quảng Châu để dự khoá huấn luyện chính trị năm 1926 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Chị đã sinh sống, học tập nghiên cứu chính trị, học làm báo (viết báo, biên tập, ấn loát li tồ, phát hành vv...) tại ngôi nhà số 13 (nay là số 250) đường Văn Minh - trụ sở của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) nơi tập trung rất nhiều nhà cách mạng tiền bối tài năng của Việt Nam do Bác Hồ đào tạo, huấn luyện.

Khi chị đến sinh sống, học tập ở trụ sở Tổng bộ thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc vì công tác đã chuyển đi chỗ khác, chỉ thỉnh thoảng đến Tổng bộ để giảng bài, hướng dẫn nghiên cứu lý luận. Công việc thường trực ở Tổng bộ giao lại cho đồng chí Hồ Tùng Mậu và một vài đồng chí khác.

Ở trụ sở số 13 đường Văn Minh, Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt đã gặp gỡ Lý Tự Trọng cùng 7 em thiếu nhi khác đều là con em Việt kiều yêu nước ở Xiêm (cả 8 em đều quê gốc Nghệ - Tĩnh) được chọn lọc cử sang để đào tạo. Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến các em, tổ chức các em thành tổ thiếu niên tiền phong đầu tiên của Việt Nam, gửi các em hàng ngày theo học lớp Tiểu – Trung học ở đại học Tôn Trung Sơn, giúp đỡ các em nề nếp sinh hoạt, chăm lo giáo dục anh em những đức tính yêu nước, siêng năng, thương yêu mọi người, yêu lao động vv... Ngoài giờ đi học ở trường, về nhà các em còn được tham dự những buổi ngoại khoá (học diễn thuyết, học làm báo) của các lớp anh chị.

Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt kể: “Hôm ấy có nhiều đồng chí lên diễn thuyết, mở đầu là Lâm Đức Thụ (tức Trương Béo) rồi Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lý Ưng Thuận, Quang – quân nhân. Tất cả đều diễn thuyết hay, mỗi người một vẻ, rất thuyết phục. Tuy nhiên theo Bảo Lương cách diễn thuyết của Lý Tự Trọng rất đặc biệt. Em cũng giống các anh lớn , nghĩa là nói không có giấy, em hướng mặt cúi chào thình giả, cái bộ chững chạc, trịnh trọng gây tin tưởng. Bé nói “Trách nhiệm thiếu nhi với cách mạng”. Chúng em dù trong tuổi học hành, vẫn cố gắng làm các công tác theo sức mình để bồi đắp, củng cố nền cách mạng. Xin các đồng chí tiến bước trước để các em theo, chúng em theo sát gót đàn anh, dầu bé bỏng cũng nguyện hy sinh chống thực dân Pháp bảo vệ đất nước”. Câu nói đó sau này chứng tỏ hào khí thiếu niên thời nước loạn.

Ở ngôi nhà số 13 phố Văn Minh, những lúc rãnh rỗi cậu bé Trọng cùng chị đũa giỡn. Chị rất cưng Trọng nhưng cũng đòi “vả tét mép” khi cậu em đùa quá trớn, nhất là lúc cậu bạo dạn ghép đôi chị cùng các anh. Bảo Lương nhận ra bé Trọng có những lúc rất người lớn, già dặn, lại rất tình cảm. “Trọng rủ tôi lên sân thượng tập thể dục thật sớm vì em và Thuận, Thông còn phải kịp giờ đi học”. Lúc ngồi ngoài băng, mắt Trọng thoáng buồn, em nói: “Trọng nhớ một người ... nếu người ấy còn ở đây thì ...”. “Người đó là ai? Ba của Trọng hả?”. “Người đó mang Trọng sang đây mà! Là đồng chí Vương, là Vương Sơn Nhị, là Nguyễn Ái Quốc. Chị gặp là chị thương liền. Hồi cùng Thuận, Châu, Nhuận sang thì đồng chí Vương còn ở đây. Đồng chí Vương thấy anh em mới qua, chưa quen chịu lạnh, phần muốn để anh em có thì giờ học, anh xung phong làm công việc nhà thay thế, nấu cơm giặt đồ, cả những việc tỉ mỉ anh đều thu xếp gọn, anh em thấy vậy đều cảm kích, không dè cúi người nấu bếp, lo ăn cho mình, coi phơi từ cái áo lạnh cho anh em mà đến khi nghiên cứu, huấn luyện lại tỏ ra thông minh, rành rẽ”.

Tuy khôn ngoan, già dặn hơn những đứa trẻ cùng lứa nhưng Trọng cũng là một cậu bé con thích được âu yếm, chiều chuộng nhất là những lúc ốm đau. “Chị Lương ơi! Ẵm Trọng”, Thuận cười to nói: “Đó chị Lương thấy Thuận nói trúng phóc chưa? Hễ cưng nó là nó vòi đủ thứ, động đau một tí thì la toáng, đòi ăn “thị” luôn miệng!”. Tôi dìu Trọng xuống cầu xong lên trùm mền cho nó sau khi uống thuốc, ngồi bên bé lòng tôi buồn vô hạn. Cái tuổi của Trọng là tuổi chơi diều, bên cha mẹ vòi quà, nũng nịu khi vùng mình sốt mẩy. Ở với đoàn thể chiều sao cũng chỉ tương đối, chừng mực thôi. Đức cũng săn sóc, chị Thu cũng chích thuốc, Thuận cũng đút cháo nhưng đó là làm bổn phận một cách khô khan. “Chị Lương ơi!, đỡ Trọng với! Tôi ôm đỡ đầu nó lên vai vừa ngồi yên thì nó thủ thỉ “Có hào chi hôn chị Lương?” “Chi vậy?”. “Xí mụi nè, cánh chỉ, thị nè! Chị mua liền nhé”

Thương Trọng thèm thị, Bảo Lương rất khổ tâm khi không còn tiền. Đời sống học viên rất gian khổ. Mỗi người chỉ có một chiếc cói, một chiếc chăn mỏng trải qua mùa đông khắc nghiệt. Ở Quảng Châu, Bảo Lương không chịu nổi giá lạnh, sốt cao. Một bên ngực Bảo Lương bị sưng phải đi mổ ở bệnh viện. Tổ chức chỉ có đủ hai hào chi cho “Cậu nhỏ” đưa chị đi bệnh viện.

Biết Lý Tự Trọng rất mê ăn “thị”, Bảo Lương đã nghĩ ra cách lúc đi, trời còn mát, hai chị em sẽ đi bộ đến chỗ bệnh viện, Bảo Lương dành số tiền đi xe để mua trái thị cho “Cậu nhỏ”. Và đây là hồi ức cảm động của bà “Khi lên xe là có trái thị cho Trọng cầm, nhưng tại sao nó không chịu cắn nhai như mỗi lần vô lớp? Tôi ngó lên thấy vẻ suy tư trong mắt nó, tôi giục “Ăn đi”, “Trọng không ăn nữa”. Chị Lương ăn đi, thị bổ lắm. Ăn cho có sức mà chịu đựng chứ, mổ đau lắm, mà hễ chết là đói bụng và thèm thị. “Không, chị không ăn, cho em hết đó”. “Chị Lương không ăn hả?”. Trọng không ăn luôn và Trọng buồn! Phải chi đừng mua để chị đừng đi bộ”. Trong năm ngày đi nhà thương băng bó là năm ngày hồi hộp, khổ tâm. Vì Trọng luôn luôn lên diễn đàn lưu động, tôi ngồi chờ ở băng sau mà nóng nảy, bồn chồn, nghe tiếng Trọng càng hùng hồn tôi càng lo sợ tiếng súng sát nhân bùng nổ. Và siết bao mừng rỡ khi bé chạy ùa lại nắm tay tôi dìu đi. Tôi muốn biểu Trọng đừng nói, mà mở miệng chẳng ra lời...”.

Nỗi lo sợ của Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt về sự an nguy của Lý Tự Trọng đã diễn ra vào buổi chiều mùa xuân 1931. “Quả vậy, khi bé được 16 tuổi, về nước làm cách mạng, bước đầu đã nổ súng bắn chết tên cò thực dân LeGrand, lúc bị bắt đến khi lên “đoạn đầu đài” Pháp đành bó tay trước gan lì của Trọng. Không có cực hình nào mà thực dân không dùng để biết thêm người trong tổ chức, nhưng vô hiệu. Vì Trọng đáp lời của Pháp “Tôi làm cách mạng cho tôi! Với tôi! Và tôi bảo tôi giết tên mật thám hại nước, hại dân tôi”. Bản thân Bảo lương Nguyễn Trung Nguyệt năm 1928 từ Quảng Châu trở về nước trên một chuyến tàu bí mật. Bà công tác vận động xây dựng “ Hội phụ nữ giải phóng tại Nam Bộ, rồi sa vào tay địch trong vụ án ở đường Barbier (nay là đường Thạch Thị Thanh) bị kết án 10 năm tù. Trong khám lạnh, Bảo Lương tự nhủ phải kiên cường đối mặt với những ngón đòn tra trấn dã man để xứng đáng với “bé Trọng” anh hùng.

Lý Tự Trọng trong ký ức của cựu nữ tù bà mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Nhạn

Bà Thái Thị Nhạn quê ở xã Phong Điền, Cần Thơ, sinh năm 1906. Bà tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động xây dựng cơ sở quần chúng ở quê nhà, được kết nạp Đảng năm 1930. Bị sa vào tay giặc, đưa lên giam ở Khám lớn Sài Gòn, bị kết án 5 năm tù. Tấm gương Lý Tự Trọng trở thành bài học sâu sắc trong suốt cuộc đời bà. Bà kể trong hồi ký: “Trong thời gian tôi ở Khám lớn có vụ án Lý Tự Trọng là lớn nhất. Nó thành dấu ấn trong tâm hồn tôi và nhắc nhở tôi suốt cả đời mình. Tôi còn nhớ rõ lúc ấy là tháng 11 năm 1931, những người bị án tử hình bao giờ cũng bị nhốt riêng, cơm hàng ngày đưa qua một cái lỗ nhỏ. Người đưa cơm gọi là thằng Dớ. Có lẽ anh ta là người Miên nên nói chuyện hay dùng chữ “dớ”... Thằng Dớ không dám mặc áo quần khi đưa cơm vì nó sợ tù tử hình nắm được quần áo nó rồi bẻ cổ nó. Theo chế độ đối xử với tù lúc đó, tù tử hình muốn ăn gì chúng cũng cho. Theo chúng, đó là nhân đạo, cho ăn để rồi chết. Lý Tự Trọng lúc đó còn có tên là Huy. Huy ăn ít nhưng thường đòi nhiều, mục đích là tìm cách gửi qua phòng phụ nữ cho các chị đau ốm và các cháu nhỏ. Cho tới một hôm, chúng tôi biết là ngày mai Huy sẽ bị xử tử. Trước đó mấy lần, khi thấy tên Tây què xuất hiện là chị em đều nói cho Huy hay nhưng Huy chỉ cười và nói”

- Chưa tới em đâu chị ...

Và hôm ấy khi thấy tên Tây què xuất hiện - vì thằng này giữ và điều khiển máy chém - kèm theo cái tin anh thợ sửa đèn cho hay, chúng tôi leo lên song sắt báo cho Huy. Lần này anh cũng cười nhưng nói:

- Bữa nay tới em rồi đó mấy chị. Mấy chị ở lại mạnh giỏi, ráng cố gắng ...

 (…)

Đúng 5 giờ chúng tôi nghe thấy những bước chân rầm rập, gấp gấp. Chúng đã đưa Lý Tự Trọng ra. Bỗng có tiếng hô từ bên ngoài vọng vào. Đó là tiếng hô của Lý Tự Trọng đã dõng dạc hô to những khẩu hiệu: Đả đảo đế quốc Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm!

Và hưởng ứng những lời bất khuất ấy của người chiến sĩ cách mạng Lý Tự Trọng, không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt hô to những khẩu hiệu: Phản đối xử Lý Tự Trọng! Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo khủng bố trắng!

Tiếng la vang dậy một góc thành phố Sài Gòn. Tiếng la vang động đến những tấm lòng của nhân dân yêu nước. Tiếng la làm thức tỉnh lương tri của những người đang làm tay sai cho giặc, đàn áp đồng bào. Tiếng la vang động như những tiếng thét uất hận bùng lên, bùng lên mãi. Chị em dưới lầu, anh em trên lầu, bằng tất cả sự công phẫn tột độ đã nói lên tiếng nói của trái tim, của tấm lòng mình đối với Tổ Quốc, đối với Cách mạng và đối với sự hy sinh, anh dũng của Lý Tự Trọng…

Riêng tôi, tự nhiên thấy mình quỵ xuống, nước mắt tôi bỗng thấy chảy dài khi nghĩ chính lúc ấy, ngoài kia Huy đã gục xuống bởi lưỡi dao của chiếc máy chém bạo tàn và Huy thật sự đã ra đi. Bên tai tôi còn văng vẳng tiếng của Huy:

- Mấy chị ở lại mạnh giỏi, ráng cố gắng ...

Người cộng sản trẻ tuổi ấy ra đi một cách hồn nhiên và tự tin. Vì người ấy đã đặt tất cả lòng tin vào Đảng, vào sự thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Sáng hôm sau bọn cai tù đem còng tôi, còng tất cả hai tay chúng tôi không cho vỗ tay nữa. Không vỗ tay được, thì cứ tiếp tục hát và chúng tôi đã hát suốt đêm.

Và đêm ấy chờn vờn trước mắt tôi là hình ảnh của Huy như một đôi cánh trắng đang vẫy gọi...

Sau ngày hoà bình lập lại, những lần gặp lại anh em truyền thông, báo chí, bà Thái Thị Nhạn luôn nhắc lại tấm gương người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng.

Bà chân thành nói: “Bây giờ nhìn lại, tính từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có được 47 năm tham gia cách mạng trong đó có gần 20 năm tù đày, 4 lần bị bắt, 4 đợt tra tấn khác nhau thời Pháp và thời Mỹ, nhưng không bao giờ tôi quên được câu nói hết sức hồn nhiên và trong sáng của người Đảng viên cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng mà khi chúng tôi quen nhau đã gọi bằng cái tên thân mật – em Huy. Huy đã nói với chúng tôi khi biết mình sắp lên máy chém “Các chị ơi, bữa nay tới em đó, bữa nay tới em ...”. Gương mặt non trẻ, giọng nói đầy tin tưởng và yêu đời bất chấp cái chết của Huy lúc nào cũng phảng phất bên tôi. Huy chính là bài học cho tôi. Một bài học vô giá, vượt lên mọi lý luận, những lời hứa hẹn, giáo dục. Một bài học cho một cuộc đời”.

Bài học ấy còn được viết lên bằng chính của những người thân yêu của bà. Chồng và con trai của bà đã ngã xuống cho ngày hoà bình thống nhất đất nước...

Thế hệ hôm nay và mãi mãi sau này, mỗi khi giở lại những trang lịch sử anh hùng của thành phố, chúng ta tự hào về tuổi 17 tươi đẹp của Lý Tự Trọng, về những người nữ tù khám lớn Sài Gòn Nguyễn Trung Nguyệt, Thái Thị Nhạn. Nhân dân Thành phố đã đặt tên cho những con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Đường Lý Tự Trọng ở Quận 1, đường Nguyễn Trung Nguyệt ở Quận 2 và đường Thái Thị Nhạn ở Quận Tân Bình... để mãi mãi vinh danh những con người anh hùng kiên trung, bất khuất ấy sống trọn với nhân dân, với đất nước.

L.T.S

. . . . .
Loading the player...