13-08-2019 - 05:49

Cô hàng ốc - Một trong những tác phẩm mang giá trị niên đại tranh lụa Việt Nam

Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu bài viết "Cô hàng ốc - Một trong những tác phẩm mang giá trị niên đại tranh lụa Việt Nam" của Họa sĩ Lê Anh Tuấn.

 

         Tranh lụa Việt Nam phải đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX mới xuất hiện với một tài danh mẫn tiệp Nguyễn Phan Chánh (nghĩa là sau khi Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được thành lập tại Hà nội năm 1925 do người Pháp đầu tư). Năm 1928, ông hiệu trưởng nhà trường Vitor Tardieu mua một số phiên bản tranh lụa của Trung Quốc và Nhật bản về giao cho Nguyễn Phan Chánh tham khảo, nghiên cứu, học tập… Và chỉ một năm sau (1929) nhiều tác phẩm lụa của ông ra đời với cách nhìn không Tây, không Tàu, không Nhật làm xôn xao Trường mỹ thuật Đông Dương, nơi ông chuẩn bị tốt nghiệp ra trường.

         Những nhà nghiên cứu mỹ thuật, những họa sỹ tên tuổi trong và ngoài nước khẳng định năm 1929 chính là năm hình thành và khẳng định niên đại tranh lụa Việt Nam. Như vậy Phan Chánh chính là ông Tổ (thành hoàng) của tranh lụa Việt.

         Có một vài giả định họa sỹ Lam Sơn (Nguyễn Văn Thọ) có vẽ lụa vào năm 1927 nhưng đó chỉ là giả định của cá nhân, tác phẩm hiện chưa thấy mà giá trị nghệ thuật của nó chẳng hiểu ở mức nào!!! Đến nay chỉ còn ba tác phẩm được sáng tác năm 1929 (đều ở nước ngoài) của danh họa Nguyễn Phan Chánh, và đương nhiên dấu mốc trên khẳng định niên đại lụa Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đó là những tác phẩm: Bữa cơm, Chải tóc, Cô hàng ốc.

Cô hàng ốc - Tranh lụa (1929) - Nguyễn Phan Chánh

         Như vậy chàng trai xứ Nghệ mới chỉ “tập vẽ lụa Vân Nam năm 1928” và điều kỳ diệu đã xảy ra, chỉ một năm sau các kiệt tác lụa của Phan Chánh ra đời hãnh diện “xuất dương” và nhanh chóng được công chúng yêu nghệ thuật, các họa gia Châu Âu vị nể. Những người yêu nghệ thuật tạo hình Phan Chánh đã lưu giữ những đứa con tinh thần của ông suốt 90 năm qua. Trong số ba tác phẩm kể trên trừ bức Bữa cơm hiện chỉ còn bản chụp in báo ảnh Pháp ngày 27/6/1931 với dòng chữ chú thích: Sáng tác năm 1929. Hai tác phẩm Chải tóc Cô hàng ốc hiện còn nguyên vẹn, không ít lần xuất hiện ở các cuộc bán đấu giá chuyên nghiệp và danh tiếng trên thị trường tranh thế giới.

         Vào giữa năm 2018, tại nhà đấu giá quốc tế Chraslies Hồng Công, Cô hàng ốc đã bán với giá 600.000USD (khoảng trên 10 tỷ đồng Việt Nam). Một tác phẩm còn nguyên vẹn, mặc dù 90 năm qua thân phận của nó cũng chẳng yên ổn gì! Tranh vẽ khổ đứng cỡ 88cm x 65,5cm chất liệu lụa vẽ mực và bột màu gồm 5 nhân vật, bốn người ngồi, một người đứng. Gọi là tranh lụa đương nhiên lấy nền lụa là chất liệu, còn vẽ bằng màu gì thì tùy ở họa sỹ, mặc nhiên chất óng ánh, mềm mịn, trong trẻo của lụa càng nổi trội bao nhiêu thì giá trị của bức họa càng cao bấy nhiêu. Tác phẩm thể hiện một sinh hoạt đời thường của cư dân lúa nước “Ốc ruộng, gà vườn”. Nhóm người được bố cục hình tháp lệch, để những mảng trống đẹp và rất gợi cảm, nó như những dấu lặng trong âm nhạc.

         Cô hàng ốc của Phan Chánh được thể hiện với cách nhìn thương quý, bao dung bộc lộ rõ những giá trị thuần Việt. Tác giả đi theo dòng nghệ thuật hiện thực nhân văn, nó tinh khiết ở triết lý, đằm hậu ở tình người, thanh cao mà gần gũi… Phan Chánh có gam màu nâu quý phái (cái hiếm có trong tranh lụa), giác cảm của ông có Phật tính cao, cái tĩnh ở ngoài mà xao xuyến bên trong vì vậy mà tranh xem được lâu, ngắm nhìn được nhiều vẫn không chán mắt. Gánh hàng bán rong của Cô hàng ốc, mà vị thế của cô có lẽ là thiệt nhất trong bố cục, nhân vật mang tên tranh nhưng tác giả không đầu tư, không biểu cảm gì cụ thể, chỉ ba người ngồi xoay quanh hàng ốc là rõ và đẹp. Hai nhân vật chờ đến lượt mình ăn; người đàn bà đội nón thúng quai thao và em bé mặc áo trắng bộc lộ rõ hơn cả, với dáng đứng thong thả đầu hơi cúi, yếm trắng, áo dài (y phục thường thấy ở những người sang trọng nơi thôn dã) bà ta đang thưởng thức món ăn quê mùa này bằng mắt và những tự cảm bản năng, còn đứa bé ngồi chờ bà khêu ốc cho ăn rất chăm chú và chờ đợi. Tất cả các nhân vật đều được Phan Chánh tinh giản màu và hình, ông đưa những gì thanh sạch nhất, bình dị nhất, duyên nhất vào nhân vật của mình. Cái vất vả, lầm than cực nhọc của con người Việt Nam đầu thế XX đều được ông đặt sang một bên, văn hóa và đạo hạnh của Phan Chánh đã nâng người Việt lên một tầm nhân văn, làm người xem phải nể phục. Một bố cục độc đáo (hình tháp nghiêng lệch) lấy lỏng để chặt, lấy không bình thường để nói cái vĩnh viễn… đó chỉ có thể và mãi mãi có thể là Nguyễn Phan Chánh. Khoảng trống thiêng trong tranh của ông không phải là ngẫu hứng, nó là điều mà bất kỳ danh họa nào vẽ lụa đều phải cân nhắc, toan tính và trân trọng. Chính nơi ấy ông dành cho những dòng chữ Hán viết sau cùng cho mỗi bức tranh, và Cô hàng ốc không phải ngoại lệ. Ông giỏi viết thư pháp, mỗi mảng chữ trong tranh đều trở thành một bức thư pháp đẹp có đủ THI - THƯ - HỌA - ẤN… Vậy nên tranh ông người đời yêu thích là lẽ tất nhiên rồi, ấy là chưa nói đến những bức thư pháp của ông lại là cái rất khó cho những kẻ “nhại”tranh của ông từ xưa tới nay.

         Ông có 5 lần đi dạy học (trong đó khi tốt nghiệp ra trường ông là người Việt Nam được mời ở lại dạy). Một đời Phan Chánh là họa sỹ bậc thầy, chứ làm thầy thì không được suôn sẻ… từ đấy những người bạn đồng môn với ông, kể cả những họa sỹ tài danh trong nước sau này luôn coi ông là họa gia bậc thầy với niên đại lụa Việt Nam vô tiền khoáng hậu, trong đó có công lớn của “Cô hàng ốc” 90 tuổi xuân. 

                                                                        Hà Tĩnh, tháng 7 năm 2019

                                                                                                 L.A.T

 

. . . . .
Loading the player...