26-08-2019 - 14:21

Chùm thơ của nhiều tác giả - Tạp chí Hồng Lĩnh số 156

Tạp chí Hồng Lĩnh số 156 hân hạnh giới thiệu chùm thơ của các tác giả Phan Trọng Tảo, Phan Quốc Bình, Đinh Sỹ Minh, Trần Đức Cường, Nguyễn Minh Đức, Hoàng Xuân Lý, Nguyễn Thị Duyên, Lương Ngọc An, Lê Quốc Hán.

PHAN TRỌNG TẢO

 

BIỂN QUÊ

Đã tính cuộc bon chen
Cả làng tôi “ăn sóng nói gió”
Treo ước mơ lên mạn thuyền sóng vỗ
Giong buồm lướt biển vươn khơi
Ăn mặn mòi
Ngủ mặn mòi
Sống mặn mòi
Với biển
Lấm láp tuổi thơ tôi
Lưng trần lùi cát mặn
Lớn lên trên đọt sóng ngọn triều
Cha tôi chôn tuổi mình dưới đáy biển sâu
Niềm vui vắt vai là những khoang đầy
Mẹ bỗ bã nón lá áo tơi
Tìm áo cơm trong từng phiên chợ cá
Làng sấp ngửa như chơi bài xóc đĩa
Bữa đói no bên chân sóng dặc dài
Mặt trời lên
Mặt trời xuống hôm mai
Cứ mắc cỡ trước vạn chài xuống biển
Làng mặc cả hồn nhiên vào nhịp sóng
Miễn là trở về chở hi vọng đầy khoang
Bấy nhiêu năm tôi sống xa làng
Đêm mơ thấy biển quê sóng vỗ
“Mùa cá nam” cả làng tràn ra biển
Chiếc quần đùi sóng đánh mênh mang
Tấm lưng trần “cái bao tử” thắt ngang
Làng sống mái đánh đu với biển
Tôi chỉ biết biển quê luôn vẫn sóng

Gia đình nhỏ - Lê Huy Hoàng Hải

 

PHAN QUỐC BÌNH

 

HUYỀN THOẠI LỜI RU

Ở nơi xa
lời mẹ ru thuở nào bỗng đến
trong trẻo nỗi buồn
chiếc váy mẹ nhuộm bùn bọc con
chiếc nôi trời đất đung đưa
con bay theo lời ru của mẹ
bình yên phía chân trời
con bay theo lời ru của mẹ đến giờ
như huyền thoại
con mãi trẻ thơ
dưới bầu - trời - âm - thanh lời ru.
 

ĐINH SỸ MINH

 

ĐỒNG LÀNG

Vẫn đất quê đây một miền xưa cũ
Ta lớn trong nỗi xác xơ đồng
Những mùa vụ nắng mưa thắt ruột
Lúa nghẹn đòng cơn trở dạ giêng hai.

Những nếp phù sa mỏi mòn cặn sỏi
Đất quay vòng vượt cạn mùa đông
Mẹ quay quắt bên luống cày khó nhọc 
Áo nâu sòng khô ướt luân canh!

Tuổi trẻ con phiêu bạt, bước phiêu hồ
Theo đám mây xa, những miền sông lạ
Ảo ảnh những chân trời, biển sóng
Ngọn gió nào bay những cơn mơ? 

Nhiều lúc quên cánh đồng còng lưng lũ tháng tư
Vá víu gánh gồng qua mưa tháng tám
Mẹ rút ruột nuôi con từng ngày khôn lớn
Đau đáu lời ru qua giấc quê nghèo!

Đi hơn nửa đời người qua được mấy khúc quanh
Về quê mới biết mình mãi là con trẻ
Mới biết mình chỉ là cơn gió rỗng
Chẳng làm đầy CÁNH ĐỒNG MẸ bao la!

Ảnh Internet

 

TRẦN ĐỨC CƯỜNG

 

BÊN KIA NỖI BUỒN

Đã chớm khói sương đầu bãi
thuyền nương gốc cây già
líu ríu bầy chim sẻ
nhặt nắng bên thềm nhà
Về đâu hỡi ưu phiền
khi chia tay không chia cho nhau
hãy nhặt lên
những rơi vãi nhiệm màu
cả niềm đau...
Ta không oán trách người
lời đắng tan vào ly quá vãng
uống trắng ngụm đêm
dốc cạn bầu ngày
vẫn chưa từng nhận mặt cơn say
Cuộc vui nhân lên nỗi buồn
con đường...
kỷ niệm làm đau dấu chân
Thì ôi! đừng thức dậy
mây và rừng, biển và trăng
cơn mơ cũ mèm
giấc ngủ thiếu bình yên
mơ về trong vỏ ốc
những phiến âm...
lời nói nào xanh liếp sóng Thiên Cầm
Thì ôi! đừng thức dậy
ánh mắt êm như rêu
triền môi và những ngọt ngào
để mỗi ngày không là độc dược
mỗi ngày xa cách nhau!
Ngủ đi! những niềm đau
Lắng đi! trái tim biết lỗi
Yên nhé! Vui buồn, hờn dỗi
hạt nắng và bầy chim
để mai ngày đánh thức bình minh.
 

NGUYỄN MINH ĐỨC

 

MƠ PHỐ MÙA THU

Hương thị một chiều chợ phố
Bần thần tháng tám mẹ ơi
Nhớ thương giờ là buồn tủi
Tha hương đã mấy năm rồi
Đâu phải mùa thu có lỗi
Ổi đào rắc nhớ lên cây
Mưa đêm gõ từng mái phố
Bơ vơ câu giặm hao gầy
Ta nhớ mùa thu xứ sở
Bến chiều người giặt heo may
Loay hoay một đời dâu bể
Trăng tàn bậc nước ai hay?
Hạt giống người gieo mùa trước
Rộng dài sông bể mơ xa
Ta về mồ côi con nước
Áo nâu bước hụt xuống chiều
Mơ phố còn là nỗi nhớ
Trổ vào câu ví nơi xa
Dong riềng nhà ai thắm đỏ
Mái tranh thảng thốt giấc nghèo

 

HOÀNG XUÂN LÝ

 

NGOẠI ĐẠO

Chiều chủ nhật
Nghe từng khúc thánh ca
Bên hiên
Người ngoại đạo

Bàn tay em nhăn
Từng đường chỉ
Lối nào
Thanh xuân ở lại

Một miền xa ngái
Vết son cũ
Lấm lem
Bản tình ca mùa đông


Đếm nếp nhăn khoé mắt
Người đàn bà trong gương
Vọng tiếng chuông nhà thờ
Khúc thánh ca không dành cho người ngoại đạo

Em 
Khắc khoải 
Đường trần
Anh!

 

NGUYỄN THỊ DUYÊN

 

LỜI TẠ TỪ MÙA HẠ

Những rong ruổi ngày hè gác lại
Em về đây nghe dâng nhớ mắt đầy
Con sông thẹn nấp mình ven bãi 
Xa lắc rồi thuở ngồi đếm cỏ may…

Em mắc nợ cả khung trời mùa hạ 
Mắc nợ ai ánh mắt nửa vô tình
Nửa tha thiết bao điều chưa kịp nói
Người sang đò khi chưa kịp bình minh!

Và từ ấy ta không lần gặp lại
Mùa hạ qua bến cũ… chợt một ngày
Con sông vẫn tần ngần như thuở ấy
Có cánh diều lẫn giữa màu mây…

Em gom nắng ửng hồng đôi má
Người đan tay cất tiếng giữa bờ môi
Chẳng ngoái lại nơi mình lưu luyến nữa
Mùa hạ đi như không thể xa rời!
 

LƯƠNG NGỌC AN

 

QUÊ BẠN

Bờ sông, bến lạ, chiều say
Đò suông vét nốt chuyến ngày sang đêm
Góc trời vạc mấy nét chim
Lục bình thả mấy vệt tim tím nhòe
Khói ai thơm dọc triền đê
Ai gọi ai, giọng nhà quê cũng tình...
Dọa ai, mưa núp sau đình
Thương ai, tre uốn thân mình làm neo
Ký thân huơ hoác quán nghèo
Nón ai trắng quá để chiều đa mang...

Bình minh sông Phố - Ảnh: Ánh Dương

 

LÊ QUỐC HÁN

 

THIÊN CẦM

(Tưởng nhớ bà nội)


Cháu về Cửa Nhượng chiều nay 
xôn xao sóng vỗ nguyên ngày xưa xa 
con thuyền thấp thoáng lướt qua 
hình như đang chở hồn bà thăm quê

Cháu men theo một lời thề 
tình ngây khờ khạo vụng về tuổi xuân 
đàn trời* réo khúc ái ân 
cô đơn, con gấp nghìn lần cô đơn

Vẳng nghe sóng kể nguồn cơn
Thiên Cầm xưa vốn Thiên Đường dừng chân*
thương ông một kiếp phong trần 
trời xe duyên gặp tri âm bạn đời

Cháu qua trăm chốn nghìn nơi
vẫn chưa thoát khỏi lưới trời* bủa giăng
lao xao gió núi mách thầm:
“chim ăn bể Bắc sao nhầm bể Đông” 
______________
* Có ít nhất ba cách giải thích về địa danh Thiên Cầm: là “đàn trời”, là “trời giam”: Tương truyền  Hồ Quý Ly bị bắt tại rú Gùm (một cách gọi Thiên Cầm khác của dân bản địa), cách giải thích thứ ba do TS Nguyễn Trinh Đường vừa cung cấp rất bất ngờ và thú vị: ngày xưa trên núi có loài chim rất đẹp di trú gọi là chim Thiên Đường (“cầm” tiếng Hán là: “chim”).  

 

 


 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...