03-05-2023 - 10:02

Chùm thơ các tác giả phần 2

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chùm thơ của các tác giả Trần Việt Hoàng, Phan Trọng Tảo, Võ Minh Châu, Bùi Thị Kim Loan, Hoàng Vũ Thuật, Đào Minh Sơn, Trần Chấn Uy đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023

TRẦN VIỆT HOÀNG

 

 

Những ngày nhớ mẹ

 

 

Con đường đất trải dài

sương mai giăng mắc bên những khóm lau

những luống rau mẹ trồng

giêng hai xanh mướt

 

Đã có khi mải miết đời dài

con hát bài ca kiếm tìm những điều lớn lao đến quen nhàm

con tham lam ôm hết tất cả những thứ con đi qua

giờ xa xót

trong tay chẳng còn gì

còn chút thi hứng thỉnh thoảng gợi dậy

còn tình yêu mẹ yêu quê dẫu dâu bể biến thiên

mãi đong đầy

để khi mãnh liệt đến ngạt thở

con vớ vội mảnh giấy, viết đầy thơ…

 

Con đường đất trải dài

một thuở lầm lũi trong dáng mẹ phơi phới mùa con

mùa con náo nức đến trường

mùa con thương những kiếp người nhỏ bé đi qua con đường

mùa con thương một sắc hoa xoan tháng ba tím ngắt

mùa con vắt mình nên tuổi thơ dữ dội…

 

Mẹ!

sương đội đầu

bàn tay tỉ mẩn

giấc ngủ chẳng sâu vì nỗi âu lo nhân thế

dáng gầy rạc

tháng năm

in mãi bờ đê

cỏ mướt mùa xanh thẳm

bao dung!

Theo mẹ - Ảnh: Đậu Bình

 

PHAN TRỌNG TẢO

 

 

Tiếng vọng

 

 

Hạt thạch nhũ rơi ngày chưa có đất

Nghìn năm sau làm ngọn núi cao vời

 

Giọt hơi nước từ hư vô rụng xuống

Nghìn năm sau thành biển rộng, sông dài

 

Tia chớp giật từ triệu năm về trước

Triệu năm sau thành tiếng sét đinh tai

 

Đạo đức tùng thư viết trước thời tiền sử

Triệu năm sau nét mực vẫn tươi ngời

 

Viên đạn lạc vào đoàn vượn cổ

Triêu triệu năm sau máu đỏ vẫn rơi

 

Với hoa gạo

 

 

Làng quê yên ả miệt đồng

Toe loe hoa gạo mà không vỡ chiều

 

Lạ lùng nỗi nhớ cô liêu

Thấy bông gạo đỏ là liêu xiêu lòng

 

Mẹ cha ta với cánh đồng

Với chùm hoa gạo với bông lúa vàng

 

Thế là nên xóm nên làng

Nên ta với cả họ hàng quê hương

 

Ô hay, một “đóa vô thường”

Cật tre cắt rốn để thương nhớ về

 

VÕ MINH CHÂU

 

 

Tạ lỗi với Đèo Ngang

 

 

Tìm về “Hoa héo Đèo Ngang”*

Cho tôi tạ lỗi với nàng hái sim

Bao năm như cảnh trốn tìm

Giậu xưa chưa dựng… mà bìm đã leo

 

Thương em phận gái chống chèo

Bỏ đồi sim… bỏ xóm nghèo em đi

Hỏi cây cây chẳng nói gì

Hỏi sông, sông cứ lầm lì chảy xuôi.

 

Tôi đi hỏi khắp bao người:

Mười tầng đất, chín tầng trời lặng thinh

Không duyên cũng chút nghĩa tình

Mấy lần xưa ấy… biết mình rõ ta.

 

Hoa nào… cũng chẳng là ta

Đã yêu “Trong ngọc trắng ngà” ạ… ơi!

Ba mươi năm mấy bồi hồi

Nay về tạ lỗi với người đèo Ngang

 

Bây chừ đời đã sang trang

Không còn “Hoa héo” cả làng mai tươi

Ngư - Tiều hậu vận thảnh thơi

Từ trong hẻm núi vọng lời hoan ca

 

Công trường điện tựa sao sa

Sơn Dương - Vũng Áng tàu ra tàu vào

Em chừ cửa rộng nhà cao

Bao nhiêu nghèo đói, gói vào chuyện xưa

 

Ngậm ngùi trong những vần thơ

“Gia gia…Quốc quốc…”  bây giờ là ta.

Bên nhau chẳng muốn rời xa

Đèo Ngàng hai mái… nhà ta với mình.

                                                           xuân 2023

____________

* Phóng sự in trên Báo Tiền phong năm 1992

 

Tự ngẫm

 

 

Tôi đi giữa phố đông người

Cô đơn để lạc một người là tôi

Lòng đường xe ngược người xuôi

Vỉa hè hàng quán chật người bán mua

 

Tôi như một kẻ dư thừa

Lo toan không đủ tiền mua chính mình

Nhớ thời ai cũng chiến binh

Mịt mù bom đạn… có mình có ta.

 

Nhớ thời bão táp mưa sa

Mo cơm lọ muối… có ta có mình.

Muôn người hiếu nghĩa trung trinh

Hồn ta bến nước, sân đình, gốc đa

 

Bây giờ đô hội… phồn hoa

Chính ta để lạc… chính ta buổi đầu

Cái xấu… có tự nơi đâu?

Tự trong tim, tự trong đầu kẻ tham!

 

Cửa nhà công sở cao thêm

Nghĩa tình lún xuống dưới nền đất sâu

Bởi vì đâu..? Bởi vì đâu…?

Ta đi luôn ngẩng cao đầu… hỏi nhau!

                                                    Xuân 2020

 

BÙI THỊ KIM LOAN

 

 

Hương muộn

 

 

Trăng vừa trổ một nhành hương muộn

Ướp vào đêm làn sương trắng mỹ miều

Hương cám dỗ, ta trở nên huyễn hoặc

Tự bao giờ...

Kỳ vọng một tình yêu!

 

Anh biết không, mùa xuân đã tàn rồi

Hương sắc cũ giờ đã là quá vãng

Đêm trôi nhanh

Đêm quay cuồng

Số phận

Bỗng một hôm hương muộn rót đầy cành

 

Bỗng một hôm rêu chi chít mầm xanh

Ta như kẻ chưa một lần tan vỡ

Đêm ngẩn ngơ vầng trăng xa mộng mị

Hương đương thì...

Mà đêm đã già nua!

 

Trăng lặn rồi,

Hương giờ hóa hương xưa!

 

Những mùa hoa ngang ô cửa

 

 

Em lại về bên ô cửa

Ngắm những mùa hoa ngang qua

Con chim sẻ quen mà lạ

Chào em, người đã ngày xưa!

 

Chào hoa, hoa đã mấy mùa

Về ngang thềm rêu nhạt nắng?

Đợi hoàng hôn trong thinh lặng

Kìa mây, mây hóa vô thường!

 

Và anh như gió mười phương

Lênh đênh cuối trời phiêu lãng

Kỷ niệm bên kia chiếc gương

Đưa tay, chỉ toàn vụn vỡ

 

Ngoài song, nụ hoa vẫn nở

Thơm rơi một ngày buồn tênh

Ước gì bây giờ không nhớ

Chắc là em đã an yên.

 

Những mùa hoa ngang qua hiên

Em ngang qua triền giông bão

Em đi qua rồi hư hao

Xin chào, tình xưa miên viễn!

 

HOÀNG VŨ THUẬT

 

 

Những người hát bè trầm

 

 

Bài hát không có lời

nghe rất xa mà cũng rất gần

những người hát đứng sau bức màn xám

bài hát chẳng có lời

người hát không thấy mặt

như sóng triều khi dâng tràn mặt đất

khi dịu êm thoảng gió bên hè

 

những người hát bè trầm không trở lại

họ đi xa chẳng gửi một lời chào

họ âm thầm giữa ánh sáng triệu ngôi sao

trong lòng đất miệt mài chuỗi rễ

 

nhưng với thơ tôi xin mô tả

dù bạn ơi thơ chửa nói hết đâu

chàng trai ấy có đôi mắt ngầu đỏ

anh là công nhân trong xưởng đóng tàu

người con gái

đúng hơn - người mẹ

của cháu trai độc nhất trong nhà

mái tóc hãy còn thơm hương sả

chồng của cô ở tận chiến trường xa

mẹ nữa đấy

mẹ của tôi và bạn

cánh tay gầy không thể gầy hơn

khuya vào nhà thổi cơm xin nghỉ

để sớm mai ta lại lên đường

 

Và đây thơ tôi không viết nổi

em mười hai tuổi

mười hai tuổi thôi

nói thế đủ rồi

em đứng bên người cha ít nói

gương mặt đanh sắc thép vừa tôi

 

những người ấy đứng bên nhau và hát

(bài hát không có lời gì cả)

tiếng hát ngân lên thành một bè trầm

lời của cây của biển xa xăm

họ đã hát bè trầm cho tôi và bạn

cho đất nước này vươn tới đỉnh bè cao.

 

Đợi

 

 

Lạ lùng tôi đợi ai đây

Đợi như là đợi cái ngày xửa xưa

Bồng bềnh nắng dỗi sau mưa

Gió hờn ru gió lưa thưa vô hình

Không bến nước, không sân đình

Mình tôi đợi với bóng mình thành hai

 

Hôm qua sương ướt bờ vai

Bờ vai đẫm ướt cho dài nỗi đêm

Bây giờ lá đỏ lưng thềm

Mây chen trắng tóc mây tìm về đâu

Đợi ai, ai đợi, ai nào

Mà tôi quanh quẩn ra vào quên tôi.

Chiều sông Lam - Ảnh: Đậu Hà

 

ĐÀO MINH SƠN

 

 

Tìm trong lễ hội

 

 

Tôi về với lễ hội Bà

Giữa mang mang gió tìm tà áo xưa

Biết rằng trời sẽ đổ mưa

Như trăm năm đến bây giờ vậy thôi

Tôi về giữa lễ hội rồi

Vẫn chưa bóng áo đứng ngồi chẳng yên

Hội đông người của trăm miền

Tóc ai đẫm ướt nhuốm phiền cho ai

Khói hương nghi ngút đền đài

Bàn tay ai đón một vài sợi mơ

Thương bà nhớ trận mưa xưa

Biển xanh một bóng thuyền vừa đi xa

Tôi về với lễ hội Bà

Bỗng nghe tiếng hát dân ca thuở nào

“Con gì mà sắc hơn dao

Cái gì gần mắt mà cao hơn trời...”

Đành rằng tôi biết người ơi

Nhìn mưa vắng bóng áo tơi...chạnh buồn.

 

TRẦN CHẤN UY

 

 

Nguyễn Tiên Điền

 

 

Thăng Long giã biệt

Ông về neo gió Sông Lam

Săn thỏ núi Hồng

Thuyền nan đậu bến Giang Đình

Tăm tăm rượu gạo.

 

Cửa Khổng, sân Trình nghìn năm mộng ảo

Giấc Nam Kha mù tăm

Những mong ngọn bút giúp đời

Đường hoạn lộ Long đong vinh nhục

Kẻ sĩ trắng tay

Lội ngược dòng nước đục.

 

Thôi đành bái biệt

Thăng Long hào hoa

Thăng Long cỏ rác

Cả triều đình ngơ ngác lũ ngu trung.

 

Nỗi người se sắt cõi lòng

Bách tính nghìn đời phận bạc

Xóm làng đói khát, xác xơ.

Những con đường xương trắng

Cỏ lau xanh buốt bãi bờ

Sông Lam trôi dài lưỡi kiếm

Máu dân đen tuôn đỏ bốn nghìn năm.

 

Đèn khuya hắt bóng đăm đăm

Giấc mơ chết đứng

Trang thơ Kiều đẫm máu.

Anh hùng không cứu nổi người quốc sắc

Than ôi, văn chương mà chi

Thơ phú mà chi.

 

Chòm râu trước gió bơ phờ

Nguyễn đi dọc sông La

Viết những câu thơ Kim tự tháp

Thả con thuyền lục bát

Trôi nghìn năm, nghìn năm

Trên dòng sông đa tình.

 

Tôi về thăm Hà Tĩnh, quê mình

Vẫn gặp Nguyễn

Thuyền nan đậu bến Giang Đình

Tăm tăm rượu gạo

“ Bất tri Tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Không biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

 

Nỗi niềm tiền bối đứt ruột

Nhân thế đời đời xót xa

Nguyễn biết chăng, nước sông Lam mặn chát

Bởi giọt giọt thương đau của triệu triệu kiếp người.

. . . . .
Loading the player...