29-02-2020 - 13:29

Chùm tản văn của Nguyễn Đức Tùng

Chúng ta đi bộ về nhà từ cuộc đi dạo, mải mê đi lạc mất một đoạn đường khá xa. Khi đến nhà, mỏi cả chân, thở dốc, con đã dừng lại bên cửa, và quay người lại gọi ba ơi, mặt trăng, chỉ tay lên trời. Hôm đó là ngày rằm tháng giêng, trăng tròn, sáng đẹp. Hai chúng ta cứ đứng thế một lúc thật lâu, im lặng, không biết nói gì. Cuối cùng trước khi quay vào nhà, con đã nói mấy chữ sau đây, chậm rãi: - Thanh you, moon. Cảm ơn mặt trăng. Ta chưa bao giờ nghe ai nói thế cả. Bầu trời tỏ ra hạnh phúc vào lúc ấy, và trăng cũng sáng hơn lên. ( Nguyễn Đức Tùng)

TUYẾT NHẸ NHƯ BÔNG

Con trai!

Hôm chúng ta trở về nhà, sau chuyến nghỉ hè, tuyết bắt đầu rơi. Nhưng chỉ vài hôm sau trời đã ấm, tuyết tan hết, để lộ trên mặt đất đám cỏ mới hôm nào chết khô ngoảnh đi ngoảnh lại mà đã xanh rờn. Hoa thủy tiên đâm chồi. Loài hoa đầu xuân này, nở sớm nhất trong các loại hoa, mang lại mặt trời, sức nóng, lòng yêu đời, và mang lại nhiều sự thật khác, đôi khi bất ngờ.

Năm ngoái ta thuê một người thợ làm vườn. Người thợ ấy mang theo nhiều người khác để làm những công việc nặng nhọc, kéo dài nhiều ngày. Một hôm ông ta bị mất một vật dụng khá đắt tiền, mới vừa mua, ưng ý, đó là một cái cưa máy mới tinh, vì đã để trong vườn qua đêm, do chủ quan sơ ý. Hàng xóm chúng ta trong nhiều năm chưa bao giờ có nhà nào bị mất trộm. Người ấy đã dành rất nhiều thì giờ để tìm kiếm và kết luận là nó bị mất cắp. Cả ta và ông ấy đều đi tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy. Một người hàng xóm tốt bụng nhớ ra ngày hôm trước, chiều gần tối, bà ta nhìn thấy một người đàn ông đi thoáng qua vườn. Đó là người nhặt ve chai trong xóm mà chúng ta biết đã lâu. Hôm sau, ta đứng ngay ở cửa chờ người lượm ve chai đi qua, nhưng anh ta không đến. Nỗi nghi ngờ tăng lên. Vài hôm sau, anh ta lại đến. Ta đã tìm cách dò hỏi, cuộc nói chuyện càng lúc càng trở nên căng thẳng. Anh ta im lặng một lúc rồi trả lời đơn giản, anh không hề bước vào vườn riêng của người nào và lấy của ai một vật gì. Ta đành để anh đi và an ủi người thợ làm vườn, vì không còn cách nào khác. Từ hôm đó người lượm ve chai thỉnh thoảng vẫn ghé lại, rụt rè hơn trước và hai chúng ta không trò chuyện với nhau nữa. Bẵng đi một thời gian thật lâu, không thấy anh ta đâu cả.

Nhiều tháng sau, buổi sáng dậy sớm, khi tuyết vừa tan, ta nhìn thấy ở góc vườn, trong đám cỏ lún phún và những đống gạch đá, chiếc máy cưa nhỏ xinh cầm tay của người thợ làm vườn kia. Nó còn mới tinh, thậm chí màu sơn đỏ còn sáng rực hơn trước vì đã được rửa sạch qua mùa đông. Ta gọi điện thoại cho người chủ đến lấy. Nhiều ngày sau, ta cố ý đợi người lượm ve chai tới nhà để báo tin và nói lời xin lỗi, nhưng anh ta không bao giờ đến nữa.

Sự nghi ngờ hay sự hiểu lầm có thể làm tổn thương người khác và tổn thương chúng ta bằng những cách khác nhau, nhiều khi không lường trước được. Chúng cũng như tuyết, nhẹ như bông, nhưng đủ sức làm mờ thị giác, và chúng rơi thêm mỗi lúc một dày.

Nếu may mắn, con sẽ nhìn thấy được sự thật bị che khuất đã lâu bắt đầu hé lộ ra trong ngày tuyết tan, đôi khi kịp thời, đôi khi quá muộn.

3. MẶT TRĂNG

Chúng ta đi bộ về nhà từ cuộc đi dạo, mải mê đi lạc mất một đoạn đường khá xa. Khi đến nhà, mỏi cả chân, thở dốc, con đã dừng lại bên cửa, và quay người lại gọi ba ơi, mặt trăng, chỉ tay lên trời. Hôm đó là ngày rằm tháng giêng, trăng tròn, sáng đẹp. Hai chúng ta cứ đứng thế một lúc thật lâu, im lặng, không biết nói gì. Cuối cùng trước khi quay vào nhà, con đã nói mấy chữ sau đây, chậm rãi:

- Thanh you, moon. Cảm ơn mặt trăng.

Ta chưa bao giờ nghe ai nói thế cả.

Bầu trời tỏ ra hạnh phúc vào lúc ấy, và trăng cũng sáng hơn lên.

Vì vầng trăng ấy không phải là một vật thể vô tri, mà là hình ảnh của chúng ta, của riêng mỗi người, là sự xúc động, ngôn ngữ. Sự khởi đầu ngôn ngữ ở một người trẻ tuổi bao giờ cũng riêng biệt, cụ thể, kích thích bởi trí tò mò, sự vui mừng hay đau đớn. Những tiếng mà con hay tập nói trong kho từ vựng đầu tiên là các tiếng sau đây: mặt trăng, moon, con gấu, bear, ngôi sao, star, sữa, milk.

Chúng ta có những ngày tuyệt đẹp ở quê nhà. Ngôn ngữ của con cũng được hình thành trong những dịp như thế. Khi lên vài tuổi, con biết nhiều thứ mà ta không biết khi cùng tuổi. Trẻ con bây giờ biết sử dụng máy điện toán và Iphone thành thạo, biết nhiều chức năng của chúng mà ta không biết. Biết cách đứng nhìn qua lỗ khóa khi có người lạ gõ cửa. Biết gọi món ăn khi vào nhà hàng. Vào tuổi của con, ta không biết. Nhưng ta biết những điều khác. Biết trèo lên ngọn cây cao để ngắm một con chim mới sinh ra ngày hôm trước, chưa ra ràng, mặc dù đó là trò chơi nguy hiểm. Biết tự làm một cái móc câu và biết lấy chì từ trong một viên đạn để chuẩn bị cho mùa hè bên bờ sông câu cá, mặc dù đó cũng là một thứ trò chơi đôi khi nguy hiểm, biết để dành những hòn bi ăn được cho đứa em mình. Đôi khi đời sống thật khổ đau, con người quanh ta thật bạo liệt, và chắc chắn con sẽ gặp họ, những người đau khổ ấy và những kẻ giả dối ấy, nhưng chúng ta có nhiều hơn những ngày hạnh phúc, những người bạn và người thân ấm áp quanh ta, và sau này con sẽ nhớ lại điều ấy, như nhớ lại một mặt trăng tròn lặng lẽ chiếu sáng cho con từ quê hương.

4. Ý TƯỞNG BAN MAI

Do công việc, tôi dậy sớm, nhưng mỗi tuần có một ngày tôi dậy sớm hơn cả, không phải vì thời gian sớm hơn nhiều mà vì hôm ấy tôi được quyền ở nhà lâu hơn, làm những việc mà mình thích. Một buổi sáng hoặc nửa buổi sáng của riêng mình, khi những đứa trẻ hoặc chưa thức dậy sau một ngày đầy hoạt động hoặc đã ra đi từ sớm. Sự im lặng của căn nhà có nhiều trẻ con, lúc nào cũng ồn ào, là một thứ qúy báu lạ thường. Trong không khí mờ ảo, mặt trời chưa lên, mặt đất còn mờ hơi sương, hay tuyết vẫn chưa tan, tôi ngồi đó, ly trà bốc khói trước mặt, màn hình ti vi im lặng, cuốn sách để mở. Bao giờ lúc ấy tôi cũng chọn một cuốn sách. Tôi không đọc gì cả. Tôi chỉ nhìn các chữ, như ngắm một người bạn lâu ngày đến chơi. Ngày trước, ở một thành phố khác, miền Đông, tôi có một người bạn thân lâu năm. Cả hai chúng tôi đều độc thân, tôi đi học và anh làm nghề nấu ăn. Anh là người ít nói và là người duy nhất đến nhà tôi mà không cần báo trước. Anh ngồi đó suốt buổi sáng, không làm gì cả, cả hai thỉnh thoảng mới trao đổi vài câu ngắn. Nhưng đó không phải là một hiện diện vô nghĩa. Sự có mặt của anh làm đầy căn phòng. Bây giờ tôi ngồi trước một người bạn như vậy, hoàn tòan im lặng, trên bàn, ngay trước mặt tôi. Một cái bát bằng gỗ. Đó là một cái bát của thiền sư đi khất thực. Một món quà tặng. Chúng ta đã gặp những người nói nhiều, nhưng chính chúng ta cũng nói nhiều, đôi lúc. Những người nói nhiều không lắng nghe người khác. Tệ hơn thế nữa, không quan tâm đến ý kiến của người khác, không để ý đến quyền lợi của người khác. Họ chỉ quan tâm đến chính mình, lập luận của chính mình, cái họ đi tìm không phải là nguyên nhân thực sự đằng sau các vấn đề, là lẽ phải, họ chỉ tìm cách bảo vệ những ý tưởng ban đầu, các thành kiến. Một cái bát là hình ảnh ngược lại. Đó là sự im lặng toàn hảo, sự lắng nghe làm bằng gỗ. Sự tròn đầy, bóng láng, bàn tay của các thiền sư khất thực, đựng ở đó những buổi trưa đúng ngọ, những chén cơm nóng, những chén cơm nguội, rau quả, lá, hoa, mọi thứ thực phẩm trên trần gian mà bạn có thể hình dung được, những bàn tay thiếu nữ, những người nội trợ. Một cái bát ra đời có lẽ không bao lâu sau khi nhân loại ra đời, có trước ngôn ngữ, trọn vẹn, chắc chắn. Ở giữa những đồ vật cao quý, đắt tiền, rực rỡ, một cái bát ăn là vật dụng khiêm tốn, dễ bị bỏ qua. Cho đến khi nó đứng một mình trên bàn, không đựng bất cứ thức ăn nào, trống rỗng, sẵn sàng hứng đầy những thực phẩm thơm ngon trong buổi sáng hôm nay, nếu bạn có nhu cầu ấy. Một bài thơ là một cái bát đựng đầy chữ, các chữ tràn ra ngoài. Một ngày đi qua một cách có ý nghĩa là một cái bát được làm đầy. Một người bạn tử tế là một cái bát trống rỗng, vững chắc, lắng nghe, chờ đợi.

                                                                                   N.Đ.T

. . . . .
Loading the player...