07-05-2022 - 08:29

Chùm Tản văn NẮNG TỪ QUÊ NGOẠI, GIỮA LƯNG CHỪNG THÁNG TƯ của Đinh Tiến Hải và Đào An Duyên

đinh tiến hải

nắng từ quê ngoại

                                                                                                      Tản văn

Nắng, không biết bao nhiêu là nắng. Nắng từ đồi bãi nắng vào, nắng từ thung lũng nắng ra, nắng đậu hiên nhà, nắng rơi bậu cửa, chao ơi là nắng. Nó, một đứa con gái có khuôn mặt hiền từ và thánh thiện, hai bím tóc lí la, lí lắc đung đưa trong gió. Nó có đôi mắt rất đẹp, thu hút ánh nhìn đến kì lạ. Nó yêu nắng, ghét mưa, ghét luôn cả giông bão, những hôm trời mưa mắt nó buồn như hồ thu thăm thẳm. Hồi ngoại tôi còn sống, ngoại vẫn bảo: “ghét của nào trời trao của đó, con gái mà có đôi mắt buồn sau này sẽ khổ cả đời.” Tôi thì chả thấy nó khổ, chỉ thấy nó lúc nào cũng được quan tâm, chiều chuộng. những năm tháng học cấp ba cùng nó tôi biết, đã bao chàng trai chết chìm, chết khổ khi nhìn vào đáy mắt buồn như hồ thu đầy mơ màng sương khói của nó.

Nó chơi thân với tôi từ nhỏ. Nhà nội nó và nhà ngoại tôi cùng ở chung một thị trấn. Cái thị trấn phố núi bé toen hoẻn, chỉ có vài dãy phố bán hàng tạp hóa cho những người nông dân quanh vùng. Hàng hóa trao đổi chủ yếu là nồi niêu, xoong chảo và các đồ dùng phục vụ cho nông nghiệp. Sang hơn có một vài cửa hàng, cửa hiệu bán quần áo cho các thanh niên cuối tuần từ các xã lên. Buổi tối thị trấn buồn tẻ và đơn điệu, vài điệu nhạc xập xình phát ra từ chiếc đài casset của ông chủ quán cơm cũng không làm vui lên được là bao. Vào cuối tuần nghỉ hè năm nào tôi và nó cũng đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng từ thị xã về quê hái vải cho bà. Vải thiều quê tôi ngon nức tiếng, những trái vải đầu mùa được tắm nắng căng tròn, mọng nước, cùi vải dày, giòn và ngọt, hạt thì bé tí teo, vỏ mỏng tang tang như nắng sớm đầu hè. Những đồi bãi chạy dài ngút ngàn đang bắt đầu vào mùa thu hoạch, màu đỏ rực của những trái vải đẹp tựa môi mềm. Vườn nhà ngoại tiếng chim hót líu lo, những làn sương sớm nhẹ bay như khói lam chiều. Xa xa là những con đường vải thiều uốn lượn như một dải lụa màu hồng nằm vắt ngang qua chiều phố núi.

 Sáng sớm tinh mơ nó đã theo bà lên đồi hái vải. Nó lúp xúp chạy theo những vạt đồi đầy nắng, nó thích thú khi nhìn những tia nắng sớm nhảy nhót trên đỉnh đồi, nó giơ bàn tay trắng muốt thon mềm hứng lấy từng tia nắng xiên xiên qua tán lá, nó reo hò cùng nắng, quấn quýt cùng nắng, ú òa cùng nắng. Từng sợi nắng vương lên má, vương lên môi, vương lên những sợi tóc mai của đứa con gái mới lớn. Nắng làm da mặt nó ửng hồng, đẹp như một thiên thần tinh khôi đầy mơ ước. Có lần đang chơi đùa cùng nắng nó nhìn thấy một con tắc kè hoa mà nó ngỡ là rắn, tim nó như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, khi con tắc kè khuất sau tán lá, nó cầm tay tôi đặt lên vồng ngực mới nhu nhú thanh tân và hồn nhiên nói: cậu có thấy tim mình còn đập rất mạnh không? Ôi! cái tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên vô tư lự ấy làm tôi nhớ mãi suốt gần ba mươi năm về sau này. Những kí ức đẹp đẽ, những ước mơ, hoài vọng, những khát khao cháy bỏng của tôi, của nó, của nắng, cứ mãi ngân vang như một bản tình ca êm ả, như chuông gió lanh canh, như mới đây thôi không thể lẫn đâu được, mùi tóc nó còn thơm như nắng từ quê ngoại.

 Ai trong chúng ta rồi cũng có môt cuộc đời, cũng có một mùa thương để nhớ. Tôi vẫn nhớ lời phật dạy “mỗi người đi qua cuộc đời mình đều là Duyên, nếu được ở bên nhau thì đó là Phận”. Tôi, nó và nắng là những người bạn, nó như tiếng đồng vọng ngân dài suốt tuổi thơ tôi. Nó yêu nắng, nắng thích bay nhảy, còn tôi thích nỗi buồn, sự cô đơn tĩnh lặng trên đôi mắt đẹp như hồ thu của nó. Tôi và nó như hai đường thẳng song song, chỉ gặp nhau một thời điểm nào đó trong đời rồi thôi. Nó theo chồng sang trời Âu khi đang học dở năm thứ ba đại học. Sau này qua một vài người bạn, tôi biết cuộc đời nó cũng vô cùng truân chuyên vất vả. Người chồng đầu sau khi đưa nó sang cộng hòa Séc, sinh được một đứa con thì mất vì tai nạn lao động. Người chồng thứ hai sinh cho nó được một đứa con thì cháu bị bại não. Anh ta cũng bị bắt ngay sau đó vì buôn lậu và đưa người vượt biên trái phép sang bờ tây nước Đức. Nó bây giờ buôn bán quần áo trong khu chợ người Việt và tuyệt giao với tất cả bạn bè. Nó muốn trở về quê nhưng bố, mẹ nó cũng đã li hôn cả rồi. Mỗi người đã có một cuộc đời khác, một cuộc sống khác và ít quan tâm đến nó hơn. Bà nội nó cũng đã mất cả chục năm nay, ở quê bây giờ chỉ còn các bác và các cậu mợ nó. Nghe đâu mấy đồi vải của bà nó sau này cũng đã sang tên cho các con và bị bán sạch vì nợ nần, phá sản. Những đồi vải ngày xưa tôi và nó chạy chơi trong chiều giờ đã thuộc về chủ khác. Họ đã xây tường bao bằng gạch xi măng, xa xa là những nếp nhà mới đã mọc lên. Tôi chợt giật mình nhớ lời ngoại nói “…con gái có đôi mắt buồn sau này sẽ khổ cả đời”. Phải chăng tạo hóa luôn trớ trêu với những người đàn bà đẹp, phải chăng cuộc sống cứ thích đùa giỡn với số phận mong manh của những người đàn bà có đôi mắt buồn?.

 Tháng sáu lại về trên quê tôi, quê nó. Nắng trong quá, nắng chảy tràn mặt đường, nắng sóng xoài trên hè phố.Tôi vẫn đi về phía quê nhà mà không có nó, lặng thầm, day dứt, nhớ thương. Chẳng biết bây giờ bên bờ ảo vọng nó có còn yêu nắng như thủa ban đầu? Tôi lang thang lên đồi vắng, từng chùm vải sai trĩu cành trong nắng mới. Vải quê mình đã chín rụng bờ ao mà người thì xa khuất nẻo chân trời, chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Lê Đạt “Vườn chợt thức một màu hoa đi vắng / em vẫn đây mà em ở đâu?” Em ở đâu? ở đâu? Nắng không trả lời, nắng chảy tràn trong tôi. Nắng từ quê ngoại nắng về.

                    Đ.T.H

 

 

đÀO AN DUYÊN

LƯNG CHỪNG THÁNG TƯ...

                                      Tản văn

Mấy hôm nay thời tiết đỏng đảnh như cô gái mới lớn, thoắt vui thoắt buồn, hây hẩy đẹp xinh, nhưng cũng cong vênh khó chịu... Đang nắng nóng hầm hập như thể còn bao nhiêu nắng trời đem trút hết xuống, loáng cái lại nghe lành lạnh tựa chớm đông. Mỗi ngày bốn mùa, rõ rệt như có thể mân mê được trong tay. Lưng chừng tháng tư, lòng chợt mang mang trở mùa...

Tháng tư, tháng của Mùa xuân đại thắng, đất nước ca khúc khải hoàn, non sông nối liền một dải. Bao người nhắc lại chuyện hơn bốn mươi năm trước mà nước mắt còn rưng rưng, giọng kể còn nghẹn ngào. Cha mân mê bộ quân phục cũ đã bạc màu thời gian và những tấm huân, huy chương thắm đỏ trên ngực áo. Ấy là cha chuẩn bị cho cuộc gặp mặt những đồng đội cũ một thời vào sinh ra tử. Những ngày tháng tư này trông cha lạ hẳn, đứng ngồi chẳng yên một chỗ, đi ra đi vào như có ý ngóng chờ ai. Người già, lại đã già đi bằng chiến tranh lửa đạn, chẳng đêm nào cha tròn giấc ngủ khi kí ức luôn chập chờn trong cái đầu của người già. Năm nào cha cũng chỉ đợi chờ đến ngày được khoác lên mình bộ quân phục cũ, nghiêm trang và cẩn trọng, cha vuốt từng nếp áo quần thật phẳng phiu, chỉnh sửa mãi vị trí những huân huy chương cho ngay ngắn, và hình như trông cha trẻ hẳn lại.

Tháng tư, rong ruổi cùng mẹ ở một nghĩa trang xa xôi ngập tràn nắng gió, với hy vọng mong manh là tìm được cho mẹ người anh đã nằm lại một nơi nào đó ở bạt ngàn những nghĩa trang trên đất nước này. Hễ nghe phong thanh một thông tin gì đó, mẹ lại hối hả thúc giục tôi thu xếp công việc để cùng mẹ lên đường, dẫu chỉ có một tia hy vọng rất mong manh. Những nghĩa trang tháng tư cũng ấm lên trong nắng giao mùa, và ấm lên bởi tấm lòng các thế hệ con cháu lui tới tri ân. Đồng đội cũ gặp lại, người còn sống khóc thương người nằm xuống; người lành lặn xót người mất mát thương đau, thân thể nào cũng là máu thịt mẹ cha sinh ra. Những bàn tay đồi mồi nhăn nheo nắm chặt nhau, có bàn tay xoa mãi vào mẩu xương ngắn củn còn lại trên cánh tay đồng đội thuở nào. Người thương binh già ôm đàn hát cho đồng đội nằm dưới mộ bài ca một thuở, trong lời bài hát có tuổi hai mươi trai trẻ, có nụ hôn đầu đời run rẩy ngọt ngào, có ánh mắt thẳm ánh sao đêm hẹn ngày trở về của người bạn gái, có đại ngàn thâm sâu giữ trọn tuổi thanh xuân, cả những trận sốt rét rừng và những ngày hành quân mà đường ra trận rợp sắc tím hoa sim… Ừ nhỉ, khốc liệt thế, thương đau thế, nhưng mỗi bước hành quân còn thơm ngát hương rừng, đẹp đẽ và lãng mạn đến thế. Mất mát và thương đau thế, để hôm nay, hoa vẫn nở thơm lành trên mọi nẻo quê hương.

Tháng tư, mùa xuân dùng dằng như chưa muốn rời đi hẳn. Mùa xuân gửi gắm vào bao loài hoa gọi về những xúc cảm và kỉ niệm. Loa kèn trắng tinh khôi, hương dìu dịu những góc phố thân thuộc và yên bình. Hoa đỗ mai phơn phớt những nẻo đường ngoại ô thân quen tươi tắn. Hoa điệp vàng đung đưa nhuộm nắng thêm giòn, gợi nhớ câu hát một thuở hoa niên. Bằng lăng cũng bắt đầu lác đác tím sau cơn mưa đầu mùa mát lịm, cái sắc tím nhạt nôn nao thuở học trò vụng dại len lén trao nhau lá thư tay... Vài bông quỳ sót lại cuối mùa, nở trong hoang hoải cô đơn nhọc nhằn, như cố níu lại khoảnh khắc rực rỡ tưng bừng. Hoa gạo vẫn lác đác đỏ bên trời, như tô thêm màu cho nắng, như gọi mời những đàn chim ríu rít về vui những sớm cuối xuân. Những cánh phượng đầu tiên cũng bắt đầu hé mắt gợi nhắc mùa chia tay những khoảnh khắc dấu yêu của tuổi học trò... Tầm tháng nữa đám trò nhỏ sẽ chia tay trường lớp, có những đứa sẽ rời hẳn tuổi học trò bao nhiêu kỉ niệm để bước vào một cuộc sống khác. Giờ không thấy học trò ghi lưu bút như xưa nữa, cũng phải, giờ là thời công nghệ số, thời facebook, zalo, mọi thứ cứ cuốn con người đi với một tốc độ chóng mặt. Không biết mình có phải kẻ lẩn thẩn không khi cứ mãi hoài niệm về những gì đã qua, dù biết ngày đã qua không bao giờ trở lại. Chợt lòng mưng mưng thương một cánh bướm ép bằng đóa hoa phượng đã khô và ngả màu trong trang lưu bút cũ, thương lá thư tay nét chữ học trò vụng dại thuở nào, thương bức kí họa chì đen một dòng tóc vờn bay trong gió chiều và bờ môi hiền dịu, thương tháng tư lâu lắm đã trôi như một vệt mờ qua ngày tháng bận bịu áo cơm…

Người ta có cần ký ức không? Có chứ! Để mà chậm lại một chút với tháng ngày, để lúc nếu chẳng may không còn trí nhớ, thì ký ức vẫn đấy, tràn đầy lòng biết ơn. Biết ơn vì xung quanh còn có đủ cả những thương yêu lẫn nhọc nhằn dìu ta đi qua những vui buồn năm tháng cuộc đời...

Lưng chừng tháng tư, lòng bề bộn, phố vẫn điềm nhiên trôi trong thảng thốt nắng chiều. Nhớ đóa bằng lăng rơi trong cơn mưa cuối ngày đã muộn, nhớ dòng tóc rối, đóa môi ngoan, những ngón gầy đan vào đêm se lạnh đèn vàng... Những con đường muôn nẻo, dù đi đâu rồi cũng đổ về góc nhớ, cội nguồn của mọi xúc cảm dấu yêu...

                                                                                                      Đ.A.D

Nắng từ quê ngoại ( Ảnh Lê Long) 

. . . . .
Loading the player...