04-05-2022 - 09:20

Chùm tác phẩm dành cho các em

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm dành cho các em đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 4/2022.

 

Xuân hồng

 

 

Mưa về một thoáng

Xuân hồng giăng tơ

Mùa về qua phố

Cho lòng ai mơ...

 

Nắng không là nắng

Mưa không là mưa

Gió như không gió

Xuân qua bao giờ...

 

Thời gian như lá

Ươm mầm non tơ

Lòng như sương sớm

Trong veo... ai chờ...

 

Những con đường

 

 

       Bà em gánh mạ ra đồng

Mồ hôi chan nắng con đường nghiêng nghiêng

       Ông em băng dãy Trường Sơn

Gian nan một thuở con đường chiến chinh

 

       Quê hương nay đã thanh bình

Mướt xanh trên những con đường em qua

       Bằng lăng tím ngát giấc trưa

Phượng hồng gọi những cơn mưa tuổi hồng

 

       Giấc mơ bảy sắc cầu vồng

Tiếng cô giáo giảng ấm nồng yêu thương

       Sáng xuân trĩu nặng màn sương

Thành Sen sức sống đầy căng vươn mình

 

       Em đi qua những con đường

Trong veo mơ ước quê hương đẹp giàu

(Nguyễn Thảo Chi - Lớp 7C Trường THCS Đại Nài, Tp Hà Tĩnh - Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XIII)

 

PHẠM THỊ THANH HOA

 

XE ĐẠP

                                  

Tôi vốn con út nên được cha chiều từ nhỏ, đi đâu cha cũng mang tôi theo. Thú vị nhất là những lần cha cho tôi đi ăn giỗ. Cha đèo tôi bằng chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kĩ, tróc gần hết sơn, chiếc gác ba ga màu nâu xỉn của sắt rỉ được lót thêm lớp vải cột bằng chiếc dây cao su cắt từ những chiếc săm hỏng. Cái cảm giác ngồi phía sau chiếc xe đạp ấy, lốp có chỗ ràng bằng cao su lâu lâu lại nhảy chồm chồm lên, xóc muốn bật người ra khỏi xe thật khó quên.

Cha xuất ngũ sau mười bốn năm chiến đấu ở chiến trường Lào, gia tài của một cựu binh đem về cho mẹ là một chiếc đồng hồ và một chiếc xe đạp Thống Nhất. Mẹ nói, cha về vì bà nội khó khăn quá, cha đã bán chiếc đồng hồ để lo cho các em. Còn lại chiếc xe đạp Thống Nhất, mẹ không cho bán vì đó vừa là phương tiện cần nhất vừa là kỉ niệm đời lính của cha.

Cha mẹ tôi sinh được bốn chị em tôi. Tôi chỉ có một anh trai. Mẹ tôi thật sáng suốt khi giữ lại chiếc xe đạp ấy. Ba anh chị tôi tập xe đạp rất sớm, bởi biết đi xe đạp là đi được xa mà không mỏi chân, lại không bẩn chân nữa. Đó cũng là phần thưởng thi đua cho ai chiến thắng trong các cuộc thi đua lao động của chị em tôi. Mẹ thường đưa ra các tiêu chí thi đua cho mỗi công việc. Hôm thì mẹ bảo:

- Hôm nay đứa nào ngắt được một thúng lạc thì được đi xe đạp chiều nay!

Khi thì mẹ lại đề ra:

- Chiều nay một gánh cỏ nhé!

Thế là ba chị em gắng sức, trừ tôi, vì tôi còn nhỏ quá. Chiếc xe đạp Thống Nhất là xe nam, có khung ngang, yên khá cao. Nên nếu nhỏ mà muốn đi chỉ có cách kẹp nách vào khung, tay ôm chặt khung, tay kia điều khiển tay lái, chân thò sang bên kia, mông chìa qua bên này cứ thế mà đi. Chưa kể bàn đạp chiếc xe còn bị mất gờ, tuột bàn đạp ra còn mỗi đinh hình trụ ở giữa, trơn tuột, không may trật chân xuống thì đinh kia chọc luôn vào cẳng chân, đau không gì diễn tả nổi. Vậy mà cũng đi được xe đạp! Tuổi thơ chúng tôi lớn lên vui buồn bên chiếc xe ấy. Cũng vì tập xe đạp, đi xe kiểu đặc biệt ấy mà anh trai tôi ngã xuống mương cạn gần nhà gãy tay. Đó cũng là lí do cha mẹ không cho tôi tập xe khi nhỏ quá. Rồi những lần lụt vào nhà. Cả nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe, cha dùng những dây thừng hoặc dây mây gác bếp chuẩn bị sẵn, treo chiếc xe đạp lên gần gầm chạn. Nước rút hết, nhà chưa khô cha cũng không cho hạ xe xuống vì cha sợ hư lốp, rỉ khung.

Rồi anh chị tôi đi học xa. Chị và anh đều học các trường cao đẳng sư phạm. Còn tôi với chị gái gần tuổi học phổ thông. Chiếc xe đạp Thống Nhất theo thời gian hư hao. Khi thì chắn bùn bung hết, gãy ngang gãy dọc, khi thì thanh cố định gác ba ga rỉ mòn, nhỏ còn bằng nửa chiếc đũa, phanh xe mất tác dụng… Cha cố sửa. Nhưng bộ phận loại xe ấy ai còn bán nữa? Cha vá víu đủ kiểu. Cái dè hư thì ông dùng dây thép buộc lại, xích hư thì ông thay, đinh vít nào ko dùng được thì ông mài thanh sắt ra. Tôi vài lần đứng nhìn cha mày mò tìm kiếm các phụ tùng hư cũ trong cái thùng gỗ đựng đạn ngày xưa, bảo:

- Thôi cha ạ, cha có sửa bọn con cũng không đi đâu, chi bằng mua cái khác đi

Cha ngẩng lên bực dọc nhìn tôi:

- Lấy tiền đâu mua xe? Con tưởng dễ lắm à?

- Thì mua xe cũ!

- Xe cũ không phải tiền sao? Với lại, cha muốn giữ chiếc xe này

Cha nói xong lại lúi húi sửa không thèm nói với tôi nữa. Nhưng rồi chúng tôi vẫn quyết không đi học bằng chiếc xe ấy. Cực chẳng đã, cha mua thêm chiếc xe Phượng Hoàng cũ cho chị em tôi đèo nhau đi học. Đó là cả một nỗi niềm vui vô bờ bến của hai chị em. Ngày cha đưa chiếc xe về, chị em tôi há hốc mồm ngạc nhiên, lại ngắm nghía, sờ mó chiếc xe đẹp. Chiếc xe Phượng Hoàng là xe nữ nên khung không có thanh chắn ngang phía trên, dễ đi, màu sơn xanh nước biển tuy có tróc ít chỗ, hộp xích tuy có móp méo, rách 1 chỗ nhưng vẫn đẹp. Hay ít ra với chị em tôi, nó còn rất đẹp. Dựng bên chiếc xe Phượng Hoàng thân màu xanh, ghi đông màu trắng, phanh, chuông còn ngon lành, chiếc xe đạp Thống Nhất trở nên xấu xí, thấp bé, thâm xỉn. Chị khều tôi:

- Ê mày, xe này cao hợp với chị đây. Chắc cha mua cho chị đấy! Mày đi xe kia đi

Tôi trề môi, liếc xéo:

- Aiii bảo? Cha nói mua cho hai chị em nhé!

- Nhưng mày đi sao được chiếc xe cao này?

- Đi được hết- Tôi quả quyết

Chị em tôi, không ai bảo ai đều không muốn đi chiếc xe Thống Nhất nữa. Chiếc xe ra rìa một cách thảm hại. Nó dựa thân vào tấm phên đan bằng tre, im lìm như ở đó đã hàng thế kỉ. Phía trên cột gỗ gần nó, hai tấm bằng khen Huân chương kháng chiến hạng nhì và Huân chương Lao động của cha cũng cũ kĩ như nó, loang loáng bóng kính đã ố vàng như đang soi ngắm nó bằng sự đồng cảm.

Gia đình tôi hồi đó đào ao nuôi cá. Đến mùa mưa lũ là phải bắt hết nếu không lũ tràn vào cá đi hết. Nhiệm vụ bán cá được giao cho chị em tôi. Những con cá trắm, cá mè to tướng chen chúc, giãy dụa nằm trong chiếc chậu và xô lõng bõng nước. Chúng tôi phải chở xô cá, chậu cá ấy lên chợ cách 7km để bán. Chị tôi bảo:

- Mày đi xe nam đi nhé!

Tôi giãy nảy lên:

- Không được, em thấp khó lên xe đó lắm

- Nhưng xe ấy không chở nặng được nữa, gác ba ga gần gãy rồi. Hay mày chở cá đi, tao đi xe nam cho. Tao đi một mình cho sướng, khỏi nước té hôi tanh.

- Em chở sao được?

- Vậy chứ mày muốn thế nào?

Tôi nhăn mặt:

- Hay mình chị đi chợ đi?

Chị hứ lên:

- Mày nói thế mà cũng nói. Mình tao đi rồi bán sao kịp? Rồi lỡ dọc đường cá nhảy ra thì sao? Ai giữ xe, giữ đồ cho tao?

Tôi chán nản đành gật đầu đi xe kia. Cái khổ nhất là mỗi lần xuống dốc, phanh ko ăn nữa, phải hạ chân xuống dẫm từng bước lớn xuống đường phanh đỡ, nhưng cái khung chắn ngang làm tôi khó khăn vô cùng khi thả chân nên nhiều khi xuống dốc là dắt xe đi bộ. Chiếc xe Thống Nhất dần mất hẳn cái cảm tình lâu nay của tôi. Hôm nào xe Phượng Hoàng hỏng là chị em tôi đi bộ hai cây số đi học, nhất quyết không đi xe cũ kia nữa.

Đã gần hai mươi năm trôi qua, chúng tôi đã ra trường đi làm. Cha mẹ cũng đã già. Mắt cha không nhìn thấy bao nhiêu nữa. Ông đã gấp cất những tấm bằng khen trên cột nhà vì để lâu trên kia gián chui vô gặm nhấm mất cả góc, nhưng chiếc xe Thống Nhất thì vẫn còn đó. Cha không sửa nữa. Đúng hơn là không sửa được nữa. Chiếc xe được nép vào sát bờ tường sau nhà kho, rỉ sét hoàn toàn, nâu xỉn, chiếc yên xe cứng ngắc, bụi bặm. Có lần tôi quét dọn, kêu:

- Sao cha không bán đồng nát đi, để chi cho chật kho, nhện chăng đầy.

Cha ậm ừ qua chuyện:

- Ừ, rồi cũng bán, giữ mần chi

Mẹ đi ra nghe được, nói chen vô:

- Bán sao được mà bán? Kỉ vật thì để đó làm kỉ niệm chứ!

Cha cười, hàm răng còn mấy chiếc, ngước mắt nhìn mẹ hiền lành:

- Bà đã hay! Thân tôi và bà còn chưa biết ra đi buổi nào thì giữ kỉ niệm để làm gì?

- Kệ chứ. Tôi không bán!

Nói rồi mẹ quay gót vào nhà. Tôi đứng cười. Quay cổ nhìn chiếc xe. Ừ nhỉ, kỉ niệm dẫu có hư hao thì vẫn là kỉ niệm. Nhưng rồi lại chợt nghĩ, mười bốn năm ở rừng Trường Sơn, trong kí ức cha sao mà dễ quên thế được? Một chiếc xe đạp có nghĩa lí gì đâu? Nhưng thôi, đó hẳn là một câu chuyện của riêng hai người từ thuở chưa có chị em tôi. Xe đạp không hẳn, không chỉ là xe đạp. Đó là hồi ức, là kỉ niệm của đời người!

                                                                                                    P.T.T.H  

 

. . . . .
Loading the player...