19-11-2020 - 19:49

Chùm cổ tích mới của Lê Quốc Hán

cHÙM CỔ TÍCH MỚI CỦA LÊ QUỐC HÁN

SỰ TÍCH HOA SEN

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Ngày xửa ngày xưa làng tôi có một cô bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chẳng có anh chị em hay bà con họ hàng thân thích. Người làng không ai biết họ tên cô, chỉ thấy cô đi ở giúp việc hết nhà này nhà khác nên dân làng gọi cô là con Sen.

Trong làng có lão địa chủ vừa giàu vừa tham lam vừa xảo quyệt. Ruộng nhà lão thẳng cánh cò bay, trâu bò gia súc từng bầy từng đàn đếm không xuể, phải thuê tá điền nuôi bớt. Nhà lão có một cái hồ rất rộng, thả đủ các loại cá: nào cá chép cá mè, nào cá rô cá diếc. Hàng năm vào giữa tháng chạp, lão sai người ở nấu mấy nồi bánh chưng rất to. Lão chọn thứ nếp Xứ Voi thơm lựng, chỉ quê tôi mới có. Bánh nấu trong bếp nhà lão mùi thơm bay khắp làng, ai cũng thèm. Lão sai mổ con lợn béo nhất, chọn thứ đậu xanh bùi nhất làm nhân. Ăn một miếng bánh chưng đó suốt đời khó quên. Nấu xong lão sai gia nhân ném bánh xuống hồ. Dưới môi trường yếm khí, bánh chưng cả tháng không “thiu”, cũng không “lại nếp”, ngon còn hơn mới nấu. Cuối tháng chạp, lão gọi tá điền đến nhận bánh, cứ mỗi con trâu hay con bò được một chiếc bánh chưng, nếu năm ấy con nào đẻ thêm nghé (trâu con) hay me (bò con) thì được thưởng thêm một cặp bánh nữa. Dân làng tôi thật thà, cứ sự thật khai ra để nhận bánh. Lão sai người nhà ghi vào sổ. Thành ra lão không mất tý lông trâu lông bò nào.

Lão có ba người vợ. Mụ nào cũng phây phây, béo núc na núc ních. Thế mà lão chưa đã thèm, hễ thấy cô nào trong làng xinh xinh là cặp mắt lươn ti hí của lão sáng lên, đôi môi chép chép trông đến ghét. Bởi vậy vừa thấy lão xuất hiện ai cũng tìm cách tránh lão thật xa như tránh người bị bệnh hủi.

Không may năm cô bé mười ba tuổi, cả làng mất mùa không ai thuê nổi cô. Mặc dầu rất sợ, cô vẫn phải đi ở với lão địa chủ. Công việc tuy vất vả, mặt mũi lấm lem, nhưng ở tuổi dậy thì, cô cứ lớn như thổi. Công bằng mà nói, lão tuy bóc lột sức lực nhưng không đến nỗi keo kiệt đối với cái ăn cái mặc của người ở. Càng ngày cô bé càng phổng phao, xinh xắn. Cặp chũm cau hai bên ngực lớn dần. Đôi môi chín mọng như quả cà chua, đôi má đỏ ửng như bếp than hồng. Mái tóc dài bết gót, vừa cắt ngắn xong đã dài ra. Đêm đêm, sau một ngày làm lụng vất vả, cô thường ra ao tắm rửa. Bên bờ ao có một cây si rất to có thể che khuất người. Nhà lão không có nhà tắm riêng, tắm ở giếng cô sợ người ta nhìn thấy. Nhưng tất cả không qua được cặp mắt ti hí của lão chủ.

Năm mười sáu, cô đẹp như tiên nữ giáng trần. Sợ quá, ban ngày cô thường lấy bùn trong ao trát lên mặt mũi mình cho lấm lem. Dẫu vậy, mỗi khi thấy mặt mình in dưới giếng nước hay hồ ao lúc lặng sóng, cô bất giác rùng mình linh cảm thấy một tai họa sắp ập đến trên đầu. Đêm đó, trăng tròn vành vạnh, cô ngồi bên gốc cây si thẫn thờ nhìn lên bầu trời. Cô thấy đời mình sao cô đơn quá đỗi, đến như Chị Hằng còn có Chú Cuội làm bạn, còn cô…Nghĩ đến đó hai hàng nước mắt tuôn rơi. Cô định bỏ về nhà không tắm nữa, nhưng nghĩ thế nào cô quay lại trút bỏ xiêm áo xuống tắm. Bỗng đâu lão địa chủ cởi trần trùng trục, lao xuống ôm riết lấy cô. Cô vùng vẫy thoát ra, lão vẫn không buông tha. Quần nhau một lúc, lão không làm được gì bèn đạp cô ra xa. Vừa đói vừa mệt, cô chìm dần chìm dần. Đến giữa ao thì tắt thở. Lão địa chủ sợ quá bỏ chạy vào nhà.

Sáng hôm sau, giữa hồ mọc lên một cây hoa. Thân cây dài và nhỏ, đung đưa trong gió. Trên thân có gai nhọn như không muốn ai động vào. Tán lá xanh và rộng. Nụ hoa hồng như chũm cau mới nhú, khi nở ra cánh chuyển màu trắng như tâm hồn trinh bạch của cô. Nhị hoa vàng thơm ngát như vầng trăng đêm qua rơi xuống che chở tấm thân ngọc ngà. Trong thân cây có những sợi tơ khá dai, như ý chí quật cường của cô chống lại cái ác, cái thú tính của lão nhà giàu đê tiện. Để tưởng nhớ cô, dân làng gọi là Hoa sen. Và họ truyền cho con cháu tấm gương trinh liệt của cô qua bài ca dao tuyệt hay: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

 

    SỰ TÍCH CÂY BẠCH ĐÀN  

 

Tiếng đàn bầu của ta

cung thanh là tiếng mẹ

cung trầm là giọng cha

                              Lời một bài hát

Ngày xửa ngày xưa ở làng tôi có một cậu bé họ Bạch tên Đàn. Mồ côi cha sớm, bà mẹ vì thương khóc chồng nhiều nên hai mắt bị mù. Lên bảy tuổi cậu đã phải đi ở chăn trâu cắt cỏ cho một lão địa chủ giàu có nhưng nổi tiếng keo kiệt nhất trong làng. Mỗi lần thả trâu lên đồi ăn cỏ, cậu bé tranh thủ nhặt củi khô về làm chất đốt cho mẹ. Một lần lão địa chủ trông thấy, đánh cậu nhừ đòn, mẹ phải dùng lá rừng xoa bóp và nấu nước xông mấy ngày sau mới khỏi.

Gần nhà cậu có một lão ăn mày đã mù lại còn què. Người ta nói rằng những người mù thẩm âm tinh lắm. Lão hát rất hay và đàn rất giỏi. Không biết chữ mà bài hát nào cũng thuộc, tích nào cũng tường, nhạc cụ nào cũng tinh thông. Ban ngày lão lết đến các chợ, vừa đàn vừa hát. Ai bố thí gì cũng lấy. Thôi thì người ta hành lão đủ kiểu. Khi bắt lão hát sắc bùa ví dặm, khi bắt lão hát quan họ trống cơm, chầu văn, tuồng, chèo, cải lương, hò Thanh, hò Huế…tùy quê hương bản xứ người nghe. Mà thù lao chỉ mấy đồng tiền kẽm. Cũng có người cho một tấm bánh, vài quả ổi quả chuối, thứ hàng ế không bán được. Mỗi lần ai cho gì lão cũng chỉ hai tiếng: cám ơn. Đêm đến, lão lại đem chiếc đàn bầu ra gảy. Tiếng đàn ai oán, buồn thảm não lòng cả trời xanh. Lão địa chủ có người vợ yêu mất sớm, để lại mụn con gái. Quá yêu vợ lão vẫn tạm ở vậy. Nghe tiếng đàn lão cũng không ngủ được, sang quát tháo ầm ĩ, nhưng tiếng đàn vẫn ảo não cất lên, ngỡ như chủ của chúng không nghe gì.

Cậu bé thương lão ăn mày mù lắm. Mỗi mùa sim móc hay “sùng mòi” chín, cậu hái được thu vào vạt áo thường san cho lão một nửa. Đào được củ khoai mài, sắn dây, cậu nhờ mẹ luộc rồi chọn củ nào to nhất, bùi nhất đem sang cho lão. Lão ăn mày động lòng, muốn dạy cậu hát. Lúc đầu cậu chẳng bụng dạ nào học đàn, học hát vì cho rằng thứ ấy không nuôi sống được mình. Không ngờ lên mười ba, mỗi lần nghe tiếng đàn bầu của lão ăn mày cất lên, cậu thấy lòng xốn xao, mơ hồ cảm thấy nhớ nhung một điều gì. Cậu tỉ tê với lão nhạc sĩ mù và lão vui lòng truyền hết mọi ngón nghề cho cậu. Hóa ra, nghề chơi nào cũng lắm công phu. Cậu dày công khổ luyện, mãi cũng nắm được các làn điệu dân ca tích tuồng, chơi thành thạo các nhạc cụ, nhưng say nhất vẫn là chơi đàn bầu.

Lão địa chủ chỉ độc có một cô con gái, họ Dương tên Liễu. Chẳng biết có phải cái tên vận vào hay không mà cô giống như cây dương liễu trước lều cậu. Dáng yểu điệu thướt tha như cành liễu. Lông mày cô mảnh và xanh như lá liễu. Mỗi khi buồn nhớ mẹ cô lại khóc. Hai hàng nước mắt chảy xuống như hai hàng liễu rủ. Năm cô mười ba cậu bước sang mười sáu. Tiếng đàn bầu của cậu đã đến độ tuyệt đỉnh, đến nỗi lão ăn mày - nhạc sĩ mù cũng ngây người lắng nghe. Rồi mọi người trong làng cũng mê tiếng đàn bầu của cậu. Đêm đến, sau một ngày lao động mệt nhọc, họ lại tụ họp xung quanh túp lều tranh của mẹ con cậu để nghe cậu đàn, và cùng nhau nhảy múa ca hát cho khuây khỏa. Cô gái cũng lén lút sang nghe, nhưng chỉ đứng từ xa vì sợ cha mắng. Rồi cô cũng mê tiếng đàn bầu của cậu, cả ngày ngẩn ngẩn ngơ ngơ, làm việc chi cũng lóng nga lóng ngóng. Cơm tối xong chạy vụt sang cây liễu gần lều cậu nghe bằng được tiếng đàn thánh thót cất lên. Sao qua được cặp mắt cú vọ của lão địa chủ. Không chỉ cấm cô sang nghe, lão còn đuổi việc cậu bé. Không tấc đất, không ai thuê (cả làng sợ lão địa chủ), cậu phải lên rừng hái củi sang các làng bên bán kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi mình. Vì sầu não, nhớ chồng, thương mình thương con, mẹ cậu sinh bệnh rồi mất. Sau lần đưa tang mẹ về, tiếng đàn cậu càng ảo não thống thiết hơn. Rồi lão nhạc sĩ mù qua đời. Còn lại một mình cô đơn trong túp lều tranh quạnh vắng. Cậu cầm cây đàn lang thang khắp đó đây, trở lại kiếp ăn mày của người sư phụ năm xưa.

Một lần về làng, cậu thấy một đám cưới rầm rộ. Cô dâu ngồi trong kiệu hoa lộng lẫy, chú rể cưỡi trên con ngựa trắng ra chiều đắc ý. Hỏi ra mới biết cô gái con nhà địa chủ đã đồng ý lên xe hoa với một gã con quan làng bên cạnh. Ba ngày sau, chứng kiến đôi tân hôn trở về “lại quả” bên nhà vợ, có vẻ hợp lòng hợp ý lắm, nói nói cười cười vang cả xóm. Đêm ấy, buồn quá cậu ra gốc dương liễu đưa đàn ra gảy, vừa gảy vừa hát đến tận khuya. Tiếng đàn vang lên trong không gian vô cùng giữa một thời gian vô tận. Sáng hôm sau, dân làng thấy cậu đã hóa thành một cây to bên cạnh cây dương liễu. Nó cũng giống cây dương liễu nhưng thân cây vạm vỡ to lớn hơn, lá cũng dày và lớn hơn. Mỗi khi có cơn gió thổi qua làm rung rinh cành liễu, nó lại cất lên những âm thanh thao thiết ảo não như tiếng đàn bầu của cậu bé năm xưa. Dân làng đặt tên cho nó là cây Bạch đàn.

Khi tôi còn nhỏ, hàng năm mỗi mùa xuân về, hưởng ứng tết trồng cây, cả làng lại đua nhau lên ngọn đồi trước mặt trồng bạch đàn, phi lao. Gần đây người ta bảo trồng bạch đàn không kinh tế, gỗ nó tạp chẳng làm được việc gì ngoài làm chất đốt nên đốn hết. Tôi là người i tờ về giá trị các loại gỗ và dụng cụ âm nhạc, chỉ nghe nói gỗ bạch đàn cưa ra, chế biến thành gỗ dán rồi làm bầu đàn thì âm thanh của đàn vút lên trong trẻo hơn những loại gỗ khác.

L.Q.H


. . . . .
Loading the player...