18-07-2019 - 10:46

Chiếu cói Nam Sơn – Nhớ về một làng nghề truyền thống giờ đã mai một

Chẳng ai còn nhớ nghề làm chiếu cói Nam Sơn có từ bao giờ nữa. Chỉ biết từ hồi dì tôi theo dượng về làm dâu vùng này, cả một làng từ người già đến trẻ con, ai ai cũng xắn tay lên mà làm chiếu cói. Thời gian mới đó thấm thoát cũng đã gần 30 năm trôi qua.

     Cũng không yêu cầu quá nhiều công đoạn trong quy trình dệt chiếu. Tuy nhiên, làm sao để cho ra một manh chiếu vừa dày lại vừa đẹp thì thật tình không phải chuyện dễ, dù với những người từng có kinh nghiệm làm chiếu lâu năm như dì dượng tôi.

     Hết đợt này lại đi tiếp đợt khác, cứ mỗi lần dệt như thế, vợ chồng dì đều phải vượt qua quãng đường hơn 20 cây số, vào mãi tận vùng Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để thu hoạch lác đem về dệt chiếu. Ở quê tôi, loài lác này có mặt ở khắp, xen lẫn giữa những vựa lúa xanh rì người ta thấy trải dài những cánh đồng lác mênh mông chẳng kém. Thế nhưng dượng tôi bảo, đây là loại cây thích nghi tốt hơn với vùng nước mặn, nước lợ. Vùng trong ấy hợp thổ nhưỡng, cây sẽ sinh trưởng tốt hơn, thân mọc cao hơn, xanh hơn, đều hơn,…thu hoạch sẽ nhiều hơn và dệt cũng sẽ đẹp hơn. Theo như tôi quan sát thì đúng là thế thật.

     Mỗi lần thu hoạch như thế thường kéo dài từ 2-3 ngày. Vì đường xá xa xôi, vợ chồng dì đều phải căng lều dựng bạt trên triền đê gần đấy. Đêm làm, ngày phơi. Nửa đêm vừa chợp mắt được một tí thì 2-3 giờ sáng dì dượng đã phải gọi nhau dậy gặt lác, tranh thủ lúc mặt trời chưa lên cao, nắng chưa chói cháng. 

Chiếu cói Nam Sơn (Ảnh: Trần Mơ)

     Thu hoạch lác thường vào mùa hạ. Lác sau khi gặt xong đem về chẻ đôi sau đó phơi thật khô. Cây lác tươi có khi hái đến cả tạ nhưng phơi khô chỉ vỏn vẹn gần 3 bó, mỗi bó to chừng một ôm tay người lớn. Thế mới biết vất vả của nghề làm chiếu chẳng thua kém bất kì nghề gì.

     Dượng tâm sự, ngày trước một ngày có khi vợ chồng dì dượng dệt tay đến hàng chục chiếc nhưng không đến nỗi vất vả như bây giờ. Làng Nam Sơn từng biết đến là làng dệt chiếu cói truyền thống, nức tiếng gần xa. Trong kí ức những bà con ở đây, thời ấy cứ dăm ba bữa lại có một xe tải lớn đến nhập lác, một xe khác lại chuyên thu mua chiếu cói vận chuyển đi bán cho những vùng khác. Quang cảnh buôn bán diễn ra hết sức sôi nổi, có những ngày cả làng hơn 500 chiếu đem ra bán tập trung mà thoáng một tí đã hết sạch. Giờ đây, người làm chiếu chủ yếu tự mình đi thu hoạch chứ không thu mua lác như xưa nữa. Sở dĩ như vậy là bởi vì lâu lâu mới có người đặt làm chiếu cói và mỗi lần như thế số lượng cũng rất ít. 

     Thế hệ tôi có lẽ không mấy người còn có thói quen nằm chiếu cói như xưa nữa. Manh chiếu mộc mạc, giản dị, chứa đựng hồn quê và hương vị đất trời xưa kia ấy, giờ đây dần thay thế bởi những loại chiếu với đầy đủ hoa văn và họa tiết mát mắt, tiện ích đôi khi hơn hẳn manh chiếu cói khi xưa. Dẫu biết là như vậy nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần về quê, nhìn chiếc chiếu đơn sơ trải trên tấm phản giữa nhà bao nhiêu năm vẫn vẹn nguyên như thế, phút chốc trong tôi thấy nhớ nhớ thương thương một điều gì đó vô hình – một điều gì đó mà tôi chẳng thể diễn đạt thành lời.


Lê Thị Thanh Hiền

. . . . .
Loading the player...