20-06-2020 - 10:40

Cặp nghệ nhân “hát hay - cày giỏi”

Nói về hát hay thì cả cái tỉnh Nghệ Tĩnh, ai ai cũng biết tên tuổi của cặp nghệ nhân ưu tú Thanh Minh - Thế Nhuần qua nhiều chương trình biểu diễn tại các liên hoan, hội thi, hội diễn và các chương trình phát sóng trên Đài Phát thanh & Truyền hình Trung ương và hai tỉnh. Cặp nghệ nhân “hát hay - cày giỏi” trong lĩnh vực trình diễn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đây là trường hợp duy nhất ở Hà Tĩnh cả hai vợ chồng đều là nghệ nhân ưu tú và cả nhà tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Xin nói thêm chữ “cày” ở đây, theo cách nói “dân gian” là tinh thần chăm chỉ, cần mẫn, say mê sáng tạo nghệ thuật và cách làm kinh tế giỏi để tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần.

NNƯT. Vũ Thị Thanh Minh sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh, Nghệ An. Chị được thừa hưởng lòng say mê hoạt động văn hóa nghệ thuật của gia đình, bà nội và mẹ của Minh là những người buôn bán giỏi và hát hay nổi tiếng. Còn nghệ nhân Phạm Thế Nhuần lại sinh ra và lớn lên bên bờ sông Ngàn Mỏ (Rào Cái), Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, là một con sông lớn ở Hà Tĩnh. Chính bên bờ sông này, cha mẹ anh Nhuần làm nghề chài lưới trên sông và cũng nhờ nhiều đêm hát giao duyên đối đáp Dân ca Ví, Giặm trên sông Ngàn Mỏ mà họ thành chồng, thành vợ. Nhớ lại quãng thời hơn 40 năm về trước, chính những làn điệu Dân ca Ví, Giặm đã đưa họ đến với nhau, thành đôi thành lứa. Hồi ấy, ông Vũ Minh Ngọc - Biên đạo múa của Đoàn Văn công Hà Tĩnh hồi bấy giờ chính là bố đẻ của Vũ Thanh Minh là người đầu tiên dìu dắt đứa con gái bé bỏng, xinh xắn của mình đến với con đường nghệ thuật. Mới đầu, Vũ Thanh Minh theo cha đến sàn tập, làm khán giả của các chương trình do bố mình dàn dựng, thế rồi dần dần nhen nhóm trong tâm hồn cô bé một ước mơ rạo rực được trở thành diễn viên biểu diễn trên sân khấu. Khi Vũ Thanh Minh tròn 14 tuổi, phát hiện thấy con mình có năng khiếu nghệ thuật, ông Ngọc quyết định gửi cô con gái rượu ra Hà Nội tham dự lớp đào tạo Trung cấp nghệ thuật. Sau 2 năm học tập, Vũ Thanh Minh trở về được tuyển thẳng vào công tác tại Đoàn Văn công Hà Tĩnh, nằm trong Đội thể nghiệm Dân ca Nghệ Tĩnh. Thời điểm đó, hầu hết các diễn viên đều không qua trường lớp, chỉ biểu diễn theo khả năng sẵn có, tự nhiên. Được sự kèm cặp của các anh chị lớp trước như nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm, nghệ sỹ ưu tú Đức Duy, nghệ sĩ ưu tú Đình Bảo (đều đã mất), chị đã nắm bắt được tất cả các làn điệu Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh lời cổ và những làn điệu cải biên, không trừ một làn điệu nào chị bỏ sót. Nhờ vậy, chị Minh luôn được đoàn chọn hát và đóng các vai chính, hát những bài hát chính, phục vụ cho nhân dân và những vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương như Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Năm 1982, tại Hội thảo tại Hà Nội về chủ đề Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, chị được đóng vai chính trong vở diễn vở diễn Hoa Đất (của Thanh Hương và Xuân Bình)  phục vụ hội thảo. May mắn hơn, năm 1985, chị được đóng vai cô Vải trong vở ca kịch Mai Thúc Loan của tác giả Phan Lương Hảo - Vở diễn đạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp quốc gia và vinh dự được phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc. Có thể nói, thời gian tham gia hoạt động trong Đoàn văn công chuyên nghiệp là thời cơ tốt nhất để Vũ Thanh Minh có nhiều điều kiện học hỏi và nâng cao kiến thức về văn hóa văn nghệ truyền thống quê hương, được thực hành điêu luyện các làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như Hát Ví phường vải, Ví phường chài, Ví phường nón, Ví phường cấyGiặm ru, Giặm kể, Giặm Vè, Giặm Đức Sơn…Học được làn điệu nào, chị lập tức truyền lại cho chồng mình làn điệu đó và hai vợ chồng cùng nhau thể nghiệm luôn khi có cơ hội (kể cả môi trường chuyên và không chuyên nghiệp).

Đến năm 1988, với yêu cầu chuẩn hóa cán bộ, tất cả các diễn viên phải đi đào tạo tại các trường Cao đẳng, Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, với hoàn cảnh gia đình lúc này hết sức khó khăn, cha già mẹ yếu, các con còn nhỏ dại, 2 vợ chồng lại thu nhập thấp, chị Minh đành phải từ bỏ con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, về quê hương sinh sống và tham gia phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương. Anh Nhuần cũng xin về hưu trước tuổi, theo vợ về quê sinh sống.

Anh Phạm Thế Nhuần (chồng chị Minh) sinh năm 1950 tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cũng là một người được sinh ra trong một gia đình có truyền thống say mê văn hóa văn nghệ, là nghệ nhân đã được gia đình tôi luyện văn nghệ truyền thống từ nhỏ bằng những lời ca tiếng hát thấm đượm tình quê hương Hà Tĩnh. Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp nhưng tất cả mấy anh em trai, gái trong nhà Phạm Thế Nhuần ai cũng hát hay và chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, sáo trúc, măng đo lin, nhị và ghi ta. Anh Nhuần có một quảng thời gian khá dài tham gia hoạt động trong đoàn Văn công Hà Tĩnh, tuy là một lái xe, nhưng do mê hát, nên anh có nhiều điều kiện tiếp cận, học hỏi và nâng cao hiểu biết về các làn điệu như Hát Ví phường vải, Ví phường chài, phường nón, phường cấy và rất nhiều làn điệu khác thuộc lĩnh vực dân ca Nghệ Tĩnh. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà một chàng trai làm nghề lái xe, suốt ngày đeo đuổi, yêu say đắm một nữ diễn viên như là một chuyện “xưa nay hiếm”.

Một điều hết sức diệu kỳ là đố đoán được giữa chị Minh và anh Nhuần ai là chuyên nghiệp và ai là không chuyên? Nghệ nhân Phạm Thế Nhuần là người may mắn vừa được thừa hưởng truyền thống văn nghệ từ gia đình, vừa được người vợ yêu quý của mình thổi hồn vào những câu ca điệu ví, nên tuổi trẻ anh hát rất hay và cho đến bây giờ vẫn còn hay. Điều đáng quý là người nghệ nhân này cũng đam mê ca hát nên cặp đôi này luôn như hình với bóng. Nếu như Vũ Thanh Minh là nữ diễn viên hát hay, diễn xuất nhí nhảnh, duyên dáng trên sân khấu chuyên nghiệp, thì Phạm Thế Nhuần cũng là một người đàn ông đào hoa, đàn ngọt, thổi sáo hay trong các liên hoan nghệ thuật không chuyên.  Năm 1972, lần đầu tiên nghệ nhân Phạm Thế Nhuần dành được Huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tại thành phố Vinh và từ đó, không có Hội diễn văn nghệ nào của tỉnh, của ngành tổ chức mà anh vắng mặt và lần nào anh cũng mang giải thưởng cao về cho đơn vị.

Khi nghỉ hưu trở về địa phương sinh sống, nghệ nhân Phạm Thế Nhuần đã phát huy tình yêu dân ca Nghệ Tĩnh của gia đình. Cả nhà thường đi biểu diễn và tham gia các cuộc thi Tiếng hát dân ca các cấp và gặt hái rất nhiều thành công. Nhiều năm qua, nghệ nhân Phạm Thế Nhuần đã cùng vợ mình mở lớp truyền dạy dân ca cho các thế hệ con em trong vùng, cho đến nay đã có nhiều người thành đạt và gặt hái được thành công từ các cuộc thi dân ca trong và ngoài tỉnh. Trong các dịp hè, Vũ Thanh Minh với vai trò là nghệ nhân ưu tú, đã được trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du mời tham gia truyền dạy các làn điệu cổ, gốc trong kho tàng dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh cho giáo viên các Trường Tiểu học và các nghệ nhân của các câu lạc bộ trong toàn tỉnh. Và ở tại gia đình, anh chị mở lớp dạy miễn phí cho các cháu trong xã và có một số các cháu đã nắm bắt rất thuần thục những bài hát cổ.

Anh chị Nhuần - Minh cùng nhau xây dựng kinh tế, bảo vệ tổ ấm gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành. Nhờ sự thăng hoa trong tình yêu và nghệ thuật đã đong đầy hạnh phúc và tiếp thêm sức mạnh cho họ sinh ra những đứa con đều hát hay, múa giỏi. Hiện nay, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh các con của anh chị Nhuần - Minh gồm có: Công Hoàn - Phương Thảo (con dâu) và Công Định là những diễn viên chính của Nhà hát. Đó cũng chính là động lực để cặp nghệ nhân hăng say lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất để cải thiện đời sống cho cả gia đình và nuôi những câu hát quê hương trải dài cùng năm tháng, để đến hôm nay, mọi người dân trên đất Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ai ai cũng biết đến như là một điển hình của một gia đình “hát hay – cày giỏi”.

Anh Nhuần và chị Minh đồng tâm cho rằng: Dân ca Ví Giặm không chỉ hát để giải trí mà còn là những phương tiện khích lệ động viên người dân làm ra của cải vật chất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đã nhiều năm nay, khi rời khỏi sân khấu chuyên nghiệp, trở về địa phương sinh sống tại quê hương Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên họ hằng mơ ước có tiền để xây dựng một “gánh hát”, nhằm có cơ hội tập hợp một số anh chị em diễn viên đã nghỉ hưu trên địa bàn Hà Tĩnh như Trần Khánh Cẩm, Hoàng Bá Ngọc, Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Trọng Tuấn…cùng với một số nghệ nhân văn nghệ ở địa phương biết hát Dân ca Ví, Giặm để tiếp tục đi đây, đi đó biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong vùng, để trả những món nợ tinh thần mà trước đây họ chưa làm được. Nhưng quả thật, “có thực mới vực được đạo”, đất Cẩm Mỹ là một vùng quê đồng chua nước mặn, không thể ăn kham, mặc khổ để đi hát; cũng không thể “tay không bắt giặc” được, hai vợ chồng quyết định dồn tất cả vốn liếng vào đầu tư xây dựng kinh tế trang trại, kiếm tiền để nuôi câu hát dân ca.

Sau 5 năm gây dựng kinh tế gia đình, bước đầu kiếm được ít vốn liếng, vợ chồng Minh - Nhuần đã trích ra được một số tiền nho nhỏ để mua sắm các đạo cụ, quần áo biểu diễn đủ để phục vụ một chương trình trình diễn từ 8-12 tiết mục. Nhiều lúc, cả nhà chị đã đảm nhận cả một chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện trọng đại của địa phương. Điển hình là chương trình chào mừng Liên hoan gia đình văn hóa toàn tỉnh năm 2010, gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Sau sự kiện Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, cặp nghệ nhân này đã tham mưu cho UBND xã Cẩm Mỹ thành lập CLB Dân ca Ví, Giặm và nghệ nhân Vũ Thanh Minh được cử làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Hai vợ chồng quyết định không nhận “xô diễn” nữa, mà dành thời gian để gây dựng, vun vén cho phong trào văn nghệ xã nhà ngày càng lớn mạnh. Họ đã tích cực truyền dạy Dân ca Ví, Giặm cho các thế hệ thanh thiếu niên trong câu lạc bộ, nhờ đó mà phong trào thực hành Dân ca Ví Giặm nơi nghệ nhân sinh sống được khôi phục và hoạt động rất mạnh trong đời sống lao động của cộng đồng cũng như giúp đỡ địa phương xây dựng phong trào văn nghệ nhưng không lấy tiền thù lao, thậm chí còn đài thọ toàn bộ tiền điện, nước, trang phục, đạo cụ tập luyện và biểu diễn khi cần. Nhờ đó, Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên nhiều năm liên tục dành được giải cao tại các cuộc liên hoan, hội diễn các cấp.

Vợ chồng đã tự bỏ tiền của mình để thuê thuyền bè, mua lưới, mua cá để các phóng sự được thực hiện thành công tốt đẹp. Đã có rất nhiều chương trình Dân ca Ví Giặm và nhiều phóng sự của vợ chồng và của Câu lạc bộ được phát nhiều lần trên các đài từ Trung ương đến địa phương. Và các những hình ảnh biểu diễn của Câu lạc bộ đã được các Đài dùng làm hình ảnh đại diện cho chương trình Dân ca Nghệ Tĩnh của tỉnh.

Tiết mục Đối đáp trên sông của CLB DCVG xã Cẩm Mỹ

Năm 2015, cặp nghệ nhân ưu tú Thanh Minh – Thế Nhuần vinh dự được biểu diễn phục vụ cho đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đồng chí về thăm Hà Tĩnh. Vợ chồng họ đã kết hợp với Ban chỉ đạo Nông thôn mới của tỉnh đưa Dân ca Ví Giặm vào để tuyên truyền Nông thôn mới, giao lưu với các đoàn khách quý từ các tỉnh bạn về tham quan tại các Khu du lịch như Hồ Kẻ Gỗ, Đồng Nôi, Thiên Cầm, Hải Thượng Lãn Ông và đã để lại ấn tượng tốt trong lòng quan khách và công chúng.

“Tiếng lành đồn xa”, mấy năm gần đây câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm xã Cẩm Mỹ do vợ chồng nghệ nhân Minh – Nhuần cầm chịch liên tục được mời tham gia các buổi trình diễn tại chương trình Ân tình Ví Giặm tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Hai vợ chồng là cộng tác viên tích cực của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, (có 20 bài là những bài trong chương trình chính của Đài truyền hình Hà Tĩnh phát chương trình dân ca). Vợ chồng đã bỏ ra nhiều công sức và chi phí thuê thuyền bè, phục trang, đạo cụ giúp cho Đài Truyền hình VTV1 và Đoàn làm phim của Viện Văn hóa Nghệ thuật thực hiện nhiều phóng sự phục vụ việc lập hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh nhiều lần được Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Tĩnh mời tham gia một số diễn đàn về bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Năm 2012, nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh cùng với cả nghệ nhân Phạm Thế Nhuần cùng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân. Tiếp đó, năm 2015, nghệ nhân Vũ Thị Thanh Minh là một trong 11 nghệ nhân của tỉnh Hà Tĩnh được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2018, anh Phạm Thế Nhuần lại vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Với những phần thưởng cao quý này, cặp đôi nghệ nhân ưu tú Minh - Nhuần xem đó là một vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm cao cả với quê hương với đất nước, nhắc nhở họ luôn phải có trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, hồn cốt của dân tộc./.

Phan Thư Hiền

. . . . .
Loading the player...