03-08-2020 - 07:21

Cánh chim trên chớp sóng

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tác phẩm "Cánh chim trên chớp sóng" của tác giả Bảo Phan được rút từ tuyển sách "Biển đảo yêu thương", NXB Nghệ An, 2019

Tôi đã từng đến thăm Đồn 176 - Đèo Ngang, một trong hai đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Những lần gặp vội nên chỉ kịp tự dặn mình thế nào cũng có dịp phải quay trở lại để viết cái gì đó về các anh, về cái đồn nằm chênh vênh trên bờ biển biếc ở mảnh đất tận cùng phía Nam của tỉnh nhà, đã lừng danh một thời trong những năm đánh Mỹ. Một ngày cuối năm 2008, tôi cùng nhạc sĩ Quốc Đính leo lên chiếc xe U - oát của Bộ đội Biên phòng tỉnh theo quốc lộ 1A hướng về Nam thẳng tiến. Trung tá - Đồn trưởng Nguyễn Văn Trân và Thiếu tá - Chính trị viên Đậu Đình Quỳnh đã chờ sẵn, tiếp nước chè xanh và thay nhau kể cho chúng tôi nghe những chiến tích một thời của lớp cha anh đi trước.

Giống như một số đơn vị biên phòng khác trong tỉnh, lịch sử của Đồn 176 đã trải qua bao dấu mốc khó quên. Hồi mới thành lập năm 1959, đồn được gọi là Phân đội 2 với số lượng cán bộ chiến sĩ ít ỏi chỉ có 9 người, do Thiếu uý Lương Xuân Sắc làm Phân đội trưởng. Lúc đó, đồn còn phải ở tạm trong nhà dân tại xóm Minh Đức, xã Kỳ Nam, có nhiệm vụ quản lý 35km và địa bàn các xã: Kỳ Nam, Kỳ Phượng, Kỳ Lợi. Sau đó vài tháng, phân đội được nâng cấp thành đồn có phiên hiệu là Đồn 12 - Đèo Ngang. Năm 1961, đồn chuyển lên xây dựng ở Mũi Đao gồm 3 gian nhà tranh mái lá. Đầu năm 1962, chuyển thành Đồn 86, cuối năm 1964 lại đổi thành Đồn 112, cho đến năm 1986, mới có phiên hiệu là Đồn 176 - Đèo Ngang cho đến bây giờ.

Những năm đầu mới thành lập, đơn vị gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về con người, doanh trại, vũ khí, thông tin liên lạc. Bấy giờ, thông tin liên lạc chủ yếu là dùng xe đạp, chạy bộ, chim bồ câu đưa thư. Mãi đến năm 1963, đơn vị mới được trang bị máy vô tuyến điện và đường dây hữu tuyến. Ngày ngày, cán bộ, chiến sĩ lo đào đắp hầm hào công sự, dựng hàng rào thép gai, đài quan sát, bố trí lực lượng canh gác, tuần tra… Chính trong những tháng năm gian khổ ấy, Đồn Đèo Ngang đã làm thất bại nhiều âm mưu đột nhập vào đất liền của bọn biệt kích, người nhái. Hồi còn công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ Tĩnh, tôi từng được nghe Trung tá Phan Sĩ Lý - người đã từng hoạt động trong lực lượng Công an vũ trang nhân dân Hà Tĩnh kể cho nghe nhiều câu chuyện hồi hộp, gay cấn, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là vụ truy bắt nhóm biệt kích do Lê Khoái cầm đầu.

Đó là một ngày cuối năm 1962, trời mưa to gió lớn, nhân dân xã Kỳ Phương nhặt được gói lương khô mang nhãn hiệu miền Nam trên bãi biển. Mấy ngày sau đó, hai em nhỏ là Vượng và Dụ đi hái củi ở chân núi Cây Giam cũng bắt gặp hai người lạ mặc quần áo bà ba đen, dáng bộ khả nghi. Thấy động, bọn chúng bỏ chạy, đánh rơi chiếc bi đông mang nhãn hiệu USA có ghi dòng chữ “Trần Văn Phát - OK-VN”. Nhận được tin báo, Đồn Đèo Ngang điện ngay về tỉnh xin ý kiến chỉ đạo và tức tốc triển khai lực lượng tại chỗ lần theo dấu vết kẻ gian đã xâm nhập vào đất liền. Lực lượng của tỉnh, bộ và cả tỉnh Quảng Bình kề cạnh cũng nhanh chóng được tăng cường hỗ trợ. Chiều ngày 4/1/1963, một tên đã bị bắt sống tại đồi Tân Khỉ. Mặc dầu địa hình hiểm trở, thiếu thốn lương khô, nước uống nhưng với tinh thần tiến công truy kích địch, đến chiều ngày 11/01, ta đã phát hiện được địch ở địa phận Tuyên Hoá, Quảng Bình. Bốn tên, trong đó có toán trưởng Lê Khoái đã bị bắt cũng vũ khí, điện đài. Hai tên khác chạy trốn vào chỗ người nhà nhưng rốt cuộc cũng không thoát nổi. Toán biệt kích do Lê Khoái dẫn đầu gồm 7 tên thuộc “sở khai thác địa hình” trực thuộc phủ Tổng thống Diệm. Chúng xuất phát từ Đà Nẵng bằng thuyền máy, đến hải phận Đèo Ngang vào đêm 29/12/1962 thì dùng thuyền cao su chở người và hàng vào bờ, rồi men theo suối lần vào trong núi, tính chuyện ẩn náu, đợi thời cơ hoạt động. Chúng được trang bị tiểu liên, súng ngắn, máy thông tin, mìn, chất nổ, đạn rốc - két, ngòi nổ hẹn giờ, bình xăng đặc, lựu đạn cháy, các loại áo quần, quân phục dùng để cải trang khi hoạt động… Nhiệm vụ của chúng là điều tra tình báo Đồn Đèo Ngang (Hà Tĩnh), Đồn Ròn (Quảng Bình), tình hình vận chuyển của quân đội, phá hoại các công trình giao thông, bắt cóc cán bộ, bộ đội để khai thác và xây dựng cơ sở bí mật. Chúng còn có ý định phá đài rađa trên đỉnh Đèo Ngang, móc nối với lực lượng phản động để tuyển người, xây dựng mật khu trong rừng chờ “Bắc Tiến”… âm mưu của bọn chúng chưa kịp thực hiện thì tất cả đều đã bị tóm gọn.

Khi đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, máy bay, tàu chiến của địch tăng cường đánh phá nhiều nơi, trong đó có các căn cứ quân sự của ta. Mọi hoạt động của ta đã chủ động chuyển từ thời bình sang thời chiến, sẵn sàng ứng phó với những tình huống mới. Chiều tối ngày 23/3/1965, 8 máy bay Mỹ dồn dập bổ nhào ném bom, phóng tên lửa và bắn đạn 20 ly xuống Đồn 112 và các khu vực lân cận. Dựa vào hệ thống công sự hầm hào đã đào đắp từ trước, các tay súng trung liên, đại liên và súng trường của ta bắn trả quyết liệt. Trận địa chìm trong khói lửa, đất cát. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Quân và dân khu vực Đèo Ngang đã bắn hạ 3 chiếc máy bay, trong đó có 2 chiếc đã bị lực lượng của Đồn 112 bắn rơi tại chỗ và làm nhiều chiếc khác bị thương. Đây là đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên địa bàn Hà Tĩnh, tạo đà thắng lợi và cung cấp thêm kinh nghiệm đánh địch trên không để vài ngày sau đó Hà Tĩnh có được trận chiến đấu giòn giã vào ngày 26/3 tại trận địa núi Nài và thị xã hạ được 9 máy bay Mỹ. Cùng ngày hôm đó, tại Đèo Ngang, ta bắn thêm được 3 chiếc, nâng tổng số chiến thắng ngày 26/3 lên 12 chiếc. Nhờ chiến công ấy, Đồn Đèo Ngang được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Chính trị viên Thạch Thành Nam được tặng Huân chương chiến công hạng Ba, Trương Ngọc Thanh được tặng Bằng khen của Chính phủ. Trong những cuộc chiến đấu khác, đã xuất hiện thêm nhiều tấm gương dũng cảm nổ súng bắn cháy máy bay địch gắn với tên tuổi của các đồng chí Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Hữu Nồng, Lê Văn Hạ…

Bên cạnh việc nổ súng tiêu diệt lũ giặc trời, lực lượng cán bộ chiến sĩ của đồn còn tích cực tham gia việc cứu người bị nạn, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân. Còn mãi vẹn nguyên trong ký ức những người dân thời ấy, hình ảnh các cán bộ chiến sĩ của đơn vị cứu hàng chục ngư dân quê Quảng Bình trên biển, ứng cứu đơn vị hải quân bị trúng bom trên đỉnh Đèo Ngang, bất chấp hiểm nguy đưa 1.300 dân sơ tán lên dãy núi Hoành Sơn, tham gia trục vớt, bảo vệ 2.500 tấn gạo “K4” của bạn bè quốc tế chi viện. Những chiến sĩ gan dạ như Hoàng Văn Ân, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Nhâm, Trịnh Đình Thu, Trương Ngọc Thanh… đã dũng cảm quên mình lao vào dập lửa, bới hầm cứu người, cứu tài sản của nhân dân; các chiến sĩ thông tin Thiều Quang Lão, Đậu Văn Phúc băng mình trong lửa đạn vừa nối lại đường dây bị đứt, vừa cứu người bị nạn…

Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh thực tế tại Mũi Đao - Ảnh: Trần Hướng

Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ của đồn còn tham gia các hoạt động đảm bảo giao thông vận tải như bảo vệ, canh gác, rà phá thuỷ lôi, tháo gỡ bom mìn, để ngày đêm hàng trăm chuyến xe vượt Đèo Ngang an toàn vào mặt trận. Trên mặt trận đấu tranh chống bọn phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, không thể nào quên những ngày tháng đầy cam go, phức tạp khi đấu tranh chính trị giải quyết vụ án mang bí số “V70” do linh mục Vũ Văn Giáo cầm đầu ở xứ đạo Đồng Yên. Kiên trì vận động, liên tục bám sát địa bàn, cuối cùng ta đã cô lập, đẩy đuổi Giáo ra khỏi địa bàn, ngăn chặn kịp thời âm mưu kích động của các phần tử xấu, cảm hoá giáo dục số người lỡ lầm nghe theo sự xúi giục của kẻ “bề trên”.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đồn 112 - Đèo Ngang độc lập bắn cháy 7 máy bay Mỹ và phối hợp với các lực lượng bắn rơi 9 chiếc khác, bắn 2 toán biệt kích gồm 15 tên xâm nhập biên giới, phát hiện, xử lý 2 tổ chức phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa, tiến hành điều tra, xác minh 12 vụ việc với 32 đối tượng, phá nhiều vụ trộm cắp, tham ô, phá hoại… Tháng 11/1978, đơn vị vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tập thể và nhiều cán bộ chiến sĩ được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bằng Đơn vị Quyết thắng, Huy hiệu Bác Hồ, lẵng hoa của Bác Tôn và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, trong thời kỳ hợp nhất Công an vũ trang  nhân dân Nghệ - Tĩnh, Đồn Đèo Ngang bước vào giai đoạn củng cố, xây dựng lực lượng theo yêu cầu nhiệm vụ mới, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội. Sau khi tái lập tỉnh, đầu năm 1993, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết định ưu tiên cho xây dựng lại Đồn 176 - Đèo Ngang, Từ đây, đồn có được doanh trại mới khang trang, rộng rãi. Cũng trong năm ấy, đồn vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh tới thăm và nói chuyện thân mật. Anh em cán bộ chiến sĩ ở đây còn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Quốc hội: “Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, xây dựng cho anh em nơi đây có cuộc sống vui tươi, yên tâm công tác, cần có nơi đón khách du lịch, vãn cảnh đẹp Đèo Ngang…”. Từ đây, Đồn Biên phòng 176 cùng với Đồn Biên phòng 563 Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được chọn làm điểm tiến hành triển khai cuộc vận động xây dựng đơn vị cơ sở chiến đấu vững mạnh chính quy.

Một thời kỳ mới với bao nhiệm vụ mới đặt ra cho đơn vị liên quan đến việc quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển, giải quyết tranh chấp khiếu kiện, gây rối trật tự trị an, chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo, hoạt động buôn lậu, ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản trên biển, các âm mưu phá hoại, các tội phạm trấn cướp có vũ trang… Điển hình là vụ truy bắt gọn toán cướp vào 2 giờ sáng ngày 11/10/2001. Nhận được tin báo có một toán cướp dùng vũ khí lạnh hung hãn, ngang nhiên hoạt động ở trên đỉnh Đèo Ngang, tổ tuần tra bắt cướp gồm 5 đồng chí do Thượng uý Đinh Mã Phong trực tiếp chỉ huy nhanh chóng dùng xe máy khẩn trương có mặt, khép chặt vòng vây và xông vào bắt tại chỗ 4 tên, 3 tên tẩu thoát về Quảng Bình nhưng chỉ sáng hôm sau, với sự truy lùng ráo riết của Đồn Biên phòng 184 tỉnh bạn, chúng đã phải ra đầu thú và khai nhận mọi tội lỗi. Đêm ấy, chúng dùng xe máy đi từ Quảng Bình ra, chọn nơi hiểm yếu dùng dao, côn, mã tấu uy hiếp và trấn cướp được 12 xe tải để lấy tiền, vàng và tài sản. Đến chiếc xe thứ 13 thì hành động côn đồ của bọn chúng đã bị các chiến sĩ gan dạ của Đồn Đèo Ngang chặn đứng.

Công tác trinh sát đã chủ động trong nắm bắt địa bàn, thu thập và kịp thời xử lý thông tin. Năm 2008, lực lượng trinh sát đã lập chuyên án “58T”, bắt giữ 2 đối tượng, thu 12kg thuốc nổ và phá một đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc nổ từ Quảng Bình gồm 20 đối tượng. Và còn bao thành tích khác trong việc xử lý các vụ gây rối, đánh bạc, trộm cắp tài sản, ổn định trật tự trị an trên địa bàn…

Ngoài công tác huấn luyện, diễn tập xử lý tình huống, nâng cao khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu, nhằm củng cố thế trận luỹ thép biên phòng. Đồn 176 còn đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, giúp đỡ nhân dân làm ăn kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo, chăm lo cho sức khoẻ của nhân dân. Công tác vận động quần chúng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, khám và cấp thuốc miễn phí, xoá nhà tranh tre dột nát, lao động dọn vệ sinh các nghĩa trang liệt sĩ, các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ lớn thường xuyên được quan tâm. Đặc biệt là khi tỉnh triển khai dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan), lực lượng biên phòng nơi đây đã tích cực đi đầu trong công tác vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, tái định cư. Xứ đạo Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ tích cực của Bộ đội Biên phòng Đồn 176 đã có những đổi thay, biến chuyển rõ rệt. Công tác phát triển đảng viên vùng giáo, xoá mù cho các em nhỏ đến tuổi đi học được quan tâm. Bà con giáo dân yên tâm phấn khởi lao động sản xuất, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những tình cảm chân thành của các vị chức sắc và bà con giáo dân ở đây đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 176 quyết tâm xây dựng Đông Yên - địa bàn từng là điểm nóng trong chiến tranh chống Mỹ trở thành điểm sáng.

Để nâng cao đời sống cho cán bộ chiến sĩ, bên cạnh việc trồng rau, thả cá, chăn nuôi dê, bò, lợn, gà, đơn vị đã mạnh dạn phối hợp với Công ty Thành Phát (Khánh Hoà) xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả dịch vụ dây chuyền máy lọc nước mặn làm lạnh để cung cấp cho xe chở hàng hải sản tươi sống, thu nhập bình quân mỗi tháng trên 8.000.000 đồng. Đây không chỉ là mô hình mới của tỉnh mà còn của lực lượng biên phòng trong cả nước.

Khi tôi ngỏ ý muốn đi dạo một vòng thăm doanh trại, Đồn trưởng Trân vội vàng xin khất tôi vào dịp khác. Anh cho biết, hiện giờ tình trạng nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng không muốn sửa sang nữa vì đã có Quyết định của tỉnh và Bộ Tư lệnh sang năm sẽ cho xây lại đồn mới. Thế là phải, đã 15 năm rồi còn gì! Cơ ngơi của một đơn vị anh hùng mà quá nhếch nhác, coi sao được!

Chuyện trò một lúc, Đồn trưởng gọi cho Thiếu uý Nguyễn Xuân Thái dẫn chúng tôi ra biển. Sau 5 năm tu nghiệp ở Học viện Biên phòng, Thái vừa về nhận công tác ở đơn vị chưa đầy 4 tháng. Sinh năm 1981, trông dáng Thái hơi gầy trong bộ quân phục mới, nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn trong bước đi, giọng nói. Chăm chú men theo lối dốc trơn chuội, lép nhép bùn đất, chúng tôi tụt xuống mép biển phía sau đồn, vừa chạm chân vào bãi cát vàng, đã thấy hiện ra trước mắt cả một thế giới thiên nhiên kỳ thú. Những tảng đá tai mèo lởm chởm chọc dựng thành lớp, mốc xám. Sóng hùng hục xô vào bãi đá làm vỡ tung bọt trắng rồi lại rút ra xa. Cái tên “Mũi Đao” có phải ra đời từ hình thế của những eo núi nhô ra biển hay bởi chính bộ dạng của những phiến đá gan lỳ, thủ thế nơi đây đã bao đời? Phía sau luỹ đá tua tủa như đao kiếm ấy là vành đai xanh um của những lùm dứa dại và cây phong ba - một loài cây mà chỉ nghe tên cũng đã gợi về vùng đất khốc liệt dữ dằn nơi biển cả.

“Loài cây này thật lạ! Mùa hạ, các giống cây khác trồng trong vườn không chịu nổi nắng nóng đều héo lá khô cành, riêng phong ba thì cứ hết mình xanh, lại còn nở hoa và toả hương thật dễ chịu!” - Quỳnh nói, vẻ mơ màng. Trên bãi đá mấp mô, cạnh những mũi đá đao dựng tua tủa ấy, thi thoảng vẫn bắt gặp những phiến đá rộng, bằng phẳng như chiếc giường ngủ của thiên nhiên.

- Giá có người yêu, đưa ra đây ngắm trăng, hóng gió biển thì tuyệt! - Tôi bất chợt thèm thuồng. Quỳnh đỏ mặt đế theo - Thế thì còn gì bằng!

Đảo là nhà - Ảnh: Xuân Hòa

- Cậu đã từng đến Khe Luỹ, xứ đạo Đồng Yên chưa?  -Tôi hỏi Thiếu uý trẻ đứng cạnh.

Em mới về nên chưa có dịp tới những chỗ đó anh ạ! Thái thành thật, vẻ mặt ngường ngượng. Tôi thông cảm. Rồi cậu ấy sẽ phải trải qua những gì mà một người lính biên phòng ở đây cần biết, cần đến, cần làm. Chỉ mong sao, trong hành trang mới của những người sĩ quan trẻ kia chớ bỏ quên quá khứ vinh quang với bao tên đất, tên người của một thời oanh liệt. Mai kia, đến lượt mình, họ sẽ là những người ghi tiếp vào trang sử mới.

Trời vẫn chưa thôi giăng mắc những làn mưa bụi. Ngồi bệt trên một tảng đá xù xì, ẩm mốc, người nhạc sĩ cùng đi đắm mắt nhìn biển cả, miệng khe khẽ hát: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương...”. Tôi biết cả tuần nay, anh đang vật vã với những ca từ, nốt nhạc để hoàn chỉnh cái ca khúc viết về những người lính biên phòng Hà Tĩnh. Trong tiếng gió, tôi mơ hồ thoảng nghe trong giai điệu thiết tha ấy những chữ “Đèo Ngang” và “loài cây phong ba” vút bay chấp chới trên những chớp sóng đục trầm của biển...

                                                     Đèo Ngang cuối năm 2008

B.P

. . . . .
Loading the player...