30-12-2020 - 08:05

Bút ký MỘT NGÀY  VỚI NGƯỜI LÍNH ĐẶC BIỆT TINH NHUỆ của Xuân Đan

Tạp chí Hồng Lĩnh số 172 trân trọng giới thiệu bút ký "Một ngày với người lính đặc biệt tinh nhuệ" của tác giả Xuân Đan

XUÂN ĐAN

                              MỘT NGÀY VỚI NGƯỜI LÍNH ĐẶC BIỆT TINH NHUỆ      

                                                                                                   Bút ký   

Tiểu đoàn đặc công 31, đơn vị anh hùng, (Bộ Tham mưu Quân khu Bốn) đứng chân bên sườn núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân. Chúng tôi đến đơn vị vào một buổi sáng mùa đông. Ở tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ này, 100% chiến sĩ quê Hà Tĩnh. Sáng ấy, trời lất phất mưa, se se lạnh. Trên thao trường các chiến sĩ mặc quần áo cỏ vẫn hăng say tập luyện. Tiếng súng đạn lách cách, tiếng hút gió từ những cú đá, cú đấm nghe như trong phim võ thuật. Đón chúng tôi trong nhà Ban chỉ huy, thiếu tá Nguyễn Quốc Phòng chính trị viên phó tiểu đoàn, quê thị trấn Hương Khê nhỏ nhẹ:

- Báo cáo các anh, là đơn vị được giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chống khủng bố giải thoát con tin, tiểu đoàn chúng tôi chưa kể đến công tác huấn luyện chiến sĩ mới và huấn luyện quân dự bị động viên cho quân khu là hai nhiệm vụ hàng năm, có 3 chuyên ngành đặc thù rất khác nhau. Đó là chuyên ngành chống khủng bố, chuyên ngành đặc công bộ và chuyên ngành đặc công nước…Riêng về đặc công nước, để tiện cho môi trường học tập, rèn luyện, đội phải đóng quân ở sát ngoài bờ sông Lam cách đội hình tiểu đoàn tới hơn 2 cây số. Một đơn vị với nhiều chuyên ngành, đội hình phân tán như thế, trong đơn vị lại có nhiều chiến đấu viên mang quân hàm thiếu tá, trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đã lớn tuổi, nhập ngũ lâu năm hơn cả sĩ quan chỉ huy, biên chế trộn lẫn với các tân binh mới 18-20 tuổi, nên việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, chiến sĩ rất phức tạp…Nhưng do đơn vị toàn là “lính Hà Tĩnh”, mà các anh biết đấy, từ thời đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Pôn – pốt…lính Hà Tĩnh nổi tiếng là cần cù trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu nên hiện nay anh em cũng rất chấp hành nghiêm kỷ luật, chăm chỉ, chịu khó học tập, rèn luyện.

                                Huấn luyện đổ bộ đường không của lính đặc công (Ảnh nguồn internet)

Vốn yêu lính đặc công nước, tôi đề nghị các anh cho đến đội đặc công nước  trước. Một chiếc xe rằn ri trờ đến. Chúng tôi háo hức lên xe. Đội đóng quân ở  phía nam cầu Bến Thủy, xa đơn vị. Việc huấn luyện đặc công nước hết sức nặng nề, nên bên cạnh thượng úy đội trưởng Triệu Ngọc Anh, tiểu đoàn “cắm” thêm thượng úy Nguyễn Văn Chung một con rái cá nổi tiếng, quê ở Xuân An, Nghi Xuân. Chúng tôi đến giữa cái rét cuối đông, gió bấc hun hút thổi qua dòng sông Lam. Sông Lam mùa lũ, cuồn cuộn chảy. Rều, rác, thân cây, trôi băng băng trên dòng nước đục ngầu sùi bọt trắng. Nước sông lạnh tê, lạnh tái mà các chiến sĩ vẫn cởi trần, tập bơi dai sức, kéo lượng nổ đánh tàu địch. Gặp chiến đấu viên, thượng úy Nguyễn Hoàng Minh chiến sĩ thi đua 6 năm liền từ 2013 đến 2018, một chiến sĩ da đen cháy như vạn chài, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn. Vốn kiệm lời, chúng tôi gặng hỏi mãi, Minh mới cười lỏn lẻn:

- Làm một chiến sĩ đặc công nước để đánh thắng giặc cũng công phu lắm các anh ạ. Riêng mục khởi động, trước khi vào tập chúng em phải tập bơi 4-5 km. Khi huấn luyện bơi, lặn đánh cầu, đánh tàu địch, chúng em dùng phao ống đặc chủng để mang theo trang bị, chất nổ. Thường mỗi chiến đấu viên mang  theo mình 50-100kg thuốc nổ. Vào tập chúng em có thể bơi, lặn trên sông, trên biển gần thì 15 cây số, xa thì hơn đến 30 cây số. Dưới sông, dưới biển chẳng có ổ trâu, ổ gà như trên bộ, nhưng có biết bao nhiêu là vật cản. Nào đá ngầm, tàu thuyền đắm, mùa nước lũ này có khi cả bụi tre gai, cả cây cổ thụ trôi ngầm trong nước. Và, đâm phải chúng là tai họa khôn lường. Trong huấn luyện chiến đấu, chúng em khoái nhất là khoa mục “đội đặc công đổ bộ đánh chiếm đảo”  bằng xuồng cao tốc... Xuồng lao như bay trên mặt nước, khi nhảy xuống đột nhập vào đảo hay xung phong, mỗi người phải hết sức mạnh mẽ nhanh nhẹn bứt tốc, quyết đoán, táo bạo. Nói chung là vất vả, nhưng đã làm người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình, bảo vệ nhân dân mình thì phải chấp nhận vất vả, hy sinh, phải không ạ?!

Nghe Minh nói, lặng lẽ nhìn cặp mắt ngời sáng của Minh, tự dưng tôi thấy niềm vui, niềm hạnh phúc thật gần. Một hạnh phúc bình dị, đơn sơ như tâm hồn người lính, như ý chí người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vì nhân dân quên mình của người lính…

Rời đội đặc công nước trở lại tiểu đoàn, chúng tôi cùng thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lê Như Hiệu “dân” Thanh Hóa “nhập tịch” quê vợ Thị xã Hồng Lĩnh đã nhiều năm nay và thiếu tá Nguyễn Sĩ Hà chính trị viên tiểu đoàn đến với đội chống khủng bố. Anh em đang tập khoa mục thả dây nhà cao tầng. Dưới làn mưa mù mịt, tường cao dễ đến vài chục mét bị mưa làm cho trơn trượt, tôi lắc đầu, lè lưỡi nhìn. Nói dại lỡ ra…Tôi không dám nghĩ tiếp nữa... Đón chúng tôi là thiếu tá Phó tiểu đoàn trưởng Hoàng Đức Trung quê Đức Lạc, Đức Thọ, một sĩ quan còn trẻ và trông rất phong trần. Trung chậm rãi nói với chúng tôi:

- Nói chung làm chiến sĩ đặc công, mỗi ngành đều có những đặc thù khác nhau. Vì thế, anh em rất thương yêu nhau, quan tâm đến nhau. “Anh” chống khủng bố đi trên máy bay, trèo trên nhà cao tầng thì thương “anh” đặc công nước, bơi lặn giữa sông, giữa biển nguy hiểm ập đến bất kỳ lúc nào. “Anh” đặc công nước lại lo anh chống khủng bố nhảy dù, leo trèo…đối mặt với hiểm nguy thường trực…Thế nên anh em dặn dò nhau phải nỗ lực rèn luyện cho thật đặc biệt tinh nhuệ. Các anh thấy đấy, lính đội chống khủng bố thời nay trang bị cũng khác bộ binh. Súng cá nhân không còn là khẩu AK báng gập nặng nề nữa mà súng tiểu liên Micro uzi của Ixraen nhẹ, gọn, bắn được bằng một tay như súng ngắn mà hiện đại hơn nhiều. Chống khủng bố hay nhảy dù đổ bộ tập kích sau lưng địch, người lính đều phải hết sức gan dạ, bình tĩnh, quyết đoán. Chỉ sai một ly là đi đứt cả tính mạng mình. Ví dụ khoa mục thả dây trên nhà cao tầng xuống để đột nhập nơi bọn khủng bố cố thủ. Đang treo lơ lửng giữa không trung, phải chọn đúng lúc, chớp thời cơ tung chân đạp vỡ cửa kính, một tay tung lựu đạn khói, một tay chĩa tiểu liên Micro uzi vào…Mọi hành động đều phải hết sức chính xác, chỉ cần một sơ suất, chỉ cần một sai sót nhỏ là không thể rút kinh nghiệm cho mình nữa. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải nỗ lực rèn luyện, nói cho đúng là nỗ lực khổ luyện, tự nâng mình lên mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được.

Rời đội đặc nhiệm chống khủng bố, chúng tôi về thao trường đặc công bộ. Trời về chiều trời càng lạnh, mưa bụi vẫn bay bay, ảo mờ như sương khói. Thao trường bên sườn núi phía Bắc Hồng Lĩnh, từng mũi đặc công vẫn miệt mài tập tiềm nhập. Trời rét căm căm mà mồ hôi ai cũng túa ra ướt đẫm cả lưng áo cỏ. Bóng họ thoắt ẩn, thoắt hiện trong các lùm cây, dưới làn mưa. Bầu trời cuối đông giống như một cái vung xám xịt úp chụp xuống. Thao trường nằm trên lưng chừng núi. Có nhà văn về viết bài từng gọi đây là nơi đón giông bão đầu tiên và cũng là nơi đón mặt trời sớm nhất, bây giờ thì thả sức cho gió bấc lùa. Tôi khép lại vạt áo mưa thiếu tá Lê Như Hiệu vừa trao cho đỡ lạnh. Gặp một chiến sĩ mang quân hàm binh nhất, tôi hỏi nhỏ:

- Hình như đồng chí là lính mới? Làm người lính binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, đồng chí có thấy khó, thấy vất vả lắm không?

- Khó lắm chứ ạ! – Người lính hồn nhiên trả lời – Ví như những chuyện nhỏ, hết sức bình thường nhưng cực khó là từ bỏ những thói quen, chúng em cũng phải khổ luyện lắm. Hay khi tiềm nhập, chúng em phải đi bằng mũi bàn chân, cứ như diễn viên ba - lê. Cả việc tập không ngáy khi ngủ, cũng phải rèn bằng được. Bởi là lính đặc công nhiều khi phải ém quân gần địch, hay đi trinh sát phải ngủ lại giữa hàng rào kẽm gai, cứ “khò khò” thì khác chi “lạy ông tôi ở bụi này”! Rồi tập ho, tập hắt hơi, tập chuyền lệnh… sao cho địch không nghe được, tập xóa dấu vết để cả đoàn quân đi qua mà chẳng để lại cái gì… Nói anh thứ lỗi, ngay cả chuyện tưởng như vô hại như…đánh rắm, đi vệ sinh cũng phải học, phải rèn. Buổi đầu mới vào đơn vị cũng ngán lắm, khó chịu lắm. Nhưng bây giờ thì quen rồi, làm được rồi ạ!

Tôi vui lây với câu chuyện thật thà của người chiến sĩ trẻ. Hỏi mới biết tên cậu ta là Hoàng Trọng Quang quê Thạch Hà. Thiếu tá chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Quốc Phòng đi đến góp lời:

- Đã tinh nhuệ là phải tinh nhuệ ngay từ những thói quen của mình. Từ bỏ một thói quen của con người đâu phải dễ dàng gì. Nhưng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đã làm được. Có thế mới là bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, mới hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt, phải không anh?!

Đêm ấy, tôi theo bộ đội ra bãi tập. Từ những hõm núi, khí đá bốc lên mờ mịt như khói, như sương. Tiếng chim “bắt cô trói cột” kêu đâu đó, âm u trong cánh rừng già trước mặt. Tôi nhìn quanh. Một sự tương phản làm tôi trào dâng một tình cảm thật khó tả. Ở đây, ngay nơi sườn núi heo hút này, trong những búi cỏ, bụi sim, muồng lúp xúp đầy muỗi, mòng, rắn rết; trong những hàng rào kẽm gai đủ loại chằng chịt, nhọn hoắt, hoen rỉ, những người lính đặc công quần cộc, áo cộc, chân đất đang dầm mình trong khí đá, trong sương núi mải mê luyện tập. Dưới kia, như ngay dưới chân họ, là thành phố Vinh của Nghệ An đèn nhấp nháy đủ màu, là dòng xe đủ loại như đang trôi trên một dòng sông ánh sáng. Tôi ngoảnh lại nói với Lê Như Hiệu:

- Đến đây tôi mới hiểu người lính phải chịu nhiều thiệt thòi, nhiều hy sinh quá. Nếu không khoác bộ quân phục màu xanh lên người làm sứ mệnh cao cả, thiêng liêng bảo vệ bình yên cho Tổ quốc mình, cho nhân dân mình, thì họ cũng đang trôi trong dòng sông ánh sáng kia. Mà suy cho cùng, có được sự bình yên đó, người trấn giữ chính là những người lính đang gian nan khổ luyện ở đây, ở khắp đất nước mình!

Nghe tôi nói, thiếu tá chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Sĩ Hà sôi nổi:

- Từ ngày thành lập tới nay, bàn chân người lính tiểu đoàn chúng tôi đã đi tới khắp các chiến trường. Tiểu đoàn đã đánh 63 trận lớn nhỏ, diệt 5.697 tên địch, bắt sống 407 tên đủ các sắc lính. Không những bắt sống lính địch, đơn vị còn bắt sống  được cả máy bay trinh sát L19, máy bay trực thăng UH1, xe tăng M41, xe thiết giáp M113. Tiểu đoàn, hai đại đội và hai cán bộ, chiến sĩ vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trước tình hình mới, kẻ thù của chúng ta ngày càng xảo quyệt, thâm độc, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều nhận rõ vinh dự, tự hào được làm một người lính đặc biệt tinh nhuệ của một tiểu đoàn anh hùng, quyết tâm học tập, rèn luyện sống xứng đáng với truyền thống vinh quang đó!

Đêm về khuya. Từng đội chuyển sang tập chiến thuật. Dưới kia, dòng đèn xe vẫn tuôn chảy trong dòng sông ánh sáng. Những ánh đèn màu vẫn nhấp nháy nửa như ngái ngủ, nửa như gọi, như mời. Nơi này, từng mũi đặc công lặng lẽ tiềm nhập qua trước mặt chúng tôi. Dáng những người lính đặc biệt tinh nhuệ ẩn hiện trong màn sương, nhòa vào màn đêm mà tôi thấy họ như đang tạc vào dáng núi, tạc vào bầu trời đêm lấp lánh muôn vì sao thành một bức tranh thật kỳ vĩ về người lính…!

                                                                                            Tháng 11 năm 2020

                                                                                                      X.Đ

. . . . .
Loading the player...