23-06-2022 - 14:51

Bút ký ÂM VANG NGÀN TRƯƠI của Tác giả Nguyễn Trung Tuyến

Trại sáng tác văn học nghệ thuật ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay của Vũ Quang trong quá trình xây dựng và phát triển được bế mạc sau hơn 1 tháng tổ chức. Các tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay đi lên của quê hương Vũ Quang trong thời kì mới. BBT xin giới thiệu Bút ký ÂM VANG NGÀN TRƯƠI của Tác giả Nguyễn Trung Tuyến

NGUYỄN TRUNG TUYẾN 

                                               ÂM VANG NGÀN TRƯƠI

                                                                                                                            Bút ký

Đã là cuối tháng ba, Vũ Quang trong tiết thanh minh “yên hoa tam nguyệt”. Cây cỏ uống no nê nhựa xuân. Núi rừng không còn cái vẻ ủ ê ảm đạm của ngày đông tháng giá, chồi non lộc biếc đã gần qua xuân thì, bén nhựa xanh lên màu xanh đậm đà chín chắn. Hương bưởi, hương cam như hãy còn lưu luyến vấn vương trong không gian trong trẻo. Cảm giác hồn người khao khát muốn được giao hòa để rồi lắng tất cả mọi âm vang của núi rừng, của hồ nước Ngàn Trươi cùng tiếng rì rầm của của bao lớp người sinh ra, lớn lên, dựng nghệp nơi vùng đất thiêng sơn thủy hữu tình này.

Đập Ngàn Trươi cao trình 53,9 mét, bề rộng đỉnh đập 12 mét nối hai khối núi vạm vỡ từ bên tả sang bên hữu chặn ngang khe Ác mà tích thủy thành hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Hồ nằm trong tọa độ 18,384405 độ bắc - 105,471064 độ đông, độ dài tối đa 15 km, độ sâu tối đa 60 m, diện tích bề mặt 46 km vuông  ẩn hiện trong vườn quốc gia Vụ Quang u trầm kỳ vĩ. Đường xuống bến xuôi cùng mái núi nghiêng bóng soi mặt hồ tĩnh lặng. Nhìn đôi bờ, núi rừng Ngàn Trươi mở dần ra từng trang từng trang, người đọc lên nghe âm vang cảm xúc non ngàn bất tuyệt. 

Trước khi vào được vùng lõi vườn quốc gia Vũ Quang, thuyền lướt qua bức tranh thiên nhiên vùng đệm. Núi rừng vùng đệm từ lâu đã được giao cho người dân làm chủ sở hữu. Ấy là những đồi tràm gần, xa lớp lớp chất ngất lên đến tận trời. Có những sườn núi, tràm đang vào mùa thu hoạch, người ta chặt hạ cây xuống để lộ hai mảng màu đối lập, màu xanh biếc và màu đất đỏ ba zan. Những quả đồi này trông xa như những ruộng mạ mà người ta đã nhổ một phần mang đi cấy để lại một phần xanh non trên cánh đồng trời. Trong sắc xanh đủ gam màu của núi đồi điệp trùng, thấp thoáng hiện ra những quả đồi đỏ như son, các cỗ máy đào máy ủi đang hùng hục cải tạo chúng thành những vườn cây hoa trái nức tiếng của xứ này: Phúc Trạch, Khe Mây, Vũ Quang…

Vũ Quang - một huyện nghèo mới thành lập, hơn 20 năm gian khó trăm ngàn vạn nỗi nay thênh thênh trên sóng nước Ngàn Trươi, cảm xúc chen lấn giữa niềm vui tươi mới hòa với nỗi bồi hồi dâng ngập tâm tư. Ngược ngàn  thuyền đi qua vùng đệm lúc nào không hay. Con thuyền như mũi tên xuyên vào giữa điệp trùng thăm thẳm rừng già nguyên sinh, nhìn lên núi rừng đâu đâu cũng thấy hoa rừng. Một thoáng ngỡ ngàng - bắt gặp loài hoa có tên ngồ ngộ - hoa chạc quẹch trải dày như thảm hoa nhung tiên nữ mùa xuân miệt mài dệt từ độ cuối đông năm ngoái sang tiết thanh minh mới  buông xuống khoác lên xanh biếc rừng già. Vườn quốc gia Vũ Quang mở ra nhiều nhánh hồ nhỏ khiến ngỡ như lạc vào trận đồ bát quái Ngàn Trươi đã bày sẵn.

Anh chiến sĩ đồn biên phòng 999 uốn vô lăng lái con thuyền vẽ đường cong trắng xóa bên trái hông thuyền tránh mấy thân cây khô ngập trong hồ nước rồi chỉ về phía xa xanh:

- Sắp đến di tích căn cứ địa Ngàn Trươi - Vụ Quang của cụ Phan Đình Phùng rồi!

Bất chợt, một con chim đại bàng đột hiện nghiêng cánh chao liệng trên mặt hồ rồi bay biến vào đại ngàn. Con chim trong mắt khách du như một thực thể kỳ bí, đánh thức bao ám ảnh, ấn tượng; suy nghĩ, cảm xúc với Vụ Quang. Con chim đại bàng - con chim chúa tể của rừng già! nghe nói: con chim chỉ chọn cái chết là khi bão tố ập đến, khi đó đại bàng lao thẳng vào cuồng phong xé tan thân thể mình trong gió bão. Đầu nguồn hồ Ngàn Trươi khi xưa là chốn thâm sơn cùng cốc. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng cùng nghĩa quân đã chọn nơi này để đặt đại bản doanh cho cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Họ như những con chim vũ dũng trong cuồng phong của lịch sử dân tộc ta vào những thập niên cuối thế kỷ XIX đầy đau thương tao loạn ấy.

Triều dâng xao động mặt hồ. Khi mặt trời khuất xuống sau rừng già, ta như nghe được tiếng bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm triền miên vọng lên từ dưới lòng sâu. Ấy là âm vang hào khí đã kết tụ của cha ông xưa mà hồ Ngàn Trươi hãy còn niêm phong trong sâu thẳm. Khi hồn người lắng lại, ta có thể nghe được lời thiêng của non ngàn tỏa lan mênh mang trong sương khói Ngàn Trươi. Khởi nghĩa Hương Khê - cuộc khởi nghĩa do nhà nho yêu nước Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng làm thủ lĩnh kéo dài suốt hơn 10 năm (1885 - 1896). Dưới ngọn cờ Cần vương cùng lời hịch kêu gọi đánh Pháp của cụ Phan, nhân dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình hình thành nên 15 quân thứ quyết sống mái với kẻ thù. Chuyện đánh giặc xin nhường người chép sử, chỉ nghe âm vang trong lòng sâu thôi cũng đã xao động lòng người. Ngày ấy anh hùng hào kiệt từ khắp mọi miền quê vượt núi băng ngàn tìm về Ngàn Trươi tụ nghĩa, họ là những người có tên tuổi như: Cao Thắng, tiến sĩ Phan Trọng Mưu, cử nhân Phan Quảng Cư, ấm Ninh, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Trạc, Phan Đình Can, Nguyễn Mục, Phan Bá Niên…cùng bao nghĩa sĩ vô danh. Họ chưa từng biết mặt mũi chân tay thằng Pháp ra sao, vũ khí trang bị của chúng thế nào, đêm đêm, họ mài kiếm bên bờ suối mòn ánh trăng khuya để rồi suốt hơn 10 năm ấy người nghĩa sĩ hóa thân bất tử cùng với non xanh nước biếc đại ngàn. Người từ biển lên rừng tụ nghĩa thì khoác theo những chiếc áo tẩm ướp công phu bằng nước mắm cốt, chiếc áo tẩm ướp nước mắm ba lần bảy lượt trở nên dày sục như da trâu, da ngựa để tiếp tế cho nghĩa quân; kẻ phú hào nơi thôn quê thì bán trâu bán ruộng mua sắt, mua đồng giúp cho nghĩa quân đúc rèn vũ khí; người trung du thì lùa cả trâu ngựa đi theo cờ đại nghĩa; phận liễu yếu đào tơ cũng góp sức mình gánh gạo tiếp tế cho cho chồng con lên Ngàn Trươi theo cụ Phan đánh giặc, đến kẻ đui mù tật nguyền cũng một dạ theo nghĩa quân, họ sáng tác nên những bài vè, những câu hò câu ví khơi dậy lòng yêu nước thương nòi khích lệ tinh thần sĩ khí. Trên vạn nẻo đường hoang lên căn cứ Ngàn Trươi, biết bao chuyện bi hùng diễn ra suốt 10 năm trời, thử hỏi sử sách nào ghi hết được!

Thuyền trôi rất êm mà ngỡ như triều sôi sùng sục, như còn đâu đây những bếp lửa huyền thoại đang cháy bập bùng hắt những quầng sáng giao thoa trên sóng nước ấy là ngọn lửa yêu nước Cần Vương từng cháy suốt 30 năm cuối thế kỷ XIX. Lửa thiêng Ngàn Trươi không bao tắt. 

*

Là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang thành lập vào ngày 4 tháng 8 năm 2000. Vũ Quang như cô sơn nữ khỏe mạnh đang độ tuổi đôi mươi, vẻ đẹp vừa chân chất mộc mạc vừa nồng say tươi thắm vừa  bí ẩn huyền thoại. Khí lành của long mạch đất đai, vóc dáng của núi rừng, hình hài của sông suối tôn vẻ đẹp cho Vũ Quang là vậy.

Về Vũ Quang dịp này, được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương từng vật lộn từ những ngày đầu thành lập huyện đến lớp con cháu bây giờ tiếp bước; được gặp những người  dân hơn 20 năm trước dời làng đi lập huyện, những người dân bỏ lại vườn cây ao cá gắn bó từ bao đời trong vùng lòng hồ Ngàn Trươi để đến khu tái định cư tạo lập cuộc sống mới. Cảm nhận rõ nét nhất là niềm hạnh phúc, hân hoan, niềm vui rất riêng  trong thẳm sâu không dấu được cứ dâng đầy lên trong ánh mắt, trong nụ cười rạng rỡ của mọi người. Cán bộ gặp dân như gặp người nhà. Về thôn xóm nào, vào nhà dân nào, khách cũng được tiếp đãi các món ngon khó cưỡng: lạc luộc bùi thơm nóng hổi; khoai tím ruột vàng lòng đỏ trứng gà thơm phức, tỏa nghi ngút khói; sắn luộc trắng màu ngà, chín thơm dậy lên  mùi hương khoai mài; thức uống là nước chanh pha mật ong và tiếng đá lạnh kêu lanh canh trong  ấm thủy tinh trên tay cô sơn nữ có đôi mắt cười lúng liếng. Chỉ thưởng thức các thức ngon dân dã: ngô, lạc, khoai, sắn, cam, bưởi, mật ong… ngay trên đất Vũ Quang này thì mới cảm nhận được hương thơm vị ngọt rất riêng có của đặc sản Vũ Quang. Món ngon tuy mộc mạc quê mùa mà có sức hấp dẫn quyến rũ đến kỳ lạ. Bí mật làm nên hấp dẫn của sản vật, hoa trái là kho báu mà người nông dân chất phác hiền lành nơi đây là người nắm giữ chìa khóa.

Ông chủ tịch đầu tiên của huyện, thoáng trông dáng dấp cũng giống như một ông nông dân, nhưng được nói chuyện với con người này mới nhận ra cái chí, cái tâm, cái tầm của người cán bộ đã cùng gắn bó với đất, với dân nơi đây suốt bấy năm ròng. Người công bộc dốc hết bầu nhiệt tình tình yêu quê hương xứ sở, dốc cả  khát vọng, tâm huyết, năng lực, trí  tuệ  để có được một Vũ Quang đã và đang từng ngày đổi thịt thay da

Trong không gian giữa các vườn liên gia liền kề nói tiếp đến tận cùng những đồi cam xa xa, ngát thơm hương hoa trái, ông nói:

- Khi xưa cụ Phan Đình Phùng chọn Ngàn Trươi làm căn cứ và dựa vào dân mà đánh giặc trường kỳ. Sau này cán bộ huyện chúng tôi cũng luôn nhắc nhau học cụ Phan: phải dựa vào dân. Ngày mới thành lập huyện, anh em đi về cơ sở xây dựng phong trào, nếu không có dân nuôi thì anh em chết đói chứ chưa nói gì đến chuyện lấp sông dời núi. Bài học khắc cốt ghi tâm cho anh cán bộ là anh không bao giờ được phép xa dân, "Dân vi bản:.

Mục sở thị bao đổi thay tươi mới của huyện nhà, sức sống mãnh liệt và kỳ diệu đang diễn ra từng ngày trong đời sống của người dân Vũ Quang chỉ mới sau hơn 20 năm thành lập huyện càng thấm thía lời tâm sự giản dị hồn nhiên mà sâu sắc của ông cựu chủ tịch huyện.

Điểm nhấn bức tranh sơn thủy huyện Vũ Quang là vườn quốc gia Vũ Quang và hồ nước Ngàn Trươi. Hồ Ngàn Trươi là long mạch của một vùng địa linh rộng lớn. Triền tây huyện Vũ Quang là dải Trường Sơn trải dài 42 km theo biên giới với nước bạn Lào. Từ triền tây hoang vu, hai thế núi Vụ Quang - Ngàn Trươi sánh vai nhau cùng xuôi về đông. Giữa hai thế núi kỳ vĩ là khe suối, đầm hồ, hứng nước từ triền đông Trường Sơn vượt qua muôn vàn thác gềnh rồi hội nhau trên sông Ngàn Sâu. Sông Ngàn Sâu bắt tay cùng sông Ngàn Phố ở quãng Tam Soa cùng đổ ra sông La, xuôi về biển cả. Trong không gian hoành tráng, có sự gặp gỡ thú vị của người xưa với người nay: đó là vào khoảng nửa cuối năm 1894 (khoảng tháng 10), thực dân Pháp cùng tay sai mở cuộc càn quét với quy mô lớn vào căn cứ Vụ Quang - Ngàn Trươi. Để đối phó, Phan Đình Phùng cùng các mưu sĩ lập kế “sa nang úng thủy”. Họ chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược rồi binh tướng cùng nhau xây kè chặn ngang một con suối dữ mà nghĩa quân biết chúng muốn tiến công đại bản doanh Ngàn Trươi thì  ắt  phải đi qua tử huyệt này. Nghĩa quân dùng kế thủy binh và du kích mai phục như trận đồ Hàn Tín đánh Sở ngày xưa. Để tích thủy, họ dùng đá, lau sậy, đóng cọc gỗ chặn dòng. Nghĩa quân còn đẵn gỗ thả xuống thượng nguồn, ngụy trang cẩn thận và chờ giặc đến. Đúng như dự đoán,  ngày  26-10- 1895, 3000 tên lính Pháp cùng lũ tay sai tiền hô hậu ủng mò lên sơn phòng hòng san phẳng căn cứ Ngàn Trươi. Đúng thời điểm giặc đắc chí thì bên ta pháo lệnh nổi lên, suối rừng Vụ Quang nhất tề nổi dậy. Phá kè. Nước, gỗ, đá trên cao ầm ầm lao xuống. Lũ giặc vùng vẫy trong thác dữ kêu gào than khóc như ri. Trên bờ tên đạn bắn ra như mưa cùng tiếng gào hờn căm dậy núi. Cả lũ giặc cuống cuồng tháo chạy để lại trên thác lũ hơn 100 xác chết, trong đó có 3 tên Pháp. Trận đánh kinh điển của nghĩa quân còn truyền lưu mãi tận mai sau. Sự gặp gỡ thú vị là hơn một trăm năm sau trận thủy chiến lừng danh ấy thì  năm 2010, cháu con xây đập Ngàn Trươi. Con cháu cụ Phan Đình Phùng cũng bày trận đồ "sa nang úng thủy" nhưng  không phải là để diệt giặc mà "thượng điền tích thủy hạ điền khan" để cho hồ Ngàn Trươi góp phần không nhỏ  trong công cuộc chấn hưng xây dựng đất nước, vì quốc kế dân sinh. Sự gặp gỡ của xưa và nay là ở chỗ - cùng chặn dòng thác giữ vì tươi xanh cho cuộc  sống muôn đời.

Âm vang Ngàn Trươi - bản đại hòa tấu của non nước mây ngàn thao thiết muôn ngàn cung bậc, muôn ngàn giai điệu, vọng vang tiếng ngày xưa, hôm nay, đến mai sau. Dẫu biết một con gió thoáng bay vô cùng bé nhỏ trước bao la vô hồi vô hạn vẫn xin là một thanh âm  trong đại giao hưởng "Vũ Quang -  Ngàn Trươi" .

                                                                           Vũ Quang, tháng 4/2022

                                                                                                N.T.T

Bình minh Ngàn Trươi (ảnh Nguyễn Xuân Thủy) 

. . . . .
Loading the player...