15-10-2021 - 10:42

Bút ký TRÒ CHUYỆN VỚI DÒNG SÔNG của Tâm An

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký TRÒ CHUYỆN VỚI DÒNG SÔNG của tác giả Tâm An

TÂM AN

 

TRÒ CHUYỆN VỚI DÒNG SÔNG

                                      Bút ký

 

Sông Lam quê tôi khi xưa, bến cũ Giang Đình tấp nập người lên kẻ xuống. Những chiếc nôốc từ miền ngược vùng Đức Thọ, Hương Sơn cũng xuôi tận nơi đây mang theo các thứ hàng đổi bán như chổi, chè, các thứ đồ gia công làm từ tre nứa… đậu trải dài trên các bến sông...

Thật lòng, khi nghĩ đến anh Thành, người anh cùng xóm chợ Giang Đình cũ với tôi ngày trước, lòng tôi lại duyềnh lên nỗi nhớ sông Lam. Một nhẽ giờ đây, bao đứa trẻ trong xóm chài bé nhỏ ấy đã lớn lên và rời làng ra đi rồi, duy chỉ anh Thành là ở lại. Ngày ngày anh vẫn gắn bó với dòng sông đó, dẫu bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn đã trôi đi.

Một lần trở về xóm cũ có ghé vào thăm anh. Nhìn mãi mới thấy anh đang đứng trong đám trẻ con ầm ĩ cả một khúc sông rộng. Đến mùa hè, anh Thành lại tổ chức một lớp dạy bơi cho đám trẻ con trong xóm. Trông thấy tôi anh cười xòa:

- Mi còn nhớ những lần ta bơi qua sông buổi trưa không? Nắng lóa mắt, nước sâu nhìn thấy đáy mà anh em ta vẫn lì lợm bơi cho được sang bên kia sông nhỉ?

- Nhớ chứ anh, có lần lấy can nhựa làm phao bơi qua sông vỡ cả can còn gì. Hồi đấy không có các anh dìu vào bờ chắc là bỏ mạng. Trẻ con giờ sướng được quan tâm nhiều hơn, đâu như chúng mình ngày xưa bố mẹ thả nổi.

Tôi nhớ mãi những ngày xưa ấy lúc nào cũng như cái đuôi sau lưng anh Thành. Anh Thành hơn tôi gần chục tuổi, là dân vạn chài, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam. Cả gia đình nhét nhau trên một con nốc bé teo chật chội, nương nhờ vào khúc sông Lam mà sống. Anh bỏ học từ sớm, suốt ngày mò cua bắt cáy bên khúc sông dọc bến Giang Đình. Những buổi nghỉ học, tôi đi theo anh cùng nhau tắm sông, rồi cùng rủ nhau bơi ra giữa dòng sông Lam đu mình vắt vẻo trên những hàng cọc đáy chơi không biết chán.

Tôi như lạc vào nững năm tháng tuổi thơ với bến sông quê, với những bờ bãi hoang sơ mọc đầy cỏ lác, những sáng tinh mơ đi dọc triền sông tìm những quả trứng vịt đẻ hoang, những trưa hè trèo tót lên cây bần sum suê quả, hái chọn lấy thứ quả tròn xoay nguyên cuống hoa tim tím ấy. Quả bần khi chín vị ngọt, pha lẫn vị chát, mùi hương thơm lạ hăng hăng. Chấm với muối ớt lận lưng mang theo ăn ngon lành. Lại nhớ những sáng tinh mơ người dân trong xóm rủ nhau đi mót đăng bắt cá. Đăng thường được người dân chài đóng dọc mép ngoài trang và đặt đó khi con nước lớn. Nước cạn, cá tôm thủy sản dồn vào đó và chân đăng, từng đàn cá không kịp thoát ra bơi lượn thành đàn phơi ánh bạc dưới con nước cạn, dân quê tôi người nơm cá người nhủi te hò nhau vang cả khúc sông.

Những tưởng tháng ngày yên bình đó sẽ kéo dài mãi mãi nhưng hiện thực cuộc sống vốn dĩ phũ phàng hơn rất nhiều. Ngày thường cuộc sống cư dân vạn chài vốn đã khó khăn, vất vả, mùa mưa lũ lại càng tăng thêm nỗi gian nan và hiểm nguy. Anh nhớ trong một đêm mưa gió định mệnh đó, nước sông đột ngột dâng cao, sóng đánh tan thuyền. Hôm sau đó, anh phải nhặt nhạnh những thứ sót lại dạt vào bờ, lên triền sông dựng túp lều tạm bợ để tá túc chăm cha đang bạo bệnh nhưng không được, trước khi nhắm mắt xuôi tay ông nắm chặt tay dặn dò anh cố kiếm một mảnh đất dựng nhà để có chốn đi về an toàn trong những ngày giông bão.

Anh đã bỏ nghề chài lưới trên sông để đi tìm công việc khác kiếm sống qua ngày. Anh thử đủ mọi nghề từ phụ hồ đến chạy xe, bảo vệ canh gác...nhưng rồi không trụ lại được lâu. Phố chợ ồn ã xe cộ xô bồ khiến anh cảm thấy bức bối ngột ngạt. Những lúc như thế anh lại ra sông Lam. Nhìn dòng sông lặng lẽ trôi anh lại không đành lòng. Anh Thành bàn với vợ quay lại bám nghề sông nước.

Lần trở lại với dòng sông này, anh Thành đã chuẩn bị cho mình những kiến thức nuôi trồng thủy sản, học hỏi những mô hình nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân khai thác lợi thế mặt nước trên sông. Anh còn mạnh dạn vay vốn đắp đập đào ao nuôi thêm thủy sản, từ chỗ đó kinh tế của anh nay cũng dần ổn định khấm khá hẳn lên.

Tôi nhìn cơ ngơi ban đầu của anh mà mừng. Những lồng cá đang hứa hẹn một mùa thu hoạch. Tôi thấy niềm vui lấp lánh trong mắt anh:

-Tối nay anh đưa mi lên du thuyền Giang Đình cổ độ, du ngoạn dòng  Lam tha hồ mà ngắm cảnh.

Tôi vui vẻ nhận lời.

Trên chiếc du thuyền hai tầng khang trang đẹp đẽ, chúng tôi ngồi trò chuyện về dòng sông, cảm nhận làn gió mát trong thổi lộng lên từ xóm chài Hồng Nhất, nơi bến mới Giang Đình rồi xuôi về Lam Thủy. Xưa kia nơi đây và thôn Trường Lam xã Xuân Hải được xem như là hai làng chài gần kề có truyền thống lâu đời nhất. Các tổ nghiệp nghề cá nơi đây sinh hoạt và đánh bắt chủ yếu trên các loại thuyền nhỏ, đánh bắt chủ yếu bằng phương pháp thủ công truyền thống trên tuyến sông Lam, một số ít hộ cá thể nhóm nhau lại đi đánh bắt cá gần bờ ở biển. Từ trước những năm 2000 nơi đây có khoảng 50 hộ gia đình làm nghề chài lưới. Họ chủ yếu sống trên những con thuyền chài đánh bắt mưu sinh bằng nghề đáy, nghề vó, nghề đăng và kéo lưới vv….

- Dòng sông quê mình đã đổi thay nhiều quá! Con người giờ đã biết làm chủ dòng sông rồi anh nhỉ?

- Xã hội phát triển lên nhiều, đô thị văn minh nhưng nói thật ý thức dân mình còn kém quá, rác thải cứ tuồn hết ra sông. Giá như ai cũng có ý thức giữ gìn cho dòng sông xanh trong và sạch đẹp…- Anh thoáng thở dài.

Tôi lắng nghe trăn trở ấy của anh Thành mới hiểu được lý do tại sao bao lâu nay anh vẫn luôn cần mẫn chèo nôc dọc trên dòng Lam vớt những thứ rác bồng bềnh trôi nổi, những thứ củi rều dập dềnh trên mặt nước, hạn chế xả thải trực tiếp của các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc làm của anh dần được các hộ nuôi lồng bè khác hưởng ứng trở thành công việc thường xuyên trên sông Lam.

Chúng tôi ghé vào nhà một đứa em cùng làm với anh Thành. Nó rủ anh em tôi chèo nôc ra sông.

- Đi theo em, ra ngoài kia kiếm xem có mớ cá mớ tôm gì ta uống luôn ngoài ấy cho sướng.

Nghe giọng em tôi tò mò:

- Xóm chài Lam Thủy giờ còn nhiều người theo nghề không chú?

- Hồi trước bỏ gần hết nhưng nay nhiều hộ dân quay lại với nghề rồi, xóm lại đông đúc nhộn nhịp như xưa. Dân ta ưa chuộng đồ thủy sản, các nhà hàng quán nhậu ven sông cũng mọc lên nhiều nên sức tiêu thụ tốt hơn, mà khách du lịch về quê ta cũng chuộng ăn đồ sông hơn anh ạ!

Ra là thế! Bây giờ tôi mới nhận ra cái lý lẽ đơn giản đến thường tình của người dân chài. Đồ thủy sản trên sông ăn không ngán, dân dã rẻ tiền lại không khó chế biến. Bởi thế, những quán hàng ăn bên sông Lam, khách hàng cứ ra vào nườm nượp chỉ để thưởng thức những món ngon bình dị đậm đà.

Thoáng chốc nôc đã tiến ra nơi vó trục. Chú em thoăn thoắt nâng tấm vó lên, cá tôm nhảy lấp lánh hòa vào tấm lưới dưới ánh trăng loang loáng bạc. Nó khoái chí dùng cái vợt dài hốt cá cho lên nôc.

Giữa đêm trăng sáng, chúng tôi ngồi trên con đò thả trôi. Đứa em kể về những thú vui đánh bắt cá trên sông, nó bảo làm nghề đã đành là mưu sinh nhưng việc khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên phải song hành cùng nhau thì mới có thể nuôi sống con người ta mãi được.

Tôi ngồi trên thuyền trôi êm. Mùi cá nướng thơm lừng đậm quyện muối tiêu chanh và câu chuyện không hồi kết thúc lòng vẫn luôn tin rằng: trên dòng sông Lam khi vẫn còn những con người như anh Thành, như chú em này thì dòng sông vẫn mãi là chứng nhân chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất Nghi Xuân. Một dòng sông cho đời bao tôm cá, sông mang phù sa tươi tốt ruộng đồng…

- Được nhiều không ênh ơi!..

- Nhiều…

Con nôc lướt qua. Người ta ý ới gọi nhau. Tiếng gõ nhịp lên mạn nghe vọng vang trong đêm thanh vắng. Xa xa tiếng ai ngân nga điệu hò nghe da diết…

                                                                              T.A

Chiều trên Sông Lam (Ảnh Đậu Hà)

. . . . .
Loading the player...