18-07-2020 - 08:00

Bút ký NGÓ LÊN DÁNG NÚI của Trần Đắc Túc

TRẦN ĐẮC TÚC

                                      NGÓ LÊN DÁNG NÚI

                                                                Bút ký

                                                                      

 Nếu không có sông Lam

Núi Hồng buồn biết mấy

Núi Hồng không đứng đấy

Sông Lam xanh cũng thừa...

                            Xuân Hoài

 

Núi Hồng cắm cột mốc sừng sững bên mép sóng rồi choài ra biển Đông với Bằng lĩnh Nam giới. Một vùng biên viễn rộng lớn của nước Đại Việt xưa mà đường vô quanh quanh non xanh nước biếc kề nhau, đứng đâu cũng thấy dáng núi Hồng. Núi cặp đôi với sông mà làm nên non nước Hồng Lam.

 Khi Hoan Diễn rồi Thanh Nghệ tách chia, rồi Nghệ Tĩnh tách chia, mặc mọi sự li hợp thăng trầm núi vẫn cứ cao và sông vẫn cứ sâu để người Nghệ người Tĩnh ai cũng có một phần sông một phần núi. Để ai đi xa ngó lên dáng núi là biết để nhớ về.

Phía Bắc coi núi Tản Viên là biểu tượng sức mạnh của người Việt với chiến công của Sơn thần Tản viên thắng thuỷ nộ thuỷ quái sông Đà. Núi Nùng là ngọn núi của kinh đô ngàn năm văn hiến Thăng Long. Phía Nam có núi Ngự  của kinh đô một triều nhà Nguyễn. Thì Hồng Lĩnh là dãy núi văn hoá của cả một vùng rộng lớn Nghệ Tĩnh, xưa – nay.

Từng có một văn phái lẫy lừng – Văn phái Hồng Sơn (chữ dùng của học giả Hoàng Xuân Hãn để nói về những thi hào, thi bá cư ngụ dưới chân dãy núi này). Bắt đầu từ nơi khởi phát của núi Hồng : Sạc Sơn(Rú Cài) với cự tộc Nguyễn Huy. Đất Tứ diện công hầu, đất Hoa Tiên lắm phượng nhiều quy đã mời gọi một trong những trang tài hoa bậc nhất của dòng họ Nguyễn Tiên Điền sang ví phường vải để hậu thế còn giữ được bóng thi nhân:

... Có người đã vượt đò Cài

Băng qua Sông Trẹm để tìm ngài (người) hát hay !

Là ai? Nếu không phải là Hồng Sơn liệp hộ - Người thợ săn núi Hồng Nguyễn Du thời tuổi trẻ. Sau này khi tìm đo mấy trượng sâu nông của đò Cài, thấy được bao dấu tích nhọc nhằn thập loại trên cát vàng cồn nọ, hay khi ngẩng lên cao xanh vời vợi của bách, của tùng Hồng Lĩnh, Người sẽ đau cho thân phận thấp hèn mà kêu lên tiếng kêu đứt ruột mới - đoạn trường tân thanh, câu chuyện của Kim – Kiều: Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn (CLV)

            Thì 99 đỉnh non Hồng đã cao hơn, đã nhập hồn trong lời cầu nguyện của cư dân Hồng Lĩnh : Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác duyên, lạy tiên Thuý Kiều mà tìm mong sự phù hộ độ trì cho nơi thế tục khó nhọc.

Trước ngày áng văn kiệt xuất cuả thiên tài Nguyễn Du – người con số một của núi Hồng, ra đời hơn ba trăm năm, Bình chương sự Đặng Dung đã “cảm hoài” dưới núi Rồng Hồng Lĩnh :

…Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma

(Nợ nước chưa xong đầu đã bạc

Mài gươm mấy độ bóng trăng cao)

Thì đá núi Hồng Lĩnh nơi người chí sĩ mài gươm đã là trang văn. Văn nơi ấy là người. Chuyện “thế sự du du” không phải của người thua trận, mà là chuyện nuôi chí bền lâu của có bại có thành. Văn ấy nuôi dưỡng những khí phách, những nhân cách lớn của người Hồng Lĩnh.

 Người Hồng lĩnh mang khí phách Hồng lĩnh. Nơi đây hơn sáu trăm năm trước xã Độ Liêu có một Bùi Cẩm Hổ, lúc đương chức làm việc can gián vua: Ngự sử trung thừa, trải ba triều Thái tổ, Thái tôn và Nhân tôn mà khi trí sỹ ở quê nhà lại cùng xắn quần đắp chặn dòng khe, lấy nước cho dân Độ Liêu cày ruộng. Khi mất dặn cháu con năm mươi năm mới làm giỗ một lần. Dẫu được triều đình truy tặng Bỉnh quân Đại vương thượng đẳng phúc thần nhưng dân quê vẫn kính yêu gọi bằng ễng một cách dân dã.

Yêu dân, gần dân và có dân làm nơi nương tựa nên can gián vua mà không sợ lụy đến mình. Khi giữ chức Ngự sử giám sát đạo Tả Kỳ, Phan Huân quê sát chân Hồng lĩnh (xã Hồng lộc) từng dâng sớ hặc tội vua: Thiên hạ này là của cả thiên hạ, của riêng chi nhà vua mà nhà vua dám chuyên quyền định đoạt lấy một mình ? Nếu không phải là người Hồng lĩnh,  gan như gan quan Ngự ai dám nói câu tày đình, đầu rụng như chơi! Nói thẳng nói thật cũng là khí chất, cũng là nét văn hoá của con người nơi đây. 

Thẳng như dáng núi Hồng đội trời, thật như đá núi Hồng phơi ra cùng mưa nắng. Dáng núi Hồng là hình tượng để nhà chí sĩ Võ Liêm Sơn lấy hiệu Ngạc Am – Nhà nói thật. Nhà thi sĩ quê ở sườn nam Ngàn Hống đã tuân theo cách hành xử : Bách nhân nặc nặc, thiên nhân nặc nặc, bất như nhất nhân Ngạc am ( trăm người dạ dạ, nghìn người dạ dạ, không bằng một người nói thật). Nói thẳng nói thật mà chẳng sợ mất lòng ai, miễn là làm lợi cho dất nước;

Sinh thời cụ Thượng Trứ, khi Bình tây cờ đại tướng, khi Phủ doãn Thừa Thiên, có chức Dinh điền sứ thì ông là người đầu tiên nhậm chức này mà khai sinh ra Kim Sơn, Tiền Hải. Có lúc bị cách tuột làm lính trơn. Cũng chẳng sao. Cụ Thượng hưu quan cưỡi bò vàng đủng đỉnh, tay dắt hầu non vỗ khúc ca trù, “Quái sát Hồng sơn hữu thị phi”, “Mặc mọi sự đã có núi Hồng phân định” ước làm cây thông chịu rét trên đỉnh quê nhà. Cái sự thiệt, hơn, thua, được ở đời như gió thổi, mây bay, chỉ cần núi Hồng làm chứng là ổn.

Từng có một vùng đất học nổi tiếng nơi đây, với câu chuyện anh học trò nghèo mà thông minh Bùi Cẩm Hổ qua “Vụ án cháo lươn,” tuy chưa thi để có khoa danh vẫn được triều đình bổ dụng. Học giỏi như hai cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy là hiếm. Hiếm, vì hai cha con đều đỗ Trạng nguyên, do học giỏi môn chuyên quản mà được nhà vua ban cho họ Sử. Vốn trước, cha con ông mang họ Trần. Lẽ thường của các triều vua, khi ai có công huân lớn với nước, vua ban quốc tính: Họ của vua. Nay lấy tên một môn học mà ban cho làm họ, tưởng chẳng có vinh dự nào hơn với người hiếu học. Nét đẹp ấy nơi một nền học của tiền nhõn, với người nay là tài sản.

Núi Hồng có một tầm cao bởi một cộng đồng biết yêu thương, nhân ái, lại có những nhân tài trác việt sinh hạ ở đây. Tương truyền, thầy địa lí Tả ao Nguyễn Đức Huyền có bốn câu thơ đậm màu phong thuỷ mà La Sơn phu tử đắc ý lấy làm đề từ cho “Hạnh am thi văn tập” của mình

Hồng Lĩnh sơn cao

Song Ngư hải khoát

Nhược ngộ minh thời

Nhân tài tú phát

(Hồng Lĩnh núi cao

Song ngư biển rộng

Nếu gặp được thời

Nhân tài sẽ xuất hiện nhiều)

Thì vẫn vậy, Hồng Lĩnh cứ cao, biển cứ rộng chỉ cần gặp thời. Thời của núi. Từng có một thời Hồng Lĩnh hoang sơ, một thời tiền sử.

Chuyện dân gian xứ Nghệ kể rằng, Hồng Lĩnh vốn là cố đô Việt Thường; một Kinh đô đầu tiên của người Việt. Ngày đầu lập quốc, Kinh Dương Vương Lộc Tục chọn ngàn Hống để đóng đô. Sau đó Vương mới thiên di ra phía Bắc. Trên bước đường tuần thú, Vương đã chọn Nghĩa Lĩnh làm kinh đô và bắt dầu từ thời thứ nhất của các Vua Hùng : Đó là Hùng Hiền Vương. Ngọc phả Thánh đế của mười tám Vua Hùng cũng chép:” Vua huý Lộc Tục…đóng đô ở Thíu Lĩnh (Hồng Lĩnh) thuộc Châu Hoan, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ…”

“Có hay không một kinh đô tiền sử trước cả Phú thọ ở đất Hồng Lĩnh”? tôi đã hỏi nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Giáo sư Vũ Ngọc Khánh. Vị giáo sư già 77 tuổi đời, có số đầu sách hơn cả số tuổi đời đã quả quyết :” về chính sử, cứ liệu thì không rõ, hay nói đúng hơn còn phải đợi khảo cổ, nhưng trên phương tiện văn hoá dân gian thì Hồng Lĩnh từng là một Cố đô. Anh hãy cứ tin rằng trên đất nước Việt Nam không ở đâu lại có một truyền thuyết thứ hai về Cố đô như Hồng Lĩnh.

Tôi đã mang một niềm tin như vậy trong những ngày hăm hở leo núi Hồng làm địa chí Can Lộc cùng các học giả Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy, đứng trên đỉnh tháp Ông cao gần bảy trăm mét nhìn xuống thấy được một vùng xa xăm mờ ảo, còn sát ngang chân đứng thì mây quẩn như khói lúc mỏng, lúc dầy. Phía tây núi mây quang hơn nhìn rõ được đường 1A và đê La Giang  thẳng như nét vạch. Phía đông, mây kín chăng màn. Nhiều người, kể cả ông Võ Hồng Huy, một người đã dành trọn những tháng ngày còn lại để khảo tả, viết sách về núi Hồng cho biết, rất ít ngày phía Đông núi không có mây. Mây trắng núi Hồng như bạn tâm giao, tới khi chuyển mưa thì tụt xuống ngang tầm núi: Rú Hống đeo đai.Rú Cài đội nón! ấy là mưa.

Thứ mây làm đai, làm nón để báo hiệu cho người. Hèn nào trong một lần tuần du ra Bắc ông Hoàng Miên Thẩm có đế hiệu là Thiệu Trị đã có thơ vịnh núi Hồng, với hai câu kết thật đẹp:

Sầm khâm liệt chướng liên thiên bích

Bán lĩnh vân phong bán lĩnh khai

…Non cao trời thẳm xanh liền dải

Nửa núi thanh quang nửa núi mây (VHH dịch)

Núi, mây đẹp đến vậy, thật chẳng hổ danh sơn nước Nam được tạc khắc vào đỉnh  đồng đặt nơi Thế Miếu  cung đình.

Có hai niên đại để người đời sau nhớ: Năm ông vua Thiệu Trị “ngự giá Bắc tuần” làm thơ vịnh núi Hồng là năm 1842; còn năm ông vua cha Minh Mệnh đúc 9 đỉnh đồng, trong đó có Anh đỉnh khắc cảnh núi Hồng là 1836. Nghĩa là trước đó 6 năm, và trước nữa, khi vua cha Gia Long dẫu rối bời việc quân đánh dẹp, núi Hồng hẳn đã có thời được lưu giữ trong tâm trí, trong tầm nhìn ái mộ của nhiều người.

Thời của núi Hồng trong mờ mờ huyền sử ngàn năm lập quốc, hàng trăm năm lập xứ, lập tỉnh. Một thời của núi tao loạn, của chống giặc Phương Bắc, Phương Tây.

Một thời núi của chính thể Dân chủ cộng hòa

Của một thị xã mang tên núi.

Một thời núi của tách chia hội nhập, để có thêm một tạp chí văn học nghệ thuật mang tên Hồng lĩnh….

                                                                                       (trích)

                                                                                   T.Đ.T


Núi Hồng, Sông La ( ảnh Sách Nguyễn) 

. . . . .
Loading the player...