21-07-2020 - 05:26

Bút ký HOA RÀNH RÀNH của Hà Lê

 

HÀ LÊ

 

HOA RÀNH RÀNH

                                     Bút ký

 

Trong lần đi Quảng Bình gần đây để thắp hương cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cờ tôi thấy ba hố bom chênh vênh sườn núi giữa một vùng hoa rành rành thơm ngát, gần năm chục năm trời mà đất đá vẫn chưa bồi lấp xong. Đứng trước cảnh tượng ấy, tôi bồi hồi nhớ về một thời máu lửa. Nhớ đến một người phụ nữ dung dị đã từng được ví đến như  một “Binh trạm nơi vùng trắng”, “một công dân đặc biệt, một bà mẹ trăm con”. Con người ấy là Bà Đức Còng nổi tiếng.   

Bà Đức Còng là một người gan lỳ hiếm có. Hồi ấy, cả một quảng dài từ chân Đèo Ngang ra đến Ngầm Khe Luỹ, nhân dân được lệnh phải đi tản cư trăm phần trăm, do vậy vùng này trở thành vùng trắng. Ai có nhiệm vụ phải vượt qua vùng trắng để vô Quảng Bình thì thật là nguy hiểm. Nơi đây, đặc biệt là khu vực Đèo Ngang đạn bom dày như vãi trấu. Nơi sống chết cách nhau từng phút từng giây…vậy mà câu chuyện về  bà Còng “trốn chui” đến mấy lần, bà không chịu đi tản cư nổi tiếng cả vùng đất lửa xem ra lại hết sức giản dị. Không phải bà anh hùng, cũng không phải bà không sợ chết mà chỉ đơn giản bà nghĩ thương mọi người đi qua đoạn đường này nếu không thuộc đường thì chỉ có đi vào chỗ chết. Đặc biệt bà coi lái xe, bộ đội, thanh nhiên xung phong như con cháu của mình. Thương nhất là những đứa ở những miền quê ngoài Bắc như Thái Bình, Hà Nội, Hà Giang… lần đầu vô chiến trường, bà bảo: “Tao mà đi nữa thì mấy đứa ngu ngơ ấy ai lo”. Thế là bà âm thầm dựng lán dưới những khóm bụi ven đường. Rồi đào hầm xây luỹ cho bộ đội, lái xe…một đồn mười, mười đồn trăm về cái lán trại của Bà Đức Còng nổi tiếng cả vùng đất lửa.

 

 Hồi ấy, vùng Đèo Ngang, mức độ bom đạn phải nói là dày đặc. Từng tốp máy bay đi ném, về ném. Số bom thừa chúng cũng trút xuống nơi đây. Xe vận tải, xe quân sự…cháy lăn lóc hai bên đường. Pháo của mấy con tàu chiến Mỹ lấp ló ngoài đảo Con Bò bắn vô không ngớt. Đạn pháo tăng tốc  luôn rít qua đầu lên tận rừng xanh. Có lần bà Còng chỉ tay về đảo Con Bò và  dặn mấy “ông tướng” lái xe ngoài Bắc: “Khi mô chộ hắn quay dọc tàu là vô hầm ngay, đạn pháo rớt vô không chừng. Còn khi hắn quay ngang như ri thì lên ăn cơm, chuần bị mà vượt dốc”. Bà vừa nói vừa quay ngang cái vẹm hay dùng xúc cơm cho bộ đội. Có mấy lần chính quyền địa phương đến thuyết phục bà đi tản cư. Bà nhận lời, rồi trốn ở lại. Vì bà bảo: “Có những đứa khát cháy cổ mà không tìm được giọt nước, nói chi đến ăn cơm, ngủ nghỉ, lấy sức vượt đèo. Tao mà đi nữa thì bọn nớ biết mần răng”. Xuất phát từ lòng thương yêu lái xe, bộ đội, thanh niên xung phong … mà bà nấu cơm, hâm cháo, nhường hầm để cho họ nghỉ ngơi và chỉ bảo nơi dấu xe, dấu đạn...Tình cảm chân tình của bà đối với họ như là mẹ với con. Một hôm mấy ông chỉ huy của đơn vị pháo mặt biển, hỏi bà: “Cớ làm sao có gì mẹ cứ cho bộ đội, lái xe hết rứa?”. Bà vừa rót nước, vừa cười: “Tui khôông có con, thấy các chú, các o trẻ là tui thương, tui giúp”. Có lần, họ đưa ba chị thanh niên xung phong quê Hải Phòng, bị thương vào quán bà để sơ cứu. Bà thấy mấy đứa trẻ, đẹp mà máu me đầy mình, bà thương lắm, bà vừa khóc vừa săn sóc chúng như con, như cháu.

Cơ ngơi nhỏ bé của bà có người ví như binh trạm, như điểm giao liên,   lán chỉ huy mặt trận. Cũng có người khen bà chọn ví trí tài tình, có đầu óc quân sự. Vì táo bạo, bất ngờ và lợi dụng được địa hình địa vật. Nghe bộ độ khen vậy, bà cười hiền khô và chửi: “Tổ cha bay”. Có những tốp quá đông, Bà vẫn xắn tay cùng với anh nuôi nấu cơm, hâm mắm… mặc dù bộ đội nói: “Mẹ cho các con mượn chỗ nấu là quý lắm rồi”. Nhưng bà không thể ngồi không. Bà bảo: “Việc nớ để tau mần, thấy bọn bay tro tre là tau không chịu được”. Rồi bà lại tất tả chạy ngược chạy xuôi, lo cái này, kiếm cái kia, che chắn bếp núc… như người mẹ thực thụ. Còn những tốp ít người, bà thường nạt: “Cứ vô hầm mà nghỉ, để đó tau nấu cho mà ăn”. Có hôm, một chiếc xe sa lầy, mấy chú lái xe người Bắc lại rất trẻ, nét mặt đầy lo lắng!. Bà liền nói như ra lệnh: “Ngồi đó mà nghỉ, tau đi nhờ cho. Bay không quen đàng, không khéo lại dính bom nổ chậm”. Nói rồi, bà tất tả chạy theo đường tắt, bà kêu dân quân, bà gọi bộ đội… đến kéo dùm. Khi kéo xe lên rồi, chú lái xe chưa muốn chạy, cứ quấn quýt lấy bà. Bà lại nạt: “Chạy mau kẻo sáng, mi mà khôông nghe tau thì lần khác đừng có mà vác mặt về đây”.

Bà Đức còng không những phục vụ hậu cần cho mọi binh chủng qua đây, mà bà còn “ tư vấn” về “chỉ số nguy hiểm” của đoạn đường cho lái xe: “Đoạn đường xế trước mặt là phải đi sát bên trái. Bay mà đi bên phải mắc lún, không lên được mô. Còn cái Ngầm Chân Đèo là không cần thăm dò. Cứ bên phải mà chạy. Mà phải vù cho nhanh không thì nước vô ống khói”… Bộ đội, Thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến… bỏ quên cái gì ở quán Bà là coi như để ở nhà mình. Bà cất giữ cẩn thận để tìm cách gửi trả. Có những hôm máy bay thả bom suốt ngày, pháo ngoài biển câu vô không ngớt, bà không đi mua, đi kiếm được chè xanh, bà bèn nấu nước hoa chổi rành, lá ngấy, lá trâm… rồi đưa nồi xuống suối dìm nguội cho bộ đội đổ bi đông. Thứ nước lá này vừa thơm, vừa bổ mà rất sẵn. Một số chiến sĩ trẻ cứ xoắn lấy hỏi: “Thứ chè gì tuyệt vậy ạ!”. Bà chưa kịp trả lời thì ông trung đội trưởng, người Hà Nội nhanh nhẹn nói: Chè bà Còng. Thế là loại “Chè bà Còng” bao gồm mấy thứ lá rừng được các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong… áp dụng rộng rãi. Những bi đông “Chè bà Còng” thơm ngát hoa chổi rành, lần lượt theo các đoàn xe, đoàn quân toả đi khắp mọi chiến trường. Những khi không có bộ đội… thì bà bán xôi chè, đậu lạc, cơm dưa cho khách qua đường, tiền nong thu được bà đem làm từ thiện, giúp dân nghèo, giúp người đi đường gặp khó khăn. Ai hỏi “Cớ mần răng” thì bà cười bảo: “Nơi ni khi xưa, Đức mẹ Liễu Hạnh đã giáng thế để giúp đỡ dân lành. Nay đền bà còn đó. Tau thì mần được cái chi”. Cứ thế, thời gian trôi đi, có những người trở lại quán bà. Và rất nhiều người nằm lại chiến trường. Chỉ có những cánh thư bay về cảm ơn: “Mẹ ơi! Chúng con không có điều kiện trở về thăm mẹ. Nhưng chúng con suốt đời ghi nhớ tấm lòng nhân hậu và công lao của mẹ đã giúp đỡ chúng con”. Có chiến sĩ pháo phòng không bảo vệ vùng Đèo Ngang, trước khi trút hơi thở cuối cùng còn khóc, gọi tên Bà Đức Còng.

Bà Đức Còng đã trực tiếp giúp đỡ hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe đi tới đích, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ quân đội, thanh niên xung phong và những người qua đây có cơm ăn, nước uống, hầm hào tránh bom, lo toan, căn dặn như người ruột thịt. Công trạng của bà đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, đối với mặt trận bảo đảm giao thông rất lớn. Quán bán hàng của bà trở thành một binh trạm đặc biệt nơi vùng trắng, một địa chỉ tin cậy, an toàn, bà vang tiếng là người mẹ trăm con, đức độ, nhân từ. Điều đáng nói là cái “binh trạm” này đóng ở vị trí bất ngờ nhất đối với máy bay giặc Mỹ. Nơi đạn bom dày đặc mà biết bao người và hàng hoá qua đây vẫn bảo đảm an toàn. Đến khi bà được tặng Huân chương, và nhiều bằng khen, bà lại chửi: “Tổ cha đứa mô khai báo mà không cho tau biết, tau thì mần được cái chi”.

 Bà Đức Còng tên thật là Nguyễn Thị Ngung, quê ở làng Kẻ Ngâm (thuộc xã Kỳ Ninh ngày nay). Do một hoàn cảnh nào đó mà một mình bà xiêu bạt đến thôn Hoành Nam cấy thuê, gặt mướn cho “Đồn điền Cu Đúc” thời Pháp. Trong thời kỳ ấy bà gặp và yêu ông Bút người Quảng Bình, ông Bút cũng là dân làm thuê. Hai người lấy nhau được một thời gian thì ông Bút đau và mất khi hai người chưa kịp có con. Bà không đi bước nữa mà ở vậy thờ chồng. Cái tên bà Đức Còng là do Trung uý Vũ Đức Mão, đại đội trưởng, Đại đội 443 pháo mặt biển, đặt cho. Bởi vì bà thường tâm sự: “Tài sản tui nỏ có chi, con cái nỏ có. Tui mong sống mần răng để để lại cái đức cho đời”. Và ngày mồng ba, tháng hai, năm Nhâm tuất (1982), bà Đức Còng, bà mẹ trăm con, thanh thản về nơi chín suối, thọ 86 tuổi. Đám tang bà đông lắm,“đông như thể đám tang ông to trong làng”. Dân làng đã hoá toàn bộ huân chương, bằng khen và các loại giấy tờ để bà mang theo, vì ở trần gian, con cái bà chẳng có. Bà đã để lại cõi trần cái đức sáng ngời như bà hằng mong muốn. Hàng trăm, hàng nghìn người, trong đó có lái xe, bộ đội, thanh niên xung phong và người qua đường đã mang ơn bà. Rất đông chiến sĩ tự nguyện làm con bà. Một số người thầm hứa sẽ phụng dưỡng mẹ khi về già mà chưa thực hiện được. Họ chỉ biết không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi thử thách cam go để lập công trên cương vị của mình.

Gần đây một số Cựu chiến binh, một số người đang là chủ trì cấp Tỉnh, cấp Bộ…đến hỏi thăm Bà Đức Còng. Có nhiều đoàn tìm đến tận mộ để thắp hương. Nhiều người thút thít khóc như thắp hương cho mẹ đẻ. Điều đặc biệt là xung quanh mộ bà nở đầy hoa rành rành, thứ hoa dung dị, thơm ngát mà không bão giông nào vùi dập nổi. Hoa rành rành mộc mạc, chân chất như chính đời của Bà Đức Còng. Thứ hoa mà trong chiến tranh bà đã dùng nấu nước cho bộ đội mang ra chiến trường đánh giặc.

Dưới cái nắng nóng như đổ lửa của gió lào, hoa rành rành vẫn đua nhau nở, hương hoa thơm ngát khắp dải đất miền trung.                                                                 

                                                                                                      H.L

 

Ảnh nguồn internet

. . . . .
Loading the player...