03-07-2021 - 09:21

Bút ký dự thi PHẬN CỎ của Lê Văn Vỵ

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi PHẬN CỎ của nhà thơ Lê Văn Vỵ

LÊ VĂN VỴ

 

PHẬN CỎ

                                                           Bút ký dự thi       

Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với ruộng đồng, bờ bãi, chăn trâu cắt cỏ. Làm sao có thể quên, những buổi chiều, chúng tôi thả rông trâu, bò ven bờ bãi sông Ngàn Phố, ngụp lặn trên sông, bắt cào, đổ dế  hay đánh khăng, chơi ô ăn quan hoặc bày trận giả. Cũng có lúc, chọn một bãi cỏ êm, ngả mình, nhìn lên bầu trời trong xanh với vô vàn tưởng tượng.

Những ngày nghỉ trước tết, lũ chúng tôi rủ nhau, quảy sọt sang sông, vượt truông Mung, lên thung lũng Đớ Cù cắt cỏ cho bò. Một thời không chỉ “củi quế, gạo châu” mà cỏ cũng khan hiếm. Mỗi gia đình nông dân chỉ chăn nuôi một hai con bò chủ yếu để kéo cày mà sao ngọn cỏ cho bò ăn khan hiếm đến vậy?

Cỏ mà tôi nói ở đây là các loại cỏ dại, cỏ gừng, cỏ may bên vệ đường, cỏ chỉ mọc lan tràn trên ruộng nước, cỏ lùng ao hồ, cỏ giác mé núi, cỏ mật trong vườn lạc, bãi ngô. Không người nông dân nào trồng cỏ. Ở đâu có đất là có cỏ. Cỏ dại lấn cả lúa khoai, ngô, lạc. Nhà nông phải cuốc, nhổ, “ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ”.

Ấy vậy nhưng, những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, cỏ thay đời đổi phận, lên ngôi. Từ Cầu Cánh Tàng lên Nầm rẽ vào Phúc Mai Thủy hay qua Trung Bằng Phú, rẽ Giang Lâm, ngược Tây Lĩnh Hồng đâu đâu cũng bạt ngàn xanh cỏ. Cỏ bên đường, dưới núi, ven đồi. Những cánh đồng quanh đập Quát Sơn Giang ngày xưa là cánh đồng lúa năm tấn, giờ là những cánh đồng cỏ. Qua cầu Ngàn Phố, ngược đường Hải Thượng Lãn Ông lên Quang Diệm, những cánh đồng Cây Trộp, Cồn Bông, Đồng Nghè quanh năm cỏ bạt ngàn xanh tốt. Mà tịnh không có người chăn dắt trâu bò, chỉ có những người nông dân cắt cỏ bằng máy, đóng bì chất lên xe mang về hay chở đến Công ty nuôi bò sữa Vinamilk.

Từ cỏ dại, cỏ hoang đến cỏ - hàng hóa là cả hành trình đổi phận của cỏ. Hành trình này bắt đầu từ Chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ mà cốt lõi là Quy hoạch lại Nông thôn, Nông nghiệp, Nông dân làm sao thay đổi tư duy sản xuất, cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng để tạo ra chuỗi sản phẩm chất lượng cao làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân lao động. Đó là một hành trình sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám từ bỏ những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, những thói quen chây lười cạn nghĩ, ngại đổi mới không chỉ của người nông dân mà còn của cả cán bộ.

Xã NTM Sơn Mai (Hương Sơn) phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp.  Ảnh:Minh Lý

Trên nền tảng đánh giá những tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, môi trường, về nguồn lực lao động của địa phương, Nghị quyết 01-NQ/HU “Về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn mới”;  Nghị quyết 02-NQ/HU ngày 28/12/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hương Sơn về việc: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong thời gian tới” với định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung; đưa chăn nuôi thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp mở ra cho nông dân Hương Sơn một trang mới. Nhưng từ Nghị quyết đến đời sống là cả vấn đề cần tháo gỡ. “Chọn mũi chăn nuôi, chúng tôi đã lần lượt giải hàng loạt bài toán về cải tạo giống gia súc, gia cầm, về nguồn thức ăn, về kỹ thuật chăn nuôi, bài toán “đầu vào”, “đầu ra” và để cho chủ trương của Huyện Đảng bộ đi vào cuộc sống, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tạo nên được đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân rồi mới tính đến xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình”. Ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn trao đổi.

Lấy chọn giống làm khâu đột phá, cả huyện thanh lọc đàn bò đực giống địa phương chất lượng thấp, nâng cao chất lượng đàn nái sinh sản, mở hàng chục điểm thụ tinh nhân tạo bò lai Zebu, trâu lai Murah. Lấy lựa chọn hươu giống làm mũi nhọn đầu tư chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo sàng lọc giống hươu còi cọc, sản lượng nhung thấp, lựa chọn những con đầu đàn khỏe mạnh, tránh lai cận huyết, đồng huyết…Cùng với cải tạo nòi giống, hàng loạt biện pháp khác như khuyến khích đầu tư phát triển quy mô đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi tập trung đã kích hoạt đàn gia súc phát triển nhanh chưa từng thấy. Năm 2006 đàn hươu có 22.000 con, thì năm 2021 tổng đàn đã đạt 36.609 con. Đàn trâu, bò, dê cũng tăng trưởng đáng kể. Năm 2015, đàn bò đạt  25.600 con, đàn trâu 10.000 con, đàn dê 4.900 con thì năm 2021 đàn bò đã 38.000 con, đàn trâu 12.360 con, đàn dê đạt 12.653 con. Điều đáng nói là hàng chục trang trại và hàng trăm gia trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt đã ra đời. Nông dân Hương Sơn bây giờ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô đàn gia súc theo hướng làm ăn lớn. Hàng trăm hộ có đàn gia súc từ mười con trở lên, tiêu biểu như hộ anh Phan Văn Linh (Sơn Mai) có đàn bò gần 100 con và gia đình cô Lê Thị Hương (Sơn Lâm) có đàn hươu 79 con…

Những năm 2000, gia đình tôi chăn nuôi đàn hươu bốn con. Thức ăn chủ yếu là lá cỏ tự nhiên trong rừng. Mùa mưa lũ, hươu phải ăn thức ăn khô dự trữ, hoặc cây chuối thái mỏng. Cho nên muốn phát triển chăn nuôi hộ gia đình thành công, những người nông dân phải giải bài toán nguồn thức ăn gia súc. Gia đình cô Lê Thị Hương (Sơn Lâm), tận dụng tất cả diện tích vườn trồng cỏ, trồng cây lá làm nguồn thức ăn đa dạng cho hươu. Ông Nguyễn Văn Tường (thôn 1) Sơn Giang mạnh dạn trồng cả vườn cây ráng, cây sung là thức ăn khoái khẩu của hươu. Nhưng nguồn lá, cỏ trong vườn chỉ phục vụ đàn hươu dăm bảy con. Nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp chỉ có thể là nguồn thức ăn thêm. Cho nên, để phát triển đàn gia súc, không thể không nghĩ đến nguồn thức ăn. “Chúng tôi đã rà soát lại diện tích trồng lúa, ngô khoai, thống kê những diện tích chỉ trồng được một mùa, những diện tích năng suất thấp, không hiệu quả, khuyến khích bà con trồng cỏ để phát triển chăn nuôi” Ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết.

Lộ trình chuyển đổi đất canh tác sang trồng cỏ của xã Sơn Giang nằm trong lộ trình của huyện Hương Sơn quy hoạch 2010 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả, đất bạc màu sườn đồi để trồng cỏ. Năm 2007, toàn huyện đã trồng mới 262 ha cỏ. Dự tính giai đoạn 2017-2020, toàn huyện Hương Sơn chuyển đổi diện tích  trồng lúa sang ngô, màu, thức ăn chăn nuôi là 1.739 ha, trong đó năm 2017 chuyển đổi 447 ha; năm 2018 chuyển đổi 662 ha, năm 2019 chuyển đổi 441 ha và năm 2020 là 189 ha. Những con số ấy là kết quả của một quá trình tuyên truyền vận động để làm sao người nông dân nhận thức được trồng cỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại cây trồng khác trên thửa ruộng của mình.

Nằm ở phía Tây Nam Hà Tĩnh, Hương Sơn là “chảo lửa túi mưa”, an ninh lương thực là thách thức không nhỏ với người nông dân quê tôi, cho nên câu chuyện thay lúa bằng cỏ không dễ dàng gì với thế hệ nông dân U60, U70. Chỉ có thế hệ trẻ U30, U40 là năng động, tháo vát, dám thay đổi. “Gia đình em có ba sào ruộng, 6 sào đất trồng màu. Diện tích trồng lủa chỉ được một mùa. Đầu tư giống, phân bón, nước… thực thu không đáng bao nhiêu, nên em đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi”. Anh Nguyễn Văn Nông (Sơn Trung) quả quyết.

Tôi đã cùng Chủ tịch xã Sơn Giang đến làng mới gặp vợ chồng trẻ Hoàng Huỳnh Ngư. Cả hai bạn trẻ đều học lâm nghiệp. Ngư là sinh viên ĐH Lâm nghiệp khóa 53 (2009-2012). Trang là SV Cao đẳng Nông nghiệp Hà Tây khóa (2010-2012). Tốt nghiệp xong cả hai lựa chọn Bình Dương khởi nghiệp. Ngư có công việc ổn định ở Công ty gỗ Việt và Trang cũng có công ăn việc làm. Nhưng khi có con, bao nhiêu vấn đề đặt ra cho gia đình trẻ: Nhà cửa, thu nhập, tương lai con cái. Vì vậy, sau 4 năm ở Bình Dương, vợ chồng Ngư đã quyết định trở về quê hương làm lại từ đầu.

Trở về quê, vợ chồng Ngư gặp được cơ hội UBND xã Sơn Giang cho đấu thầu 2 ha đất ở khu làng mới. Vợ chồng Ngư dựng lều, dựng trại, cải tạo đất, mạnh dạn trồng cỏ, đầu tư chăn nuôi. Sau sáu năm, vườn cỏ của Ngư bám vào đất sinh sôi nẩy nở xanh tốt. Cỏ đã giúp cho vợ chồng Ngư phát triển được đàn bò. Từ cỏ, dựng lên nhà. Từ cỏ mở rộng chuồng trại. Cỏ đã giúp cho Ngư cắm rể trên mảnh đất quê hương và có thể nói con đường khởi nghiệp của vợ chồng trẻ là con đường từ cỏ.

Nhưng cỏ trở thành hàng hóa từ khi Xí nghiệp Vinamik triển khai dự án tại xã Sơn Lễ có mức đầu tư 150 tỷ đồng với quy mô tổng đàn 3000 con bò sữa đã kích hoạt những người nông dân Sơn Lễ thay đổi tư duy sản xuất. Cũng từ đây, 21 tổ hợp tác với 600 lao động canh tác cỏ trên 25 ha đất thầu lại của Xí nghiệp và 18 ha đất đồi, ruộng trồng lúa kém năng suất ở Khe Cò, Đức Vừ ra đời. Lần đầu tiên, liên kết giữa người nông dân với Xí nghiệp chăn nuôi bò sữa Vinamik được đảm bảo bằng những điều khoản rõ ràng mang tính pháp lý khiến cho bà con nông dân yên tâm sản xuất. Còn gì vui hơn khi Xí nghiệp đảm bảo mức giá ổn định lâu dài cho 1 tấn cây ngô thức ăn dao động từ chín trăm ngàn đến một triệu hai và một tấn cỏ giá sáu trăm ngàn đồng.

Cỏ được bón phân chăm sóc nên không chỉ mơn mởn xanh khi xuân về, mà hè đến cũng “rứt ruột mà xanh”. Thu sang, bàng úa lá, đông về cây trút lá nhưng những cánh đồng cỏ vẫn xanh tươi mỡ màng. Thậm chí, lũ ống lũ quét tràn qua, những bãi cỏ ven sông Ngàn Phố vẫn ngoi lên, qua trận mưa  lũ lại ngẩng cao đầu mà xanh với mây trời, hát ca với gió. “Trồng lúa khổ từ khi cắm dảnh mạ xuống ruộng đến khi đưa  hạt thóc về. Còn trồng cỏ, không lo mưa nắng, lũ lụt, mà hiệu quả thu hoạch lại cao gấp 20 lần so với lúa”. Chị Phan Thị Nguyệt hồ hởi. Còn anh Phan Hữu Tuyến (xã Sơn Lễ) đã tiên phong thực hiện Nghị quyết 123 của Tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh về tích tụ ruộng đất để mở ra hướng thâm canh lớn. Năm 2019 thấy một số thửa ruộng nằm ở ranh giới hai xã Sơn Lễ và An Thịnh Hòa bỏ hoang hoặc sản xuất không hiệu quả, Tuyến đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà” bàn bạc với chủ hộ là những ông già bà lão không còn sức lao động nhượng lại. Trong thời gian ngắn, Tuyến đã tích tụ được 2,2 ha đất. Có đất, Tuyến đầu tư trồng ngô và cỏ VA6 bán cho Xí nghiệp nuôi bò sữa Vinamik. Chỉ riêng diện tích trồng cỏ, mỗi năm Tuyến thu hoạch được 256 triệu đồng. Có tiền, Tuyến đầu tư máy móc, xe cộ sản xuất.

Cũng như Tuyến nhiều gia đình nông dân nhờ cỏ đã thoát nghèo, có của ăn của để. “Cỏ đã giúp tôi đầu tư phát triển đàn hươu”, Cô Hương (Sơn Lâm) nói. Còn theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND Sơn Giang, cỏ đã tăng thu nhập bình quân đầu người ở xã Sơn Giang lên 4,1 triệu/ tháng. “Cỏ không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây nông thôn mới”. Ông Thắng khẳng định.

Miên man với cỏ, tôi liên tưởng đến nước Anh thế kỷ XVII. Có phải lịch sử đã không bất ngờ khi ghi công những cánh đồng cỏ là cội nguồn để phát triển nền công nghiệp nước Anh mà bắt đầu bằng việc phát triển đàn cừu để lấy nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp nhẹ sản xuất hàng hóa tiêu dùng? Cho nên, tôi có đủ lý do để hy vọng những cánh đồng cỏ hai bên bờ sông Ngàn Phố quê tôi một mai không xa sẽ làm nẩy sinh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm hay dày da xuất khẩu…  

          L.V.V

. . . . .
Loading the player...