06-08-2021 - 08:42

Bút ký dự thi GIẾNG LÀNG của Lê Văn Vỵ

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi GIẾNG LÀNG của nhà thơ Lê Văn Vỵ trên tạp chí Hồng Lĩnh số 179 tháng 7/2021

LÊ VĂN VỴ

 

GIẾNG LÀNG

              Bút ký dự thi       

Nội tôi đã kể câu chuyện này không biết bao nhiêu lần. Chuyện rằng: Vào năm X, trời hạn hán. Ao hồ khô kiệt. Sông Ngàn Phố trơ đáy. Đồng ruộng nứt nẻ. Vườn chuối héo lá, khô báp, rũ xuống. Cả làng thiếu nước sinh hoạt.“Phải đào giếng lấy nước!”. Đó là nguyện vọng của dân làng. Nhưng đào năm lần bảy lượt, đều thất bại! Nản!

Dân làng cử người đại diện tìm đến Trạng; một người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, giỏi thuật phong thủy mời về làng. Lên Cồn Động, Trạng nhìn bao quát hết vườn đến ruộng, rồi đi một vòng quanh làng, vẫn chưa thể xác định được chỗ đào giếng. Qua đêm, ngày hôm sau, Trạng truyền: “Chờ gió Nam, đem diều ra thả. Nhớ buộc hòn đá ở thân diều. Diều chao liệng. Hòn đá rơi nơi nào thì đào giếng ngay nơi đó sẽ có nước”. Dân làng nghe lời Trạng. Giếng đào sâu chừng ba mét, từ lòng đất, mạch ngầm phun trào nước lên trắng xóa, mát lạnh. Dân làng thay nhau vừa tát, vừa đào nhưng không thể nào tát cạn. Kể từ đó, cánh đồng cũng như giếng làng tôi mang tên đồng Trạng nhằm ghi công người tài đã giúp đỡ dân làng.

Giếng đồng Trạng quê tôi nước trong mắt mèo. Khi đồng làng nước ngập mênh mông hay hạn hán nứt nẻ, nước trong lòng giếng vẫn giữ một mực không hề vơi cạn. Dưới đáy giếng đồng Trạng là hòn đá rơi xuống từ cánh diều và kỳ lạ hòn đá ấy lớn dần, nhẵn thín, hình tròn chứ không phải hình vuông như tấm gỗ đặt dưới đáy giếng Chăm mà các nhà khảo cổ đã khảo sát và nhận xét về hệ thống giếng Chăm dọc duyên hải miền trung.

Ngày xưa, dân Long Đình quê tôi, ai bị cảm sốt, đau bụng, lên chùa thắp nhang, gói tàn nhang mang về hòa nước giếng đồng Trạng uống thì lành bệnh. Thực hư thế nào tôi không rõ. Nhưng đã sắc thuốc Bắc, thuốc Nam, thế nào cũng phải bằng nước giếng đồng Trạng mới thiêng.

Còn chuyện trai gái yêu nhau, trai thọ bảy ngụm nước, gái thọ chín ngụm từ giếng làng thì“bách niên giai lão” không biết có mấy phần sự thật trong đó? Chỉ cóc huyện bố mẹ tôi lấy nước giếng đồng Trạng nấu lá đào gội đầu chữa sài đẹn, mụn nhọt khi tôi chưa đầy tuổi, thì sự thật trăm phần trăm. Ông Tài Hói; lão làng quả quyết:“Con gái Long Đình trắng da, mượt tóc, lay láy mắt đen phần lớn nhờ nước giếng đồng Trạng”. Chả thế mà, một thời, đàn bà con gái cứ mỗi buổi chiều đi làm về, tay thau, vai gánh, thế nào cũng gội đầu nước đồng Trạng. Bồ kết ở hai bờ sông Ngàn Phố phơi khô, bẻ nhỏ, bỏ thau, hòa nước đồng Trạng phơi nắng, bọt nổi trắng xóa. Cả suối tóc đen nhánh đổ vào thau bọt trắng như bông. Những cô gái thôn quê gội đầu như từ tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh bước ra. Còn tôi chẳng thể nào quên được, hồi nhỏ, lon ton theo mẹ đến giếng, để được gội đầu bằng những mo nước giếng mát lành. Nhưng nhớ nhất vẫn là ngày tết, tôi theo chị gái đến giếng, để chùi lá giong, vo gạo nếp, rửa hành, chuẩn bị nồi bánh chưng dâng lên tổ tiên. Nồi bánh chưng thơm phải được nấu bằng nước giếng đồng Trạng, vì những giọt nước tinh khiết ấy chảy ra từ mạch ngầm dưới sâu lòng đất. Phải đất lành nên nước mới tinh khiết, ngọt lành đến vậy.

Quê tôi thuộc huyện miền núi, biên giới. Những năm chiến tranh là “hậu phương của tiền tuyến”. Nhiều đơn vị bộ đội đi chiến trường C về làng tôi an dưỡng. Dân tôi đã nhường nhịn từng gàu nước giếng đồng Trạng để phục vụ tập đoàn, để ưu tiên cho bệnh binh tắm. Mẹ tôi kể, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hàng ngày, Hội Phụ nữ xã lấy nước giếng đồng Trạng, om chè xanh, mang ra đường Tám phục vụ các đơn vị bộ đội từ chiến trường C trở về. Những thùng nước giếng đồng Trạng đã làm vơi đi cơn khát giữa những trưa hè trực chiến của các chiến sĩ tại các trận địa pháo binh Nầm (Sơn Bằng), cầu Chuối Bù (Sơn Trung) tại các đơn vị trực chiến. Mừng chiến thắng bắn rơi máy bay F105 của đế quốc Mỹ, ngay bên giao thông hào còn khét lẹt thuốc súng chỉ có chầu cu đơ với chè xanh om bằng nước giếng đồng Trạng của bà con gửi đến.

Nước giếng đồng Trạng kỳ diệu đến mức mà chú Mùi (đoàn 22) cũng thốt lên:“Không chỉ ăn dưỡng mà uống dưỡng, tắm dưỡng”.Và sau này, nước giếng đồng Trạng đã lên núi bà Mụ cùng công nhân lâm trường trồng cây gây rừng, cùng bà con nông dân quê tôi thâm canh trên cánh đồng năm tấn, cùng với thợ xúc, thợ ủi thi công công trình và có mặt với những cô cậu học sinh ôn thi trong những đêm hè nóng bức…Dòng nước giếng đồng Trạng đã chảy trong huyết quản của các thế hệ dân làng tôi nuôi lớn dậy ước mơ, khát vọng, làm nên sức sống và bản sắc riêng của con người quê hương.

Những năm 80, làng quê rộ lên phong trào khoán 10. Giếng làng; giếng cộng đồng mất dần vị thế, nhường chỗ cho giếng nhà lên ngôi. Thoạt đầu hai ba nhà chung nhau một giếng. Nhà nào khấm khá thì riêng một giếng. Cách làm giếng cũng chuyên nghiệp hơn. Làng tôi xuất hiện đội đổ ống giếng, đào giếng chuyên nghiệp. Nhưng khổ nỗi nhà nào cũng thi nhau đào giếng nên mạch nước bị đứt gãy. Mùa hè, giếng trơ đáy không có lấy giọt nước. Không đào được thì khoan. Khoan bằng máy. Có giếng khoan sâu đến bốn chục mét, tốn vài chục triệu đồng mà nước nổi váng, tanh sắt, không thể nào uống được. Thầy phong thủy phán hậu quả đào giếng vô tội vạ đã phạm vào long mạch làng. Nhưng chẳng ai buồn lo bởi sau đó nhà máy nước bến Ghềnh, Phố Châu được lắp đặt cấp nước cho vùng thị trấn và lân cận. Giếng đồng Trạng quê tôi cũng như bao giếng làng khác rơi vào quên lãng.

Những năm 2000, Chương trình mục tiêu Nông thôn mới, làng quê được quy hoạch. Điện đường trường trạm khang trang. Nông thôn“đổi sắc thay da”. Nhiều nơi nhân dân đã tự nguyện góp công, góp của khôi phục xây lại giếng. Bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Long Đình trao đổi với tôi và anh Trần Hân nguyện vọng khôi phục giếng đồng Trạng.

Ban khôi phục giếng làng được thành lập, tôi và anh Hân được cử vào Ban tuyên truyền. Nhiệm vụ của tôi chụp ảnh, tìm hiểu, viết bài, kêu gọi khôi phục giếng đăng lên facebook cá nhân. Chỉ sau ba ngày, con em xa quê hương cũng như dân làng đã góp trên 150 triệu đồng.

Vào một ngày nắng đẹp, tôi chở Bí thư, Trưởng thôn đến làng Bàu Thịnh xã Sơn Bình tham quan học hỏi nhân dân xã bạn cách thức khôi phục lại giếng làng. Ông Nguyễn Trọng Đắc cho biết:“Chúng tôi khôi phục giếng làng không phải lấy nước sinh hoạt mà gìn giữ long mạch làng. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, giếng là mảnh hồn làng lưu giữ ký ức của biết bao nhiêu thế hệ. Quả thật, từ khi giếng làng được khôi phục, chúng tôi được nhiều thứ: được trong êm ngoài ấm, giấc ngủ an yên hơn, con cháu đi ra hanh thông hơn!”.

Chuyến đi thực tế không chỉ cho ban lãnh đạo thôn kinh nghiệm mà còn là niềm tin để bắt tay vào cải tạo giếng làng. Chẳng mấy chốc, giếng làng đồng Trạng tôn tạo xong. Giếng được kè bằng đá. Thành bảo vệ cũng được xây bằng đá. Hành lang lát gạch. Ngày cắt băng khánh thành đủ các thế hệ con cháu của làng trở về nguồn cội. Ô tô chật đường. Ông Trần Hoan sống gần trọn thế kỷ nhờ cháu con chở ra. Một tay vắt lên thành giếng, một tay múc gầu nước trong vắt rửa mặt, ông khoan khoái mà rằng: “Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa chộ nác mô mát lạnh như nác giếng ni!”. Rồi ông quay lại với nhóm sắm lễ:“Có  chè xanh “5 chò” (cho chát, cho xanh, cho thơm, cho nóng, cho ngon”, rót ra  lễ thổ thần, thổ địa đi. Tiếc là không nhà nào còn cái bát B52”. Nói rồi ông cười mãn nguyện: “Nông thôn mới mà khôi phục giếng cổ cha ông thế này thì mới thật. Sướng cái bụng!”.

Mỗi người vây quanh thành giếng đeo đuổi một ý nghĩ riêng. Đám trẻ con và thanh niên chỉ trỏ mấy đôi cá cờ đang nấp dưới kè đá, nhả bọt, còn ông Chủ tịch Mặt trận thôn gợi ý: “Hè ni, thi thả diều ở đồng Trạng nha. Chuẩn bị diều đi. Diều ai mang được hòn đá nặng nhất không “quây cháo” là thắng cuộc”.

Bỗng tất cả nhìn xuống đáy giếng. Trời xanh, mây trắng như bọt bồ kết bồng bềnh in hình xuống lòng giếng. Có phải những người quê đã khuất cùng quan Trạng hóa mây bay về dự lễ khánh thành giếng làng với bà con chăng?

Còn tôi nhớ về anh trai hy sinh tại mặt trận phía Nam mùa xuân Mậu Thân (1968). Sau Đại thắng 1975 một năm, thi hài của anh được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Trong hành trang đến Hương Điền viếng mộ anh, mẹ tôi dặn lấy bảy hòn đất ở vườn cũ và mang theo chai nước giếng đồng Trạng rưới lên mộ anh.“Nó ăn nước giếng đồng Trạng mà lớn lên. Ra đi một mạch. Mấy chục năm rồi, chắc thèm giọt nước giếng làng đứt cổ!”Mẹ lau nước mắt.

Trước khi hấp hối, cha tôi nhấp môi mấy giọt nước giếng làng và nói trong đứt quãng rằng hãy tắm cho Người bằng nước giếng đồng Trạng. Chị em tôi ra vườn hái nắm lá hương nhu, lá sả, lá chanh, lá bưởi, rửa sạch, nấu nồi nước thơm tắm cho cha trước khi tẩm liệm. Một đời“bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” không thể nói hết lam lũ, đến khi nằm xuống, chúng tôi mới tắm cho cha lần đầu tiên và lần cuối trong đời. Tắm bằng hương quê, nước giếng quê tinh khiết, mẹ con tôi  tin rằng  linh hồn  cha sẽ siêu thoát nơi cõi Phật.

Hương Sơn tháng 6/2021.

                                                                                     L.V.V

Giếng làng (ảnh nguồn internet)

. . . . .
Loading the player...