04-07-2021 - 10:02

Bút ký dự thi ĐÁNH VỰC của Nguyễn Trung Tuyến

Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi ĐÁNH VỰC của tác giả Nguyễn Trung Tuyến

NGUYỄN TRUNG TUYẾN

ĐÁNH VỰC

                                                                                     Bút ký dự thi       

Đã đến thượng tuần tháng năm, những đêm ngắn ngủi này trong xóm làng chẳng mấy ai ngủ được trọn giấc, ai cũng thấp thỏm nhìn chòm sao Thần Nông gần dải Ngân Hà. Chòm sao có mười ngôi, năm ngôi giống cái mũ cánh chuồn, năm ngôi có hình chữ C giống như cái lưng còng. Nếu chữ C ấy gần hết còng thì họ biết vực rào Mỹ Dương sắp cạn là lúc khắp làng trên xóm dưới đều nhất tề đánh thức đêm hè dậy nhằm hướng rào Mỹ Dương vừa chạy vừa hú. Tiếng hú đuổi nhau chạy từ làng này sang làng khác vang động cả trời đêm mùa hạ.

- Hú…u…hu…! Hú… u… hù…!

- Cha ơi! Đánh Vực. Hú rồi kia! - Anh Đằng đánh thức cha. Cả nhà cùng bật dậy. 

Trong chốc lát, cha và ba anh đã lao vào đêm hòa nhập cùng đoàn người đang thậm thịch chạy qua trước ngõ. Mẹ tôi cũng bế cu Út ra đứng bên bờ ao tựa gốc phi lao nhìn đoàn người thấp thoáng lướt qua. Tôi và Trịnh - thằng em bốn tuổi cũng thức dậy níu ống quần mẹ lẽo đẽo ra ngõ, dụi đôi mắt ngái ngủ ngu ngơ nhìn đêm mùa hạ mờ mờ trong ánh sao khuya. Thằng Út tỉnh giấc, khóc rinh rích. Mẹ tôi nựng nó mà cũng có ý răn đe hai anh em tôi:

- Con nín đi! Cha đi đánh vực mà con ở nhà khóc là không may mắn đâu!

Không hiểu sao thằng Ứt mới hơn tuổi mà nó cũng hiểu được lời mẹ. Nó im lặng không khóc nữa.

Ngày đánh vực, cả làng vắng teo. Từ sáng đến trưa, mấy đưa trẻ mong  ngóng cha và anh của chúng đi đánh vực về. Mong chán, chúng nhổ những đọt lá tre non cho phần mềm và nõn trắng của đọt lá cắm xuống các lỗ có những con sâu đất. Khi sâu đất ăn đọt lá tre non, chúng thấy động đậy thì cầm đọt lá kéo sâu lên. Chúng tin tưởng hồn nhiên là: nếu câu được một con sâu đất thì cha sẽ bắt được một con cá - sâu to cá to, sâu nhỏ cá nhỏ. Chúng tha thẩn chơi mải miết.

Chờ đến quá giờ ngọ thì đã thấy xa xa thấp thoáng bóng những người đi đánh Vực đầu tiên hiện ra và tiếp theo là từng đoàn người rầm rập chạy về. 

 Anh em tôi cùng reo lên:

- Cha! Cha về đó rồi tề!

Chiến lợi phẩm mà cha và các anh tôi đánh bắt ở Vực Mỹ Dương được đựng trong hai cái nơm chổng ngược mà hai anh lớn tuổi cõng trên lưng. Chúng tôi hồi hộp hóng chờ và khi anh Tấn, anh Đằng nghiêng vai đổ nơm cá xuống thì tất cả chúng tôi đều trầm trồ vui sướng kêu ồ cả lên. Nào cá tràu, cá leo, cá rô, cá diếc, cá chép, lươn, chạch, rùa, ba ba, trai, trìa… Nhiều quá!- cả một rổ to, đầy!

Cha lặng lẽ ngồi bên bàn bát tiên chậm rãi hút thuốc, uống nước chè đặc sánh nhìn mẹ và anh em chúng tôi hí húi quanh rổ cá lật từng con cầm lên ngắm nghía trầm trồ rồi phân loại chúng ra theo ý thích.

Chẳng mấy chốc mâm cơm được bày ra.

Đang đói hoa cả mắt, đàn con vội làm thủ tục nhanh như máy: - “Mời Cha ăn cơm! Mời Mẹ ăn cơm!” rồi xông vào bữa ăn, gắp chan húp soàn soạt, ai nấy mồ hôi đều vã ra như tắm quanh mâm. Mẹ tôi luôn tay xới cơm mà không kịp. Để thằng Út ngậm vú, hai tay mẹ thoăn thoắt như nhạc trưởng chỉ huy bản giao hưởng về những phút hạnh phúc nhất của nhà tôi ngày ấy.

Gần một năm sau mùa đánh Vực ấy thì cha tôi qua đời. Rồi chiến tranh trên bom dưới đạn, làng mạc nhà cháy, người chết tan hoang. Các anh tôi lần lượt lớn lên thoát ly gia đình, người thì đi bộ đội, người thì đi làm việc này việc nọ. Từ đó hình như chuyện đánh vực rào Mỹ Dương chẳng mấy ai dòm ngó nữa.

*

Rào Mỹ Dương uốn lượn ven chân núi Hồng Lĩnh, nhánh lớn nhất chảy ra lạch Đồng Kèn rồi đổ ra cửa biển. Nói là rào mà không thể thành sông vì lưu vực để rào Mỹ Dương tích tụ nước chỉ là các mái núi của một nhánh dãy núi Hồng Lĩnh đổ xuống. Mùa mưa, rào Mỹ Dương rất rộng, nó lấn sâu vào các khe suối. Sang mùa khô thì rào thu hẹp, không còn dáng vẻ con sông mềm mại thơ mộng uốn quanh chân núi nữa mà chỉ là những vũng nước đứt quãng rải rác phơi ra dưới nắng hè chói chang gay gắt. Khi đó, vùng nước sâu và rộng nhất là vực nước dưới chân núi Mồng Gà mà dân gian đặt tên là vực rào Mỹ Dương. Mặc nhiên vực Mỹ Dương trở thành điểm trú ẩn và sinh sôi của các loài thủy tộc quanh năm lang thang từ các khe suối tụ về, chúng nhiều vô kể. Tuy nhiên muốn đánh bắt được không phải dễ, phải chọn đúng thời điểm thích hợp và phải cần rất nhiều người và dụng cụ đánh bắt như nơm, lưới, vó, nhủi, oi, vịt ... hợp sức lại cùng nhau đánh thì mới khuất phục được vực rào Mỹ Dương.

Ngày xưa, người Nghi Xuân trông mong ngày đi đánh vực không chỉ là đi bắt cá mà còn là một nhu cầu gì đó không giải thích nổi. Một năm đúng chỉ có một ngày đánh vực, ai không tham gia được thì tiếc nuối suốt cả một năm trời. Bởi lẽ, sau ngày đánh vực là dư âm bao câu chuyện rủi may, bao chuyện đầy chất liêu trai hoang đường được thêu dệt nên bởi những người dân đi đánh vực giàu trí tưởng tượng. Nào là chuyện ngồi trong nơm sắt chờ trăn cuốn người, chờ khi trăn cuốn lấy nơm sắt, người ngồi trong nơm dùng dây buộc trăn vào cọng nơm rồi vác nơm cùng trăn về nhà. Nào là bắt con trạnh, con thuồng luồng to hơn con thuyền độc mộc, chỉ một cách bắt được nó là chờ khi con trạnh hay thuồng luồng há mồm ra thì phóng mũi lao có nối với cuộn dây vào họng nó. Con thủy tộc hung hãn ấy bơi đến đâu thì buông dây lần theo mũi lao đến đấy. Chờ khi chúng kiệt sức thì lôi cổ chúng về. Nào là bắt cá ở hầm cá bên cây ma mẹ con chết đuối…

Sau mấy tuần rượu. Út ngà ngà say. Hắn nhìn tôi rồi nói oang oang:

- Chẳng mấy khi bác về. Giờ bác thích món gì. Em chiều.

Tôi cũng say không thua Út. Tôi cũng nhìn nó rồi đòi hỏi:

- Bác thèm một bát dấm cá tràu nấu với lá bứa, lá xương sông, lá ngỗ trâu của rào Mỹ Dương. Có không?

Tôi đòi hỏi thế, Út gãi tai. Hồi lâu, Út thành thực:

- Món ấy thì… em chịu! 

Tôi vẫn thường hay kể với Út những kỷ niệm thời thơ ấu. Kỷ niệm có đủ hương vị ngọt ngào, chua chát, đắng cay… trong đó có kỷ niệm có lần cha và các anh đi đánh vực về. Sau khi thôi đánh Vực trở về nhà, tiện tay cha hái lá bứa, lá ngỗ trâu, lá xương sông mọc ven rú Vực đậy lên cái nơm chổng ngược đựng cá. Về nhà, mẹ lui cui lấy các thứ lá thơm chua hoang dã mà cha đã mang về ấy mà nấu lên nồi dấm cá tràu. Từ trong nhà bếp, mẹ bưng nồi dấm nóng hổi nghi ngút khói ngát lên hương vị thơm chua. Tôi dám cam đoan rằng, ngần này tuổi đời, sơn hào hải vị cũng đã thưởng thức, nhưng không thể có được món nào ngon hơn món dấm cá tràu với lá bứa chua lá ngỗ trâu thơm đậm, lá xương sông thơm đắng từ tay mẹ tôi nấu cho tôi ăn ngày thơ ấy.

Út biết tôi hỏi thế là tôi đánh thức lại những năm tháng thơ ấu nên Út cũng lặng đi. Không khí bữa tiệc anh em đoàn viên có phần hơi chùng xuống. 

Bần thần với ly tượu trên tay, Út như nói một mình:

- Ngày xưa một năm có một ngày hội vui trăm họ cùng đi đánh Vực. Nhà mình cũng như bao nhà khác, ai cũng có được niềm vui lấy được từ vực rào Mỹ Dương về chan đều cho người thân. Nhưng giờ thì ngày hội ấy không còn nữa. Rồi bất chợt Út  quay lại nói với tôi: - Bây giờ, bác biết không? Vực Mỹ Dương không có cá nữa đâu nhé! Đội quân bắt cá bằng kích điện đã gần như tận diệt các loài thủy tộc rào Mỹ Dương rồi…

Chúng tôi chìm vào im lặng…

*

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

Đúng vậy, đêm thượng tuần tháng năm tôi chưa kịp chợp mắt thì có điện thoại. Út gọi: - “Mai bác về nhé! Về đi đánh vực.” - “Ô hay, Vực không còn cá nữa, anh hỏi chú người ta đi đánh vực thì đánh cái gì?!!!”.

Út cười muốn vỡ loa điện thoại của tôi:

- Anh yên chí! Sẽ có cá. Để làm sống lại không khí hội đánh vực Mỹ Dương nên mấy năm gần đây làng trên xã dưới đều nghiêm cấm dân kích điện đánh bắt cá. Đám dân kích điện bắt cá cũng đã “treo gươm gác kiếm” lâu rồi.

Tôi mừng khấp khởi:

- Ờ! Thế thì được. Mai anh về.

Tranh thủ vừa chợp mắt đã thấy chòm sao Thần Nông hiện lên cùng cảnh nhà tôi ngày xưa cha và các anh đi đánh Vực Mỹ Dương về trong giấc mơ mùa hạ.                                                                    Tháng 5- 2021

                             N.T.T

Lễ hội bắt cá Đồng Hoa ở Nghi Xuân (Hà tĩnh) Ảnh: Lê Thắng

. . . . .
Loading the player...