30-07-2021 - 07:40

Bút ký dự thi NGƯỜI HÀ TĨNH LÀ NHƯ THẾ của Võ Minh Châu

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi " Hà Tinh trên đường phát triển " trên tạp chí Hồng Lĩnh: NGƯỜI HÀ TĨNH LÀ NHƯ THẾ của tác giả Võ Minh Châu

VÕ MINH CHÂU

NGƯỜI HÀ TĨNH LÀ NHƯ THẾ

                    Bút ký dự thi       

Xưa biên giới Đại Việt chỉ đến Đèo Ngang. Khi họ Trịnh chuyên quyền ở triều đình, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ tương lai cho nhà Nguyễn “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”. Nghe theo lời khuyên của phu tử một lớp người  “Mang gươm đi mở cõi”. Thời nhà Nguyễn bờ cõi Việt Nam đến Mũi Cà Mau. Vua nhà Nguyễn đã chọn tên núi - sông tiêu biểu của nước Nam khắc lên “Cửu đỉnh” để lưu giữ muôn đời. Trong 9 đỉnh núi của nước Nam, Hà Tĩnh được chọn 2: “Hồng Lĩnh” và “Đèo Ngang”.

 Trong 9 dòng sông được khắc lên Cửu Đỉnh, Hà Tĩnh có sông Lam. Quảng Bình có sông Gianh... nguồn sinh thủy của sông Lam và sông Danh, một nửa được bắt nguồn từ Hà Tĩnh. Biển Hà Tĩnh có Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu. Đặc biệt Hà Tĩnh có Vũng Áng. Xưa gọi là Cửa Thần Đầu. Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) đã viết về Thần Đầu như sau: “Cưỡi chiếc thuyền lan trông bát ngát/Ngỡ mình như ở chốn Bồng lai”. Nhà thơ Vũ Phạm Khải (1807 - 1872) có câu “Hạnh phùng tứ hải vi gia hội”. Tạm dịch: “Bốn biển nay vui hội một nhà”. Nay Vũng Áng - Sơn Dương là cảng Quốc tế.

Non nước Hà Tĩnh (ảnh Nguyễn Thanh Hải)

Tên gọi Hà Tĩnh từ năm 1831 đến nay là 190 năm. Thời nhà Trần gọi  chung với Nghệ An là Hoan Diễn. Năm 1279, nhà Nguyên đưa 30 vạn quân sang xâm lược nước ta, vua Trần Nhân Tông tuyên chiến với giặc: “Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ/Hoan Diễn đang còn chục vạn quân”. Vị thế của người Hà Tĩnh đối với quốc gia là như thế. Việt Nam chỉ có ba danh nhân được gọi là Phu tử, trong đó Hà Tĩnh có một là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

“Địa linh sinh nhân kiệt”. Danh nhân Hà Tĩnh xưa có Đặng Dung “Gác thù nhà lo việc nước”. Vua Trần Ngỗi giết oan cha mình là danh tướng Đặng Tất. Nhưng Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị vẫn lập vua Trùng Quang và Tôn Trần Ngội lên Thái Thượng Hoàng để tập hợp nhân dân kháng chiến chống giặc. Ý chí bất khuất của người Hà Tĩnh tiêu biểu nhất là Nguyễn Biểu, dám mắng trực tiếp vào mặt tướng giặc là Trương Phụ.

Danh xưng Hà Tĩnh được gọi từ 1831. Chúng tôi chỉ điểm danh những người hoạt động vì nước từ thời kỳ ấy trở về sau. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, Phan Đình Phùng lập căn cứ địa ở Vũ Quang để kháng chiến. Thực dân Pháp đã tìm mộ bố Phan Đình Phùng rồi gửi “Tối hậu thư”… dọa sẽ đào mộ bố đổ xuống sông. Phan Đình Phùng khẳng khái viết lời đáp: “Giang sơn chung đã mất thì một ngôi mộ riêng còn… cũng chẳng nghĩa lý gì…”. Ông đã cùng với Cao Thắng… quyết kháng chiến đến cùng.

 Nguyễn Công Trứ lòng yêu nước chính là thương dân. Ông đã có công tổ chức khai hoang lập nên 2 huyện mới: Tiền Hải của Thái Bình và Kim Sơn của Ninh Bình. Nhân dân các nơi ấy biết ơn đã lập miếu thờ và tôn ông là Thành Hoàng khi ông còn sống.

Lê Tuấn quê xã Kỳ Văn đỗ Hoàng giáp, được vua cử sang làm chánh sứ nước Pháp. Năm 1874, trên đường vào Gia Định, ông mất đột ngột. Vua Tự Đức đã viết văn tế khóc Lê Tuấn. Hậu duệ cụ Lê Tuấn có  Lê Nhị Thành tham gia giải phóng miền Nam ông được Trung ương tín nhiệm giao trọng trách giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ Nguyễn Khắc Niêm quê Hương Sơn là vị đại thần thời nhà Nguyễn. Ông để lại những lời răn cho đời “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/Tôn tài đại thịnh/Tôn nịnh đại suy”. Cụ có con trai là Nguyễn Khắc Viện... sinh sống ở Pháp. Ông đã tập hợp các tác phẩm văn học Việt Nam xuất bản khoảng 3.000 trang dịch ra Tiếng Anh, Tiếng Pháp. Ông còn có tác phẩm “Việt Nam Tổ quốc được tìm thấy”  hàng nghìn trang giới thiệu đất nước, con người Việt Nam  ra với thế giới. Họ Nguyễn Khắc có nhiều nhà văn.

Hà Tĩnh còn có Ngô Đức Kế (1878/1929). Năm 1901, trong Hội thi Đình ông đỗ Á khoa. Ông đã kết thân với Phan Bội Châu và Đặng Nguyên Cẩn đề xướng ra xu hướng giáo dục mới… chống lại nền giáo dục nô dịch của Pháp.  Năm 1908, ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo... Phan Bội Châu có thơ ca ngợi “Đặng Huỳnh Ngô ba bốn bác hàn huyên/ Nơi cửa ngục lầm than mà khảng khái”. Ông là người hội đủ 3 nhà: Nhà chí sĩ yêu nước, Nhà thơ, Nhà báo.

Người Hà Tĩnh còn có mẫu trí thức đặc biệt như Võ Liêm Sơn. Ông là thầy học của Trần Phú, Hà Huy Tập và Võ Nguyên Giáp. Ông được Bác Hồ mời gặp bàn việc nước và được Bác tặng hai câu thơ: “Thờ dân trọn đạo hiếu/Thờ nước vẹn lòng trung”.

Sau thế hệ Võ Liêm Sơn là thế hệ thanh niên như Trần Phú, mới 27 tuổi đã giữ chức Tổng Bí thư Đảng. Khi bị giặc bắt đưa đi hành hình Trần Phú vẫn điềm tĩnh dặn lại các đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập biết mình sẽ bị giặc giết đã viết thư gửi cho gia đình: “Xin ở nhà cứ coi như tôi đi xa đâu đó mà chưa về…”.

Lý Tự Trọng: Trước tòa đại hình đã tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không có con đường nào khác”. Khi ra pháp trường còn bình thản ngâm ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Hà Huy Giáp sinh năm 1905. Năm 1930, ông đã là Bí thư đặc ủy miền Hậu Giang, Ủy viên Thường vụ xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 5/1933 bị tòa hình sự Sài Gòn của thực Dân Pháp tuyên khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được đưa về đất liền và bị quản thúc ở Đà Nẵng. Năm sau ông bỏ trốn vào hoạt động ở Sài Gòn. Hà Huy Giáp là một trong những lãnh tụ của khởi nghĩa Nam Kỳ.

Sau 1954 ông tập kết ra Bắc… được Bác Hồ giao phụ trách văn hóa để “Dẫn đường cho quốc dân đồng bào”.

Nguyễn Tạo (1905-1994) quê Đức Thọ. Năm 1923, Nguyễn Tạo trốn gia đình vào Sài Gòn  tham gia hội Phục Hưng Việt cùng với Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai… Năm 1926 ông tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1927, ông ra Bắc Kỳ phụ trách xây dựng Kỳ Bộ Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội. Tháng 3/1931, ông bị thực dân Pháp bắt ở Hải Phòng, đưa về giam ở Hỏa lò. Tháng 12/1932, ông cùng với Nguyễn Lương Bằng vượt ngục. Ông về hoạt động bí mật ở Thái Bình và vận động người dân Tiền Hải khai hoang lấn biển mở rộng diện tích sản xuất. Sau này dân Tiền Hải biết ơn đã lập Miếu thờ khi ông còn sống.

Năm 2013, ông Trần Cẩm Tú quê Hương Sơn về làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, dân ở đây tin Trần Cẩm Tú người Hà Tĩnh như là sự tái thế của Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tạo. Công việc điều hành của Bí thư Tỉnh ủy được dân hưởng ứng nhiệt liệt tạo nên những thành quả bất ngờ.

Trần Hữu Duyệt quê xã Cẩm Nhượng vào Đà Lạt thành lập chi bộ Đảng đầu tiên. Sau đó ông xuống Nha Trang xây dựng phong trào và làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa… Bị thực dân pháp bắt đưa về quản thúc ở quê. Nhân cơ hội Nhật - Pháp đánh nhau, Trần Hữu Duyệt ra hoạt động giành chính quyền và được bầu là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Do nhu cầu công tác, năm 1949 ông được điều chuyển ra Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh; Khu ủy viên Liên khu IV đặc cách mặt trận Bình Trị Thiên.

Mở màn dịch Điện Biên Phủ “Phan Đình Giót như một hòn núi lớn/Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai” anh hùng ấy là người Hà Tĩnh.

Công viên Lê Thị Riêng ở T.P Hồ Chí Minh. Ngoài Trần Phú và Lý Tự Trọng còn có hai anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang đều quê Sơn Thịnh, Hương Sơn hy sinh ở đây. Đó là Lý Chính Thắng và Trần Văn Kiểu. Lý Chính Thắng là cháu gọi Hà Huy Giáp bằng cậu ruột. Ông là người được xứ ủy Nam Kỳ phái ra Bắc nhận quyết định của Trung ương cho Nam Bộ khởi nghĩa vũ trang. Ông hi sinh 1946. Ngày 25/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng Lý Chính Thắng Huân chương độc lập Hạng Nhì.

Trần Văn Kiểu (1918-1968). Năm 1940, ông là thủ lĩnh phong trào công nhân ở đồn điền Cao su Biên Hòa. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông ở lại Miền Nam và trở thành thủ lĩnh công đoàn Sài Gòn - Gia Định. Tháng 2/1967 ông bị giặc bắt. Đêm mồng 2 tết Mậu Thân 1968 bọn giặc đã đưa Lê Thị Riêng và Trần Văn Kiểu đi thủ tiêu... Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã xây dựng bia tưởng niệm nơi 2 anh hùng Lê Thị Riêng và Trần Văn Kiểu ở trên trục đường Hồng Bàng, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên quê hương Hà Tĩnh những người con ưu tú qua các thời kỳ lịch sử chưa thể thống kê hết. Ngoài những danh nhân chúng tôi đã kể trên… Về công tác đảng, người Hà Tĩnh chiếm tỷ lệ rất cao trong Bộ chính trị. Trước đây có các ông Lê Minh Hương, Lê Xuân Tùng; Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Đức Bình. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,  người Hà Tĩnh có hơn chục ủy viên BCH Trung ương… Ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ chính Trị và ông Lê Minh Hưng Bí thư Trung ương Đảng. Cán bộ đương nhiệm của Hà Tĩnh có ông Hoàng Trung Dũng Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Tiến Hưng chủ tịch UBND tỉnh đều được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông Trần Tiến Hưng còn được bầu vào Ủy ban kiểm tra Trung ương. Nay ông Trần Tiến Hưng chuyển ra Hà Nội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã họp nhất trí 100% chọn, giới thiệu Thiếu tướng Võ Trọng Hải quê Đức Thọ, Giám đốc công an Nghệ An để bầu vào vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

 Số người có Bằng Tiến sĩ quê gốc Hà Tĩnh chiếm 10% cả nước. Nhiều nhà khoa học hàng đầu như Nguyễn Đình Tứ, Pham Đình Diệu. Sau này có giáo sư Võ Quý là người duy nhất của Châu Á được Liên hiệp quốc trao giải thưởng Hành Tinh xanh... Giá trị của giải thưởng này ngang bằng giải thưởng Noben của văn học. Giáo sư Phạm Song - Viện sĩ viện Hàn Lâm y học Nga. Năm 2006, ông được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ tặng danh hiệu Nhà khoa học tiêu biểu.

Hà Tĩnh là vùng đất học. Tiêu biểu cho sự khổ luyện thành tài có Hà Học Hợi quê Sơn Thịnh nhà cực nghèo nhưng chăm học đỗ đạt cao. Năm 1952, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc họp ở Việt Bắc được Bác Hồ quan tâm và giới thiệu cho đại biểu cả nước biết thêm. Lê Thiệu Huy con trai giáo sư Lê Thước người làng Trung Lễ Đức Thọ đỗ đầu Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 26 tuổi là Tham mưu trưởng liên quân Việt - Lào đã hi sinh thân mình để bảo vệ Hoàng thân Xu-va-nô-vông được Chính phủ Lào tặng thưởng Huân chương cao quý nhất.

Hà Tĩnh là vùng rất nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật  Nguyễn Du người Hà Tĩnh làm rạng danh cho văn hóa Việt Nam qua Truyện Kiều. Với “Tố Tâm”, Hoàng Ngọc Phách mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Huy Cận, Xuân Diệu là những nhà thơ tiêu biểu. Lý luận Văn học có  hai giáo sư Hoàng Trinh và Phong Lê… Hội họa có Nguyễn Phan Chánh.

Khoa học lịch sử Việt Nam có 4 giáo sư đầu ngành: “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” thì Hà Tĩnh có đến 3 giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Hà Văn Tấn.

Hà Tĩnh có đến hơn 50 tướng lĩnh lực lượng vũ trang trong đó có Anh hùng, Thượng tướng Võ Trọng Việt, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong chống Mỹ, Hà Tĩnh có Ngã Ba Đồng Lộc với 10 cô gái TNXP hi sinh tiêu biểu cho lòng dũng cảm của thanh niên cả nước. Một làng ở xã Tiến Lộc gọi là K130… tự giở 130 ngôi nhà lát đường cho xe vào chiến trường

Báo Thanh niên số Tết 2019 đưa danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam, gia đình ông Phạm Nhật Vượng quê Hà Tĩnh có đến 3 người. Tài sản Phạm Nhật Vượng gần 29 nghìn tỷ đồng. Hai người nhà mỗi người cũng trên 12 nghìn tỷ. Lớp trẻ Hà Tĩnh gần đây có Võ Anh Đức. Huy chương Vàng môn trong kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 54.

Người Hà Tĩnh còn nguồn lực giàu có: Đó là tính nhân văn. Báo Văn Nghệ số đầu tháng 7/2021 in bài của Yên Ba trọn 2 trang. Hình ảnh hai người con đại diện của Hà Tĩnh đó là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tân Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang... Đặng Quốc Khánh đã vận động các nhà hảo tâm góp nguồn tiền đủ xây ba nghìn ngôi nhà tình nghĩa cho những người có công với nước và những người nghèo ở Hà Giang.

Người Hà Tĩnh là như thế.

Tháng 7/2021

      V.M.C

. . . . .
Loading the player...