26-06-2021 - 19:00

Bút ký dự thi KHAI MỎ VÀNG Ở NGHI XUÂN của Nguyễn Xuân Diệu

Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký KHAI "MỎ VÀNG" Ở NGHI XUÂN của tác giả Xuân Diệu trên Hồng Lĩnh số 178 tháng 6/2021 hưởng ứng Cuộc thi bút ký, phóng sự Hà Tĩnh trên đường phát triển do Tạp chí Hồng Lĩnh phát động

 

KHAI “MỎ VÀNG” Ở NGHI XUÂN

                     Bút ký dự thi       

Nghi Xuân “vùng đất tam hợp” giữa núi - sông - biển; vùng đất văn hiến, địa linh, nhân kiệt của Hà Tĩnh. Nói đến Nghi Xuân người ta nghĩ ngay đến những áng thơ Kiều bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du, nghĩ ngay đến Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, một bậc tài danh và ngông nghênh nổi tiếng. Và, bên những áng thơ “lệ chảy quanh thân Kiều”, bên một Uy Viễn Tướng công “xin” “làm cây thông đứng giữa trời mà reo” là một vùng đất cát trắng, gió lào, triền miên bão tố, lụt lội. Ít ai có thể nghĩ đến nơi này còn có một “mỏ vàng” bị bỏ quên trong vùng nước lợ, đồng ngập mặn và cát trắng từ ngày sinh ra vùng đất. Giờ đây trong công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới của Đảng ta, vùng đất đã và đang được đánh thức một tiềm năng…

Huyện Nghi Xuân có bờ biển dài 38km. Thêm vào đó là hơn 20 km sông ngòi hạ lưu tạo thành một vùng nước lợ, vùng ngập mặn, cộng lại phải tính bằng hàng trăm ha. Ấy là chưa kể các bãi cát ven biển có nơi rộng hàng cây số suốt chiều dài bờ biển. Từ bao đời nay, người dân Nghi Xuân gắn bó với đất, với biển, với sông, với cát, chín nắng, mười sương để tạo lập cuộc sống cho mình. Nhưng người dân nơi đây vẫn đói nghèo.

Có một câu chuyện như huyền thoại. Vào giữa thế kỷ trước, một trí thức người xã Đan Trường tên là Nguyễn Lý Thái vốn là công chức hỏa xa của ga Hà Nội, nhưng khi hồi hưu, nặng tình với quê hương, ông lại xin về quê. Năm 1942, một lần đứng trên mặt đê sông Lam, nhìn đất, nhìn nước, ông thốt lên: “Mỏ vàng đây chứ còn tìm đâu nữa! Vậy mà dân mình không biết, vẫn đói, vẫn nghèo. Hoài phí vậy thay!”. Rồi ông mua đất, thuê người đắp đập, xây kè, làm cống lập nên đồng nuôi tôm, cua. Theo nhiều sử gia đây là khu đồng nuôi tôm, cua đầu tiên của huyện Nghi Xuân, của cả tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc nổ ra, khu đồng nuôi tôm, cua của cụ Lý Thái mới thu hoạch được vài ba vụ đành bỏ dở. Đến bây giờ, khu đồng nuôi tôm, cua ấy đã qua bao vật đổi sao dời; đã qua bao phen đổi chủ, vậy mà các ông chủ đồng vẫn ăn nên, làm ra. Cánh đồng nuôi tôm, cua tiên phong, huyền thoại đến nay vẫn mang tên cụ: đồng cụ Nguyễn Lý Thái!

Núi Hồng sông Lam đã trở thành biểu tượng văn hóa xứ Nghệ (ảnh Đình Hà)

Trải qua hơm 30 năm chiến tranh chống Mỹ xâm lược, khi đất nước thống nhất, cùng với cả nước những người dân vùng quê này thiếu thốn trăm bề. Khó khăn nhất là nạn thiếu lương thực. Người người đổ xô đi khai thác đất hoang hóa gieo lúa, trồng khoai, trồng sắn… lo cho bữa ăn thường nhật còn chưa đủ, ai nghĩ đến chuyện bỏ công sức ra nuôi con tôm, con cua. Với lại, tôm, cua ngày ấy giá rẻ như bèo. Một cân tôm giá chưa mua nổi nửa cân gạo. Bụng đói đầu gối phải bò, ai dại gì sử dụng đất đai để nuôi cái thứ phù du con cua, con tôm, cái tép…!

Sống nhờ vào hạt lúa, củ khoai nơi cát bỏng, đất mặn, chua phèn đói vẫn hoàn đói, nghèo vẫn cứ nghèo. Cơ chế chưa mở. Sức ép về dân số, đất đai, việc làm… đè nặng lên vai Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã. Đất không nuôi nổi người, mỗi xã có hơn trăm hộ gạt nước mắt khăn gói rời bỏ quê hương vào Tây Nguyên, lên Quỳ Hợp (Nghệ An), ra tận đảo Cô Tô tìm cuộc sống mới cho mình, cho con cháu mình. Số kiên gan ở lại, đánh vật với ruộng đồng. Nhiều trai tráng bí kế, rủ nhau lên rừng đốn gỗ xuôi bè. Những khi nông nhàn tụ tập nhau cờ bạc, túng quẫn thì sinh ra trộm cắp. Bao tệ nạn ra đời từ cái đói, cái nghèo, từ thất nghiệp... làm nhức nhối lòng người!

*

Thế rồi cả vùng bỗng xôn xao về chuyện ông Nguyễn Thính Phú cùng anh Lê Hồng Sen ở xóm Song Giang, xã Xuân Đan (cũ) “cả gan” thuê người đắp đập bao ven bãi sông Lam để nuôi tôm, cua. Rồi chuyện anh Nguyễn Trọng Thanh cùng em trai Nguyễn Anh Táo, đương kim Phó Chủ tịch nội chính UBND xã Xuân Hội vay mượn tiền bạc đến cả trăm triệu đồng (thời giá những năm 80 thế kỷ trước), đắp con đập to như con đê chắn ngang cánh đồng Luồng rộng 50ha, vốn là đồng ngập mặn, sát chân sóng, hoang hóa xưa nay để nuôi rong rêu câu kết hợp nuôi tôm, cua. Đồng nuôi tôm cua của ông Phú và anh Sen “dám” thuê 7 - 8 nhân công làm việc, hưởng lương theo sản phẩm. Đồng ông Thanh, anh Táo thường xuyên có từ 16 - 20 người cũng làm việc, cũng hưởng lương theo cách đó. Thấy cách làm táo tợn quá, nhiều người cho là “mấy ông dở hơi”. Có người dứt khoát tuyên bố: “Đã có người làm thuê, tức thị mấy ông đảng viên này làm theo mô hình chủ nghĩa tư bản”  Những người bình tĩnh hơn, nhận định: “Biết đâu đấy, đó là một cách làm mới. Cứ để rồi xem!”

Ngày ấy Đảng ta chưa phát động công cuộc đổi mới. Và tất nhiên, những “ông chủ đồng” phải lắm phen vất vả vì nhiều lẽ. Đồng nuôi tôm, cua của các ông ngày ấy cũng chỉ nuôi các loại tôm, cua tự nhiên là các loại tôm đất, tôm lớt, tôm càng như thời cụ Nguyễn Lý Thái, chứ không phải tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng như bây giờ. Vậy mà chỉ sau vài ba năm, từng là các hộ có mức sống trung bình trong làng, các “ông chủ đồng” đã xây được nhà cao, cửa rộng. Những năm thập kỷ 80 thế kỷ XX ấy nhà nhà chủ yếu đi xe đạp mà các “ông chủ đồng” đã  mua sắm được xe máy kim vàng giọt lệ, xe Dream đắt tiền; cung cấp đầy đủ tiền nong cho con cái học hành…

Đến bây giờ, khi tôi viết những dòng này, các đồng tôm ngày ấy càng làm ăn phát đạt. Tiếng tăm các ông lừng lẫy khắp vùng. Một lần đi tác nghiệp, tôi gặp ông Nguyễn Trọng Thanh ngoài đồng nuôi tôm của ông. Ông Thanh rủ rỉ kể:

- Làm cái anh nuôi con tôm, con cua, trước hết phải có cái gan. Sau nữa là phải có cái kỹ thuật. Dưới mặt nước kia là tiền triệu, tiền tỷ, là vàng ròng cả đấy. Tơ lơ mơ là đi tong ngay, là cháy nhà không khói ngay, chú mày ạ.

Mà có chuyện “cháy nhà không khói” thật. Những năm 1980, các chủ đồng còn i tờ cái nghề nuôi tôm, cua. Chuyện tôm chết, cua chết sắp lớp dày cả gang tay dưới đáy đồng, mùi xú uế xông lên nồng nặc bay xa hàng cây số ngày ấy không phải là ít. Mồ hôi đổ xuống đồng nuôi tôm cua vốn đã mặn mòi, giờ thêm cả nước mắt làm nước ao, đầm càng mặn chát. Năm 1991, Hà Tĩnh trở lại sau 15 năm sáp nhập với Nghệ An. Như đứa con mới ra ở riêng, trong muôn ngàn khó khăn, để “làm lại từ đầu”. Năm 1993, nhận thức rõ giá trị của con tôm, con cua, Đảng bộ tỉnh, huyện có Nghị quyết coi ngành nuôi trồng tôm, cua xuất khẩu là một ngành kinh tế mũi nhọn, với những chương trình hỗ trợ vốn khuyến ngư cùng nhiều chính sách ưu đãi con tôm, con cua. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, huyện Nghi Xuân đã có quy hoạch cụ thể. Những cánh đồng ngập mặn, bãi sông, ao đầm… trồng lúa cho năng suất thấp hoặc sản lượng bấp bênh, quyết tâm chuyển hẳn sang cho các hộ đấu thầu lập đồng nuôi tôm, cua xuất khẩu. Các hộ trúng thầu, được toàn quyền nuôi tôm, cua trên đất đó 15 năm, dư sức mà đầu tư sản xuất. Tiền trúng thầu, các chủ đồng không phải trả một lần mà trả theo mùa thu hoạch, nên chẳng phải chạy vạy, vay mượn vất vả. Con tôm, con cua lên ngôi, trở thành mặt hàng xuất khẩu “đắt như tôm tươi”! Giá tôm, cua ngày ấy có lúc lên, lúc xuống, nhưng tịnh không khi nào bị ế. Tôm sú loại 1 (thời giá những năm 1990) ngày trước giá chỉ từ 20 - 25 ngàn đồng/kg, nay bán tại đồng đã vọt lên 120 - 160 ngàn đồng/kg. Giá cua chỉ khoảng 12 - 15 ngàn đồng/kg vọt lên 100 - 120 ngàn đồng/kg. Anh Trần Văn Thành một chủ đồng nuôi tôm cua xuất khẩu trên cánh đồng “ngày xưa” của cụ Nguyễn Lý Thái làm một con tính với tôi:

- Đất canh tác vùng ni, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Năm được mùa, cao lắm cũng chỉ đạt 1,5 tấn/ ha, tính thành tiền chưa tới 2,5 triệu đồng (thời giá những năm 1990). Còn thu hoạch từ nuôi tôm, cua xuất khẩu ư? Cứ cho một ha thả 10 vạn con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi theo phương pháp quảng canh cải tiến hay bán thâm canh. Nếu được chăm sóc chu đáo, phòng dịch bệnh triệt để, thì một vụ tôm, cua từ 3 - 4 tháng cũng thu vào trên dưới 200 triệu đồng. Gấp cả trăm lần chứ ít ỏi chi mô!

Ngày ấy, chuyện các chủ đồng tôm, cua trở thành triệu phú, tỷ phú thì nhiều. Có thể kể ra vài gương mặt tiêu biểu: Ở xóm Đại Đồng, xã Cương Gián có ông Phạm Tường, ông Nguyễn Văn Lương đều là thương binh hạng 2/4 đã đầu tư đắp hơn 1km đê, kè thành đồng nuôi tôm, cua rộng 8ha, thu hoạch mỗi năm từ 4 - 5 tấn tôm, cua các loại thu vào hơn 500 triệu đồng. Anh Trần Bách Quyền đầu tư nuôi tôm, cua xuất khẩu. Anh xây nhà vững chãi ngay giữa đồng, đưa cả vợ con ra canh giữ, chăm sóc tôm, cua tại chỗ. Đồng nuôi tôm, cua của anh rộng 9ha, mỗi năm thả trên 1 triệu con tôm giống. Tôm được chăm sóc, nuôi trồng khoa học, biết phòng bệnh tốt nên năm nào cũng thu vào cả vốn lẫn lãi hơn 1 tỷ đồng. Hai ông Nguyễn Trọng Thanh, Nguyễn Anh Táo, chỉ riêng vụ tôm năm 2002 liên doanh với một số đối tác cải tạo và thả 7,5 triệu con tôm giống. Sau hơn 3 tháng, hai ông và tổ đối tác đã thu vào hơn 3 tỷ đồng. Quả là một con số hấp dẫn!

Sau những “ông chủ đồng” đi tiên phong ấy, nhiều năm nay, ở các cửa sông ven biển huyện Nghi Xuân chẳng có nơi nào không có đồng nuôi tôm, cua xuất khẩu. Dọc theo bãi cát ven biển, đã có hàng chục ao, đồng nuôi tôm trên cát nuôi theo cách công nghiệp đang làm ăn phát đạt. Những con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi đủ cho hai làn xe tránh nhau đã đến tận các ao, đầm đồng nuôi tôm, cua. Gần 200 ao, đồng, đầm nuôi tôm cua xuất khẩu, chưa tính những ao đầm của những trang trại nuôi cá quanh sườn núi Hồng Lĩnh đã có điện lưới quốc gia, đã lắp giàn quạt khí - một khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi tôm. Hệ thống đồng, ao, đầm này đã thu hút hơn 2.000 lao động có công ăn, việc làm, thu nhập thường xuyên, đều đặn. Một số chủ đồng như anh Lê Văn Hùng và vợ Uông Thị Hà đã xây nhà ngay trên đập bao, mở dịch vụ ăn uống các món đặc sản tươi sống đánh bắt lên từ đồng. Cửa hàng ăn của hai vợ chồng anh Hùng, chị Hà ngày đêm dập dìu thực khách, tiếng nổi khắp huyện Nghi Xuân…

Bây giờ các đồng nuôi tôm, cua xuất khẩu thu hoạch hàng năm tiền tỷ, không còn là hiếm. Có thể điểm vài “ông chủ đồng” nổi tiếng ăn nên, làm ra như anh Nguyễn Viết Khánh, Trần Văn Thân, Uông Văn Sơn, Trần Bách Quyền, Lê Văn Bé…chứ không thể điểm tên hết. Ngành kinh tế mũi nhọn được Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết từ 30 năm trước đã góp phần không nhỏ trong công cuộc “xây dựng nông thôn mới” của huyện Nghi Xuân. Con tôm lên ngôi cùng với các mặt kinh tế nông nghiệp, xây dựng, vận tải, gạch ngói tuy-nen, du lịch, dịch vụ…vv đã làm cho đời sống nhân dân vùng đất “gió lào, cát trắng” ngày càng khởi sắc. Tất cả các đường làng, ngõ xóm đều được láng nhựa hoặc bê tông hóa, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn đã thu hẹp dần lại…!

*

Tôi cùng anh Trần Văn Thân một “ông chủ đồng” nuôi tôm cua công nghiệp, đang ăn nên làm ra của xã Đan Trường chạy xe một vòng đến các đồng tôm trong vùng. Đứng trên những con đập, nghe tiếng tôm búng càng lách tách, tiếng cá quẫy đuôi, đớp mồi rộn rã, nhìn những con cua kềnh càng nhô lên khỏi mặt nước giương đôi mắt ngơ ngác nhìn khách, tôi chợt hiểu rằng cái “mỏ vàng” bị bỏ quên từ bao đời nay, ở vùng quê này đang được Đảng cùng người dân ở đây đánh thức sau một giấc ngủ triền miên và đang được chú ý khai thác. Con tôm, con cua lên ngôi, đồng nghĩa với những thỏi vàng mười được đãi từ nước lợ, từ cát bỏng nhiều thêm, xua đi cái đói, cái nghèo thâm canh cố đế của vùng “gió lào, cát trắng”, làm giàu cho quê hương, cho những cuộc đời cần lao…!

Nghi Xuân, tháng 5 năm 2021

 N.X.D

 

 

 

. . . . .
Loading the player...