02-08-2021 - 20:02

Bút ký dự thi FORMOSA HỒI SINH SAU BÃO LỚN của Phan Thế Cải

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi FORMOSA HỒI SINH SAU BÃO LỚN của tác giả Phan Thế Cải đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 179 tháng 7/2021

phan thế cải

formosa hồi sinh sau bão lớn

                          Bút ký dự thi       

Bây giờ ngồi nhớ lại nhiều người vẫn chưa hết rùng mình, tập đoàn Formosa đã có những thời khắc điêu đứng trong sản xuất kinh doanh. Hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc, nhà máy phải đóng cửa, các nhà hàng dịch vụ ngừng hoạt động, đời sống nhân dân, đặc biệt là ngư dân trên địa bàn Hà Tĩnh và miền Trung rơi vào cảnh khốn đốn. Một nguyên nhân gây sốc cho toàn xã hội, khi “con voi thép khổng lồ” này xả nước thải vào biển gây nên thảm họa môi trường, khiến hàng loạt cá chết. Sự cố này, đã trở thành bài học xương máu để Formosa nghiêm túc nhìn lại mình, đứng dậy sau vấp ngã. Sự phục hồi của Tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa không chỉ lấy lại danh dự cho riêng mình, mà còn tạo nên diện mạo mới cho Khu kinh tế Vũng Áng trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại.  

Lực hút hấp dẫn các nhà đầu tư  

Tôi còn nhớ mãi vào cuối năm 1991, không ít các đoàn khách Trung ương lần lượt vào thăm Hà Tĩnh. Thăm để làm gì? Thăm để tìm lối đi cho Hà Tĩnh, “giải phóng đói nghèo” cho Hà Tĩnh, trong bối cảnh tỉnh vừa mới tách chia, nông nghiệp đang bấp bênh vì thiên tai hạn hán, bão lụt giằng xé, công nghiệp què quặt lạc hậu. Hàng loạt nhà máy xí nghiệp  đình đốn, giải thể vì không chịu nổi trước thử thách của kinh tế thị trường. Kỳ Anh thời điểm đó trở thành huyện dẫn đầu “tốp nghèo” của tỉnh. Vùng đất “chảo lửa, túi mưa” này, năm nào ông Phan Công Trân, chủ tịch huyện cũng chạy đôn, chạy đáo ra Hà Nội,  kêu gọi Trung ương và các tổ chức từ thiện quốc tế viện trợ lương thực. Thật thương cho ông Chủ tịch huyện, ngày chân đi rã gối, đêm ngủ không chợp mắt chỉ vì lo dân đói. Không thương sao được, không cầm nổi nước mắt sao được, khi dưới chân Đèo Ngang giữa trưa hè nắng gắt, từng cụ già, em nhỏ đội rá sim lên đầu, chắp tay lạy mời khách qua đường mua giúp để kiếm chút gạo cầm hơi. Nhưng ai biết được rằng, trong xứ sở khắc nghiệt ấy còn có một tiềm lực vô giá: Tiềm lực biển chưa ai đánh thức, đó là biển nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương.

Tôi còn nhớ vào một phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu năm 1992, Bí thư tỉnh ủy Trần Quốc Thại hôm đó có một bài tham luận dài về chiến lược và mục tiêu phát triển công nghiệp ở Hà Tĩnh. Giọng ông Thại trên diễn đàn khá hào sảng tự tin: “Bứt phá đi lên để thoát khỏi trì trệ, Hà Tĩnh phải biết nhìn xa trông rộng từ khu vực biển Vũng Áng. Tôi thấy chưa có nơi nào tuyệt vời như ở Vũng Áng, với độ sâu mười bảy mét, ngoài kia lại có đảo Sơn Dương, vị trí thật đắc địa gần quốc lộ 1A, trên quốc lộ 12A. Nếu chúng ta biết “trải thảm đỏ” để thu hút các nhà đầu tư, sẽ biến Vũng Áng thành Khu kinh tế Vũng Áng. Khai thác được lợi thế vị trí địa lý tự nhiên này, không chỉ làm cho dân Kỳ Anh dưới chân Đèo Ngang hết khổ, mà làm cho “Hà Tĩnh nổi bật lên” trước sự đột phá mới”. Tôi quan sát từ hàng ghế trước đến hàng ghế sau, nghe không ít những tiếng xì xào ái ngại, có vị còn bảo “Vô Vũng Áng chỉ thấy cát và phi lao xơ xác, biển đìu hiu thế ai dám nhảy vào đầu tư”. Còn Tiến sĩ Lê Quang Úy lại có cái nhìn rất mới, ông rất tâm đắc với bài tham luận của đồng chí Bí thư Trần Quốc Thại, bởi ông đã trải nghiệm về Vũng Áng, nên hiểu được thế mạnh của nó như thế nào rồi. Ông Lê Quang Úy tin một ngày không xa Vũng Áng sẽ thành “thỏi nam châm” hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bức tranh lý tưởng của Bí thư Trần Quốc Thại và điều tiên đoán của Tiến sĩ Lê Quang Úy dần dần biến thành hiện thực. Sáu năm sau, năm 1997 vùng biển đìu hiu ấy bắt đầu ra đời Cảng biển Vũng Áng. Cảng biển Vũng Áng thời kỳ này tuy nhỏ, mấy chiếc tàu vận chuyển hàng hóa, với công suất và trọng tải khiêm tốn. Nhưng từ đây những chuyến hàng đi muôn nơi và những chuyến  hàng muôn nơi về với Vũng Áng khá thuận buồm xuôi gió.

Ngày 3/4/2006 Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định số 72-TTg chính thức thành lập Khu kinh tế Vũng Áng, với mục tiêu phát triển khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Hướng đi được hoạch định rõ: Phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, gắn với lợi thế tài nguyên, nguồn nguyên liệu, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, công nghiệp thép, trung tâm nhiệt điện và lọc hóa dầu. Phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương bao gồm việc đầu tư và khai thác có hiệu quả khu liên hợp cảng, phát triển du lịch cảng và các dịch vụ vận tải biển để tạo thành một cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc - Trung - Bộ. Xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng, đồng thời ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng của Bắc Bộ. Tin vui này khiến cho nhiều người Hà Tĩnh sửng sốt, thế là Hà Tĩnh đã bắt đầu “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư rồi. Vũng Áng trở thành “địa chỉ đỏ” cho hàng trăm doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tham gia, trong đó Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp (Đài Loan) với một danh từ người dân ở đây thường quen gọi Tập đoàn Formosa là doanh nghiệp lớn nhất.

Tập đoàn Formosa với chuyện làm ăn lớn

 Tập đoàn Formosa là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương. Theo hợp đồng dự án, tổng vốn đầu tư xây dựng tại Vũng Áng gần 10 tỷ USD với công suất hơn 10 triệu tấn thép/năm, ở giai đoạn I. Khoảng  27 tỷ USD, với công suất 20 triệu tấn thép/ năm, tiếp tục thực hiện ở giai đoạn II. Tổng diện tích, xây dựng dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2025 ha, diện tích mặt nước hơn 1293 ha ở Cảng Sơn Dương. Để tập đoàn Formosa định cư lâu dài ở khu Vũng Áng, tính chuyện làm ăn lớn, phía Hà Tĩnh không còn đường nào khác theo cam kết cùng với nhà đầu tư, khẩn trương giải phóng mặt bằng, mở lối cho Tập đoàn Formosa có thể tiến hành khởi công vào cuối năm 2008.

Công tác giải phóng mặt bằng chẳng khác gì sợi chỉ rối, gỡ được nốt này lại gặp phải nốt kia. Nào là mâu thuẫn phát sinh trong dân về đòi hỏi đền bù đất và tài sản trên đất. Nào là những kẻ ngang nhiên xây nhà trái phép trên đất, chờ đền bù. Nào là thương thuyết, đàm đạo cùng cha xứ  vận động bà con giáo dân tuân thủ pháp luật, chấp hành tốt chủ trương, chính sách nhà nước và những văn bản cụ thể mà Trung ương và Hà Tĩnh đã ban hành trong công tác giải phóng mặt bằng tái định cư… Thế là Chủ tịch tỉnh Võ Kim Cự, một người luôn kiên quyết, “nói đi đôi với làm”, lại lặng lẽ “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để nghe dân nói và mình nói dân nghe. Sự thuyết phục thấu tình, đạt lý ấy cuối cùng đã thành công. Chưa đầy hai năm, cuộc cách mạng giải phóng mặt bằng và tái định cư, diễn ra khá thuận chèo, mát mái.

Thời điểm ấy, khách vào Nam hay ra Bắc khi bước chân Đèo Ngang nhìn sang phía Tây, đều không khỏi ngạc nhiên sửng sốt, khi những người dân lam lũ, quen với cảnh nhà tranh, mái rạ  xác xơ ở các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi.. phút chốc  đã biến đâu mất, nhường lại cho những ngôi nhà xây tường vôi trắng xóa, mở cửa đón mặt trời hồng. Càng ngạc nhiên hơn, khi nhìn sang phía Đông cả rừng người, rừng xe đang tất bật, hối hả thi công. Đêm đến cả khu vực Vũng Áng, điện sáng như một trời sao, âm thanh tiếng búa, tiếng máy át đi tiếng gió lao xao, tiếng sóng biển vỗ rì rầm. Mỗi ngày làm việc là mỗi ngày các cán bộ, chuyên gia, công nhân dấn thân vào cuộc chiến đấu mới. Tập đoàn Formosa lúc này phải thực hiện hai mục tiêu: vừa xây dựng nhà máy luyện cán thép, vừa xây dựng hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương.

Ngày 6/7/2008, Tập đoàn Formosa chính thức làm lễ khởi công, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân và giới quan chức. Hai mục tiêu đi song đôi: Một nhà máy “khủng” sẽ ra đời lớn nhất Khu vực Đông Nam Á, công suất 22 triệu tấn thép/năm, với thiết bị công nghệ hiện đại về luyện gang, luyện thép và cán thép. Cảng Sơn Dương, chiều dài kè biển 11 km, 32 bến cảng, trong đó có 2 bến cảng đón tàu vận tải 200 ngàn tấn. Kể từ lễ khởi công đến sự ra đời nhà máy và bến cảng, phải mất một chuỗi thời gian dài 7 năm. Bảy năm, biết bao ngày nắng, biết mấy ngày mưa, đối mặt bao nhiêu khó khăn thách thức, để dự án giai đoạn I trở thành hiện thực. Hai niềm vui lớn, như hai cây xanh hẹn mùa chín quả ngọt trong năm. Ngày 1/10/2015, chiếc tàu FPMC B 108 quốc tịch Anh  có trọng tải gần 100 ngàn DWT, chở hơn 80 ngàn tấn than vào bến S1 Cảng nước sâu Sơn Dương. Ngày 25/12/2015,  nhà máy đã cho ra đời sản phẩm thép cuộn cán nóng đầu tiên.

Theo nhịp tháng ngày, tập đoàn Formosa có những người bạn đồng hành, chung sức làm nên nghiệp lớn, nhanh chóng biến Khu kinh tế Vũng Áng thành hơi thở công nghiệp sục sôi, đó là nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I với công suất 1200 MW của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, nhà máy nước Hoành Sơn với công suất hàng chục ngàn ngàn khối nước đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt toàn khu vực Vũng Áng. Những ngày đầu mới phôi thai, Tập đoàn Formosa đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào    ngân sách Hà Tĩnh.

Sự cố môi trường gây nên bão lớn

Khu kinh tế Vũng Áng đã tạo ra một cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, cơn bão mang tên sự cố môi trường biển. Câu chuyện bắt đầu khoảng 8 giờ sáng ngày 6/4/2016, một ngư dân Kỳ Anh lững thững đi dọc bờ biển, ngạc nhiên khi thấy hàng chục con cá chết nổi  bụng trắng phau, dạt vào bờ cát. Ông ta vớt số cá chết đó lên xem, rồi loan tin cho mọi người biết. Ngày hôm sau, một ngư dân khác ở Quảng Bình lại bắt gặp trên bãi biển của mình, cá chết nằm la liệt dọc bờ. Nhiều ngư dân chưa hết bàng hoàng, thì các bãi biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, hiện tượng cá chết  bị sóng đẩy vào bờ ngổn ngang, có những ngày lên đến hàng tạ dân nhặt chôn không xuể. Ngư dân miền Trung rơi vào cảnh lao đao, bao nhiêu con thuyền phải nằm im trên bến, vì chợ to, chợ nhỏ đều cá ế, rao bán chẳng ai thèm mua; du lịch biển tê liệt, bởi không dám tắm biển. Trước thảm họa này, trước cơn bão lớn của dư luận, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học công nghệ phối hợp với Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ tài nguyên môi trường, cùng các bộ ngành liên quan vào cuộc. Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của chuyên gia quốc tế đã xác định: Nguồn thải lớn nhất xuất phát từ khu vực Vũng Áng, chứa độc tố như Phenol, Xyanua kết hợp với Hyđroxit Sắt, tạo thành một dạng hỗn hợp (Mixel) có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu theo hướng Bắc - Nam di chuyển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế. Đây là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là tầng đáy.  

Khi sự thật đã được làm sáng tỏ, ngày 28/6/2016, Tập đoàn Formosa đã cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, vì trong quá trình “vận hành thử nghiệm” đã  xẩy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, đồng thời hứa sẽ khẩn trương khắc phục hậu quả này. Trước mắt, bồi thường 500 triệu USD, về thiệt hại kinh tế cho ngư dân và môi trường biển thuộc bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Chuỗi thời gian dài, Tập đoàn Formosa phải đóng cửa để khắc phục sự cố. Hàng ngàn công nhân nghỉ việc, mọi dịch vụ và nhà hàng, quán ăn Khu kinh tế Vũng Áng đều bị tê liệt, vì không có bóng một thực khách. Nỗi buồn này còn buồn hơn cả bà huyện Thanh Quan thưở xưa, khi bước tới đều Ngang nghe vọng tiếng cuốc kêu trong buổi chiều tà.

Hồi sinh sau bão

Lời hứa danh dự của Tập đoàn Formosa liệu có thể thực hiện được không?. Đó là câu hỏi lớn, hàng triệu người đang mong chờ. Bây giờ sự thực “con voi thép khổng lồ” đã trả lời được điều ấy rồi!

 Sau cơn bão sự cố khủng khiếp ấy, tôi đã nhiều lần đặt chân tới Khu kinh tế Vũng Áng và nghe ngóng từng bước đi, nhịp thở của Tập đoàn Formosa. Hôm nay thăm lại thấy tự tin hơn nhiều, khi mình đã được tận mắt chứng kiến hệ thống hồ thủy sinh, trên đầu mình muôn đàn chim trắng, nâu, vàng.. đang dập dờn chao lượn, dưới đôi cánh của chúng là mặt nước mênh mông có diện tích gần 10 ha, được chia thành hồ nước nối liền nhau như bàn cờ. Mỗi hồ có mỗi công dụng khác nhau, nào là hồ sự cố, hồ sau xử lý bãi lọc, hồ chỉ thị sinh học. Hệ thống thiết kế tuân theo một quy trình vận hành khoa học, đề phòng khi có sự cố,  thì khắc phục bằng việc bơm tuần hoàn vào các bậc hồ đầu tiên trở về trạm nước thải, để kịp thời xử lý lại. Hàng ngày lượng nước thải, khi đưa vào hồ chỉ thị sinh học môi trường, được lưu giữ thời gian 7 ngày để  đánh giá an toàn, bằng chỉ thị sinh học qua các thông số quan trắc. Hệ thống hồ được giám sát hàng loạt Camera. Ngoài cánh cổng  nhà máy, còn lắp đặt thêm màn hình công khai hình ảnh nuôi cá, số liệu quan trắc nước thải. Không chỉ dừng lại ở chuyện nước thải, bởi bao nhiêu yếu tố khác sẽ xẩy ra trong quá trình sản xuất, phải đối mặt với môi trường. Chính vì thế, muốn đảm bảo môi trường sạch và an toàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm triệu đô la, lắp đặt thiết bị công nghệ hiện đại nhất của Nhật Bản, nhằm chuyển đổi than cốc từ ướt sang khô. Mặt khác, lắp đặt đầy đủ các thiết bị kỹ thuật để xử lý, kiểm tra chất rắn và khí thải. “Bảo bối” để Tập đoàn Formosa lấy lại niềm tin cho hàng triệu người và danh dự cho mình, đó là Giấy chứng nhận của Bộ tài nguyên môi trường. 

Ông Lê Trung Phước, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thông tin thêm cho tôi biết: “Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương giai doạn I đi vào hoạt động, thời gian qua đã cung cấp ra thị trường 29 triệu tấn thép. Cảng Sơn Dương 12 bến (trong đó có bến tàu trọng tải 30 vạn tấn) nhộn nhịp tàu đưa hàng đi và nhập hàng về. Tập đoàn Formosa đang trở thành hạt nhân của Khu kinh tế Vũng Áng”. Tôi hiểu từ năm 2020 - 2021, thảm họa đại dịch Covid-19 đang làm điên đảo toàn cầu, trong nước hàng trăm doanh nghiệp lao đao và hàng triệu người rơi vào khốn quẫn, tù túng vì thiếu công ăn việc làm. Nhưng Tập đoàn Formosa vẫn đứng vững, đảm bảo mọi chế độ cho hàng ngàn cán bộ, công nhân có mức thu nhập ổn định. Không chỉ đóng góp một nguồn ngân sách lớn cho Hà Tĩnh và cả nước, doanh nghiệp lớn này còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội. Tập đoàn Formosa thấm thía câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Phải chống dịch Covid-19 như chống giặc”. Sức khỏe của người lao động là vốn quý nhất của nhà máy, là điều quyết định sống còn của nhà máy, chính vì lẽ đó Tập đoàn Formosa vừa sản xuất kinh doanh, vừa tập trung cao độ ngăn chặn từ xa loại “kẻ thù dấu mặt” đang rình rập.

Khu kinh tế Vũng Áng, chắc một ngày không xa sẽ trở thành một gương mặt sáng giá  của Hà Tĩnh, khi “con voi thép” được phục hồi lại và có bước đi vững chãi trên con đường mới.                                                                                               

          7- 2021

                                                                                                   P.T.C

FORMOSA Hà Tĩnh (ảnh nguồn ITN)

. . . . .
Loading the player...