19-06-2022 - 07:25

Bút ký “CAO” CỦA NGÀN TRƯƠI của Tác giả Trần Ngọc Diệp

Trại sáng tác văn học nghệ thuật ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay của Vũ Quang trong quá trình xây dựng và phát triển được bế mạc sau hơn 1 tháng tổ chức. Các tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương; những đổi thay đi lên của quê hương Vũ Quang trong thời kì mới. BBT xin giới thiệu bút ký “CAO” CỦA NGÀN TRƯƠI của Tác giả Trần Ngọc Diệp

TRẦN NGỌC DIỆP

“CAO” CỦA NGÀN TRƯƠI

                                                                                                  Bút ký

Chúng tôi đến Vũ Quang vào một ngày giữa tháng Tư. Cái nắng đầu hạ vừa đủ thắm thêm những ngan ngát núi đồi trong buổi sáng xuôi thuyền trên hồ thủy lợi Ngàn Trươi.

Núi ở đây xanh quá, trời cũng xanh và nước cũng xanh. Những gờ sóng vỗ nhẹ vào hai bên mạn thuyền,  giữa mênh mang nước thi thoảng bắt gặp đôi ngọn tre khô, vài thân cây cổ thụ chỉ còn trơ gỗ dựng đứng giữa lòng hồ, minh chứng cho trầm tích cũ của ngày công trình thủy lợi còn chưa xây dựng. Từ trên thuyền phóng tầm mắt ra xa có thể thấy hồ phủ ngập đến lưng chừng thân núi của dãy Giăng Màn, chân núi chõa ra cắm xuống đáy nước đầy vững chãi. Những tàng cây im lìm rủ bóng xuống mặt nước khẽ lay động khi thuyền đi qua, đâu đó giữa màu xanh lặng lẽ chúng tôi chợt nhìn thấy một vài giành hoa đỏ rực nằm xen lẫn như ráng chiều đột ngột nhuộm một áng mây.

Đang miên man nghĩ, chợt đồng chí kiểm lâm đi hướng dẫn cho đoàn mang lại chỗ chúng tôi bình nước lớn. Uống một ngụm nước mát giữa cơn khát vì nắng, bất chợt nhận ra vị ngọt thanh tan vào cổ họng thứ dư vị núi rừng đặc trưng chẳng thế nào nhầm lẫn. “Nước chanh mật ong ạ?”, tôi hỏi. Anh vui vẻ gật đầu. “Đi Vũ Quang thì không thể thiếu mật ong được”. Quả thật giờ đây mật ong đã trở thành một trong những đặc sản của Vũ Quang, thứ mật ngọt đất trời ban tặng nay quy tụ dưới bàn tay khéo léo con người xứ này tạo nên thứ thành phẩm nổi tiếng mà chúng tôi vẫn gọi là “Cao của Ngàn Trươi”.

Sở dĩ nói như vậy là bởi từ xưa dân gian thường gọi mật ong là Bạch Hoa cao hay Bạch Hoa tinh. Riêng nhà y học dân tộc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác coi mật ong là cao của trăm thứ hoa. Vũ Quang có rừng quốc gia với diện tích rừng quản lý hơn 57.000 ha cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú đa dạng, bên cạnh đó hệ thống cây trồng từ các nông trại, trang trại cam, bưởi, mía tạo nên tiềm năng vững chắc để nghề nuôi ong phát triển.

Mùa ong ở Vũ Quang thường bắt đầu từ độ cuối tháng ba dương lịch kéo dài đến gần tháng 12 dương lịch. Trong quãng thời gian có vẻ là dài đó, việc lấy mật bị gián đoạn bởi mùa mưa nên người nuôi ong xem khoảng tháng ba đến tháng bảy là mùa mật chính vụ. Tháng tám mưa, tháng chín mưa, tháng mười mưa nữa. Mưa ở xứ miền Trung từ rả rích cơn Ngâu rồi sang trắng trời mưa lũ. Chẳng hiểu sao cứ vào tháng mưa tôi lại nhớ câu nói của cô giáo Địa lý ngày xưa: “Mùa mưa ở Bắc Trung Bộ tập trung vào thu đông”. Những ngày mưa dầm dề đó, người cũng co ro ngó ra coi con nước, nói gì đến lũ ong. Tới tháng mười một mười hai, thời tiết bắt đầu se se nhưng vẫn còn tạnh ráo. Lúc này người nuôi ong có thể tranh thủ thêm một vài cữ lấy mật, chia đàn. Thường lứa mật cuối cùng của năm kết thúc vào Đông chí nên mới có câu “mật Đông chí” là vậy. Mọi thứ cứ như thế, năm này qua năm khác, một vòng tuần hoàn chờ tới tháng Ba.

Theo chân đoàn hướng dẫn của huyện, chúng tôi tới thăm một vài mô hình nuôi ong tiêu biểu ở Vũ Quang. Ong là một loài sinh vật đặc biệt ưa sạch sẽ. Do đó tổ của chúng thường được đặt ở nơi thoáng mát và tránh gió. “Nếu xung quanh tổ có mùi hôi đàn ong sẽ bay đi”, bác Đậu Khắc Mạnh, chủ một hộ nuôi ong ở xã Ân Phú cho hay. Bác say sưa kể cho chúng tôi về thế giới loài ong thú vị không kém gì thế giới con người. “Với sự nhạy cảm của ong, thường chúng biết cách tránh những khu vực hoa có phun hóa chất. Tuy nhiên đôi lúc ong lấy nhầm mật ở những nhụy hoa chứa tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, khi đó chúng sẽ chết”. Bác chỉ vào chai mật và nói: “Cho nên các cô cậu cứ yên tâm, mật ong ni chuẩn sạch, chuẩn tinh hoa nhé, có đời ong kiểm chứng”! Trong vườn bác Mạnh, các tổ ong được sắp thẳng hàng nhau, mỗi tổ cách nhau tầm vài mét. Kỳ lạ là ong thợ không bao giờ nhầm vị trí, chúng sẽ về đúng tổ của mình cho dù có bay một quãng đường xa từ khắp các nẻo hoa, trên cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn hay từ những cánh đồng ngô đang vụ trổ bông, trở về khi trời đã tối mịt đi chăng nữa. Mật ong với mỗi mùa hoa cũng khác nhau, hoa keo mật loãng có màu vàng chanh và thơm, hoa vải mật màu đỏ cam và đặc, mật hoa sim là ngon nhất, vừa đặc, vừa thơm nhưng có màu đỏ sậm. “Có người không hiểu họ thắc mắc sao mật ong cả mà màu khác nhau có phải thật giả lẫn lộn không? Thực ra không phải mô, người nuôi ong chúng tôi đều đặt lương tâm và chữ tín lên cao nhất”. Bác nói.

Rời khỏi những câu chuyện hấp dẫn ở Ân Phú, chúng tôi tiếp tục hành trình tới xã Đức Lĩnh, một xã có khá nhiều mô hình nuôi ong kết hợp trang trại trồng cam và cây ăn trái. Căn nhà của bác Nguyễn Quang Đài thôn Mỹ Ngọc nằm lọt thỏm giữa một vườn cây xanh um. Nhìn cơ ngơi khang trang cùng vẻ thư thái của chủ nhà, tôi buột miệng hỏi: “Nghề nuôi ong có nhàn không bác”? Bác bật cười: “Làm nghề chi nhọc nghề đó, nuôi ong nỏ nhàn mô. Đầu tiên phải học kỹ thuật nuôi ong kỹ lưỡng, sau đó khi thực hiện thực tế sẽ cần chăm chút hơn nữa. Mặc dù mỗi lứa ong cỡ 15 đến 20 ngày nếu xem đã bít kín các cầu thì có thể quay lấy mật, nhưng khoảng năm đến bảy ngày cần kiểm tra đàn ong, xem nó có vụ chúa mới hay không, kiểm tra ong chúa có đủ tốt để thay chúa mới”. Bác kể mỗi tổ ong tuân thủ nghiêm ngặt chỉ có một chúa, nên nhiều lúc kiểm tra sót “vụ chúa” khiến ong chúa mới nở ra làm đàn ong tự động bay đi, dân nuôi ong gọi là “ong san”. Có hôm đang ngủ trưa nghe đứa cháu nhỏ kêu : “Ông ơi ong bay chi bay cao rứa”, Bác và vợ vội bật dậy chạy ra thấy đàn ong đã bay đi quá nửa, cứ chạy cả trưa như thế đến khi đàn ong tụ lại trên một ngọn cây xoan cao chót vót, bác mới dặn vợ đứng trông để mình chạy về mang sào cùng vợt ra bắt về. “Thế bắt được không ạ?” - Tôi hỏi. “Thường bắt được, nhưng cũng có khi mất. Đó là khi chúa đã bay quá xa. Bởi vậy việc kiểm tra “vụ chúa” phải rất kỹ và cẩn thận. Cho nên nhà nuôi ong cũng như phụ nữ có con mọn, chẳng dám đi xa nhà tầm năm ngày mô”. Bác vừa cười vừa nói. “Tuy nhiên so với làm nông nghiệp thì nuôi ong vẫn đỡ vất vả hơn nhiều, nhất là với những người đã lớn tuổi như các bác. Vốn đầu tư ban đầu không lớn lại mau thu hồi vốn, cho lãi nhanh nên hiện nay khá nhiều gia đình đã học tập kỹ thuật để nuôi ong”.

Được biết hiện nay trên địa bàn huyện Vũ Quang có khoảng hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 7.500 đàn, mỗi năm sản lượng mật thu được trên toàn huyện đạt 80 tấn. Với giá bán ra thị trường 200-250 nghìn đồng/lít đã thu về một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Với việc huyện đã và đang tiếp tục xây dựng thương hiệu mật ong, tìm đầu ra ổn định, nghề nuôi ong ở Vũ Quang sẽ hướng tới là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân.

Chúng tôi trò chuyện với bác đến khi nắng nhạt rồi nói lời từ biệt, không quên mang về ít mật ong làm quà cho người thân. Trên chuyến xe chung, cậu thanh niên tên Hưng làm bên đội bảo vệ rừng quốc gia Vũ Quang chia sẻ: “Ngày xưa có được chai mật ong quý như vàng, nên dân người ta lén lên rừng ăn ong đó chị. Nhiều lắm! Người người đi ăn ong, đốt tổ ong gây ra bao vụ cháy rừng rồi. Bọn em vất vả vô cùng. Nay nhờ nghề nuôi ong phát triển, dân cũng hạn chế lên rừng tìm ong, việc bảo vệ rừng trở nên đỡ hơn nhiều”.

Chiếc xe lăn bánh đều đều trên cung đường nhựa rộng rãi chạy qua những xóm làng khang trang đạt chuẩn nông thôn mới. Tôi nhìn ra ngoài ô cửa kính, lúc này mặt trời đã dần khuất sau dãy Cẩm Lĩnh, bóng hoàng hôn phủ lên đập Ngàn Trươi, trải theo những bậc thang và sườn dốc hoa sim tím rịm. Tôi tự hỏi không biết lúc này những chú ong đã kịp bay về tổ, hay chúng vẫn cần mẫn miệt mài bên phấn nhụy thơm để chắt chiu nên thứ cao dược của trăm hoa, như những người con xứ Ngàn Trươi luôn cần cù chịu khó?

                                                                                                 T.N.D

Mô hình nuôi ong kết hợp trang trại (Ảnh Đậu Hà)

. . . . .
Loading the player...