08-09-2021 - 10:01

Bút kí dự thi PHAO CỨU SINH Ở VÙNG “RỐN LŨ” của PHAN THẾ CẢI

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi PHAO CỨU SINH Ở VÙNG "RỐN LŨ" của tác giả Phan Thế Cải trên tạp chí Hồng Lĩnh số 180, tháng 8/2021

PHAN THẾ CẢI

PHAO CỨU SINH Ở VÙNG “RỐN LŨ”

                                                       Bút ký dự thi         

Những người dân ở vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh, bây giờ mùa lũ về họ không còn nơm nớp lo sợ như xưa. Từ chỗ nhiều gia đình mất mát tài sản, sinh mệnh mong manh vì bất lực khi bị lũ đuổi, nay họ đã vững vàng đứng trên đầu lũ, khi hàng loạt kiểu nhà chống lũ ra đời: nhà chòi, nhà phao đến nhà văn hóa cộng đồng… Những chiếc “phao cứu sinh” hay nhất để mọi người, mọi làng có thể sống chung với lũ.

Thảm cảnh từ một trận lũ lịch sử

Câu chuyện cách đây hơn mười năm trước, một trận lũ kinh hoàng đã ập xuống nhiều vùng quê Hà Tĩnh. Khoảng ba giờ chiều ngày 16/10/ 2010 trời sầm sập đổ mưa. Bão như trâu điên húc cây đổ ràn rạt, nhiều mái tôn trên đỉnh nóc nhà bị gió giật rơi loảng xoảng. Là nghiệp phóng viên tôi không ngần ngại, chuẩn bị đầy đủ sổ tay ghi chép, máy ghi âm và máy ảnh để bám càng chiếc thuyền cứu hộ, cứu nạn của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, nắm tình hình. Anh Bùi Lê Bắc, trưởng đoàn, trao cho tôi một chiếc áo phao màu lửa, mặc vào và lên thuyền. Chỉ mới sau một tiếng đồng hồ, cả thành phố Hà Tĩnh đã bị nước bao vây. Con thuyền như mũi tên xanh, xé dòng nước nước bạc đi thẳng về “rốn lũ” xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê. Càng đi mưa càng to, gió càng quất mạnh, cả đoàn người ngồi trên thuyền không người nào không ướt sũng, môi tái nhợt vì mưa gió. Những đợt sóng triều cường hung hãn như muốn nhấn chìm con thuyền và hất chúng tôi xuống nước. Trong biển nước mênh mông và bóng đêm trùm xuống, ngồi trên con “chiến mã” phi nước đại, tôi vẫn kịp nhận ra hàng trăm ngôi nhà ở xã Phương Mỹ lô nhô như những hòn đảo nổi, những ruộng lúa, đồng khoai đều chìm nghỉm trong biển nước. 

Tại trụ sở UBND xã Phương Mỹ, mọi người vừa neo thuyền vào gốc cây bạch đàn, bước lên tầng hai để nắm thông tin từ cán bộ xã thì khá ngạc nhiên bởi Chủ tịch tỉnh, ông Võ Kim Cự đã có mặt từ trước. Ông Cự vẫn mặc nguyên áo phao đầu đội chiếc mũ cối, mặt đầm đìa nước và đang bế trên tay mình một cháu bé hai tuổi, nghe mẹ của cháu kể về gia cảnh mình. Gia đình chị đã trôi hết nhà cửa, cả gia tài của chị gồm một con lợn nái, đàn gà hai mươi con đã bị lũ cướp mất chiều nay. Chị là một trong số hai chục gia đình nằm trong diện nước ngập sâu bốn mét, đã được cán bộ xã kịp thời cho di tản. Đêm ấy là một đêm trắng, Chủ tịch tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn thị sát, trên ba chiếc thuyền cứu hộ cứu nạn đã đến tất cả các xã ngập nặng của Hương Khê. Càng đi càng thấm thía nỗi cơ cực và nguy hiểm mỗi gia đình và thôn xóm đang bị lũ bao vây, cô lập. Ở đâu cũng bắt gặp cảnh nhà cửa, ruộng vườn chìm trong biển nước. Khi đoàn cán bộ đến từng hộ dân, trao từng gói mì tôm, từng chai nước lọc và an ủi họ, ai cũng thấy xót xa cho từng thân phận. Tôi nhớ lại lời gan ruột của vị Chủ tịch tỉnh lúc đó:“Cả tỉnh có tới gần tám vạn rưỡi dân bị ngập nặng, năm người dân bị tử vong, nhiều gia đình tài sản tiêu tan. Đây là một tổn thất lớn cho Hà Tĩnh. Chính vì thế, ta đưa xuồng đi cứu họ trong đói khát và hiểm nguy chỉ là giải pháp tình thế, điều quan trọng hơn phải làm được nhà tránh lũ để giúp họ sống chung với lũ”.

Những ngôi nhà đứng trên đầu lũ

Khi đồng chí Võ Kim Cự đưa ra ý tưởng xây nhà tránh lũ cho dân ở những vùng “rốn lũ”, mọi người đều cho rằng đây là giải pháp hay. Nhưng để thực hiện được cón rất nhiều khó khăn. Bởi dân người dân ở vùng như Phương Mỹ, Hà Linh (Hương Khê), Sơn Thịnh (Hương Sơn) lúc đó đời sống hết sức khó khăn, trong khi để xây được một ngôi nhà chòi, đủ nương náu lúc thủy tặc rình rập ít nhất phải lên tới 40 triệu - 50 triệu đồng. Ông Chủ tịch tỉnh Võ Kim Cự, đã giải được bài toán “nhà nước và dân cùng làm”. Một nửa nguồn vốn, nhà nước hỗ trợ bằng vốn vay ưu đãi, nửa còn lại do dân đóng góp. Đối với những hoàn cảnh gia đình quá rủi ro đặc biệt, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm mở lòng thiện nguyện. Quan điểm rõ ràng của ông Chủ tịch tỉnh lúc này là ưu tiên xây nhà tránh lũ cho những gia đình lũ ngập sâu nhất và những gia đình nghèo nhất.

Sau ba năm, ăn đường ngủ xe, bám hết Ngành này, Bộ nọ với nhiều thủ tục hồ sơ, cuối cùng Chủ tịch Võ Kim Cự đã hiện thực hóa được ý tưởng của mình. Chính phủ đồng ý và phê duyệt xây dựng nhà chòi tránh lũ, đảm bảo an sinh lâu dài cho dân, đúng như nguyện vọng địa phương đề xuất. Trước mắt cho Hà Tĩnh làm thí điểm hai vùng lũ ngập nặng là Phương Mỹ (Hương Khê) và Sơn Thịnh (Hương Sơn), mỗi xã 50 nhà. Công cuộc xây nhà tránh lũ cho dân, phút chốc trở thành chủ đề nóng cho tất cả các tổ chức chính trị ở Hương Khê và Hương Sơn. Huyện họp bàn, xã họp bàn, rồi thôn xóm họp  bàn với tinh thần dân chủ rộng rãi, được dân đồng nhất cao. Các đối tượng xây nhà tránh lũ đầu tiên ở thôn mình được dân đồng tình cao. Thế rồi với nguồn ngân sách cho các đối tượng đặc biệt được Nhà nước cấp, được các tổ chức từ thiện gửi tiền về tiếp sức, các địa phương bắt đầu khởi công xây nhà tránh lũ cho dân. Mọi người trong thôn, trong xã ai cũng muốn đóng góp công sức mình vào công trình có ý nghĩa này. Nhiều đoàn viên trẻ tự nguyện gánh cát, vận chuyển thép xi măng, chị em phụ nữ tự nguyện nấu nước chè, đi chợ lo bữa ăn trưa cho thợ. Những người thợ mộc, thợ nề có kinh nghiệm khi được đảm trách xây dựng những ngôi nhà này đều cần mẫn, nghiêm túc đảm bảo quy trình thiết kế.

Trung tuần tháng 5/2013 tôi có dịp cùng với anh Bùi Lê Bắc, Trưởng Chi cục đê điều và phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, đi thị sát mô hình nhà tránh lũ. Trong cái nắng gay gắt của mùa hè ở đất Phương Mỹ, chúng tôi vẫn cảm thấy dịu mát khi được nhìn ánh mắt, nụ cười đôn hậu của hai vợ chồng ông Hồ Xuân Lương thôn Ấp Tiến. Ông Lương hóm hỉnh bảo tôi: “Đôi bồ câu già ni, bữa ni lũ lụt tới có ổ ấm rồi”. Vừa nói, ông Lương vừa đưa tay chỉ lên phía trên, một ngôi nhà chòi mới trị giá trị khoảng 57 triệu đồng được cải tạo từ một ngôi nhà cấp bốn cũ, nên tiết kiếm được khá nhiều chi phí về vật tư, ngày công là công tình nghĩa cả làng, cả xóm giúp. Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn của nhà nước, gia đình ông Lương chỉ góp thêm 15 triệu đồng nữa, đã hoàn thành một ngôi nhà chòi xinh xắn. Gia đình ông Lương thuộc gia đình chính sách, bây giờ hai ông bà đã ngoài tuổi bảy mươi và một đứa cháu gái chưa đầy mười tuổi. Những năm trước, lũ vừa  tràn vào ngõ đã thấy cán bộ xã đến dìu cả nhà đi lên rú sơ tán. Bữa ni cả gia đình ông Lương đã yên tâm bám trụ với căn nhà chòi hai gác kiên cố này.

Tôi trở lại xã Sơn Thịnh, ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã hồ hởi nói: “Xã ni nằm cạnh bờ sông Ngàn Phố nên năm mô cũng thành túi đựng nước cả. Mưa một trộ lớn dân đã ào lên rú Thiên Nhẫn tránh lụt. Chính vì thế, Quyết định 716 - TTg của Thủ trướng chính phủ ban hành, chẳng khác gì chiếc phao cứu sinh cho dân ở vùng bị ngập nặng. Xin báo tin để các anh mừng, Sơn Thịnh đã huy động được vốn vay từ ngân sách trung ương và vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chinh sách xã hội gần 1 tỷ đồng đã giải ngân kịp  thời. Hơn 1 tỷ đồng nữa, nguồn của các tổ chức từ thiện và con em xa quê  tiếp sức. Nhờ vậy, việc triển khai xây dựng 50 nhà chòi tránh lũ đã sớm về đích và đạt chất lượng cao”. Ồng Cường dẫn chúng tôi thăm hai mô hình nhà chòi tránh lũ. Nhà của chị Đặng Thị Nga, trú tại thôn Phúc Thịnh. Nhà chị ở cách bờ sông chưa đầy một trăm mét, nước ngập sâu nhất xóm, nên chính quyền địa phương xếp diện ưu tiên đặc biệt. Với số vốn chỉ xấp xỉ 50 triệu đồng, nhóm thi công đã thực hiện thành công ngôi nhà chòi vượt xa mực nước dâng cũ khoảng hai mét. Rời nhà chị Nga đến thôn An Thịnh, tôi thấy ngạc nhiên hơn bởi ngôi nhà chòi của bà Bùi Thị Quy, thiết kế độc đáo thêm một cầu thang vịn, bằng xi măng bước lên tầng hai. Căn gác hai, từ nền lên đỉnh nốc cao hơn ba mét, rộng khoảng năm chục mét vuông được chia làm hai phòng: phòng người ở và phòng nhốt gia súc. Bà Quy bộc bạch: “Gia đình tôi nuôi hai con lợn đại bạch và sáu con dê. Năm mô lụt về cũng lo về đằng ngoại gửi, dừ có nhà chòi ni, tui thấy nhẹ hẳn người”.

Chao ôi! có đến với dân ở những vùng “rốn lũ” mới hiểu được giọt nước mắt cay đắng của dân khi bị lũ cướp mất người vào tài sản bao nhiêu, mới thấu hiểu được giọt nước mắt hạnh phúc của họ, khi xây được ngôi nhà tránh lũ bấy nhiêu.

Càng đi tôi lại càng thấy, ở đâu trên trên mảnh đất Hà Tĩnh khắc nghiệt này, dân mình cũng đều chịu khó làm ăn, trong khó khăn lại càng giàu óc sáng tạo. Câu chuyện làm nhà phao tránh lũ của ông Dương Kim Thành (thôn Kim Tiến, xã Điền Mỹ) là một ví dụ. Ông Thành cho biết, sáng kiến làm nhà phao tránh lũ của ông bắt đầu từ nghề nuôi cá lồng bè trên sông Ngàn Sâu. Chiếc nhà phao do ông tự chế, với diện tích 35 m2, chiều cao 3 mét và  4 bốn chiếc thùng phuy cố định, được đặt ở bốn gốc. Nhà phao được chằng néo cố định bằng hai cột gỗ lớn cắm sâu xuống đất, nên khi gặp gió giật, sóng đẩy cũng không bị nghiêng ngữa. Nước lên nhà lên. Nhà phao tránh lũ có trọng tải khoảng 6 tấn, nên mỗi khi lũ về, gia đình ông Thành yên tâm sống chung với lũ trên nhà phao này.

 Xu hướng sống chung với lũ, một lộ trình tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đi từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Theo ông Lưu Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Hà Tĩnh cho biết: Kể từ năm 2015, xây dựng 2 mô hình thí điểm ở Phương Mỹ và Sơn Thịnh, đến nay có tới gần 800 gia đình hộ nghèo ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và thành phố Hà Tĩnh.. được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi  để xây nhà tránh lũ, với số vốn hơn 10 tỷ đồng.

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ

Nhận trọng trách Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Hoàng Trung Dũng thường xuyên đau đáu lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì có hại cho dân thì nên tránh. Sau trận lũ lịch sử năm 2020 xẩy ra trên địa bàn Hà Tĩnh vừa qua, khi trận mưa nghiêng trời chuyển đất, cả tỉnh gồng mình cứu dân, cứu hồ Kẻ Gỗ. Từ  những chuyến đi khảo sát, chỉ đạo tiếp ứng lương thực, thực phẩm và thuốc men cho dân ở vùng rốn lũ, Bí thư Hoàng Trung Dũng nghiệm ra rằng: Xây nhà tránh lũ cho dân là một việc làm thiết thực và hiệu quả, nhưng nếu mỗi thôn, mỗi làng biết chung sức đồng lòng để xây dựng được nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ bão cho dân bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ tạo nên một tiện ích hoàn hảo. Bởi vì chức năng của nhà này có hai lợi thế: những ngày thường, đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa phong phú của từng thôn, khi bị lũ bao vây có thể đưa nhiều gia đình đến đây sơ tán. Có được ngôi nhà này, những chuyện bất ngờ xẩy ra như phụ sản sinh con, người ốm đau được thông tin sớm và kịp thời cứu chữa. Họ không sợ sự cố khi bị lũ vây và chưa có nhà tránh lũ, hàng cứu trợ nhân đạo cũng đến sớm hơn với họ. Sau nhiều cuộc hội kiến, Ban thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất ban hành Nghị quyết 01- NQ-TU về những định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có nội dung quan trọng và thiết thực Xây nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ cho người dân. Nghị quyết như một tia nắng mới rọi vào từng vùng quê trên địa bàn Hà Tĩnh. Từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, đâu đâu cũng hào hứng xây nhà cộng đồng kết hợp tránh bão lũ cho dân. Năm 2021, chương trình 152 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ trên địa bàn toàn tỉnh, đang lần lượt ra đời. Từ  xã Điền Mỹ tới Lộc Yên (Hương Khê), đâu đâu cũng xuất hiện gạch, xi măng, cát sỏi và những cột thép vươn lên ngạo nghễ trong ánh chớp xanh của thợ hàn, trong giọt mồ hôi lăn tròn của thợ xây đang hối hả thi công công trình: Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ. Ông Ngô Xuân Ninh cho biết: “Huyện đang triển khai 12 mô hình này tại các thôn xã và sớm hoàn thành trước mùa lũ năm 2021”.

Năm nay lũ chưa về, nhưng người dân ở các thôn Văn Khang xã Tùng Châu, thôn Tiền Phong xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) đã thở phào nhẹ nhõm. Một chủ trương đúng, cách làm hay, thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống nhân văn, tương thân, tương ái của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ cho người dân, giúp họ nghiệm ra rằng, chỉ có ý Đảng hợp lòng dân, chỉ có lòng thủy chung son sắt và đạo lý truyền thống dân tộc Việt mới làm nên điều kỳ diệu ấy.

                                                                                                   8/2021

   P.T.C

Mô hình nhà chống lũ ở Miền Trung 

. . . . .
Loading the player...