04-10-2021 - 07:39

BÁC HỒ VỚI MỸ THUẬT*       

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 9/2021 trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Lê Anh Tuấn - "Bác Hồ với mỹ thuật"

 

Năm 1946, Bác qua Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau, ông Vũ Đình Huỳnh thư ký của Bác khi đó kể lại cuộc tái ngộ của Bác và danh họa Picasso, sau 35 năm xa cách. Một hôm Bác gọi tôi đến, nói: “Chú thay quân phục, mặc thường phục đi với tôi ngay bây giờ”. Lúc lên xe đi một quãng Bác mới cho hay:

- Hôm nay chúng mình đến thăm nhà danh họa Picasso.      

Tôi ngạc nhiên:

- Bác cũng quen họa sỹ Picasso à?

Bác nói:

- Giả sử không quen biết từ trước, thì đến thủ đô Paris này chúng ta vẫn phải đến chào một con người sáng tác hội họa khó hiểu mà nghệ thuật của tranh ông lại làm nhiều người mê. Thì ra năm Bác Hồ 21 tuổi đặt chân lên đất Pháp, Bác đã gặp họa sĩ Picasso (lúc đó 30 tuổi) đã nổi danh trên lĩnh vực hội họa khắp châu Âu. Hai người kết bạn với nhau… Picsso đưa Bác thăm phòng tranh của mình và xin Bác cho một lời khuyên.

Bác nói:

- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Một lời bình về tranh Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh, anh miễn cho tôi, một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm.

Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:

Nhưng hôm nay anh Nguyễn là Hồ Chủ Tịch, người đi hàng đầu cuộc đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác trên toàn thế giới.

Khi đã là một nguyên thủ quốc gia, dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn quan tâm đến mỹ thuật, một lĩnh vực Người rất yêu và am hiểu. Khi ở chiến khu Việt Bắc, được tin anh chị em họa sĩ kháng chiến mở triển lãm nhân dịp Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến và chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai. Trước ngày khai mạc, Bác bận không đến được, Người đã viết thư gửi các họa sỹ. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Đó là một ngày đầu đông giá lạnh tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, thư Bác đến làm ấm lòng các nghệ sỹ, và mãi mãi đó là ngày không thể quên được của các họa sỹ kháng chiến. Ngày đó giới mỹ thuật cả nước chọn là ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam: Ngày 10 tháng 12.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, Mỹ thuật cũng như văn học nghệ thuật nói chung rất được sự quan tâm của Người. Những năm bôn ba ở nước ngoài Bác đã làm thơ, viết báo, vẽ tranh biếm họa, minh họa, cổ động in trên báo chí công khai và bí mật. Danh họa Picasso khi xem tranh của Bác, đã từng nói: “Chỉ mấy nét vẽ này tôi đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn tiềm ẩn bên trong”. Và ông khẳng định: Nếu như Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường hội họa thì có thể trở thành một họa sỹ…

Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta quả là một nghệ sỹ lớn, Người là một nhà thơ, một họa sỹ, một nhà sáng tác vĩ đại và vĩ đại hơn nữa là chính bản thân Người là một kiệt tác nghệ thuật hoàn hảo của giai cấp vô sản của dân tộc Việt nam và của cả thế giới… Những thiên tài kiệt xuất thường là những bậc tài hoa lỗi lạc, nhưng chất tài hoa lỗi lạc của Người lại phát tiết từ lòng yêu nước thương nòi.

Từ những ngày đầu giành độc lập dân tộc, đất nước non trẻ gặp vô vàn khó khăn, Bác và Chính phủ phải đối đầu với thực dân Pháp tàn bạo và hùng mạnh, nhưng quan tâm đến văn hóa, văn nghệ là bản chất hiếm có của Người. Nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc được Bác tạo điều kiện để sáng tác.

Người nói: “Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, dân quân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng, không có nhân dân thì không có Bác”. Nhưng khi cần có tác phẩm về Bác để tuyên truyền cho nhân dân trong nước và thế giới biết về cách mạng Việt Nam thì Bác sẵn sàng. Và những tác phẩm kinh điển đã ra đời từ đó…

Người từng ngồi mẫu để các nghệ sỹ nghiên cứu, ghi chép, lấy tài liệu cho những sáng tác của mình. Trong khi ngồi Bác sẵn sàng chiều theo yêu cầu nghề nhiệp của nghệ sỹ, nào là chuyển bàn làm việc cho đủ sáng, kê bàn lên bục cao để mọi người đều thấy rõ, vừa đọc sách báo, vừa hỏi chuyện thân mật, đôi khi nói chuyện vui để mọi người thoải mái nét vẽ mới phóng khoáng, sinh động…

Sáng tạo nghệ thuật là trình bày một quan niệm, một nhận thức… Một khi quan niệm đã không đúng thì nhận thức có cao siêu đến mấy cũng không thể ra đời một tác phẩm chân chính. Thực ra trong sáng tạo giá trị nghệ thuật phụ thuộc vào đối tượng được sáng tạo và người sáng tạo. Đối tượng sáng tạo là những bậc cao nhân thì mọi cái tinh túy của họ đều nằm ở sự giản dị, bình thường như cái mọi người mong muốn, điều có cả ở Bác, chả vậy mà Người đã khẳng định: “Không có nhân dân thì không có Bác”. Bác thường nói: “Chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh. Làm văn nghệ phải chú ý đến đối tượng phục vụ là nhân dân, viết, nói phải dễ hiểu”.

Bác đến với Mỹ thuật chính là ở tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho cả một loại hình nghệ thuật, ở tấm lòng yêu thương và quý trọng nghệ sỹ. Bác đưa Mỹ thuật vào chính trị một cách tự nhiên mà các nghệ sỹ yêu nước đều thấy vinh dự. Họ hết lòng sáng tạo vì nhân dân, suốt đời kính yêu Bác, một lòng phụng sự Tổ quốc, đặt Tổ quốc lên trên hết.

Hà Tĩnh, tháng 9 năm 2021

Lê Anh Tuấn

                                                                  

 

_____________

(*) Tư liệu: Mỹ thuật với Bác Hồ. NXB Hội Mỹ thuật Việt Nam 2002

. . . . .
Loading the player...