03-07-2019 - 06:01

Ầu ơ… Cu đơ phải nhớ chè xanh…

Nhận được món quà quê mẹ gửi, tôi háo hức lao nhanh ra bến xe để kịp nhận. Lũ bạn xóm trọ cứ đợi tôi về trong niềm háo hức. Chúng thầm tưởng chắc mẹ sẽ gửi lên một con gà béo mẫm, một cây giò lụa thơm lừng, chục trứng gà mới đỏ tươi. Ấy thế mà khi tôi mở ra, tất cả lại chưng hửng đồng thanh: “Cu đơ à…” rồi nháy mắt bỏ đi….

      Tôi hiểu tiếp sau đó mình phải làm gì với lũ bạn. Cầm lên chiếc bánh cu đơ chẳng cần bóc lớp ni lon bên ngoài, cứ thế đưa qua mũi vẫn cảm nhận được cái hương thơm dìu nhẹ, ngọt ngào. Cắn thêm một miếng cảm giác như mình trở về cái tuổi tròn năm được mẹ vừa cho ăn cu đơ, vừa ầu ơ đưa cánh võng. Cả một bầu trời kí ức tuổi thơ ùa về nơi đô thị phồn hoa, xa lạ.
      Ở quê tôi, một đứa trẻ kể cả chưa đầy năm cũng đã có thể được nếm hương vị của cu đơ. Dải đất miền Trung đầy nắng gió ấy, nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy cát và nắng, người ta ắt tự hỏi nơi đây có gì để những người con xa xứ phải nhớ về. Có đôi khi chẳng cần cao lương mĩ vị gì đâu, chỉ cần một chiếc bánh cu đơ, đưa vào miệng cũng đủ khiến những đứa xa nhà như tôi ứa nước mắt. Bởi trong từng thớ bánh ấy đã gói ghém tất cả hương vị đồng nội cùng sự tần tảo, chắt chiu của bà, của mẹ. Cứ thế từng chiếc bánh theo tuổi thơ của chúng tôi lớn lên, tự nhiên thấm đẫm, hòa quyện vào nhau, khắc sâu vào tiềm thức đến nỗi dù ở bất cứ phương trời nào vẫn tự nhắc mình còn một nơi cần phải nhớ về. 
      Người ở làng tôi cứ gặp nhau là mời nhau cu đơ. Ai đi xa về cũng đều được mời chiếc cu đơ đầu tiên. Chẳng phải vì quê tôi không có gì để mời nhau, mời khách. Mà chỉ đơn giản, cu đơ là một phần của hồn quê, của tuổi thơ sâu lắng mà những năm tháng trải đời sau này sẽ mãi không thể nào cảm nhận lại được, chỉ còn biết nhờ vào chiếc bánh cu đơ. 

     Thấy lũ bạn trong xóm nhét miếng cu đơ vào miệng nhai một cách ngấu nghiến mà tôi bật cười. Người quê tôi thưởng thức cu đơ lại chẳng như thế mà cũng chẳng phức tạp hơn là bao nhiêu. Một ấm chè xanh thêm chút gừng, nhâm nhi cùng một miếng cu đơ thì bao nhiêu không khí oi nóng của ngọn gió Lào thổi tới cũng đều tan biến hết. Vị chát của chè xanh mới hái, vị cay thơm của gừng tươi quyện vào phần bánh cu đơ ngọt dịu, bùi bùi, thấy như tất cả hương vị của tình người, của yêu thương trong đó. 
     Cứ mỗi lần mẹ hay bà làm bánh là lũ trẻ chúng tôi lại xúm vào để mà xem. Chẳng lạ mà đứa nào cũng háo hức. Nguyên liệu thì dân dã, lúc nào cũng sẵn có trong nhà từ bánh tráng mỏng đến mật mía, lạc, gừng nhưng cách làm thì lại chẳng hề đơn giản như cách người ta ăn bánh. Không cầu kĩ mà lại cần sự tỉ mỉ, cẩn thận cùng đôi bàn tay khéo léo của người làm bánh. Nhìn bà, nhìn mẹ quấy mật, tay dẻo như nghệ sĩ múa nhưng những giọt mồ hôi vương trên trán lại đậm chất người nông, bất giác thấy sống mũi mình cay. Giờ xa nhà, mà cứ nhìn thấy chiếc bánh cu đơ lại thấy cả một cánh đồng trước mắt với hình ảnh những người dân quê tôi lam lũ, vất vả, thấy tấm lưng còng của mẹ, đôi chân trần của cha. Nhớ những chiều lũ trẻ chúng tôi thả diều, tắm sông, nô nhau trên triền cỏ rồi tranh nhau một miếng cu đơ bé tí tẹo. Mọi thứ đều thô mộc, giản dị mà sao thấy thương không kể hết bằng lời.
     Đi xa rồi, cuộc sống ồn ào, bụi bặm, phồn hoa dù có được thưởng thức muôn vàn món ngon vật lạ thì vẫn cứ mãi nhớ về cu đơ, nhớ về mảnh đất khô cằn, đá sỏi, nắng cháy da cháy tóc nhưng lại bình dị, chân tình. Nơi đó có hai chữ gia đình sẵn sàng đón nhận những đứa con xa xứ trở về bên vòng tay ấm áp. 


Tố Quyên
 

. . . . .
Loading the player...