28-07-2019 - 07:33

Áo tơi ngày mùa…

Mùa nắng, nhìn trên phố, ai nấy khi ra đường đều mang kính, mũ, giày, áo, váy, găng tay chống nóng, còn ở quê tôi, chỉ có duy nhất chiếc áo tơi theo người dân ra đồng. Áo tơi giống như chiếc áo giáp thần kỳ thân thiết, gần gũi, dân dã với mỗi con người nơi đây

     Thoắt cái rồi kì nghỉ mong đợi nhất trong năm của chúng tôi cũng đến. Nhà đang bận vụ, tôi hối hả khăn gói về quê luôn. Cô bạn thân học cùng lớp cũng chạy theo hớn hở xin về cùng. Thế là chuyến xe hôm ấy tôi có bạn đồng hành. 
      Cửa xe khách vừa mở, cái khí nóng oi nồng, hầm hập ở bên ngoài đường phả hắt vào ô tô khiến cô bạn tôi lấy tay che nhanh mặt lại. Tôi bụm miệng cười thầm nghĩ chỉ có dân phố mới sợ nắng như sợ ma chứ còn dân quê chúng tôi, không có nắng thì khó sống, không có nắng thì lại thấy nhớ nhung. Mẹ đợi sẵn bên đường vẫy tay, tôi mỉm cười kéo tay cô bạn băng nhanh sang đường. Mẹ đưa cho hai chiếc áo tơi, tôi đưa cô bạn một cái, nó lắc đầu nhìn tôi đầy khó hiểu, tôi cười tếu: “Dân quê tao gọi nó là áo tơi, nắng tháng 6, tháng 7 phải mặc áo tơi này mới đúng mốt”. Thế đấy, bài học đầu tiên mà con bé được học ở quê tôi chính là cách mặc áo tơi.
   Người ở nơi khác đến mà nghe dân quê tôi nói đi đón nhau nhớ mang theo áo tơi chắc họ sẽ bụm miệng mà cười thầm. Trời nắng nóng như đổ lửa, mặc áo mưa thì có mà chết ngộp, rồi lại chẳng hóa dở hơi. Nhưng nhìn chiếc áo tơi của dân quê tôi rồi thì có lẽ nụ cười sẽ tắt mà nhường vào đó là nỗi suy tư cứ miên man kéo dài mãi. Áo lá mà sao lại gọi là áo tơi?
   Nhắc đến áo tơi, người vùng khác sẽ nghĩ ngay đó là chiếc áo thường mặc ngày mưa để tránh cho người khỏi ướt. Ấy thế mà áo tơi của người quê tôi lại không chỉ che mưa mà còn che cả nắng. Cái nắng tháng 6, tháng 7 đủ khiến nước nóng bỏng sau một vài giờ ở ngoài trời nếu không có những chiếc áo tơi ấy thì chắc những người làm đồng như cha mẹ tôi làm sao chống chịu nổi với sức nóng khủng khiếp, rát bỏng. Mùa nắng, nhìn trên phố, ai nấy khi ra đường đều mang kính, mũ, giày, áo, váy, găng tay chống nóng, còn ở quê tôi, chỉ có duy nhất chiếc áo tơi theo người dân ra đồng. Áo tơi giống như chiếc áo giáp thần kỳ thân thiết, gần gũi, dân dã với mỗi con người nơi đây.

Áo tơi ngày mùa ( Ảnh: Minh Chiến)

    Lá cọ cùng với cái nghề chằm tơi đã trở thành cái nghề nuôi sống biết bao nhiêu con người ở nơi đây. Mọi thứ gắn bó, hòa quyền cùng nhau, mộc mạc, giản dị mà lại cứ quấn quýt, không thể tách rời. Mỗi sớm ra đồng cứ phải bắn một bi thuốc lào, nhấp một ngụm trà, khoác chiếc áo tơi trên vai thì dù mưa như xối hay nắng như đổ lửa thì ông bà, cha mẹ vẫn có thể vượt qua. Cái khó, cái khổ sẽ càng chỉ khiến cho con người yêu thêm lao động, ngày nắng mà có áo tơi thì nắng lại chưa bao giờ đẹp trong kí ức đến như thế.
   Người vùng khác nhìn áo tơi giống như một thứ chống nắng tầm thường, không có thì mặc áo vải, che ô, nhưng người quê tôi chỉ có chiếc áo tơi ấy làm bạn trong những ngày ra đồng đầy nắng. Nắng có thế hay nhiều hơn nữa thì cũng chỉ có một chiếc áo tơi. Áo tơi nhiều khi tôi nghĩ nó chẳng giống như chiếc áo lá bình thường, nó là nơi neo giữ hồn quê cho mỗi đứa con xa nhà như chúng tôi. Nó gần gũi, mộc mạc, giản dị như người dân quê nhưng lại ấm áp tình người, tình làng, tình gia đình trong đó. 
   Bản thân tôi, mỗi lần khoác lên chiếc áo tơi theo mẹ ra đồng, chỉ có một vài ngày thôi nhưng nghe những giọt mồ hôi chưa kịp cúi xuống đã lăn thẳng vào khóe miệng mà thấy xót xa. Người quê tôi còn nghèo, bố mẹ tôi quanh năm vất vả đồng áng cũng chỉ đủ nuôi chị em tôi ăn học. Ấy thế mà khoác áo tơi, che nón lá, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ tươi vui, cái nghèo, cái khổ dường như chẳng còn quan trọng bằng niềm vui được lao động hàng ngày trên chính mảnh đất mà mình yêu thương. Và dù người con nào đi xa quê gặp nhau vào những ngày hè nắng tháng 7 đều nhìn nhau mỉm cười mà miệng nhẩm câu ca dao:
“Áo tơi mẹ mặc một thời
Che mưa, che nắng, che trời bão dông
Hai sương một nắng trên đồng
Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày hè…”.

 

Tố Quyên


 

. . . . .
Loading the player...