23-09-2021 - 10:40

Âm hưởng một miền thơ

Văn học nghệ Thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Âm hường một miền thơ" của Nhà lý luận phê bình Hà Quảng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 180

1. Tiếp nối truyền thống của những thế kỷ trước, thế kỷ hai mươi, nhất là sau Cách mạng tháng Tám, Hà Tĩnh vẫn đóng góp cho thi đàn dân tộc nhiều tên tuổi: Xuân Diệu, Huy Cận, Chính Hữu, Phạm Ngọc Cảnh, Hồng Chinh Hiền, Ngô Thế Oanh, Cẩm Lai,  Hồ Minh Hà, Thái Giang, Hoàng Thị Minh Khanh, Xuân Hoài… Các tác giả Hà Tĩnh đóng góp cho thơ ca hiện đại Việt Nam nhiều tác phẩm đỉnh cao và ít nhiều trong số tác phẩm thành công đã tạo nét riêng cho dòng thơ xứ Nghệ. Có nhà phê bình đã cho rằng: các nhà thơ Xứ Nghệ là những cây bút cự phách trong các thể loại lục bát, năm chữ, thơ tứ tuyệt thơ tự do và cả trường ca...

Một miền thơ có những nét riêng về bản sắc tâm hồn cũng như phong cách nghệ thuật, tiếp tục những vẻ đẹp truyền thống, càng nổi bật hơn với những sáng tạo trong thời kỳ mới. Trong nền thơ Việt hiện đại có rất nhiều tác giả Hà Tĩnh nổi tiếng, riêng nói về việc cách tân thơ, nói về sự đổi mới thơ, nhiều tác giả nghiêng về phía chủ trương trước hết đổi mới cách nhìn, cách cảm “hãy nhìn đời bằng cặp mắt xanh non” (Xuân Diệu). Về nghệ thuật, thơ đổi mới trên hai phương diện, một về kỹ thuật tạo tác câu chữ, hai về việc đổi mới thủ pháp xây dựng hình tượng.

2. Nhớ những năm sáu mư­ơi thế kỷ trước, cùng với những khuôn mặt thơ tiêu biểu, thơ Hà Tĩnh có nhiều tác giả với những bài thơ được giải cao trong các cuộc thi quốc gia, những bài thơ sống mãi trong lòng bạn đọc: Những ngôi sao (Xuân Hoài), Nơi giấu xe (Lê Duy Phương), Bè xuôi Sông La (Vũ Duy Thông), Đàn trâu Nghệ (Nghiêm Đa Văn), Mừng chiến thắng trời quê (Duy Thảo), Bài học từ Hương Phúc (Minh Nho)… Họ đu­ợc chào đón nồng nhiệt! Các anh lúc bấy giờ tuy không có điều kiện để gọt rũa chăm chút câu chữ, như­ng thơ các anh vẫn mới mẻ và có giọng điệu riêng, khó nhầm lẫn. Phải chăng, khả năng sáng tạo đó nhờ vào một nền tảng văn hoá tích luỹ công phu bao nhiêu năm trên ghế nhà trường, cộng với vốn sống phong phú và tình cảm mãnh liệt. Thơ Hà Tĩnh thường mạnh ở hồn cốt, ở sự giàu có đẹp đẽ tâm hồn chứ không ở sự thôi xao về hình thức câu chữ!

Trên chặng đường mới, một thế hệ nhà thơ xuất hiện có nhiều tác giả tạo được ấn tượng trong lòng độc giả bằng sự định hình phong cách như: Duy Thảo, Ngọc Phú, Tùng Bách, Bùi Quang Thanh, Lê Quốc Hán… và nhiều cây bút mới đang không ngừng tìm tòi tự khẳng định. Thơ không đơn điệu, ở các tác giả đã thể hiện bu­ớc đầu sự đa dạng của những cá tính, của sự nỗ lự­c không lặp lại ngu­ời đi trư­ớc. Trong dòng chảy của thơ đương đại, hòa vào quỹ đạo thơ cả nước, các tác giả Hà Tĩnh đã có một sự đổi thay về cách viết, tạo được một số nét mới trong nội dung cũng như thi pháp. Các tác giả bây giờ không chỉ hướng thơ về phía những chủ đề hào hùng của lịch sử cách mạng, mà mở rộng viết nhiều cả về phía đời thường theo cách nói của Maiacôpxki  “trên mặt đất nơi nào chả có thơ”. Họ viết về lịch sử hào hùng, về quê hương đổi mới, về cuộc sống biến thiên đa dạng, về gia đình cha mẹ anh chị em, về tình bè bạn (Nguyễn Văn Thanh, Phan Trọng Tảo, Trần Nam Phong),  những hoài niệm cũng tạo một dấu ấn trong các sáng tác (Yến Thanh, Quỳnh Hoa). Một nét mới là nhiều tác giả viết về những nghịch lý, nghịch cảnh trong xã hội. Đề tài khá nổi bật thu hút nhiều cây bút là tình yêu với đủ các màu sắc (Nguyễn Thị Hạnh Loan, Hồ Minh Thông, Ngọc Mai…). Hàng chục tập thơ xoay quanh chủ đề  quê hương đổi mới, tô đậm hình ảnh mảnh đất nghèo khó năm xưa đang dần đổi thịt thay da, tưng bừng hào khí đô thị hóa: Duy Thảo (Lối về), Nguyễn Ngọc Phú (Biển và tôi), Tùng Bách (Bước thời gian), Bùi Quang Thanh (Cánh đồng thờ̀i gian ), Phan Trung Hiếu (Tự khúc), Trần Nam Phong (Viết chờ sen lên), Nguyễn Thị Hạnh Loan (Sải cánh giữa chiêm bao),  Lê Văn Vỵ (Dấu thời gian)…

Thơ Hà Tĩnh đương đại có nhiều tiềm thế. Cái thế quan trọng nhất là bám vào thực tiễn quê hương mà sáng tạo, tuy nhiên cũng có những quãng "dừng cần vư­ợt qua để “đậu" đ­ược lâu bền trong tâm hồn ngư­ời đọc. Nhớ lại câu thơ của Chế Lan Viên: “Máu thấm vào lòng đất đã sâu/ Sao trang giấy lòng anh suy nghĩ cạn”, thơ Hà Tĩnh đọc lên ít nhiều thấy sự đơn giản của đời sống. Những suy tư, những tình cảm mà các tác giả thể hiện chưa xao động mạnh tâm tư con người thời nay, trong một xã hội nhiều biến động, nhiều mâu thuẫn. Thơ không lấn sân văn xuôi về sự thể hiện những mâu thuẫn đa dạng trong đời sống mà phát huy ưu điểm thể hiện chiều sâu tâm hồn, những rung động tinh tế cũng như những trắc ẩn sâu xa. Thoáng một vài suy tư trong thơ các tác giả, vài nỗi niềm trong các tác phẩm thành công gây ấn tượng với người đọc cũng đáng quí nhưng chỉ thoáng qua! Những câu thơ nặng thế thái nhân tình, đọng lại trong tim người đọc đang còn là mong mỏi, những câu thơ có thể giúp người đọc “vịn câu thơ mà đứng dậy” lại càng hiếm!…

3. Về nghệ thuật, Thơ Hà Tĩnh học tập ngư­ời xư­a ở tính hàm súc, đa nghĩa. Thơ cốt gợi mà ít tả. Những khoảng lặng trong thơ có giá là vì vậy. Khi Duy Thảo viết những câu thơ mộc mạc: Bạn lên mấy chuyến lỡ rồi/ Biết mình sức yếu đành ngồi lại đây/Thôi thì lấy rủi làm may/ Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua  (Lỡ đò), người đọc có thể thấy rõ một triết lý về đạo đức về lối sống. Để đi qua chuyến đò đời không phải cứ chen lấn là được, phải kiên nhẫn, biết tùy sức, biết hoàn cảnh, chờ thời, lúc thuận tiện sẽ biến rủi thành may mà đến đích. Ông theo một triêt lý sống mà có lẽ phải từng trải, nhiều cọ xát với đời mới nghiệm ra cái hay mà ông bà tâm niệm dặn dò con cháu. Thứ hai là sự dụng công lập tứ. Thơ hay cốt ở "tứ". Nó là sự phối sinh giữa cá tính tác giả và đời sống đa sắc, đa hu­ơng. Sự phối hợp ý, cảnh, tình thế nào cho bài thơ hài hoà gây xúc động ng­uời đọc bằng con đửờng ngắn nhất. Có nhiều cách lập tứ mà các nhà thơ lớp trư­ớc đã lư­u ý. Lập tứ theo lối song song, lối điểm đọng, lối t­ương phản, lối nghi vấn hay giả t­uởng ...“Dạ - thương một tiếng ân tình”(Phan Duy Đường), bài thơ lập tứ theo lối biểu tượng khá độc đáo. Từ tiếng “dạ” trong lời một bài hát, tác giả cảm xúc nghĩ về con đường phát triển quê hương, tình cảm mẹ cha, làng xóm qua thời gian, không gian. Từ  một tiếng “Dạ” quen thuộc trong kho tàng ngôn ngữ bình dân, khái quát thành một tình yêu, sự tự hào về quê hương, sức sống mạnh mẽ của con người làng quê Hà Tĩnh, con người Việt Nam: “Dạ” từ cổ tích bay ra/Lời ru của mẹ thiết tha bao đời/Lặn trong cát bụi mặn mòi/ Cánh cò cánh vạc một thời gió mưa…

Thơ hiện đại ngôn ngữ thường “mở”, sinh động, gần với đời thư­ờng ít câu nệ theo những quy tắc cũ. Những con chữ bởi vậy nh­ư có hồn, lay động, ám ảnh độc gỉả lâu dài. Ngôn ngữ Việt giàu nhạc tính mà "đến với tâm hồn không gì sớm hơn âm thanh". Tác giả Phan Trọng Tảo, khá tiêu biểu trong khả năng mở rộng sức biểu cảm của thứ ngôn ngữ giàu màu sắc dân dã:…Vỡ giấc chiêm bao sục bùn mùa rơm rạ/ Con về rúc ngực mẹ ngủ say/Rấn rật tiếng gà đốt lửa mắt cay…/…Ngày mai gió đưa câu hát cố hương/Buôn buốt nhớ lăn tăn bờ cát mặn/…Câu ví giặm lướt sóng lăn dài/ Giọng lấy Kiều xôn xao hương lúa…Những câu thơ tỏ rõ tác giả khá tinh luyện, nắm được bản sắc, sự uyển chuyển của tiếng ta.

Sự tạo hình trong thơ Hà Tĩnh hiện đại khá phong phú, nhiều tác giả cố gắng tìm tòi đổi mới gây những xúc cảm thẩm mỹ mới lạ. Nhiều xúc cảm, suy nghĩ trừu tượng được các tác giả thể hiện bằng những biểu tượng cụ thể đánh mạnh vào cảm giác người đọc. Thủ pháp nghệ thuât biểu tượng trong bài thơ Con về tháng bảy (Đậu Thúy Hà) gây nhiều ấn tượng cho người đọc khi tác giả dùng những hạt mưa để biểu đạt nỗi nhớ thương, cánh cò, bông lúa biểu đạt những nỗi vất vả, nhọc nhằn của người dân quê tháng ngày nơi đồng ruộng:... Con hỏi ngoại sao mưa hoài không ngớt/ Ngoại bảo rằng nước mắt nhớ thương; hay:… Có cánh cò trên đồng ruộng quê hương/ Đôi chân gầy bám sâu vào lòng đất/… Có bông lúa oằn lưng nặng hạt/ Cơn gió heo may buông tiếng thở dài…  Những hình tượng thơ tuy quen thuộc nhưng không cũ nhàm mà gợi được những cảm xúc mới mẻ thích thú cho người đọc.

4. Nhân nói về thơ Hà Tĩnh không thể không nhắc đến Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII (2020). Trên cái nền hàng trăm cây bút có mấy chục tác giả thơ vào giải, một đội ngũ thật đông đảo. Điều rất mừng thơ Hà Tĩnh không chỉ đông về đội ngũ mà chất lượng sáng tạo có nhiều thay đổi rất phát triển so với những thời kỳ trước cả về nội dung cũng như nghệ thuật. Thơ các anh mở rộng về phương diện đề tài bám sát các mặt đời sống quê hương, đặc biệt thể hiện có chiều sâu tâm thức người viết trên cả hai phương diện tư tưởng lẫn tình cảm, nghệ thuật có nhiều đổi mới hòa được vào quỹ đạo nền thơ cả nước, hiện đại mà giàu bản sắc dân tộc. Cảm hứng lịch sử sâu sắc, bên những cảm xúc thế sự, cảm xúc tình yêu nồng nàn, chinh phục người đọc. Các tác giả mới Nguyễn Thị Hạnh Loan, Hồ Minh Thông, Lê Văn Vy, Trần Ngọc Mai vào giải một cách xứng đáng bên cạnh các cây bút đã khá ổn định về phong cách như Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Ngọc Phú, Phan Trọng Tảo, Quỳnh Như… Nhiều tác giả đã định hình thời chống Mỹ nay vẫn còn sung sức, bút lực dồi dào, cảm xúc nồng nàn, đã mang đến cho độc giả nhiều tác phẩm mới đầy ấn tượng. 

Đại biểu Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh với các văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII (2015-2020)

Ngôi đền thơ lộng lẫy xiết bao, ngôi đền ấy có hai ô cửa: ô đi vào thì người đông đúc, nhưng để trụ lại được, vững vàng trong đó thì rất ít, đa phần trôi theo ô đi ra phía sau! Thế đấy, quy luật đào thải của thơ khá khắc nghiệt. Người đọc băn khoăn, thơ Hà Tĩnh có tiếp nối đư­ợc truyền thống, nói một cách khác văn chương thời nay có thể hiện vẻ đẹp tư tưởng, tình cảm con người thời nay?. Cuộc sống và con người Hà Tĩnh có những nét đa dạng và phong phú riêng, thơ Hà Tĩnh đang trên đường phát triển cố gắng để phản ánh được vẻ đẹp đó, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần, văn hóa quê hương hòa chung tiếp bước cùng cả nước.

H.Q

 

. . . . .
Loading the player...